Nhà nước và nhân dân cùng làm
Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), cả nước đã kiểm kê được hơn 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 8 di tích được UNESCO ghi vào Danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, hơn 10.000 di tích đã được xếp hạng (119 di tích quốc gia đặc biệt, 3.551 di tích quốc gia, 6.340 di tích cấp tỉnh); 64.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 14 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, 396 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1.390 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú (77 Nghệ nhân Nhân dân, 1313 Nghệ nhân Ưu tú); 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới ghi danh (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Cả nước có 185 bảo tàng, gồm 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản hơn 4 triệu hiện vật; có 215 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó là gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục..., trong đó có nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng nhằm bảo đảm tính đa dạng, phong phú về sắc thái văn hóa của các vùng, miền trên cả nước.
Cần phải khẳng định, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của toàn dân, của tất cả các tổ chức và cá nhân trong xã hội, trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, quan tâm và xác định di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ Sắc lệnh số 65/SL-Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về bảo tồn di sản văn hóa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945, cách đây 77 năm, mà ngày này, từ năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy là ngày Di sản văn hóa Việt Nam, đã khẳng định: “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Bảo tồn di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội, nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại di sản văn hóa.
Sau này, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về bảo tồn di sản văn hóa, từng bước đồng bộ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, như: Luật Di sản Văn hóa (2001); Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa (2009); 9 Nghị định của Chính phủ, 3 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 15 thông tư, 8 quyết định, 3 chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… Đó là kim chỉ nam quan trọng mang tính chính thể trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, điều đáng mừng là nhận thức về di sản văn hóa ở các địa phương được nâng cao, thể hiện qua sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh, hồ sơ trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia…
Di sản văn hóa được nhận diện và là động lực của sự phát triển bền vững đất nước
Những năm qua, các di sản văn hóa được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Di sản được bảo tồn, du lịch phát triển đã tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, cùng với đó, cộng đồng dân cư tại nơi có di sản nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản, lòng tự hào về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, về ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản này. Những cuộc vận động nhân dân sống trong vùng di sản tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động góp phần chăm sóc di sản, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch góp phần nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Với những di tích trong một cộng đồng nhỏ như đình làng, khi được phát huy đã tạo nên sự cộng cảm, cố kết cộng đồng làng xóm qua những hoạt động chung xoay quanh việc phụng thờ thành hoàng, hội hè và đem lại sự cân bằng cho đời sống tâm linh dân làng. Các kỳ hội là dịp nhắc nhở truyền thống, lịch sử, cội nguồn, sự đoàn kết, lòng hướng thiện cho mỗi người dân trên đất nước, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho họ trong lao động sản xuất. Di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số và hàng ngàn di tích thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng đình chùa, nhà thờ được xếp hạng, đầu tư chống xuống cấp và tôn tạo đã góp phần vào sự củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Di sản văn hóa ở nước ta tham gia trong quá trình hội nhập không dừng ở hoạt động nội bộ của ngành di sản hay ngành du lịch. Khách nước ngoài đến thăm Việt Nam thưởng ngoạn, nghiên cứu, trải nghiệm từ các di sản vật thể và phi vật thể, qua đó họ hiểu thêm các giá trị truyền thống của con người Việt Nam, đồng thời giúp họ có niềm tin trong việc chọn Việt Nam làm điểm đến, điểm đầu tư đáng tin cậy. Về phía người Việt Nam, quá trình mở cửa, hội nhập làm không ít người lo lắng về sự xâm nhập ồ ạt của các luồng văn hóa ngoại lai, trong số đó có những văn hóa không phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của dân tộc; về sự mai một của nghệ thuật văn hóa truyền thống, sự xuống cấp của những giá trị đạo đức, và những biểu hiện lệch lạc trong lối sống của một bộ phận trong giới trẻ.... Trong hoàn cảnh ấy, di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc càng được chăm lo bảo tồn và phát huy chính là cái gốc để chúng ta yên tâm hội nhập mạnh mẽ vào các khu vực trên thế giới mà không lo bị hòa tan. Trong quá trình hội nhập, thông qua di sản, bằng nhiều hình thức như qua các màn trình diễn nghệ thuật truyền thống, qua các hội nghị ở nước bạn hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đã tập trung giới thiệu các giá trị văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài, để mọi người, mọi quốc gia trên thế giới hiểu về văn hóa, đất nước con người Việt Nam.
