Ngô là món ăn rất quen thuộc với mỗi chúng ta, là thực phẩm mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, ngô có vị ngọt và trong ngô có chứa nhiều tinh bột nên nhiều người thường thắc mắc liệu những người mắc bệnh tiểu đường có ăn ngô được không? Người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn ngô nhưng cần chú ý hàm lượng và cân đối với mức đường huyết của mình.
1. Lợi ích sức khỏe của Ngô
Ngô là thức ăn quen thuộc có giá trị dinh dưỡng cao, trong ngô có chứa hàm lượng flavonoid cao và các hợp chất phenolic giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, bao gồm cả bệnh đái tháo đường. Không chỉ vậy trong ngô còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Ngô được sử dụng như một thực ăn và cũng như một loại thuốc của một số bệnh lý.
Trong 100gam ngô đã được luộc chín có chứa các thành phần dinh dưỡng như: 77 calo, 5g chất xơ, 17g carbohydrate, 8g đường, 8g protein và nhiều các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, magie, kali, sắt, kẽm...
Ngoài ra, ngô cũng chứa một lượng lớn các chất chống oxy hoá, nhiều hơn so với một số loại ngũ cốc khác có tác dụng ngăn chặn sự phát triển và hình thành các tế bào ung thư do ảnh hưởng của các gốc tự do gây ra như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư trực tràng...
2. Người bị tiểu đường có được ăn ngô không?
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate gây ra khi hormon insulin của tuyến tụy bị thiếu hụt hay mức độ hoạt động không hiệu quả biểu hiện bằng mức đường trong máu tăng hơn mức bình thường.
Bệnh tiểu đường là có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên nhiều cơ quan nếu mức đường huyết không được kiểm soát ổn định. Là nguyên nhân gây ra một số bệnh lý như bệnh lý mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên, đục thủy tinh thể, suy thận...
Một chế độ ăn uống phù hợp rất quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết của người bệnh. Chế độ ăn hợp lý giúp cho bệnh nhân có thể duy trì mức đường huyết ổn định, giảm được liều lượng thuốc cần phải sử dụng, ngăn chặn hoặc làm chậm sự xuất hiện các biến chứng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ bệnh nhân.
Người bệnh tiểu đường thường phải cân nhắc về việc có được ăn một món ăn nào đó hay không, trong đó ngô là món ăn ngon, bổ dưỡng mà những người mắc bệnh tiểu đường thường thắc mắc có được ăn hay không. Một số đánh giá chỉ ra rằng người mắc bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ăn được ngô bởi một số lý do sau:
- Ngô là thực phẩm có nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, ngoài ra trong ngô còn có chứa chất chống oxy hóa cao giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu của bệnh đái tháo đường.
- Chỉ số chuyển hóa đường huyết(GI) là chỉ số đánh giá tốc độ làm tăng đường trong máu của một thực phẩm sau khi ăn. Nếu thực phẩm có chỉ số đường huyết dưới 55 là thấp có lợi cho sức khỏe, từ 55 đến 69 là trung bình và trên 69 là cao nên hạn chế. Trong đó chỉ số GI của một bắp ngô đã luộc chín là 52. Do đó là loại thực phẩm có chỉ số GI thấp, có thể sử dụng cho người đái tháo đường.
- Ngô cũng chứa nhiều carotenoid và folate, chẳng hạn như lutein và zeaxanthin, do đó ngô đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của đôi mắt, cụ thể hạn chế thoái hoá điểm vàng và đục thuỷ tinh là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
- Trong ngô có hàm lượng chất béo thấp và ít muối nên phù hợp với nguyên tắc chế độ ăn uống của người bị tiểu đường.
Tuy nhiên, thì ngô vẫn là nhóm thực phẩm giàu tinh bột, cho nên người bị đái tháo đường không nên ăn nhiều ngô. Để tránh việc khó kiểm soát đường huyết.
3. Những lưu ý khi bị tiểu đường ăn ngô
Với chế độ ăn của người tiêu đường là giảm những thức ăn có chứa nhiều carbohydrate, tuy ngô có nhiều lợi ích, nhưng chúng vẫn có nguy cơ làm mất sự ổn định đường huyết cho nên người bệnh tiểu đường kiểm soát việc ăn ngô để tránh cung cấp quá lượng carbohydrate cho phép trong bữa ăn là rất cần thiết.
Một số lưu ý khi người bị tiểu đường ăn ngô:
- Thông thường khi lập biểu đồ cung cấp chế độ ăn phù hợp cho bệnh nhân thì bác sĩ sẽ dựa vào cân nặng và mức độ hoạt động thể lực hàng ngày để tính ra được số calo hay lượng carbohydrate cần cung cấp trong mỗi bữa ăn. Thông qua chỉ số đó người bệnh nên tính toán số gram ngô luộc phù hợp để cung cấp carbohydrate thay cho các món khác như cơm, khoai, mì, phở...
- Không nên chỉ ăn mỗi ngô mà nên kết hợp tăng cường nhiều loại ngũ cốc khác, tăng cường rau củ quả và các sản phẩm ít béo trong chế độ ăn.
- Nên ăn ngô nguyên hạt, ngô luộc thay vì các loại thực phẩm chế biến sẵn từ ngô hoặc bỏng ngô với nhiều bơ và hương liệu. Bởi vì những loại thực phẩm này sẽ chỉ làm tăng lượng carbohydrate, chất béo trong cơ thể và lượng calo cung cấp. Làm khó kiểm soát chế độ ăn hơn.
Như vậy câu hỏi tiểu đường có được ăn ngô không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nên chú ý hàm lượng ngô đưa vào cơ thể phù hợp để tránh làm tăng đường huyết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: vienyhocungdung.vn