Dự buổi làm việc có: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh; lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và tỉnh Bắc Kạn.
Chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn
Bắc Kạn là tỉnh miền núi ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên trên 4,8 nghìn km2; dân số hơn 320 nghìn người, dân tộc thiểu số chiếm trên 88%. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều địa danh nổi tiếng; tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm. Đặc biệt, Bắc Kạn là nơi bắt nguồn của 5 con sông lớn và có hồ Ba Bể nổi tiếng - “viên ngọc xanh giữa đại ngàn Việt Bắc”, di tích quốc gia đặc biệt, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới…
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung, nhờ những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội Bắc Kạn tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2021-2022 đạt 5,02%; chuyển dịch cơ cấu giữa các nhóm ngành kinh tế tiếp tục theo chiều hướng và định hướng chung, trong đó khu vực dịch vụ chiếm 51,9%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 16,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 5,7%, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 6/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. Nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,35%, cao nhất cả nước. Công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 10,8%. Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 5,14%. Du lịch phục hồi nhanh, đón 571 nghìn lượt khách 6 tháng đầu năm, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 74% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 400 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân 2,07%/năm; triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn. Tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, giữ vững phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Kạn còn nhiều khó khăn, nhất là về kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông chưa hoàn thiện, giao thương thiếu thuận lợi; việc giải ngân vốn đầu công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; hàng nghìn thôn, bản người dân chưa được dùng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 24,7% hộ dân toàn tỉnh.
Để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển, Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ tỉnh một số cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh và kết nối liên vùng, quốc gia; cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện; cơ chế, chính sách quản lý, phát triển rừng; cơ chế phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư ngoài ngân sách…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thảo luận đánh giá kết quả, khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp để tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, các đại biểu cho rằng, Bắc Kạn cần phân tích, xác định tiềm năng khác biệt của mình để phát triển như thế mạnh về kinh tế rừng, dược liệu, tín chỉ carbon; văn hóa đặc sắc của 7 dân tộc anh em trên địa bàn; nguồn tài nguyên phong phú, nhất là hệ thống sông, suối hồ như hồ Ba Bể… Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn cần quan tâm công tác quy hoạch; đào tạo nguồn nhân lực để việc phát triển bền vững hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Kạn, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước; cho rằng, sau hơn 26 năm tái lập, Bắc Kạn đã có những đổi thay toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng được duy trì. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, xây dựng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc được nâng lên.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở và thẳng thắng chỉ rõ, quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn nhỏ; tốc độ tăng trưởng GRDP còn thấp; tăng trưởng ở 2 khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác xây dựng, triển khai quy hoạch chậm; sản xuất nông nghiệp manh mún, sản phẩm bán ra chưa có sức cạnh tranh; phá rừng trái pháp luật vẫn còn diễn ra; sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư còn hạn chế; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường còn hạn chế; tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh...
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển
Trên cơ sở phân tích tiềm năng thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Thủ tướng cho rằng, Bắc Kạn có nhiều khó khăn, song có nhiều thuận lợi, vấn đề là phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết vấn đề và với tinh thần tự lực, tự cường thì thời gian tới Bắc Kạn sẽ phát triển.
Thủ tướng nhắc lại bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần thăm Bắc Kạn “Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên” và nhắc lại quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bắc Kạn phải tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa một cách hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.
“Bắc Kạn phải huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước; đến năm 2050, có nền kinh tế năng động, mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ rõ, Bắc Kạn phải phát triển kinh tế, tập trung vào 2 đột phá là kinh tế rừng và du lịch. Trong đó, phát triển kinh tế rừng với 3 mũi nhọn là bán chứng chỉ carbon, phát triển điện sinh khối và công nghiệp dược liệu; phát triển du lịch trên nền tảng cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ và bản sắc văn hóa dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Dương Giang - TTXVN)Theo Thủ tướng, nguồn lực và thời gian có hạn, trong khi yêu cầu thì phải kịp thời, phải nhanh, chất lượng, cho nên phải triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đột phá để phát triển; phát triển phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội...
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm; Nghị quyết 96/NQ-CP và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Tỉnh phải làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh. Khẩn trương hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bắc Kạn chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng; thúc đẩy đầu tư công; xây dựng các cụm, khu công nghiệp.
Tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững, làm trọng tâm thúc đẩy nền kinh tế; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học để sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng tập trung, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển nông thôn mới; phát triển nông - lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch; phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP, sản phẩm hữu cơ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công; đôn đốc các dự án, nhà máy đi vào hoạt động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, sớm có quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư; quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; tăng cường thu hút các dự án đầu tư; chú trọng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường kết nối giao thương với khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Bắc Kạn tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, “chọn đúng, chọn trúng” để thúc đẩy phát triển du lịch; xây dựng mô hình thí điểm phát triển “Điểm du lịch cộng đồng”; tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch gắn với phát huy các di sản văn hóa truyền thống của tỉnh; tiếp tục tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch thông minh.
“Bắc Kạn nên lấy hồ Ba Bể là trung tâm, kết nối các dòng sông, hồ Na Hang, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch”, Thủ tướng gợi ý.
Thủ tướng chỉ đạo, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Bắc Kạn; “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển.
Bắc Kạn nỗ lực tiếp tục giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông. Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Thủ tướng cơ bản nhất trí xem xét giải quyết, ăn cứ tình hình, nguồn lực chung để có lộ trình thực hiện phù hợp; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh xem xét, xử lý, những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét. Chính phủ đồng hành, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn về mặt cơ chế, chính sách, ý tưởng và tạo điều kiện để tỉnh triển khai thực hiện; đề nghị tỉnh Bắc Kạn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, huy động các nguồn lực toàn xã hội để đầu tư phát triển.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác kiểm tra Nhà máy luyện kim phi cốc của Công ty cổ phần vật tư và thiết bị toàn bộ - Matexim đang dừng hoạt động; nhằm xem xét, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, tái cấu trúc đầu tư dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà máy hoạt động trở lại./.