Nằm tách biệt với lục địa vàng và thuộc châu Đại Dương nhưng vì sao đội tuyển Australia lại đá vòng loại World Cup khu vực châu Á, tham dự Asian Cup (vô địch 2015), thậm chí định dự cả AFF Cup? Tất cả chỉ vì tấm vé dự World Cup.
Do số lượng đội tuyển ít và trình độ hạn chế, châu Đại Dương chỉ được phân bổ nửa suất dự World Cup và đội vô địch luôn phải gặp một đại diện Nam Mỹ ở trận play-off liên lục địa để quyết định. Vượt trội so với những New Zealand, Fiji, Tahiti, Papua New Guinea, quần đảo Solomon, Vanuatua, New Caledonia, Tonga…, tuyển Australia không khó để đứng đầu châu lục nhưng luôn phải dừng bước trước các đội thứ 5 Nam Mỹ dù là: Chile, Peru, Uruguay, Paraguay hay Ecuador, Bolivia… Khi còn thuộc Liên đoàn châu Đại Dương (OFC), đội tuyển Australia chỉ có đúng 2 lần dự World Cup vào các năm 1974 và 2006. Vì thế, từ năm 2006, Australia quyết định gia nhập ngôi nhà bóng đá châu Á (AFC), nơi có nhiều suất hơn và nếu phải đi play-off liên lục địa có thể chỉ phải gặp đại diện của CONCACAF (khu vực Bắc, Trung Mỹ). Và với nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu (nhất là tại Anh), ưu thế về thể hình, đội tuyển Australia trở thành thế lực, lập tức 3 lần liên tiếp giành vé dự World Cup 2010, 2014 và 2018.
Tuy nhiên, gần đây dư luận Australia cho rằng quyết định gia nhập AFC là sai lầm, khiến trình độ thụt lùi. Cụ thể, không còn nhiều tuyển thủ Australia thi đấu ở những giải lớn châu Âu như trước, bóng đá trẻ đi xuống (U.19 Australia từng thua U.19 Việt Nam đến 2 lần vào các năm 2013, 2014), các CLB Australia cũng không thể tiến sâu tại AFC Champions League. Ngược lại, trình độ bóng đá châu Đại Dương không còn Australia lại nâng lên. Tuyển New Zealand giành vé World Cup 2010, đội U.23 dự Olympic 2020, và quan trọng nhất là từ World Cup 2026 OFC sẽ có trọn vẹn 1 suất. Vì vậy, người Australia cho rằng không có lý do gì ở lại châu Á, đã đến lúc rời AFC.
Phương Duy