Một mảng di sản văn hóa quan trọng, ngày càng được cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm là di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng của 54 dân tộc trên đất nước ta. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể như: Nhã nhạc, Cồng chiêng, Ca trù, Múa rối,.. vừa làm sống lại, tiếp sức cho các di sản văn hóa mang sắc thái dân tộc đậm đà, vừa tạo điều kiện đề các nghệ thuật trình diễn này góp phần tích cực cho sự phát triển. Những con thuyền rồng trên sông Hương giờ đây không thể thiếu giọng hát của các đội ca Huế; Nhã nhạc, Hát bội được biểu diễn thường xuyên, định kỳ tại Duyệt Thị Đường trong Đại nội Huế; Quan họ đâu chỉ quanh quẩn ở Bắc Ninh vào những kỳ hội, mà đã tham gia phục vụ tại các điểm du lịch trong cả nước… là những minh chứng dễ thuyết phục nhất cho sự góp sức của loại hình di sản văn hóa này trong sự phát triển chung của đất nước.
Nhiều tấm gương sáng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được biểu dương, lan tỏa trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng nền văn hóa, xây dựng và phát triển đất nước. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và di sản văn hóa nói riêng ra thế giới, đồng thời thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa và các giá trị tiến bộ của văn hóa nhân loại để bồi đắp và xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đóng góp vào sự phát triển văn hóa, định hình bản sắc, hệ thống di sản văn hóa này đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản. Chẳng hạn như Khu phố cổ Hội An, di sản đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa thế giới đã có những thay đổi tích cực, trở thành “thương hiệu du lịch” khá hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, góp phần đắc lực vào sự phát triển ngành kinh tế du lịch - dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân - chủ di tích, đồng thời tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích; trở thành nền tảng, hành trang để Hội An vững bước đi lên xây dựng phát triển kinh tế - xã hội. Quần thể Di tích Cố đô Huế và Vịnh Hạ Long khi mới được ghi danh Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới chỉ có vài chục nghìn người thăm/năm, đến nay con số này đã lên đến hàng triệu lượt người. Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập Hồ sơ đề cử vào năm 2012 chỉ có hơn 1 triệu lượt khách/năm, năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã thu hút 6,3 triệu lượt khách tham quan. Năm 2019, riêng 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 21.336.148 khách, trong đó có 10.650.114 khách quốc tế, doanh thu từ bán vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp đạt 3.123 tỷ đồng. Những bảo tàng rất đông khách tham quan (như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế...); những di sản văn hóa phi vật thể thu hút số lượng lớn người tham dự và trải nghiệm (như nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hội Gióng, dân ca Quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử...) đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.
Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa còn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,... tạo ra sự phát triển bao trùm và hài hòa. Ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong công việc kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận (ví như các khu du lịch sinh thái, các resort đưa các di sản văn hóa vào xây dựng, trang trí, kiến trúc cảnh quan hoặc tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút rất đông khách du lịch); các bảo tàng/sưu tập tư nhân, các chương trình nghệ thuật lớn trưng bày và trình diễn các loại hình di sản văn hóa rất hiệu quả. Những không gian di sản văn hóa như vậy không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị di sản, góp phần vào sự phát triển xã hội hài hòa, nhân văn và có bản sắc…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nước ta vẫn còn không ít hạn chế, như: Di sản văn hóa chưa được quan tâm và phát triển tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước; Việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích có lúc, có nơi vẫn chưa bảo đảm các quy định của pháp luật, dẫn đến làm biến dạng di tích; Việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo quản cổ vật, di vật, hiện vật tại một số địa phương còn chưa hiệu quả; Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa còn mỏng; nhiệm vụ kiểm kê di tích, quy hoạch khảo cổ, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ và chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới vẫn còn xảy ra sai phạm, còn nhiều di tích đang xuống cấp, phần lớn các di tích chưa được sự quan tâm lập quy hoạch; các bảo tàng phát huy hiệu quả còn hạn chế… Đặc biệt, nói đến di sản văn hóa là truyền thống đạo đức, lối sống, nếp sống truyền thống của xã hội. Ai cũng hiểu rằng, bảo tồn di sản văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, nhưng điều đáng báo động là đạo đức xã hội đang bị xuống cấp, những truyền thống tốt đẹp của cha ông được đúc kết qua ngàn đời đang dần bị mai một.
Để thực hiện được yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa. Hai là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực phát triển bền vững. Bốn là, phát huy vai trò của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tôn trọng, phát huy các loại hình văn hóa đa dạng của từng cộng đồng dân tộc, địa phương. Năm là, tích cực đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, có chiến lược truyền thông sâu rộng…
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Các dân tộc trên lãnh thổ nước ta dù tiếng nói, phong tục, tập quán khác nhau, nhưng đều là những bộ phận của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam, cùng chung lưng đấu cật, đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch họa để dựng nước và giữ nước. Những sắc thái văn hóa riêng biệt của từng dân tộc được định hình, phát triển và bổ sung cho nhau, tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.