MỘT SỐ TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC
1. Sự giản dị với áo chàm của dân tộc Tày
Nói đến nét đẹp văn hóa Hà Giang thì một trong những điều khiến nhiều người ta lưu luyến nhất, có lẽ là hình ảnh những trang phục đầy màu sắc của các dân tộc. Hình ảnh những buổi chợ phiên rực rỡ sắc màu từ trang phục của nhiều dân tộc anh em đổ về luôn luôn để lại ấn tượng đẹp, trong đó phải kể đến trang phục đặc trưng của người Tày.
Có dịp đi tour du lịch đến vùng Tây bắc, hẳn bạn sẽ bắt gặp những trang phục nhiều màu sắc khá đẹp của các dân tộc. Nhưng chắc chắn đến Hà Giang, tận mắt ngắm những trang phục của người Tày, hẳn bạn sẽ thấy ấn tượng hơn cả, bởi nét giản dị đặc trưng, nhưng tinh tế, có chút nền nã và có điểm nhấn rất riêng. Nhìn tổng thể, trang phục của người Tày thường là áo vải bong nhuộm màu chàm, phụ nữ có thêm khăn mỏ quạ, áo năm thân kèm thắt lưng, thêm trang sức vòng cổ, tay, chân bằng bạc.
So với những trang phục của các dân tộc khác thì người Tày ăn mặc khá giản dị, họ không chọn màu sặc sỡ như người Mông, người Dao,…và rất ít hoa văn trang trí. Những bộ quần áo đều được dệt thủ công khéo léo, bền chắc.
Với nam giới, người Tày thường mặc quần chân què, phần đũng được may rộng, áo ngắn năm thân, cổ đứng. Bên cạnh đó cũng có một số người mặc áo dài có vạt áo dài quá đầu gối và loại áo tứ thân xẻ ngực, cổ tròn.
Với nữ giới, họ mặc áo cánh, áo dài năm thân, thắt lưng, quần váy, khăn đội đầu mỏ quạ, đi giày vải. Những ngày có lễ hội, những cô gái người Tày thường mặc áo có cánh màu trắng bên trong điều này để phân biệt với người Nùng mặc áo chàm.
Thêm một điều độc đáo nữa ở trang phục phụ nữ người Tày là nón được thiết kế độc đáo, được lợp từ tre vót nan có mái nóng rộng, đi kèm đó là nhiều đồ trang sức như vòng tay, cổ bằng bạc, có khi họ còn đeo túi vải bên mình.
Với người Tày họ cũng chú ý tới những họa tiết trong trang phục. Đó là những sự cách điệu khá giản dị gồm các hình họa, hình rau bầu, bí, hoặc nhiều cây khác. Vì trang phục chỉ màu chàm và trắng nên những họa tiết được họ tinh tế gài vào từng đoạn.
Ngày nay, khi ở cuộc sống lao động đời thường những người Tày đã mua và sử dụng nhiều quần áo may sẵn. Nhưng đến những lễ hội thì họ chọn trang phục truyền thống của mình, đó cũng chính là nét độc đáo trong văn hóa bao đời của dân tộc Tày.
2. CHIẾC KHĂN PIÊU CỦA DÂN TỘC THÁI
Dân tộc Thái sinh sống rải rác ở nhiều vùng, miền khác nhau. Ở mỗi vùng, từng nhóm người Thái lại có những phong cách trang phục khác nhau phù hợp với phong tục tập quán, quan niệm thẩm mỹ, địa bàn cư trú…của họ. S-TOURS xin giới thiệu về trang phục của người phụ nữ Thái trắng ở huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên.
Ai đã lên Tây Bắc đều không khỏi ngẩn ngơ trước những cô gái Thái trong trang phục truyền thống với áo cóm, váy đen và chiếc khăn piêu. Ngay từ nhỏ, người con gái Thái được các bà, các mẹ dạy cách thắt “xài yêu”, một loại thắt lưng bằng vải, để lớn lên các cô đều có thân hình “eo kíu manh po”, nghĩa là thắt đáy lưng ong. Chính vì vậy khi trưởng thành, các cô gái Thái đều uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Phải thế chăng mà phụ nữ Thái ở lứa tuổi nào cũng đều có một cơ thể cân đối hài hòa và càng nổi bật hơn khi mặc bộ trang phục của chính dân tộc mình. Anh Lương Văn Thiết, cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: "Trang phục của người Thái khéo léo làm tôn vẻ đẹp của người con gái. Nhìn trang phục thường mọi người đánh giá con gái Thái rất là xinh, thật ra là họ biết tận dụng trang phục để khoe lợi thế cơ thể. Con gái Thái cao, trắng và thường để tóc dài. Khi họ mặc áo bó sát người vừa tôn vẻ đẹp hình thể vừa kín đáo, tế nhị".
