Chụp X-quang tim thường được bác sĩ chỉ định khi nghi ngờ người bệnh có bất thường ở tim, phổi, lồng ngực. Kỹ thuật này là cơ sở nền tảng giúp bác sĩ chẩn đoán một số bệnh lý liên quan đến lồng ngực.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Kỹ thuật chụp X-quang tim giúp bác sĩ có thể quan sát bóng của tâm nhĩ, tâm thất và hệ mạch phổi. Từ đó, bác sĩ sẽ có những đánh giá tương đối về các vùng tương ứng cần khảo sát. Vậy chụp X-quang tim là gì? Kỹ thuật này có quy trình thực hiện như thế nào?
Chụp X-quang tim là gì?
Chụp X-quang tim là bước khởi đầu trong quá trình chẩn đoán bệnh tim mạch, đặc biệt là suy tim. Kỹ thuật này sử dụng tia bức xạ X ở liều không đáng kể và không gây hại cho sức khỏe. Thông thường, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có 3 tư thế chụp cơ bản bao gồm tư thế thẳng sau - trước, tư thế nghiêng trái và tư thế chếch. Ở mỗi tư thế chụp, các mốc giải phẫu của tim sẽ được quy ước khác nhau như sau:
1. Chụp X-quang tim tư thế thẳng sau - trước
- Phía bờ phải của tim bao gồm 3 cung là tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch chủ dưới và nhĩ phải.
- Phía bờ trái của tim bao gồm 4 cung khác nhau là quai động mạch chủ, tiểu nhĩ trái và thất trái, cung động mạch phổi. Trong đó tiểu nhĩ trái có thể không được nhìn thấy ở những người không mắc bệnh về tim mạch.
2. Chụp X-quang tim tư thế nghiêng trái
- Bờ trước của tim có 3 cung là thân động mạch phổi, thất phải, động mạch chủ lên.
- Bờ sau của tim có 2 cung là nhĩ trái và thất trái.
3. Chụp X-quang tim tư thế chếch
- Bao gồm chụp ở tư thế chếch trước trái và chếch trước phải.
- Chụp X-quang tim là kỹ thuật xét nghiệm có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lý tim mạch, đặc biệt là suy tim
Chụp X-quang tim giúp chẩn đoán bệnh gì?
Kỹ thuật chụp X-quang tim hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán các bệnh lý nguy hiểm, điển hình như:
- Bệnh hở van 2 lá: Tùy mức độ hở có thể cho thấy tình trạng bóng tim to, tâm thất trái và tâm nhĩ trái tăng kích thước, có thể có đóng vôi vòng van 2 lá, tăng áp lực tĩnh mạch phổi.
- Bệnh hẹp van 2 lá: Kết quả chụp X-quang tim thể hiện các vấn đề như lớn tâm nhĩ trái, tiểu nhĩ trái, tăng áp lực tĩnh mạch phổi, tuy nhiên hình ảnh tâm thất trái vẫn bình thường.
- Bệnh hở van động mạch chủ: Bóng tim to, cung động mạch chủ và tâm thất trái to trên hình chụp X-quang tim.
- Bệnh thông liên thất: Khi lỗ thông liên thất đủ rộng thì trên ảnh chụp X-quang tim sẽ thấy được bóng tim lớn dần kèm theo đó là động mạch phổi bị tăng kích thước.
- Bệnh thông liên nhĩ: Ảnh phim X-quang tim của người mắc bệnh thông liên nhĩ thể hiện các vấn đề như lớn thất phải, dày nhĩ phải và phình cung động mạch phổi.
- Tứ chứng Fallot: Đây là bệnh tim bẩm sinh với tỷ lệ mắc phải cao trên tổng các trường hợp bệnh tim bẩm sinh ở trẻ. Chụp X-quang sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm những bệnh lý này qua các đặc điểm như tim có hình dạng chiếc giày, khuyết cung động mạch phổi, mỏm tim chếch lên do dày thất phải.
