Sẹo rỗ gây lão hóa da khiến người bệnh thấy mình già trước tuổi, mất tự tin trước đám đông. Vậy sẹo rỗ là gì, có cách điều trị không? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phân loại sẹo rỗ như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ thông tin đến người bệnh các dạng sẹo rỗ thường gặp, giúp chẩn đoán chính xác và cách điều trị hiệu quả hơn.
Sẹo rỗ là gì?
Sẹo rỗ là trình trạng da xuất hiện các vết lõm sâu có kích thước, hình dạng không đồng đều trên bề mặt da. Khi tổ chức nguyên bào sợi ở trung bì bị tổn thương, đứt gãy, không sản xuất collagen, elastin làm mất khả năng tái tạo da, không thể lấp đầy vết thương nên khi vết thương lành để lại những vết lõm trên da.
Dù tình trạng này không gây ngứa ngáy, khó chịu, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các vết rỗ trên da (đặc biệt ở mặt) khiến người bệnh thiếu tự tin.
Phân loại các dạng sẹo rỗ thường gặp hiện nay
Để áp dụng các biện pháp điều trị sẹo rỗ hiệu quả, phù hợp với từng trường hợp bệnh, các bác sĩ khoa da liễu - thẩm mỹ da sẽ phân loại các dạng sẹo rỗ thường gặp hiện nay qua hình dáng như sau:
1. Sẹo chân đáy nhọn
Sẹo chân đáy nhọn có hình dạng như vật nhọn đâm sâu vào cấu trúc da. Sẹo thường rộng hơn 2mm và sâu hơn 0.5mm khiến bề mặt da lỗ chỗ, kém mịn màng,.. Các vết sẹo này chủ yếu là kết quả thứ phát do không điều trị mụn trứng cá dứt điểm. Đây là một trong những dạng sẹo rỗ khó điều trị.
2. Sẹo hình chân vuông
Sẹo hình chân vuông thường có các cạnh thẳng đứng, rộng hơn sẹo chân đáy nhọn. Chúng giống như một vết lõm lớn hoặc miệng núi lửa phổ biến ở dưới má, hàm. Những vết sẹo hình chân vuông được hình thành từ nặn mụn sai cách hoặc do hậu quả từ bệnh thủy đậu.
3. Sẹo hình đáy tròn
Để phân biệt loại sẹo hình đáy tròn với các loại sẹo rỗ khác, người bệnh quan sát qua các đặc điểm sau: các vết lõm có cạnh dốc, nhấp nhô trên bề như hình lượn sóng khiến da trông kém mịn màng. Sẹo hình đáy tròn hay còn được gọi là hình lượn sóng được tìm thấy nhiều ở má dưới và cằm, nơi da của bạn dày hơn.
4. Sẹo rỗ hỗn hợp
Lúc này tình trạng da xuất hiện tất cả các dạng sẹo rỗ đáy nhọn, chân vuông, đáy tròn,… làm da kém mịn màng hơn. Vì các nốt mụn sau khi lành không có một quy tắc hình thành sẹo rỗ giống nhau. Tùy thuộc vào đó là loại mụn gì, vết viêm nhiêm đó to hay nhỏ và cơ địa mỗi người mà sau một đợt mụn thì hình thành nên các dạng sẹo rỗ khác nhau. Loại sẹo rỗ hỗn hợp này rất dễ bắt gặp ở những người có sẹo rỗ trước đó.
Nguyên nhân gây sẹo rỗ
Sẹo rỗ được biết đến bắt nguồn từ các loại mụn gây nên, bên cạnh đó vẫn có một số nguyên nhân gây sẹo rỗ khác như: (1)
1. Mụn
Mụn là một trong những nguyên nhân phổ biến để lại sẹo rỗ. Đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, mụn trứng cá thường xuất hiện nhiều. Ngoài ra, các loại mụn khác như: mụn đầu đen, mụn bọc, mụn mủ… nếu không xử lý kịp thời sẽ khiến lỗ chân lông tắc nghẽn, dẫn đến tổn thương da. Các trường hợp mụn viêm nhiễm nặng vẫn gây ra sẹo rỗ, ngay cả khi để mụn tự lành.