Áo cóm của người Thái đen có cổ cao còn áo của người Thái trắng thì cổ hình trái tim. Chiếc áo cóm của phụ nữ Thái trắng có 2 loại. Một loại ngắn tay dành cho người phụ nữ có tuổi, còn loại áo cộc dành cho thiếu nữ. Bà Lò Thị Quế, ở bản Hốc, Mường Lay, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Áo này tôn lên vì nó bó sát vào người, cũng tạo nên dáng cho chị em phụ nữ. Và đằng trước trang trí viền cổ đen, áo thì màu trắng, như vậy để tôn lên cái cổ trắng ngần của cô gái Thái".
Ngay hàng cúc áo bằng bạc hình con bướm “mák pém” trong áo cóm cũng có tiếng nói và ý nghĩa nhân sinh tinh tế. Một bên là hàng cúc hình bướm đực, một bên là hàng bướm cái. Con gái chưa chồng hàng cúc mang số lẻ, con gái có chồng hàng cúc mang số chẵn. Bà Tòng Thị Vượng, ở bản Bản Đán, Mường Lay, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Hàng khuy này làm cho đẹp. Ngoài trang trí để cho đẹp còn có ý nghĩa tâm linh của các cụ là trước khi về nhà chồng thì bố mẹ làm cho bộ cúc bằng vàng hay bạc và áo cóm để sau này già mất đi thì phải mặc áo cóm và sở luông dài".
Bà Lò Thị Quế cho biết dù cuộc sống hiện đại đổi thay nhiều nhưng các cô gái Thái trắng ở Mường Lay vẫn dịu dàng với bộ áy áo truyền thống.Theo bà Quế: "Đồ trang phục mới bây giờ cải tiến nhiều. Các cụ ngày xưa mặc váy nhuộm chàm bằng vải xúc của người Thái tự dệt mà không có váy láng, váy nhung như bây giờ. Có 2 loại áo dài Thái: áo chui đầu có hoa văn ở 2 bên nách, gọi là áo thụng của các cụ già. Người Thái khi chết phải có áo cóm và mặc thêm áo này ở ngoài. Các cô thiếu nữ thì áo hơi chít eo, đằng trước trang trí hoa văn để tôn lên nét đẹp, duyên dáng của chị em".
Phụ nữ Thái trắng còn còn một loại trang phục truyền thống nữa là áo sở luông dài. Áo sở luông dài được phụ nữ Thái trắng mặc trong dịp lễ cưới, nhà làm lý (làm lễ) hay nhà có đám. Áo sở luông có màu đen may dài đến đến mắt cá chân. Sở luông dành cho người già được may thụng không chiết eo như áo của người trẻ. Trong đám cưới, cô dâu khi về nhà chồng bắt buộc phải mặc áo sở luông. Bà Điêu Thị Chuyện ở bản Chi Luông 2 cho biết: "Cô dâu trong ngày đám cưới thì phải mặc áo choàng đen bên ngoài áo cóm. Điều này để thấy cô dâu giản dị, không phô trương. Nên những chiếc áo này mặc trong ngày lễ, ngày làm lễ".
Đi kèm với áo cóm, áo sở luông dài là chân váy. Váy của người Thái trắng có màu đen, mặt trong gấu váy táp vải màu rực rỡ. Mỗi bước đi chân váy thấp thoáng màu sắc, lượn sóng kín đáo mà duyên dáng. Phần eo giữa váy và áo được trang trí bằng chiếc thắt lưng bằng vải gọi là Se eo. Bà Vượng cho biết thêm: "Se eo thường được làm bằng vải có màu xanh, hay màu hồng còn màu vàng thì không được hợp. Chỉ có màu xanh mới hợp với chiếc áo cóm màu trắng, váy đen".
Trang phục của phụ nữ Thái trắng tuy đơn giản nhưng duyên dáng và thanh lịch, tôn lên vẻ đẹp chân chất, khiến hình ảnh các cô gái Thái có vẻ đẹp rất riêng của miền sơn cước.