- Bệnh suy tim trái: Những đặc điểm của bệnh suy tim trái được thể hiện trên phim chụp X-quang bao gồm nhĩ trái, thất trái bị tăng kích thước và dày hơn, bóng tim lớn, phù phế nang, tràn dịch màng phổi.
- Bệnh suy tim phải: Buồng tim phải bị tăng kích thước và giãn rộng, điều này sẽ được thể hiện trên hình chụp X-quang tim.
- Tràn dịch màng tim: Tùy vào lượng dịch tràn ngoài màng tim mà hình ảnh chụp X-quang sẽ thể hiện những đặc điểm khác nhau. Nếu lượng dịch tụ ngoài màng tim tương đối ít thì khó phát hiện rõ rệt trên Xquang. Ngược lại, nếu lượng dịch tràn ngoài màng tim nhiều thì có hình ảnh bóng tim sẽ to đối xứng, tim dạng túi nước, bờ tim không rõ, góc tâm hoành nhỏ.
Khi nào thì cần thực hiện chụp X-quang tim?
Chụp X-quang tim giúp phát hiện sớm những bất thường tại tim và các cơ quan chức năng lân cận. Kỹ thuật chụp X-quang tim cần được thực hiện khi:
- Cần xác định vị trí và mức độ của các tổn thương hoặc bệnh lý ở lồng ngực, tim.
- Theo dõi diễn biến tình trạng sức khỏe của người bệnh.
- Cần ước lượng tỷ lệ của sự xâm lấn hay chèn ép do tim tới bờ thực quản.
- Cần định hình vùng tổn thương hoặc nghi ngờ có khối u ở trung thất.
- Cần quan sát hoạt động của tim trong quá trình điều trị bệnh.
Đối tượng chỉ định chụp X-quang tim
Dưới đây là những đối tượng được chỉ định thực hiện phương pháp chụp X-quang tim:
Chụp X-quang tim là một trong kỹ thuật xét nghiệm cần được ưu tiên thực hiện nhằm giúp bác sĩ có thêm căn cứ để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang tim khi nghi ngờ người bệnh đang mắc bệnh lý về tim mạch và phổi, ví dụ như lao phổi, ung thư phổi, suy tim, hở/hẹp van tim… Cụ thể, các triệu chứng thường gặp của những bệnh lý nêu trên bao gồm ho kéo dài trong nhiều ngày, ho ra máu, sốt, khó thở, vùng ngực sau chấn thương đau nặng (sau khi gãy xương hoặc bị biến chứng của bệnh phổi)…(1)
Quy trình chụp X-quang tim
Để việc chụp X-quang tim diễn ra thuận lợi, an toàn, mang đến kết quả chính xác, người bạn cần tìm hiểu trước về quy trình thực hiện, cụ thể như sau:
1. Trước khi chụp X-quang tim cần chuẩn bị gì?
Người bệnh nên mặc quần áo đơn giản, mỏng nhẹ để tiện cho việc thay áo choàng chuyên dụng khi chụp X-quang. Ngoài ra, người bệnh cần loại bỏ các vật dụng kim loại, trang sức để đảm bảo hình chụp X-quang đạt chất lượng tối ưu.
Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai cần thông báo với bác sĩ để hạn chế nguy cơ tia X gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Ở trường hợp thai phụ buộc phải thực hiện chụp X-quang tim, các bác sĩ sẽ hội chẩn và áp dụng biện pháp che chắn hoặc làm giảm lượng tia bức xạ tiếp xúc với thai nhi xuống mức tối thiểu.
2. Thực hiện chụp X-quang tim
Tại phòng chụp X-quang, người bệnh sẽ được bác sĩ và kỹ thuật viên hướng dẫn các tư thế chụp. Tiếp theo, tia bức xạ X được chiếu đi qua lồng ngực đến bộ phận ghi nhận hình ảnh X-quang được đặt phía sau. Qua đó, hình ảnh chụp X-quang tim sẽ được tạo ra.
