Suy nhược cơ thể gây mệt mỏi thể chất lẫn tinh thần. Việc lên thực đơn hợp lý với các món ăn cho người suy nhược cơ thể phù hợp đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh mau hồi phục.
Nguyên nhân gây ra tình trạng suy nhược cơ thể
Suy nhược cơ thể là tình trạng cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức cần nhanh chóng khôi phục lại (1). Bên cạnh việc nghỉ ngơi, tập luyện nhẹ nhàng thì người bệnh cần tham vấn bác sĩ, ưu tiên tập trung vào những món ăn cho người suy nhược cơ thể. Qua đó, hỗ trợ hồi phục sức khỏe, tăng đề kháng và thể trạng.
Có nhiều nguyên nhân gây suy nhược cơ thể, bao gồm:
- Dinh dưỡng kém, khó hấp thu
- Người cao tuổi, mắc bệnh nền, ăn uống kém
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tuyến giáp hoạt động kém
- Mất cân bằng điện giải
- Mất sức cơ
- Rối loạn giấc ngủ
- Lối sống thiếu khoa học
Suy nhược và yếu cơ toàn thân cũng có thể xảy ra ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy tim sung huyết (CHF), ung thư. Ngoài ra, sự suy giảm sức mạnh cơ ngoại biên và cơ hô hấp sẽ gây hạn chế khả năng tập luyện. Các bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng cũng có thể gây tình trạng suy nhược cơ thể.
Chứng suy nhược cũng có thể liên quan đến việc dùng một số loại thuốc, bao gồm: thuốc kiểm soát huyết áp cao, thuốc chống trầm cảm, thuốc kiểm soát lượng cholesterol trong máu, thuốc lợi tiểu… hay do tương tác thuốc với nhau. Khi đó, bên cạnh tham vấn lại bác sĩ về việc dùng thuốc, lựa chọn đúng các món ăn cho người suy nhược cơ thể sẽ giúp người bệnh nâng cao thể trạng, sức đề kháng, khỏe mạnh hơn.
Nguyên tắc xây dựng món ăn cho người suy nhược cơ thể
Nguyên tắc xây dựng món ăn cho người suy nhược cơ thể cần xem xét các yếu tố như dinh dưỡng, tính toán hàm lượng, thực đơn và các yêu cầu của bác sĩ.
Thực đơn cho người suy nhược cơ thể cũng cần dựa trên các nguyên tắc về dinh dưỡng, sinh lý, vệ sinh thực phẩm và các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng. Người xây dựng thực đơn cần hiểu về các chất dinh dưỡng nào quan trọng với người bị suy nhược cơ thể. (2)
Ngoài ra, món ăn cho người suy nhược cơ thể nên chọn lựa thực phẩm theo mùa, vừa giúp giảm thiểu chi phí vừa đảm bảo các tiêu chuẩn về dinh dưỡng, hương vị… Thực đơn cũng nên xem xét sở thích của người bệnh.
Nhìn chung, các nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người suy nhược cơ thể liên quan đến việc cân bằng nhu cầu dinh dưỡng, chi phí, sở thích của người bệnh để tạo ra một thực đơn phù hợp.
Chế độ ăn cho người suy nhược cơ thể mỗi ngày cần chia làm 3 bữa chính, 2 bữa phụ. Người bệnh cần được uống đủ nước, các vitamin B, C; omega-3, chất đạm… để bổ sung năng lượng cho cơ thể.
>> Xem thêm: Suy nhược cơ thể nên ăn gì?
Gợi ý 13 món ăn cho người suy nhược cơ thể
Những món ăn cho người suy nhược cơ thể cần đảm bảo cung cấp năng lượng tốt, nhanh, kịp thời giải quyết tình trạng suy nhược, mệt mỏi và duy trì hoạt động của các cơ quan trong cho cơ thể. Người bệnh có thể tham khảo 13 món ăn thơm ngon cho người suy nhược cơ thể dưới đây.
1. Cháo đậu đỏ
Protein rất cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa mô cơ thể. Cơ thể có thể phân hủy protein thành glucose để sử dụng làm năng lượng.
