Thực đơn cho người hóa trị ung thư cần đảm bảo cung cấp đầy đủ, cân đối về năng lượng cũng như thành phần đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất … Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh, giảm nguy cơ diễn tiến các tình trạng cấp tính, giảm tác dụng phụ do quá trình điều trị.
Hóa trị ảnh hưởng đến việc ăn uống ra sao?
Quá trình hóa trị nhắm đến điều trị các tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng có thể làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh. Trong đó, hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc ăn uống, chán ăn, ăn kém do đau vùng miệng, buồn nôn, nôn ói hay đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy.
Vì sao cần xây dựng thực đơn cho người hóa trị ung thư?
Người hóa trị cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, có đầy đủ các loại thực phẩm, giàu dinh dưỡng như các nhóm đạm, đường, béo,… Thực đơn hợp lý sẽ giúp giảm một số tác dụng phụ liên quan đến phương pháp điều trị này.
Cụ thể, người bệnh đang điều trị ung thư, bao gồm hóa trị cần tăng lượng năng lượng được cung cấp từ nguồn thực phẩm nhóm đạm, đường, béo trong chế độ ăn hàng ngày, kết hợp thay đổi kết cấu thực phẩm, ưu tiên các món ăn mềm, dễ tiêu hóa giúp người bệnh dễ hấp thu. Thực đơn hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế dung nạp dinh dưỡng của cơ thể, ăn uống hợp lý cân đối sẽ mang đến nhiều lợi ích tích cực như sau:
- Duy trì hàm lượng dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể
- Duy trì mức năng lượng cơ bản của cơ thể
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng, các tình trạng cấp tính
- Tăng tốc độ phục hồi vết thương
- Tăng khả năng chống chịu các tác dụng phụ của phương pháp hóa trị
Chế độ dinh dưỡng khi hóa trị điều trị ung thư thay đổi như thế nào?
Thực đơn cho người hóa trị cần áp dụng chế độ dinh dưỡng như sau:
1. Tăng nhu cầu năng lượng
Ở bệnh nhân ung thư, quá trình trao đổi chất thay đổi dẫn đến tình trạng tăng chuyển hóa, tăng nhu cầu năng lượng của cơ thể, do đó nếu cung cấp thiếu năng lượng có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, làm tăng nặng tình trạng suy mòn khối cơ. Vì vậy, trong chế độ ăn hằng ngày, chúng ta cần tăng năng lượng để cung cấp đủ cho người bệnh.
2. Đủ chất đạm
Chất đạm là một phần thiết yếu của chế độ ăn hằng ngày, tham gia vào quá trình xây dựng tế bào, sửa chữa mô cơ thể và duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Việc cung cấp đủ chất đạm là rất quan trọng cho sự phát triển, phục hồi và duy trì sức khỏe tổng thể. Do đó, nếu Cơ thể không nhận đủ chất đạm sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy giảm khối cơ, suy dinh dưỡng, giảm chức năng miễn dịch hoặc rối loạn chức năng cơ quan,…
Đặc biệt, người bệnh ung thư cần nhiều chất đạm hơn so với nhu cầu người khỏe để chữa lành các mô sau phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, hỗ trợ miễn dịch, hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Chất đạm thường có nhiều trong cá, thịt gia cầm, thịt heo/bò, trứng, các sản phẩm chế biến từ sữa, các loại đậu hạt.
3. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
Người bệnh điều trị hóa trị thường có triệu chứng chán ăn, ăn kém kèm tình trạng buồn nôn, nôn ói, cảm giác mệt mỏi dẫn đến việc giảm khả năng ăn đủ một cữ ăn thông thường. Do đó, cần chia nhỏ các bữa ăn, ăn nhiều bữa trong ngày từ 5-6 bữa ăn để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, tránh tình trạng mau no, giảm buồn nôn, nôn ói. (1)
4. Lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa
Nên lựa chọn các thực phẩm được chế biến mềm, dễ tiêu hóa, dễ nhai nuốt như cháo, soup, sữa, … sinh tố trái cây, giúp người bệnh dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng, giảm nôn ói. Tránh các thực phẩm cứng, quá nhiều gia vị, chiên xào, … dễ gây tình trạng nôn ói cho người bệnh.