2. Thủy đậu
Bệnh thủy đậu do virus varicella zoster gây nên, với các mụn nước khắp cơ thể, cùng với cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Bệnh thường khỏi từ 3 - 4 tuần, các nốt thủy đậu sẽ tự khô và thường không để lại sẹo. Tuy nhiên, một số trường hợp không được chăm sóc cẩn thận và đúng cách, các nốt thủy đậu vẫn để lại sẹo rỗ.
Nguyên nhân chính gây ra sẹo rỗ từ bệnh thủy đậu: da bị tổn thương do gãi quá nhiều vào các mụn nước gây vỡ mụn nước, tình trạng bệnh diễn biến nặng có tình trạng nhiễm trùng da làm mụn nước thành mụn mủ, hay do cơ địa dễ để lại sẹo. Sẹo rỗ từ bệnh thủy đậu mọc rải rác, không tập trung nhiều và bề mặt rộng từ 3 - 8mm.
3. Tai nạn
Tai nạn là việc mà chúng ta không biết trước được và gây tổn thương trực tiếp lên bản thân mỗi người khi gặp phải. Các tình huống gây nên các vết lõm trên da hay sẹo rỗ như: bị bỏng, vấp ngã trầy xước da, các vết thương sau sự cố tai nạn giao thông,.. Trong trường hợp này, việc trị sẹo rỗ khá khó vì chúng có kích thước khá lớn.
4. Phẫu thuật
Dù không muốn có sẹo rỗ trên da nhưng khi bạn phải phẫu thuật bằng dao kéo chắc chắn để lại các vết sẹo dù lớn hay nhỏ. Mổ nội soi ruột thừa là một trường hợp phổ biến tạo nên sẹo rỗ.
5. Các nguyên nhân khác
Ngoài các tác nhân kể trên, sẹo rỗ còn đến từ chăm da không đúng cách, viêm nang lông, áp xe da,.. Vì thế khi mắc các bệnh về da, bạn nên hỏi bác sĩ các di chứng để lại và chăm sóc da đúng cách nhằm hạn chế sẹo rỗ.
Dấu hiệu sẹo rỗ thường gặp
Để nhận biết sẹo rỗ không phải là vấn đề khó khăn, sau đây là một số dấu hiệu thường gặp:
- Sẹo rỗ là những vết lõm trên bề mặt da được hình thành khi tổn thương đã phục hồi. Các vết sẹo rỗ thường nhỏ hơn phạm vi kích thước vết thương và không gây ra hiện tượng đau nhức hay khó chịu nhưng khiến da bạn trở nên lồi lõm, khô nhám và sần sùi.
- Trong giai đoạn bị mụn, nếu bạn không chăm sóc đúng cách dễ dẫn đến tình trạng mụn viêm nặng. Ở quá trình này, phần mụn viêm có bọc mủ và tràn vào lớp hạ bì phá hủy tế bào da. Các tổn thương dễ dẫn đến sự tăng sinh quá mức của enzym collagenase, là enzym có khả năng phân giải collagen và giảm lượng collagen bên dưới bề mặt da. Sau khi các tổn thương do mụn lành, tạo sẹo rỗ.
- Tùy vào da bị tổn thương ở vùng nào mà xuất hiện sẹo rỗ tại đó. Nhưng phổ biến sẹo rỗ xuất hiện ở má, cằm nguyên nhân đến từ tổn thương do mụn. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào cơ địa mỗi người mà khả năng mụn rỗ xuất hiện cao hay thấp. Ở những người ít bị sẹo hơn những người khác thì khi bị mụn viêm không cần quá lo lắng về sẹo rỗ. (2)
Các vị trí sẹo bị rỗ trên da mặt phổ biến
Da chiếm toàn bộ trên cơ thể nên những tác động từ bên ngoài thường gây tổn thương lên da trước. Phần da trên khuôn mặt bị tổn thương hơn cả vì da khá mỏng. Từ đó xuất hiện tình trạng sẹo rỗ, tại các vị trí phổ biến như:
1. Ở trên mặt
Thói quen dùng tay nặn mụn, đây là một điều không tốt vì các vết mụn dễ viêm nhiễm hơn. Da mặt mịn màng và mỏng, khi đưa tay lên mặt vô tình đưa vi khuẩn bụi bẩn từ tay tiếp xúc với da. Lúc này da mặt tự bảo vệ bằng cách làm dày lên để bảo vệ độ bao phủ làn da.