Đậu là nguồn cung cấp protein thực vật dồi dào. Cháo đậu đỏ là món ăn cần có trong thực đơn cho người suy nhược cơ thể. Món ăn này giúp phục hồi, giải độc và bồi bổ cơ thể. Đậu đỏ chứa nhiều protein, giàu vi chất dinh dưỡng, khoáng chất như kẽm, molybdenum, magie; chất xơ giúp ích cho quá trình đào thải.
Dùng đậu đỏ làm nguyên liệu chế biến thành những món ăn như cháo đậu đỏ, chè đậu đỏ, canh súp đậu đỏ… giúp người đang bị suy nhược cơ thể rút ngắn thời gian phục hồi.
2. Cháo bồ câu hạt sen
Thịt chim bồ câu có các axit amin thiết yếu, hàm lượng protein cao (24%), vitamin A-B1, B2, E, khoáng chất vi lượng và đa vi lượng thiết yếu, ít chất béo (0,3%(, hàm lượng cholesterol ít và hàm lượng axit béo không bão hòa cao…
Hạt sen có hàm lượng protein, carbohydrate và vitamin (bao gồm vitamin B, C, A, E) cùng các khoáng chất thiết yếu như kali, natri; lượng lớn chất phytochemical; axit galic, epicatechin và chlorogen có đặc tính chống oxy hóa mạnh và chống viêm.
Do đó, món cháo bồ câu hạt sen nên có trong danh sách các món ăn cho người suy nhược cơ thể hoặc đang mắc các tình trạng viêm như viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến, bệnh gút, bệnh viêm ruột…
3. Cháo tổ yến
Cháo tổ yến mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, là một trong những món ăn cho người suy nhược cơ thể. Trong tổ yến có hàm lượng glycoprotein cao, các yếu tố tăng trưởng, năng lượng trung tính,.. giúp tăng cường sức khỏe hệ thống miễn dịch. Tổ yến còn chứa yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF) giúp phát huy khả năng sửa chữa da và mô.
Sử dụng tổ yến lượng phù hợp sẽ hỗ trợ phục hồi sức khỏe người bệnh mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn hoặc ho mãn tính, làm sạch đờm, giảm ho khan mãn tính và giảm mệt mỏi. Tổ yến còn giúp tăng cảm giác ngon miệng, cải thiện tiêu hóa và kích thích nhu động ruột.
4. Gà hầm cách thủy
Thịt gà là nguồn cung cấp protein dồi dào, rất cần cho việc xây dựng và sửa chữa các mô, hỗ trợ phát triển cơ bắp, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Do đó, trong danh sách các món ăn cho người suy nhược cơ thể nên cân nhắc lựa chọn nước hầm gà. Một số gia vị như gừng, thảo mộc… cho thêm vào món ăn cũng giúp tăng cường miễn dịch, duy trì mức độ hydrat hóa trong cơ thể.
5. Gà hầm thuốc bắc
Món gà hầm thuốc bắc hay còn gọi là gà tiềm thuốc bắc là món ăn nên có trong thực đơn của người suy nhược cơ thể. Gà ác hầm với đông trùng hạ thảo, hoài sơn dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, gầy còm, ốm yếu. Gà ác hầm với gạo tẻ, bách hợp dùng cho các trường hợp suy nhược gầy còm, huyết hư sau đẻ. Gà ác hầm với sinh địa, bạch thược, xuyên khung thích hợp cho người bệnh thiếu máu…
6. Gà hầm sâm
Món ăn chứa hàm lượng protein, lipid và những dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, khắc phục tình trạng mệt mỏi.
7. Thịt heo hầm hoàng kỳ
Thịt heo hầm hoàng kỳ là món ăn cho người suy nhược cơ thể giúp điều hòa khí huyết. Trong Đông y, hoàng kỳ là vị thuốc hữu hiệu trong việc bồi bổ sức khỏe. Khi hầm với thịt heo càng tăng cường hiệu quả phục hồi sức khỏe cho người bệnh của món ăn này.
8. Thịt dê hầm gừng
Thịt dê nấu cháo hay hầm với gừng tươi là món ăn giúp bổ khí huyết, ấm tỳ vị, tốt cho người gầy ốm, hay đau mỏi khớp chân, đau lưng; nam giới liệt dương, yếu sinh lý, di tinh xuất tinh sớm; điều hòa kinh nguyệt cho phụ nữ, người hay đau bụng kinh…
9. Bào ngư hầm đông trùng hạ thảo
Bào ngư hầm đông trùng hạ thảo là thực đơn cho người suy nhược cơ thể được nhiều người ưa chuộng. Bào ngư và đông trùng thảo chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho điều trị yếu sinh lý nam, người suy nhược cơ thể, sức đề kháng kém, người đang điều trị các bệnh mãn tính và cấp tính.