5. Tăng cường rau xanh và trái cây
Các loại rau xanh, trái cây rất giàu vitamin (vitamin A, C,E,…), khoáng chất (kẽm, selen,…), chất chống oxy hóa và các hợp chất như carotenoids, lycopene, resveratrol, phytosterol… Những thành phần này đều rất có lợi cho bệnh nhân đang hóa trị, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể. (2)
Chất chống oxy hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trung hòa các gốc tự do để bảo vệ tế bào khỏe mạnh. Tuy nhiên, giai đoạn bệnh nhân còn mệt, nôn ói nhiều, ăn uống còn kém, có thể ưu tiên sử dụng chất đạm đường béo, tránh sử dụng quá nhiều rau xanh, trái cây gây cảm giác mau no, từ đó sẽ ăn ít các chất dinh dưỡng khác.
6. Uống đủ nước
Bệnh nhân ung thư điều trị hóa trị có thể có tình trạng mất nước do nôn ói hoặc tiêu chảy, vì vậy cần đảm bảo nhu cầu nước mỗi ngày bằng cách sử dụng nước lọc, nước trái cây, nước canh,.. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh uống nước quá nhiều trong bữa ăn nhằm tránh gây no sẽ làm giảm cung cấp các thực phẩm giàu đạm, đường, béo khác.
7. Còn tùy thuộc tình trạng sức khỏe người bệnh
Việc xây dựng thực đơn cho người bệnh hóa trị còn tùy thuộc vào từng tình trạng sức khỏe cụ thể. Bệnh nhân cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để có chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất, đảm bảo cơ thể có khả năng chống chịu tối đa tác dụng phụ do truyền hóa chất.
Thực đơn cho người hóa trị bao gồm những gì?
Dưới đây là gợi ý thực đơn cho người hóa trị nên tham khảo:
1. Thực phẩm nên ăn
Các loại thực phẩm tốt cho người bệnh hóa trị, nên thêm vào thực đơn hàng ngày bao gồm:
- Thực phẩm giàu protein: Protein có nguồn gốc thực vật như tàu hũ, nấm, các loại đậu hạt và protein có nguồn gốc động vật như thịt gia súc, thịt gia cầm, cá, hải sản, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa.
- Trái cây và rau quả: Ưu tiên các loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc, ăn đa dạng, cân đối các loại.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: sữa dinh dưỡng y học, sữa tươi, sữa chua, phô mai, …
- Ngũ cốc nguyên hạt: Yến mạch, hạt diêm mạch, gạo lứt, bỏng ngô, ngô, khoai tây, đậu Hà Lan, bánh mì, ngũ cốc, bánh quy giòn 100% nguyên hạt,…
- Chất béo giàu dinh dưỡng: Dầu ô liu, dầu hạt cải, bơ hạt (chẳng hạn như bơ đậu phộng hoặc bơ hạnh nhân), quả bơ, các loại hạt…
- Đồ uống: Nước lọc, sữa và nước trái cây, sinh tố.
2. Thực phẩm nên hạn chế
Thực đơn của người bệnh đang hóa trị cần tránh các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm chưa nấu chín hoặc sống: cá sống, thịt sống, thức ăn chưa chế biến, rau củ quả sống …
- Thực phẩm chế biến sẵn, hoặc sử dụng quá nhiều gia vị: thức ăn nhanh, ớt, tiêu, thức ăn cay nóng, … dễ gây cảm giác khó chịu cho dạ dày.
- Thực phẩm, đồ uống chứa caffeine, thức uống có cồn (rượu, bia): cà phê, trà đen, nước ngọt đóng chai, rượu, bia, … có thể gây cảm giác khó chịu dạ dày, nôn ói, ảnh hưởng đến quá trình ăn uống của người bệnh.
Gợi ý thực đơn cho người hóa trị ung thư
Người bệnh ung thư đang điều trị bằng hóa trị có thể tham khảo gợi ý thực đơn như sau:
1. Trước khi hóa trị
Trước khi bắt đầu hóa trị, người bệnh nên có chế độ ăn uống lành mạnh và cố gắng duy trì cân nặng vừa phải. Một chế độ ăn uống hợp lý bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả khác nhau, chất béo lành mạnh, protein, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. Điều quan trọng là cần cố gắng hạn chế carbohydrate tinh chế, đường tổng hợp và thực phẩm chế biến sẵn. Nêm vị nhạt, lượng muối sử dụng mỗi ngày dưới 5g.