Các lỗ chân lông có mụn cám, mụn trở nên sâu hơn và dễ hình thành sẹo rỗ khi hết mụn. Đây là trường hợp khá đặc biệt, nguyên nhân gây sẹo rỗ không phải do mất collagen mà do lớp da dày lên và vùng mụn lõm xuống.
Một phần khác, ở nữ giới khi da mặt tiếp xúc với nhiều loại mỹ phẩm khác mà không tẩy trang kỹ càng khiến lỗ chân lông tắc nghẽn. Từ đó, hình thành mụn trứng cá, nguyên nhân hàng đầu của sẹo rỗ.
2. Ở trên mũi
Mụn đầu đen, thường xuất hiện ở mũi với các hạt nhỏ li ti. Nhiều người nghĩ rằng chúng nhỏ nên không đáng lo ngại về nguy cơ để lại sẹo. Tuy nhiên, mụn đầu đen là nguyên nhân gây ra sẹo rỗ ở nhiều người đặc biệt là nam giới. Ngoài mụn đầu đen xuất hiện ở mũi thì vẫn có mụn cám cám cũng gây sẹo rỗ.
Phân loại tình trạng sẹo rỗ trên mặt theo mức độ
Tình trạng sẹo rỗ được phân 3 cấp độ khác nhau.
- Nhẹ: Sẹo lõm nhẹ là trình trạng khi người khác tiếp xúc gần họ mới nhận ra hoặc khi chạm tay vào mới cảm nhận được. Và trên khuôn mặt chỉ xuất hiện một vài vết lõm nhẹ ở một số khu vực. Mức độ này che lấp được bằng cách trang điểm hoặc dùng kem.
- Trung bình: Các vết sẹo rỗ xuất hiện dày đặc hai bên má. Bề mặt da lúc này xuất hiện các vết lõm trông thấy rõ ràng.
- Nặng: Sẹo rỗ gần như chiếm chọn khuôn mặt bạn như: hai bên má, vùng trán, cằm,..với các vết sẹo rỗ lõm sâu xuống bề mặt da. Điển hình cho tình trạng sẹo rỗ nặng là bạn gặp sẹo hình chân đáy nhọn hoặc dạng hỗn hợp.
Sẹo rỗ có tự đầy được không?
Sẹo rỗ không thể tự đầy lên. Sẹo rỗ là quá trình chữa lành sau khi da bị tổn thương. Chúng tạo nên sẹo một phần để làm hàng rào che chắn cho da khỏi vi khuẩn và các tác nhân gây hại khác. Đây được xem như một dạng tổn thương vĩnh viễn vì các nguyên bào sợi bị đứt gãy không thể sản xuất tiếp collagen.
Sẹo rỗ để lâu các liên kết đứt gãy không được hoạt động như ban đầu, trở nên chai sần khó điều trị.
Sẹo rỗ có trị được không?
Có! Với y học hiện đại ngày nay, điều trị sẹo rỗ không quá khó. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn tùy thuộc vào tình trạng sẹo rỗ. Ngoài ra, người bệnh cần đến các cơ sở trị sẹo rỗ uy tín, khám và nhận định đúng tình trạng, lựa chọn phương pháp phù hợp, cách chăm sóc sau điều trị,..
Sẹo rỗ lâu năm khi điều trị sẽ tốn nhiều thời gian và khó đạt hiệu quả hơn so với vết sẹo mới.
Sẹo rỗ gây ảnh hưởng như thế nào đến đời sống?
Người bị sẹo rỗ mất tự tin trước đám đông và trở nên kém hấp dẫn với người khác giới. Sẹo rỗ không gây đau nhưng ảnh hưởng đến đời sống tinh thần. Khi bị sẹo rỗ, người bệnh giảm cơ hội tìm việc làm, nhất là ở lĩnh vực cần ngoại hình bên ngoài.