10. Cá chép hấp gừng
Cá chép theo y học cổ truyền là món ăn hỗ trợ điều trị bệnh. Gừng giúp làm ấm cơ thể, trị ho, bao gồm các bệnh ho ở trẻ, vàng da. Cá chép hầm gừng được xem là món ăn cho người suy nhược cơ thể sau điều trị các bệnh như tim mạch, thận niệu, người thường xuyên đau mỏi cổ gáy, đau lưng…
11. Ngó sen hầm xương ống
Ngó sen hầm xương ống là món ăn giúp kích thích tiêu hóa. Trong ngó sen chứa nhiều chất xơ giúp đẩy tính năng co bóp của dạ dày, cải thiện chức năng miễn dịch, giảm stress, an thần, bổ máu, tái tạo hồng cầu trong cơ thể…
12. Súp atiso
Atiso rất giàu chất chống oxy hóa, chất chống gốc tự do (gây stress cho cơ thể), hỗ trợ hệ tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch, chống dị ứng, điều hòa huyết áp, chống mỡ máu… Do đó, canh hay súp atiso là thực đơn cho người suy nhược cơ thể mà người nhà cần quan tâm, lưu ý bồi dưỡng cho người bệnh.
13. Súp lươn
Súp lươn là món ăn cho người suy nhược cơ thể gần gũi và dễ nấu. Thịt lươn chứa nhiều protein, vitamin B1,6,12, canxi, sắt,… có công dụng bổ khí dưỡng huyết cho người bệnh bị lao lực, bệnh xương khớp, thận hư, thanh nhiệt, giải độc… Do đó, từ xưa đến nay súp lươn luôn được người dân lựa chọn để hồi phục cơ thể, nhanh phục hồi sức khỏe.
Câu hỏi thường gặp về chế độ ăn cho người suy nhược cơ thể
Người đang mệt mỏi, cơ thể suy nhược… nên ăn nhiều trái cây, rau củ để bổ sung vitamin; ăn đậu, sữa và thịt để bổ sung protein và đa dạng thực phẩm để cân bằng dinh dưỡng. Đồng thời cần tập thể dục hợp lý để nâng cao thể lực.
1. Suy nhược cơ thể nên ăn những loại trái cây nào?
Thực đơn cho người suy nhược cơ thể bao gồm trái cây tươi theo mùa, chín tự nhiên, không chứa chất hóa học, chất bảo quản. Các chất dinh dưỡng như co-enzym Q10, magie, kali và sắt có trong nhiều loại trái cây giúp cơ thể sản xuất và bảo tồn năng lượng, chống lại sự mệt mỏi.
- Bơ: Loại quả giàu chất béo lành mạnh, giúp tăng cường sức khỏe của não, tim, đồng thời có đặc tính chống viêm. Sử dụng quả bơ như một bữa ăn nhẹ có thể hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh hơn.
- Dưa hấu: Là nguồn dồi dào nước, vitamin và khoáng chất nên rất hữu ích cho người đang có dấu hiệu mệt mỏi.
- Quả mọng sẫm màu: Các loại trái cây có màu sẫm như quả việt quất, anh đào rất giàu chất chống oxy hóa, giúp chống lại mọi tổn thương gốc tự do, giữ cơ bắp hoạt động tốt hơn.
- Chuối: Chuối là nguồn cung cấp kali dồi dào, loại khoáng chất hỗ trợ cơ bắp co bóp và ngăn ngừa chuột rút. Mỗi ngày ăn một quả chuối sẽ cung cấp nhiều năng lượng và sức mạnh cơ bắp chống lại sự mệt mỏi.
2. Các loại vitamin nào tốt cho người suy nhược cơ thể?
Cơ thể thiếu hụt B12 có thể gây biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, thậm chí gây tổn thương thần kinh, suy giảm chức năng nhận thức và thiếu máu.