3. NÉT QUYẾT RŨ GIỮA NÚI RỪNG TÂY BẮC - VÁY HOA CỦA DÂN TỘC H’MÔNG
Người dân tộc H’Mông ở tỉnh Sơn La hiện nay chiếm 13% dân số của tỉnh (khoảng 130.000 người) sinh sống ở hầu khắp các huyện, nhưng tập trung đông nhất ở các huyện vùng cao Bắc Yên, Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã và Sốp Cộp.
Trang phục của họ rất sặc sỡ, đa dạng, hội tụ đầy đủ những nét tiêu biểu, đặc trưng của đồng bào dân tộc H’Mông.
Trang phục quần áo của người Mông chủ yếu may bằng vải lanh tự dệt. Đậm đà tính cách tộc người trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng.
Trang phục nam Hmông độc đáo khác nhiều tộc người trong khu vực; trang phục nữ khó lẫn lộn với các tộc khác bởi phong cách tạo dáng và trang trí công phu, kết hợp kỹ thuật nhuộm, vẽ sáp ong, thêu, ghéo, dệt hoa văn với kiểu váy rộng và đẹp.
Trang phục nam thường mặc áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Áo nam có hai loại: năm thân và bốn thân. Loại bốn thân xẻ ngực, hai túi trên, hai túi dưới. Loại năm thân xẻ nách phải dài quá mông. Loại bốn thân thường không trang trí loại năm thân được trang trí những đường vằn ngang trên ống tay. Quần nam giới là loại chân què ống rất rộng so với các tộc trong khu vực. Đầu thường chít khăn, có nhóm đội mũ xung quanh có đính những hình tròn bạc chạm khắc hoa văn, có khi mang vòng bạc cổ, có khi không mang.
Trang phục nữ Người HMông có nhiều nhóm khác nhau, trang phục nữ các nhóm cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên nhìn chung có thể thấy phụ nữ Hmông thường mặc áo bốn thân, xẻ ngực không cài nút, gấu áo không khâu hoặc cho vào trong váy. Ống tay áo thường trang trí hoa văn những đường vằn ngang từ nách đến cửa tay, đường viền cổ và nẹp hai thân trước được trang trí viền vải khác màu (thường là đỏ và hoa văn trên nền chàm).
4. NÉT DUYÊN DÁNG TRONG TRANG PHỤC CỦA DÂN TỘC NÙNG
Bộ y phục của người Nùng được cắt may từ vải đen nhuộm chàm, phần lớn chúng không có nhiều hoa văn và đường nét. Đặc biệt, nam nữ người Nùng đến tuổi trưởng thành đều bịt một chiếc răng bằng vàng ở hàm trên và như thế được xem là làm đẹp, là người sang trọng.
Từ xưa tới nay, cả nam và nữ đều mặc một loại quần cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân và các đường viền chỉ màu tập trung rõ nhất ở tà và gấu áo.
Màu áo chàm được nhuộm bằng nguyên liệu lấy từ thiên nhiên là cây chàm.
- Ảnh: Báo Dân tộc miền núi
Nam giới người Nùng thường mặc áo dài ngang hông, tứ thân, may áo gần sát người, tay áo dài và rộng, cổ áo khoét tròn, áo có 7 cúc và thường có 4 túi hoặc 2 túi. Trong khi đó, trang phục của phụ nữ Nùng phong phú và đa đạng hơn.
Phụ nữ Nùng mặc áo năm thân màu chàm, áo ngắn đủ che mông, áo được may rất rộng cả phần thân và tay, giúp cho cử động được thoải mái. Chiếc áo của phụ nữ Nùng được trang trí bằng cách thêm miếng vải khác màu vào cổ tay áo và phía trước ngực, thông thường là vải đen đắp lên áo chàm.
Ngày nay, họ mặc cả loại áo 5 thân và 4 thân. Áo ngắn 4 thân có cổ áo tròn, xẻ ngực, nẹp và gấu áo rộng, hai túi nhỏ ở vạt trước, cài 9 hàng cúc vải ở nẹp áo. Loại áo này phần lớn dùng mặc trong nhà, đi lao động hay mặc trong áo dài năm thân. Chỉ riêng nhóm Nùng Dín thì áo ngắn 4 thân lại là loại áo mặc chính, còn loại áo 5 thân may ngắn, chỉ vừa che kín bụng, dùng mặc trong nhà, khi đi ngủ, mặc lót trong loại áo 4 thân khi đi ra khỏi nhà.