Thông thường, người bệnh sẽ được yêu cầu đứng thẳng và dựa vào tấm X-quang. Trong suốt quá trình thực hiện, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh giữ yên tư thế chụp hoặc nín thở trong vài giây để hình chụp X-quang tim được rõ nét. Kỹ thuật chụp X-quang tim chỉ được thực hiện trong phòng chụp đạt tiêu chuẩn về an toàn của Bộ Y tế.
3. Sau khi chụp X-quang tim
Sau khi quá trình chụp X-quang kết thúc, người bệnh sẽ mặc lại trang phục của mình và sinh hoạt bình thường. Kết quả chụp X-quang tim có ngay sau đó và được trả về phòng khám của bác sĩ điều trị.
4. Đọc kết quả chụp X-quang tim
Thông qua ảnh phim X-quang tim, bác sĩ sẽ quan sát những dấu hiệu bất thường, sau đó đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị thích hợp. Một ảnh chụp X-quang tim được xác định là kết quả bình thường sẽ thể hiện những đặc điểm sau:
- Kích thước và hình dáng tim bình thường.
- Không xuất hiện khối u trong tim hoặc vùng lân cận tim.
- Hệ thống mạch máu và bóng tim có kích thước bình thường.
- Xương thành ngực bình thường, không bị biến dạng.
- Không có hiện tượng tích tụ chất lỏng, khí hoặc dị vật trong lồng ngực.
Chụp X-quang tim có ảnh hưởng gì không?
Chụp X-quang được khẳng định an toàn cho sức khỏe của người bệnh nếu thời gian chụp phù hợp (5 - 7 lần/năm) và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín. Nếu người bệnh cần chụp X-quang 2 lần/tuần thì phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bạn không nên tự ý đến các phòng khám để chụp X-quang khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Chụp X-quang tim là kỹ thuật bắt buộc sử dụng tia bức xạ X. Việc lạm dụng chụp X-quang sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. Vì vậy, người bệnh cần chọn thăm khám tại bệnh viện uy tín và tuân thủ chỉ định chụp X-quang từ bác sĩ để hạn chế nguy cơ xảy ra các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Hiện nay Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chuẩn an toàn cần có trong quá trình thực hiện chụp X-quang, cụ thể bao gồm:
- Quá trình chụp X-quang cần được thực hiện tại phòng chụp đạt tiêu chuẩn về an toàn.
- Thiết bị chụp X-quang chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.
- Bác sĩ và kỹ thuật viên X-quang đã được đào tạo bài bản về quy trình chụp X-quang.
Chi phí chụp X-quang tim là bao nhiêu?
Chụp X-quang tim là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh quen thuộc, người bệnh có thể thực hiện tại hầu hết các cơ sở y tế. Chi phí chụp-X quang tim dao động từ 150.000 VNĐ đến hơn 250.000 VNĐ tùy vào từng cơ sở y tế. Sự chênh lệch về chi phí này phụ thuộc vào các yếu tố như cơ sở vật chất, chất lượng thiết bị chụp X-quang, trình độ chuyên môn của bác sĩ và kỹ thuật viên tại từng cơ sở y tế.
*Lưu ý bảng giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ.
Trong đó, bệnh viện uy tín được trang bị máy chụp X-quang thế hệ mới, cơ sở vật chất hiện đại thường sẽ có chi phí chụp X-quang tim cao hơn. Ưu điểm khi lựa chọn chụp X-quang tại bệnh viện uy tín, máy móc hiện đại là quy trình chụp diễn ra nhanh chóng, an toàn cho sức khỏe, hình ảnh rõ nét, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sở hữu cơ sở vật chất, trang thiết bị chụp X-quang hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện còn quy tụ đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên, chuyên viên y tế có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và điều trị bệnh. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào là một trong những cơ sở y tế uy tín được hàng nghìn người dân tin tưởng chọn thăm khám và chụp X-quang tim theo chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm tại, chụp X-quang tim là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến, có sử dụng tia bức xạ X. Vì vậy, người bệnh chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ. Nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt, ngất xỉu… bạn nên đến cơ sở y tế uy tín thăm khám, nhận chỉ định chụp X-quang tim từ bác sĩ để được chẩn đoán, chữa trị sớm.