Trong chế độ ăn cho người suy nhược cơ thể cần phải có vitamin nhóm B như:
- B1 (Thiamine): chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng
- B2 (Riboflavin): chuyển hóa chất béo và protein thành năng lượng, đặc biệt là ở cơ bắp, nơi chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi nhất.
- B3 và B5 (hay Niacin và Axit Pantothenic): có vai trò chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và được cơ thể sử dụng để tạo ra hormone.
- B6 (Pyridoxine B6): giúp phá vỡ lượng glycogen dự trữ và hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
Thiếu Vitamin D sẽ dẫn đến mệt mỏi, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng, đồng thời có thể dẫn đến đau lưng, yếu xương và rụng tóc nếu không được điều trị. Do đó, thức ăn cho người bị suy nhược cơ thể nên bổ sung vitamin D.
Thiếu sắt, magie có thể làm giảm đáng kể khả năng chịu đựng cả về thể chất và tinh thần. Bổ sung chất sắt và magie vào thực đơn cho người suy nhược cơ thể giúp giảm tình trạng mệt mỏi. Tuy nhiên, cần sử dụng theo định lượng của bác sĩ, tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng do dùng quá liều.
3. Người già bị suy nhược cơ thể nên ăn những gì?
Người cao tuổi có xu hướng gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng (có thể trở nên trầm trọng hơn khi bị bệnh). Do đó, người nhà phải chú ý hơn đến món ăn cho người suy nhược cơ thể để sức khỏe người bệnh nhanh hồi phục.
Những thực phẩm nên bổ sung trong quá trình phục hồi:
- Rau: Các loại rau có nhiều vitamin và khoáng chất bao gồm cà rốt, bông cải xanh, bắp cải, khoai tây, súp lơ trắng, ớt chuông ngọt, cải Brussels và khoai lang… ăn nhiều rau vào chế độ ăn cho người suy nhược cơ thể sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng mà người cao tuổi cần để hồi phục nhanh hơn.
- Chất béo lành mạnh: bơ, dầu ô liu, các loại hạt, hạt và dầu dừa… đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sau tai nạn hoặc bệnh tật. Bổ sung chất béo lành mạnh giúp tăng cường hấp thu vitamin và cung cấp năng lượng cần thiết giúp cơ thể hoạt động bình thường.
Đối với người già bị suy nhược cơ thể, chế độ ăn cho người suy nhược cơ thể cần phải đảm bảo protein: thịt gia cầm, trứng, hải sản, đậu và đậu lăng, các loại hạt và đậu phụ… Món trứng canxi, kẽm, sắt, axit folic, vitamin B phức hợp, protein, riboflavin và vitamin A, E và K… Tất cả các dưỡng chất này đóng vai trò đẩy nhanh quá trình phục hồi và ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Rau lá có màu xanh đậm: chứa lượng lớn vitamin A, C, E và K, vitamin B phức hợp, magiê, canxi, sắt và chất xơ… giúp cơ thể hoạt động bình thường, ngăn ngừa nhiễm trùng và đảm bảo người bệnh đủ năng lượng cần thiết để phục hồi.
- Trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, probiotic (lợi khuẩn): là những món ăn cho người suy nhược cơ thể cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu đáng tin cậy như vitamin (A và C), chất xơ, carbohydrate, chất chống oxy hóa và nhiều calo bổ dưỡng khác mà cơ thể cần để chữa lành đúng cách.
- Nước: bệnh tật có xu hướng làm cơ thể mất nước. Cơ thể người có 55-65% là nước nên việc giữ nước là rất quan trọng cho quá trình chữa bệnh, phục hồi, tái tạo và phát triển của tế bào, bôi trơn khớp và chức năng cơ.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Khoa Nội tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, lên thực đơn món ăn cho người suy nhược cơ thể một cách khoa học là yếu tố quan trọng trong quá trình giúp người bệnh nhanh hồi phục. Dinh dưỡng hợp lý giúp cơ thể phục hồi nhanh, lấy lại sự cân bằng. Người bệnh cũng có thể tư vấn bác sĩ về việc bổ sung thêm thực phẩm chức năng, vi chất để hỗ trợ thêm cho quá trình này. Những người suy nhược cơ thể mắc thêm bệnh lý liên quan cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.