Màu sắc trên trang phục dân tộc Nùng cũng khá đa đạng, từ màu xanh nhạt, đến xanh thẫm, tím than, xanh đen rồi phổ biến nhất là màu chàm.
Bên cạnh áo, váy cũng là một bộ phận quan trọng, tạo nên nét đặc sắc của trang phục truyền thống Nùng. Váy của người Nùng phân rõ thành cạp váy, giải buộc váy, thân váy và gấu váy. Nhiều khi họ gọi cạp váy là đầu váy, còn gấu váy là chân váy. Thân váy được ghép lại từ 4 mảnh, gấu váy được đáp thêm vải khác màu, vừa cho gấu váy cứng vừa làm đẹp. Khi mặc, người ta gấp phần váy thừa ra phía trước hoặc phía hông. Khi đi chợ, đi thăm viếng, người ta để gấu váy phủ thấp chấm mắt cá chân, còn khi đi làm thì kéo gập váy lên cao cho tiện và sạch sẽ hơn.
Nghệ thuật may váy của người Nùng đáng chú ý nhất là của tộc người Nùng Dín. Họ có cắt may váy kiểu xoè xếp nếp, váy tạo thành bởi hai lớp vải, lớp ngoài dày và cứng hơn, còn lớp trong thì mỏng và mềm. Váy không khép kín hai mép vải dọc thân váy lại mà để hở khi mặc, mép nọ đè chồng lên mép kia, làm cho người mặc vẫn có cảm giác kín đáo.
Kết cấu của váy người Nùng Dín được tạo nên từ cạp váy, đầu váy, thân váy và gấu váy. Cạp váy nối với đầu váy, hai bên tạo thành hai dây vải dài dùng để thay cho thứ dây lưng hay giải rút, thắt cho váy giữ chặt vào eo lưng. Đầu váy thường là mảnh vải khác màu, trắng hay xanh, khâu liền một phía với thân váy, phía kia với cạp váy. Đầu váy có chiều dài khoảng gấp rưỡi vòng bụng, nhưng lại ngắn hơn rất nhiều chiều ngang của vải thân váy. Do vậy, khi khâu lại với nhau, thân váy phải xếp nếp sao cho đều, khi mặc, các nếp xếp gối nhau đều đặn chảy dài theo chân váy. Khi đi làm, để cho gọn ghẽ, dễ cử động, người ta túm một túm vải thân váy ở phía sau, buộc lại tạo thành cục gọi là phàn phái (túi vải), từ đó mới có tên gọi là Nùng U hay Nùng phàn phái.
Bên cạnh đó, dây lưng cũng là một bộ phận quan trọng để hoàn thiện bộ trang phục người Nùng. Loại phụ kiện này có sự khác nhau giữa các nhóm. Nhóm Nùng Dín có dây lưng dệt bằng sợi tơ tằm, trên mặt vải dệt những đường nét hoa văn hình thang song song, hình răng cưa, quả trám, lượn sóng, hình chim cách điệu… Khi mặc, quấn dây lưng quanh bụng, hai đàu dây dắt mối ở hai bên hông. Trong khi đó, dây lưng của phụ nữ Nùng Lòi bằng sợi bông dệt và nhuộm chàm, hai đàu dây thả mối phía sau dài chấm bắp chân. Dây lưng của nhóm Nùng An thì tuyền một màu xanh chàm, còn phụ nữ Nùng Xuồng thì thắt nhiều vòng thắt lưng ra ngoài áo dài, trên đó có dắt dây xà tích bằng đòng hay bạc, nổi rõ trên nền thắt lưng chàm.
5. SẮC ĐỎ RỰC RỠ TRONG TRANG PHỤC CỦA DÂN TỘC DAO
Trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim mũi chỉ, rực rỡ như bông hoa khoe sắc giữa núi rừng Tây Bắc.
Mùa xuân đang về trên khắp các nẻo đường Tây Bắc, khi hoa đào chuẩn bị bung sắc thắm cũng là lúc những chàng trai, thiếu nữ bản trên, bản dưới váy áo tung tăng đi tìm bạn. Lên Sapa, Lào Cai vào mùa này, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Dao Đỏ đang miệt mài thêu thùa bên vệ đường, hay bên khung cửa dệt thêu những mẫu hoa văn tuyệt đẹp.
