Logo của ngành du lịch Việt Nam là một đóa sen có 5 cánh. Điều này nhiều người biết và không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng nó có một điểm khác biệt so với logo ngành du lịch của Thái Lan, Malaysia hay Singapore, những điểm đến hàng đầu Đông Nam Á khác.
Đó là logo duy nhất thể hiện cố định các tài nguyên du lịch của Việt Nam, thông qua màu sắc của 5 cánh hoa sen.
Chuyện 5 cánh hoa sen
Năm 2008, một dự án cáp treo lên núi Bà Nà đang được xây dựng ở Đà Nẵng. Thời điểm đó, chiến lược phát triển du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ tập trung vào biển và văn hóa. Chưa ai tưởng tượng được tác động của dự án này tới du lịch của thành phố.
Cũng thời gian đó, cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) thực hiện một chuỗi nghiên cứu quy mô và sâu rộng về du lịch Đà Nẵng. Báo cáo có tên “Chiến lược phát triển tích hợp du lịch Đà Nẵng và các vùng lân cận” của JICA mang rất nhiều lời sấm cho tương lai 15 năm sau đó.
Những số liệu không nói dối: thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch tới Đà Nẵng chỉ là 2 ngày, trong khi mức trung bình của cả nước có giai đoạn lên tới 2,5 ngày. “Điều này ám chỉ Đà Nẵng chỉ có chức năng như một trạm trung chuyển cho du khách đến những tỉnh lân cận, nơi có những di sản văn hóa thế giới và resort bờ biển”, báo cáo viết.
JICA cũng khảo sát các công ty lữ hành trong toàn bộ 3 tỉnh thành Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Thứ được cho là thiếu nhất trong hạ tầng du lịch vùng này là gì? Câu trả lời chung giữa Đà Nẵng và Quảng Nam: dịch vụ giải trí và hoạt động về đêm là thiếu nhất.
Nếu chỉ xét đến tài nguyên “thô”, là các di sản thiên nhiên và văn hóa sẵn có, Đà Nẵng khó lòng cạnh tranh với Thừa Thiên Huế - nơi có quần thể di tích vương triều Nguyễn - và với Quảng Nam - nơi có thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An - cộng thêm các bờ biển dài hoang sơ.
Nhưng giai đoạn đó và mãi cho đến tận gần đây, cách tiếp cận của du lịch Việt Nam vẫn là hướng tới việc khai thác sâu các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử sẵn có. Quan điểm đó thể hiện ngay trong các bản quy hoạch, chiến lược và trên… logo của ngành.
Đóa hoa sen trong bộ nhận diện “Vẻ đẹp bất tận” mà Việt Nam sử dụng từ những năm 2011 có 5 màu, trong đó, xanh nước biển biểu thị cho du lịch biển đảo; xanh lá cây tượng trưng cho du lịch sinh thái, thiên nhiên; vàng cam tượng trưng cho du lịch văn hóa, lịch sử; tím tượng trưng cho du lịch khám phá, mạo hiểm; hồng tượng trưng cho sự năng động, lòng hiếu khách của con người Việt Nam.
Nếu 5 cánh sen đó là 5 bộ tiêu chí của một điểm đến, đọ rừng, đọ biển và đọ di tích thì Đà Nẵng sẽ “thua” Quảng Nam với cách biệt vài ba bàn. Và thực tế được lịch sử chỉ ra như vậy. Họ chỉ là một điểm trung chuyển.
Nhưng hạn chế của việc khai thác các “tài nguyên thô” được nhận ra từ rất sớm, bởi chính các doanh nghiệp tư nhân và chính quyền. Và đó là lý do mà những dự án như Bà Nà Hills hình thành.