Chẩn đoán tình trạng sẹo rỗ
- Khám da: bác sĩ sẽ khám da và dùng đèn led để kiểm tra tình trạng da, phân loại da.
- Soi da: việc soi da không đau, diễn ra nhanh chóng, giúp bác sĩ tối ưu việc chẩn đoán tình trạng da, bác sĩ sẽ biết được độ đàn hồi, cấu trúc, loại da ở sâu bên trong tới lớp hạ bì.
Sau khi khám và soi da, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng sẹo rỗ với 4 mức độ: điểm vàng, nhẹ, trung bình và nặng.
- Điểm vàng là một vết sẹo màu đỏ nhưng bằng phẳng.
- Mức độ nhẹ: trang điểm có thể che được vết sẹo rỗ.
- Mức độ trung bình: nhìn rõ khi ở khoảng cách gần, lớp trang điểm không che phủ được.
- Mức độ nặng: khi đứng ở khoảng cách 50cm vẫn nhìn thấy rõ sẹo rỗ.
Cách trị sẹo rỗ
Hiện điều trị sẹo rỗ có nhiều cách khác nhau, trong đó có các phương pháp phổ biến như:
1. Nguyên liệu thiên nhiên
Các nguyên liệu rau má, nha đam, nghệ tươi, bột trà xanh,… rất phù hợp để hỗ trợ điều trị sẹo rỗ vì chứa các vitamin A, E, B1, B6,.. giúp bảo vệ và tái tạo da, tăng sinh collagen và chống oxy hóa.
Với các nguyên liệu trên, chỉ cần xay nhỏ và thoa nhẹ nhàng lên chỗ bị sẹo, để khoảng 15 - 20 phút và rửa sạch lại với nước. Nếu dùng nghệ tươi hay bột trà xanh cần kết hợp thêm mật ong, hoặc vắt ít cốt chanh khi dùng nha đam.
Cách trị sẹo rỗ từ thiên nhiên dễ thực hiện, bạn cần áp dụng dài lâu để thấy hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này khó hiệu quả với các trường hợp sẹo rỗ nặng.
2. Phương pháp Chemical peels
Phương pháp Chemical peels (Peel da hoặc thay da sinh học) dựa trên việc sử dụng các axit hữu cơ như: alpha hydroxy acid (AHA) hay beta hydroxy acid (BHA) hoặc acid trichloroacetic (TCA) kích thích quá trình bong vảy lớp biểu bì, thúc đẩy quá trình thay mới, tái tạo da. Phương pháp peels da khắc phục được nhiều vấn đề trên da như: mụn, sẹo rỗ, thâm, chân lông to… với chi phí thấp hơn nhiều lần so với các phương pháp trị liệu bằng công nghệ cao khác như: siêu mài mòn, quang nhiệt laser…
3. Tạo tổn thương giả
Tạo tổn thương giả với 2 phương pháp chính: lăn kim, vi kim.
Lăn kim sử dụng các chiếc kim nhỏ lăn trên bề mặt, gây ra các tổn thương nhỏ nhằm kích thích sản xuất collagen để cải thiện tình trạng da như: nám, sẹo, hói, nếp nhăn.
Vi kim dùng các kim siêu nhỏ tác động lên lớp biểu bì da thay thế lớp tế bào cũ. Sau đó, chất dinh dưỡng được chiết xuất từ tảo biển, thực vật lên men… được tiêm vào sâu bên trong da nhằm nuôi dưỡng, tái tạo da.
Vi kim chủ yếu ở tầng biểu bì da, không gây đau phù hợp với da có sẹo rỗ tình trạng nhẹ hay trung bình. Lăn kim gây đau hơn vì can thiệp sâu hơn vi kim, mang đến hiệu quả rõ rệt sau mỗi lần điều trị.
4. Mài da
Các bác sĩ sử dụng một thiết bị cầm tay gọi là máy mài da, tạo ra ma sát để loại bỏ các lớp ngoài của da. Phương pháp này không gây đau vì chỉ tác động lên bề mặt da và một lần mài da mất khoảng 30 - 40 phút.