Với người phụ nữ Dao Đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, trang phục của họ thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ. Những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười đã được bà, mẹ truyền dạy cho cách kéo sợi, dệt vải hay may vá thêu thùa. Để đến khi biết làm duyên cũng là lúc các thiếu nữ biết tự may cho mình những trang phục đẹp và duyên dáng.
Người Dao thường trồng bông trên núi, họ tranh thủ những lúc nông nhàn, không phải lên nương, rẫy để bật bông, ép hạt, se sợi, dệt vải và may trang phục. Thường vào tháng 1, tháng 2, khi những cánh đồng ít sương muối, họ tranh thủ gieo hạt, để đến ngày lấy bông, họ cho vào nồi đun qua nước sôi rồi ngâm vào nước lạnh, sau đó mới kéo thành sợi, dệt vải.
Cũng như nhiều trang phục của người Dao khác, một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh của người Dao Đỏ gồm khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng, xà cạp quấn chân. Nhưng bộ trang phục đẹp, cầu kỳ phải có đúng 5 màu cơ bản phối vào nhau.
Quan trọng nhất trong trang phục của họ là chiếc áo dài có màu chàm hoặc màu đen. Phụ nữ Dao Đỏ không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài, thân tay áo nối liền vào thân, không khoét nách như các loại áo dân tộc khác. Cổ áo được nẹp liền với ngực, thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu. Phía đầu của nẹp ngực đính chuỗi hạt cườm và tua màu đỏ.
Phụ nữ Dao đỏ cũng chú ý đến các họa tiết ở tay áo. Thường cửa tay áo, nẹp được thêu chủ yếu bằng chỉ đỏ và chỉ trắng, hoặc chỉ vàng. Họ cũng biết làm duyên bằng một chiếc áo nhỏ bên trong, với những họa tiết tập trung ở phía ngực, cổ và lưng áo. Thường họ thêu hoặc đính cúc hoa bạc theo chiều dọc ở giữa áo, mặc bên trong chiếc áo dài. Các họa tiết thường được thêu là hình cây thông, hình dấu chân hổ, hình hoa kiệu, hình răng cưa... Khi mặc, các hoa văn được kết hợp rất hài hòa, đẹp mắt.
Để biết được độ tinh xảo, kỹ thuật thêu cầu kỳ phải kể đến chiếc quần. Phía trên quần màu đen tuyền, không có hoa văn, nhưng ở phía dưới, họa tiết được thêu rất tỉ mỉ. Những hoa văn trang trí ở hai ống quần thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả trám..., tạo nên một sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục.
Người ta dễ dàng phân biệt được phụ nữ Dao đỏ với các phụ nữ Dao khác qua chiếc khăn đỏ đội đầu sặc sỡ. Thường khăn được trang trí bằng các họa tiết như vết chân hổ, cây vạn hoa hay thêu cách đoạn. Khi đội lên đầu, họa tiết của các lớp hoa văn này sẽ lộ ra, tăng thêm vẻ duyên dáng cho chiếc khăn. Nhiều chị, nhiều bà còn làm những tua len bằng sợi tơ đỏ trên khăn, lúc lắc theo mỗi bước đi.
Cuối cùng là hoa văn trang trí trên chiếc xà cạp, chủ yếu là hình răng cưa. Người phụ nữ thắt xà cạp không những để che phần vải không thêu hoa văn của áo dài mà còn tăng thêm vẻ sinh động cho bộ trang phục.
Với tính nhẫn nại, cần cù và đôi bàn tay khéo léo, nghệ thuật tinh tế trong sử dụng màu sắc, người Dao Đỏ đã tô điểm thêm cho bộ trang phục của mình thêm phần rực rỡ, như đóa hoa ngời sắc giữa núi rừng mà không lẫn với bất cứ dân tộc nào.
Phụ nữ Nùng thường dùng hai loại khăn đội đầu là khăn thường gọi là bẩu qạ và khăn chỉ đội trong khi cưới xin, hội hè thì gọi là bẩu chịp. Ngoài ra, trang phục của phụ nữ Nùng còn phải kể tới tạp dề, xà cạp, đệm vai, giầy vải và một số đồ trang sức làm bằng kim loại đeo trên người. Người Nùng đeo vòng cổ, vòng tay, trâm cài tóc, dây chuyền, vòng tai… vừa để cho đẹp, vừa thể hiện quan niện tín ngưỡng các vị thần linh ở núi rừng Tây Bắc thiêng liêng.