Một chế độ ăn uống khoa học trước khi hóa trị sẽ góp phần làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, tăng khả năng chống chịu các tác dụng phụ và có sức khỏe tốt để đáp ứng điều trị tối đa, không cần nghỉ ngơi ngoài kế hoạch.
2. Trong quá trình hóa trị
Sau khi bắt đầu điều trị, cơ thể người bệnh cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là cung cấp đủ năng lượng và chất đạm để duy trì mức chuyển hóa ổn định. Thực đơn vẫn nên ưu tiên trái cây, rau quả nhiều màu sắc và thực phẩm giàu chất đạm, tránh đồ ngọt, đồ chế biến sẵn. Bữa ăn nhẹ có thể chọn sữa dinh dưỡng y học, sữa chua, các loại hạt, salad gà/thịt hoặc trứng luộc.
Trong quá trình hóa trị, tác dụng phụ của phương pháp điều trị này có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống, do đó cần cân nhắc để điều chỉnh thực đơn sao cho hợp lý. Chẳng hạn, người bệnh bị đau miệng nên tránh ăn trái cây có tính axit, thức ăn cay nóng, nhiều gia vị sẽ gây tăng tình trạng đau miệng, lở miệng, người bị tiêu chảy cần bổ sung đủ nước, có thể sử dụng nước trái cây, nước cháo, nước điện giải, tránh sử dụng nước quá ngọt, nước ngọt có ga, …
3. Sau khi hóa trị
Sau khi hóa trị, bệnh nhân cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng bằng cách:
- Bổ sung đa dạng các loại rau và trái cây nhiều màu sắc vào thực đơn hàng ngày như rau có màu xanh đậm, ớt chuông, trái cây họ cam quýt…
- Ăn phối hợp các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt
- Hạn chế ăn carbohydrate tinh chế và thực phẩm có đường
- Ăn đầy đủ, đủ lượng thực phẩm giàu protein trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ
- Không nên uống rượu
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, nên chia thành 5-6 bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn như bình thường
- Có thể sử dụng thực phẩm lạnh, mát vì thường ít mùi và vị, phù hợp với những người bệnh bị buồn nôn, nôn ói nhiều.
- Uống nước thường xuyên để ngăn ngừa tình trạng mất nước và giúp loại bỏ một số sản phẩm phụ của quá trình hóa trị, ngoài ra có thể bổ sung thêm nước ép táo, nước ép nho, đồ uống ít muối, súp, trà thảo mộc (trà gừng, bạc hà, trà đen…)
Chăm sóc bệnh nhân hóa trị ung thư cần lưu ý gì?
Quá trình chăm sóc bệnh nhân hóa trị nên lưu ý những vấn đề sau:
- Động viên tinh thần cho người bệnh: Trước khi hóa trị, người bệnh thường rất lo lắng, hồi hộp, thậm chí bất an. Vì thế, người chăm sóc cần động viên, giúp bệnh nhân ổn định tinh thần, tránh lo lắng, khó chịu, than vãng hoặc tỏ thái độ bi quan.
- Đảm bảo trạng thái thoải mái nhất cho bệnh nhân: Kể cả khi ở nhà hay đi ra ngoài, người chăm sóc cũng nên chuẩn bị những thứ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái nhất như món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe, cuốn sách hay, gấu bông…, đặc biệt là hãy ở bên, chăm sóc và an ủi người bệnh mọi lúc.
- Cho người bệnh ăn uống khi có thể: Hóa trị có thể gây buồn nôn và chán ăn. Vì vậy, hãy cho người bệnh ăn khi có thể để tránh suy dinh dưỡng.
- Kiên nhẫn với bệnh nhân: Mệt mỏi là tác dụng phụ thường gặp ở bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những người đang trải qua hóa trị. Vì vậy, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều và tránh cố gắng quá sức. Người chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn này nên kiên nhẫn bởi họ rất dễ bị mất năng lượng, uể oải, chán nản và cần người thấu hiểu.
Trên đây là bài viết chia sẻ cách xây dựng thực đơn cho người hóa trị. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nâng cao sức khỏe tổng thể trong giai đoạn điều trị ung thư.