Hiện có 3 loại mài da vi điểm phổ biến: mài da thủy lực, mà da vi điểm với tinh thể kim cương và mài da với tinh thể pha lê. Do chỉ tác lên bề mặt, nên mài da vi điểm cần bạn kiên trì thực hiện nhiều lần mới mang lại kết quả như kỳ vọng.
5. Tiêm filler
Tiêm filler được nhiều người lựa chọn với hiệu quả nhanh chóng sau khi thực hiện. Phương pháp này đưa chất làm đầy vào lớp trung bì hoặc bì tại vị trí sẹo rỗ với mục đích nâng cao bề mặt da, nâng đỡ mô dưới da và lấp đầy sẹo rỗ. Các chất làm đầy thường có dạng lỏng hoặc gel, thường là collagen, mỡ tự thân tương tự như các chất tự nhiên trong cơ thể.
Tùy vào cơ địa mà tiêm filler giữ được 4 - 6 tháng, sau đó tự tan và làn da trở lại trạng thái trước khi chất làm đầy được tiêm vào. Ngoài ra, phương pháp này có thể gặp các biến chứng nguy hiểm nếu chất làm đầy không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hay tiêm filler sai cách khiến cấu trúc sẹo thay đổi.
6. Tái tạo bằng laser
Có 2 loại tái tạo da bằng laser: laser fractional CO2 và không xâm lấn. Tùy thuộc vào tình trạng sẹo rỗ hay tính chất da của bạn mà bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da xác định biện pháp laser nào phù hợp.
Liệu pháp laser fractional CO2 giúp kích thích quá trình tái tạo tế bào bên dưới vết sẹo. Sử dụng các ánh sáng laser chiếu vào các vết sẹo rỗ, đốt cháy lớp ngoài cùng tại vùng da bị sẹo và kích thích sự phát triển tế bào mới. Sau một thời gian, các vết rỗ được giảm nhẹ.
Laser xâm lấn là một hình thức điều trị giúp loại bỏ lớp da bị sẹo rỗ bằng các tia laser. Tái tạo bề mặt laser xâm lấn này mất vài tuần chăm sóc và phục hồi nhưng kết quả kéo dài được nhiều năm, không cần phương pháp điều trị bổ sung nào. Tuy nhiên, liệu pháp này có một số rủi ro như thay đổi màu da, mẩn đỏ và sưng tấy. Một số trường hợp, phương pháp này khiến mụn trứng cá hoặc sẹo trở nên tồi tệ hơn.
Những lưu ý cần biết sau khi điều trị sẹo rỗ
Sau khi điều trị sẹo rỗ, da trở nên mỏng và nhạy cảm. Khi đó, da có một số biểu hiện khác sau khi điều trị như: đỏ da, da tự bong và lộ da non. Điều này khiến người bệnh ngại chăm sóc vì sợ tổn thương thêm, tuy nhiên các phản ứng sẽ biến mất nếu bạn biết chăm sóc đúng cách. Một số lưu ý khi điều trị sẹo rỗ như sau:
1. Tuân thủ quy định của bác sĩ
Lời khuyên của bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da rất quan trọng sau khi điều trị sẹo rỗ. Người bệnh nên ghi nhớ những điều mà bác sĩ dặn và uống thuốc đủ liều nếu được kê toa, tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm.
2. Chăm sóc da đúng cách
- Sau 1-3 ngày điều trị, nên dùng bông tẩy trang hay gạc để tránh nhiễm khuẩn.
- Từ 3 - 7 ngày, có thể rửa mặt nhưng không được kì cọ, chà xát mạnh làm tổn thương da.
- Sau 7 ngày được sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ.
Về sau, khi da được hoàn thiện, bạn nên sử dụng các sản phẩm cấp ẩm cho da và sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài.
3. Tránh tiếp xúc với ánh nắng
Trong tuần đầu điều trị sẹo rỗ, bạn hạn chế ra đường và không dùng kem chống nắng vì lúc này da còn mỏng dễ tổn thương. Nếu bắt buộc ra đường, nên sử dụng viên uống chống nắng và khẩu trang dày giúp bảo vệ da. Sau 7 ngày, sử dụng kem chống nắng thường xuyên ngay cả khi trong nhà.
