Bẹn là bộ phận nằm ở phần giữa bụng và chân có 5 nhóm cơ phối hợp nhịp nhàng để chân có thể di chuyển được. Tình trạng đau cơ ở vùng bẹn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy cụ thể bẹn là ở đâu? Nguyên nhân gây đau cơ ở vùng bẹn là gì? Cùng tìm lời giải đáp trong bài viết này nhé!
Bẹn là ở đâu?
Trong giải phẫu người, bẹn (hay còn gọi là háng) là khu vực nối giữa vùng đùi và bụng có vị trí nằm ở hai bên xương mu. Đây là một vùng rất quan trọng vì có nhiều cấu trúc giải phẫu quan trọng đi qua, bao gồm các mạch máu, dây thần kinh và các hạch bạch huyết.
Ở ngay dưới da vùng bẹn có khoảng từ 3 - 5 hạch bạch huyết đảm nhận vai trò phản ứng trong hệ miễn dịch. Khi cơ thể bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh lý khác, các hạch bạch huyết có thể sưng lên. Trong một số trường hợp, sưng hạch bạch huyết cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh nghiêm trọng hơn, như ung thư.
Hạch bạch huyết ở vùng háng thường có kích thước nhỏ nhưng khi sưng lên, chúng có thể cảm nhận được dưới da và gây ra đau hoặc khó chịu. Nếu hạch bạch huyết ở vùng háng sưng kéo dài hoặc không rõ nguyên nhân, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây đau cơ ở vùng bẹn
Sau khi tìm được giải đáp cho câu hỏi bẹn là ở đâu, hãy cùng tìm hiểu một số nguyên nhân gây đau cơ ở vùng bẹn nhé! Tình trạng đau cơ vùng bẹn khá phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Vùng háng được cấu tạo bởi 5 nhóm cơ chính bao gồm cơ lược, cơ thon, cơ khép lớn, cơ khép dài và cơ khép ngắn. Một số nguyên nhân thường gặp gây đau cơ háng như:
Đau cơ ở vùng bẹn không do bệnh lý
Chấn thương cơ học là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau cơ háng, thường gặp nhất ở vận động viên thể thao. Hầu hết các chấn thương này đều xảy ra khi đang tập luyện, vận động hoặc làm việc quá mức dẫn đến giãn dây chằng. Các chấn thương phần mềm này thường xảy ra trong quá trình luyện tập, làm việc hoặc vận động quá mức, dẫn đến giãn dây chằng, căng cơ hoặc tổn thương các điểm bám gân.
Các môn thể thao yêu cầu cường độ luyện tập cao ở vùng khớp háng và cơ háng như bóng đá, bóng bầu dục, thể dục dụng cụ, khúc côn cầu,... cũng rất dễ gây ra những chấn thương này.
Đau cơ ở vùng bẹn do bệnh lý
Tình trạng đau cơ ở vùng bẹn xảy ra do bệnh lý thường khá nghiêm trọng và khó điều trị hơn so với nguyên nhân do chấn thương. Một số nhóm bệnh lý có thể gây đau cơ háng bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến các khớp ở chi dưới và cột sống lưng mà còn có thể xảy ra ở khớp háng. Một số biểu hiện thường gặp như sưng, đau và cứng khớp háng vào một thời điểm nhất định. Việc điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển và gây biến dạng khớp háng.
- Thoái hóa khớp háng: Thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa. Khớp háng sau thời gian dài vận động có thể bị hao mòn, sụn khớp bị mài mỏng dần và tiêu biến. Sự biến mất của sụn khớp có thể gây ra gai xương, dẫn đến đau háng từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân thoái hóa khớp háng thường phải chịu đau đớn, hạn chế vận động và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
- Thoát vị bẹn: Thoát vị bẹn là nguyên nhân bệnh lý khác gây đau cơ ở vùng bẹn. Thường xảy ra khi phần ruột của hệ tiêu hóa bị mắc kẹt ở ống bẹn khi di chuyển khỏi khoang bụng. Điều này có thể gây áp lực lên cơ vùng háng, dẫn đến sưng đau và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi: Bệnh xảy ra do mạch máu nuôi dưỡng chỏm xương đùi bị tổn thương do trật khớp háng, gãy cổ xương đùi hoặc do tự phát. Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn dữ dội và khó khăn khi di chuyển. Phim chụp X-quang có thể cho thấy khe khớp bị hẹp và xương đùi bị biến dạng.
- Bệnh lý khớp háng ở trẻ nhỏ: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể mắc các bệnh lý khớp háng, ảnh hưởng đến khả năng vận động sau này. Tình trạng này thường tiến triển chậm, khiến cha mẹ khó phát hiện sớm.
Ngoài ra, tình trạng đau ở vùng bẹn còn có thể xảy ra do một số bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm ruột, sưng hạch bạch huyết, gãy xương gần háng, các dây thần kinh liên quan bị chèn ép.
Các phương pháp điều trị đau cơ ở vùng bẹn
Bác sĩ sẽ xác định xem nguyên nhân gây ra tình trạng đau cơ ở vùng bẹn là ở đâu để đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Cụ thể như sau:
Điều trị không phẫu thuật
Đối với những cơn đau háng không phải do bệnh lý nghiêm trọng gây ra và ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể thử áp dụng một số biện pháp khắc phục mà không cần phẫu thuật dưới đây:
- Giảm cân: Giúp giảm áp lực chèn ép của trọng lượng cơ thể lên khớp và cơ háng, từ đó giảm bớt khó khăn trong quá trình di chuyển.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Cần hạn chế các hoạt động như leo cầu thang, đi bộ đường dài hoặc chơi các môn thể thao có cường độ cao.
- Uống thuốc: Một số loại thuốc kháng viêm như naproxen, ibuprofen hay aspirin có thể giúp giảm cơn đau cơ ở vùng bẹn. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
- Vật lý trị liệu: Các phương pháp như xoa bóp, bấm huyệt, laser và nhiệt trị liệu có khả năng giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm triệu chứng đau cơ háng.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định khi các biện pháp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc khiến cơn đau cơ háng trở nên trầm trọng hơn. Dựa vào nguyên nhân gây đau cơ háng, bác sĩ sẽ chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất nhằm bảo toàn chức năng vận động và cấu trúc vùng cơ khớp háng của người bệnh.
Vùng cơ háng đóng vai trò quan trọng đối với chức năng vận động và di chuyển. Bất kể nguyên nhân gây tổn thương là gì thì đều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở khớp háng, bạn nên đi khám sớm để tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp nhằm giải quyết tình trạng này kịp thời.
Trên đây là bài viết tổng hợp một số thông tin giải đáp cho câu hỏi bẹn là ở đâu và nguyên nhân gây đau cơ ở vùng bẹn. Việc nắm rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc thăm khám và có biện pháp khắc phục kịp thời, tránh gây phiền toái đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Hy vọng những nội dung chia sẻ trên đây sẽ hữu ích đối với bạn nhé!