Đóa sen nghìn cánh
Quần thể vui chơi giải trí Sun World Ba Na Hills giờ đang đón vài triệu lượt khách mỗi năm. Hơn cả một dự án kinh doanh thành công, nó trở thành biểu tượng cho cách tiếp cận mới cho bông hoa sen của du lịch Việt Nam. Không chỉ là 5 cánh hoa với biển, rừng, lịch sử, núi non hùng vĩ hay nền văn hóa giàu truyền thống nữa. Đó có thể là bất kỳ giá trị nào, sản phẩm nào phục vụ và đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Logo của du lịch Thái Lan, với biểu tượng nụ cười cách điệu, chỉ có 2 màu truyền thống của nước này là tím và vàng. Tím tượng trưng cho sự hạnh phúc, vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng. Họ gắn cho biểu tượng cảm xúc của du khách, chứ không phải sản phẩm du lịch cụ thể - vì sản phẩm chắc chắn sẽ thay đổi, với sự sáng tạo của con người.
Logo của Singapore là hình dáng quốc đảo này và là một logo động. Ngành truyền thông Singapore có thể gắn bất kỳ hoạt động, sản phẩm du lịch nào lên logo này, miễn là nó được sắp xếp đúng với hình dáng của đất nước.
Sự sáng tạo các sản phẩm du lịch là bất tận. Đóa hoa sen của du lịch Việt Nam thực chất có hàng nghìn cánh. Đó cũng là điều mà các doanh nghiệp tiên phong như Sun Group nhận thức trong hành trình theo đuổi sứ mệnh làm đẹp các vùng đất. Hơn một thập kỷ kể từ khi khánh thành, các sản phẩm mới vẫn liên tục được bổ sung cho Bà Nà Hills - sau thành công của làng Pháp là Cầu Vàng, Thác Thần Mặt trời, Lâu đài Mặt trăng, là những lễ hội và show diễn - những sản phẩm được thiết kế kỹ lưỡng, nhằm tạo ra trải nghiệm mới cho du khách.
Một điểm đến dù đẹp tới đâu, ở tầm thế giới như Hạ Long và Bái Tử Long; một cộng đồng dù giàu truyền thống thế nào, nếu chỉ dừng lại ở việc trải nghiệm các tài nguyên sẵn có, cũng sẽ trở nên nhàm chán rất nhanh với du khách. Các nghiên cứu của Croatia và Montenegro - hai quốc gia du lịch nổi tiếng bên bờ Địa Trung Hải - khẳng định rằng thứ thu hút khách du lịch quốc tế giờ không còn là “điểm đến”, mà phải là “sản phẩm du lịch được cá biệt hóa”.
Bên bờ vịnh Bái Tử Long, khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh đang trở thành một viên ngọc mới của du lịch Quảng Ninh. Nguồn tài nguyên nước khoáng nằm dưới lòng núi Quang Hanh đã được phát hiện, nghiên cứu và chứng minh tác dụng với sức khỏe từ cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng việc khai thác chỉ dừng lại ở một khu điều dưỡng nhỏ. Một khu nghỉ dưỡng cao cấp - một sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe - là thứ nâng tầm giá trị của di sản thiên nhiên.
Phía Nam Phú Quốc, một trung tâm vui chơi - giải trí lớn với hàng loạt sản phẩm đẳng cấp quốc tế đang hình thành tại thị trấn Hoàng Hôn Sunset Town. Những triền dốc phía Tây Nam của hòn đảo từng thực sự là “Vẻ đẹp tiềm ẩn”. Bên vách đá là bờ biển trong hoàng hôn - nơi gần như không thể xây dựng những khách sạn nhỏ của dân địa phương vì địa hình và hướng nắng - chỉ có thể cho những du khách ưa khám phá ngắm nhìn trong nửa tiếng đồng hồ trước khi quay về trung tâm đảo. Nhưng những con phố mua sắm, một trung tâm triển lãm nghệ thuật, một show diễn công nghệ từ lửa, nước và ánh sáng khổng lồ, một cây cầu biểu tượng do KTS hàng đầu thế giới thiết kế… đang hứa hẹn về một điểm đến mới của thế giới.
Một đóa sen đang nở bung với tất cả sự sáng tạo, hết cánh này lại tới cánh khác.