Biện pháp phòng ngừa sẹo rỗ
Đề bản thân không đau đầu, mất tự tin hay tốn thời gian và tiền bạc điều trị sẹo rỗ, cần tạo cho mình thói quen chăm sóc da như: (3)
1. Chăm sóc da đúng cách khi bị mụn
Khi bị mụn không nên dùng tay nặn, hay cố tình bóc tách nhân mụn dễ dẫn đến viêm nhiễm. Mà cần tẩy trang, rửa mặt kỹ càng và dùng que nặn mụn hoặc rửa sạch tay để lấy các chân mụn dưới da. Sau khi nặn mụn xong, đắp mặt dưỡng ẩm cho da. Cách này giúp da có độ ẩm nhất định và giảm nguy cơ sưng viêm với các vết mụn vừa lấy ra.
2. Sử dụng kem chống nắng
Nên sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài để tránh bụi bẩn bám sâu vào da và các tia có hại đến da. Nếu không ra đường mà ngồi tại vị trí có ánh sáng thì vẫn nên dùng kem chống nắng, vì ở đây các tia cực tím vẫn chiếu được vào da.
3. Tẩy tế bào chết
Để điều trị mụn hiện tại và ngăn ngừa mụn tiếp tục phát sinh, cần giữ cho lỗ chân lông thoáng khí và hỗ trợ tái tạo tế bào da. Nên chọn cho mình các sản phẩm tẩy tế bào chết nhẹ nhàng có chứa thành phần như: sữa rửa mặt có chứa AHA (như axit glycolic), BHA (như axit salicylic) và retinol đều hữu ích.
4. Uống thuốc theo toa
Nếu tình trạng mụn không cải thiện sau vài tháng điều trị mụn, cần đến gặp bác sĩ để điều chỉnh hoặc xem lại toa thuốc.
Trị sẹo rỗ nên ăn gì, kiêng gì?
Trong quá trình trị sẹo rỗ, việc ăn uống cẩn thận. Ngoài việc chú ý đến các thực phẩm cung cấp dinh dưỡng do da, đẩy nhanh quá trình phục hồi nên tránh một số loại thực phẩm có thể làm làm vết thương lâu lành hoặc khiến cơ thể dị ứng như đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ…
1. Các loại thực phẩm nên ăn
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi tác động nhiều đến kết quả điều trị. Các loại thực phẩm giúp tăng khả năng chữa lành vết thương như: thịt, cá, trứng, sữa, bông cải xanh, bơ, kiwi,.. Ngoài ra,nhóm thực phẩm giàu vitamin A, B, E thường có trong khoai lang, diếp cá, đu đủ, các hoạt hạt,… giúp tăng lượng collagen. Và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, một biện pháp tốt cấp ẩm cho da.
2. Thực phẩm cần tránh
Thực phẩm làm từ nếp như: bánh chưng, xôi, bánh tét,.. nên hạn chế ăn. Vì chúng có khả năng làm sưng viêm sẹo. Mặc dù rau xanh có nhiều vitamin tốt cho sức khỏe nhưng rau muống, rau ngót, rau dền lại làm tình trạng sẹo nghiêm trọng hơn. Và hải sản có vỏ cứng như tôm, cua, ghẹ, ốc,.. cũng không được ăn. Các loại hải sản này làm sẹo rộng hơn, khó lành.
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da BVĐK Tâm Anh với các chuyên gia bác sĩ đầu ngành có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, giúp chẩn đoán chính xác tình trạng sẹo rỗ. Cùng máy móc thiết bị hiện đại, đưa ra phương pháp điều trị sẹo rỗ đạt hiệu quả nhất.
Sẹo rỗ làm xuất hiện các vết lõm trên bề mặt da khiến da dễ lão hóa sớm. Hiện có nhiều phương pháp điều trị sẹo rỗ giúp phục hồi, tái tạo da, khiến da căng bóng, mịn màng. Người bệnh nên lựa chọn địa chỉ phòng khám, bệnh viện uy tín có các bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da để khám, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng sẹo rỗ trên da để bảo vệ da khỏe hơn.