Tết Nguyên Đán được biết đến với sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Điều này cũng làm nên sự khác biệt về văn hóa ẩm thực, đặc biệt là trong các mâm cỗ ngày Tết của người dân 3 miền. Khác với ẩm thực miền Nam thiên ngọt, miền Trung đậm đà, cay nồng, món ngon ngày Tết miền Bắc lại mang hương vị thanh đạm, nhẹ nhàng mà vẫn hấp dẫn lạ thường.
Tham khảo thêm:
- Món ngon ngày Tết miền Nam
- Món ngon ngày Tết miền Trung
1. Bánh chưng
Nhắc đến món ăn đặc trưng trên các mâm cúng ngày Tết miền Bắc thì chắc chắn phải nhắc đến bánh chưng. Đây là loại bánh truyền thống thường xuất hiện trên bàn thờ tổ tiên, dùng trong các mâm cúng lễ Tết hoặc các dịp quan trọng. Bánh chưng là sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo thơm, đậu xanh ngọt bùi, thịt mỡ béo ngậy thêm chút tiêu cay nồng nàn. Khi thưởng thức có thể ăn kèm với dưa hành, chả giò để tăng thêm hương vị thơm ngon đặc trưng.
Ngày nay, nhiều gia đình vẫn giữ được phong tục gói bánh chưng Tết truyền thống. Cứ đến những ngày giáp Tết, gia đình, làng xóm lại quây quần cùng nhau gói bánh và trò chuyện rôm rả, vui tươi. Bánh được gói chặt tay, vuông vức đẹp mắt sau đó đem luộc trong nồi lớn khoảng 10 đến 14 tiếng là chín dẻo, ngọt thơm. Không chỉ được bày biện trong các mâm cỗ ngày Tết miền Bắc, bánh chưng còn được dùng làm quà biếu tặng người thân, bạn bè nhân dịp Tết đến Xuân về.
2. Bánh dày
Ở miền Bắc, cùng với bánh chưng, bánh dày cũng là món ngon ngày Tết rất đặc trưng. Món bánh truyền thống này gắn liền với sự tích vua Hùng, do đó vừa mang ý nghĩa về mặt văn hóa, vừa mang giá trị tinh thần cho người dân mỗi dịp xuân về. Bánh dày được làm từ gạo nếp hấp chín, giã nhuyễn bằng tay cho dẻo dai sau đó nặn thành những hình tròn. Chiếc bánh dày trắng nõn, tròn đầy được xem là tượng trưng cho bầu trời, thường được bày biện trong các mâm cúng nhằm tỏ lòng biết ơn tạo hóa đã mang đến mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no, đủ đầy. Khi thưởng thức bánh dày, người dân miền Bắc thường ăn kèm với giò lụa hoặc chả để tăng thêm hương vị.
3. Thịt đông
Giữa tiết trời se lạnh của cái Tết miền Bắc, sẽ thật tuyệt vời để nhâm nhi món thịt đông cùng chút dưa hành chua ngọt đưa cơm. Trong những món ngon ngày Tết miền Bắc, đây chắc chắn là món ăn đậm đà hương vị cổ truyền không thể thiếu trong các mâm cơm đầu năm. Món ăn này được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt lợn, thịt gà, chân giò lợn, bì lợn, thêm vào chút mộc nhĩ, nấm hương cùng gia vị rồi ninh nhừ. Thịt sau khi ninh xong sẽ được để ngoài trời cho đông lại hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
Khi thịt đông, trên bề mặt sẽ có một lớp mỡ màu trắng mịn màng như tuyết, cắn vào sẽ cảm nhận được độ béo ngậy, mát lạnh. Bạn có thể dùng kèm thịt đông với cơm nóng và một ít dưa hành là chuẩn vị.
Tìm hiểu ngay:
- Phong tục đón Tết miền Trung
- Phong tục đón Tết miền Nam
4. Miến măng gà
Miến măng gà là món ăn quen thuộc trong các mâm cơm ngày Tết miền Bắc, rất thích hợp để thưởng thức trong tiết trời lành lạnh. Thành phần chế biến món ăn này khá đơn giản, bao gồm thịt gà, miến và măng khô. Để làm nên hương vị đậm đà của món ăn, nước dùng sẽ quyết định một phần rất lớn. Theo đó, nước luộc gà sẽ được tận dụng để làm ngọt nước, thêm vào đó là hành tây, củ cải trắng để tăng thêm hương vị ngọt thanh.
Nước canh có vị ngọt thanh mà đậm đà từ xương gà, nấu cùng một ít măng khô và nấm hương, mang đến mùi vị rất đặc trưng cho ngày Tết. Thịt gà thì thơm mềm, mọng nước kết hợp cùng sợi miến dai dai vô cùng hấp dẫn. Được thưởng thức một bát miến măng gà nóng hổi, thơm ngon trong tiết trời lành lạnh thì còn gì tuyệt vời hơn cho những ngày đầu năm mới.
5. Dưa hành
Dưa hành được biết đến là một món ăn kèm ngày Tết, giúp giảm ngấy dầu mỡ và kích thích cảm giác ăn ngon. Để có được món dưa hành ngon, bạn cần phải biết cách lựa chọn nguyên liệu sao cho tươi ngon. Theo đó, nên chọn các củ hành trắng mịn, nổi vân xanh và vẫn giữ được độ tươi giòn. Món ăn có vị chua cay dịu nhẹ, ăn giòn sần sật rất bắt miệng. Dưa hành muối chua thường được dùng kèm với các món ăn ngày Tết như bánh chưng xanh, thịt đông, thịt luộc, chả giò, nem rán,… Vị chua cay dịu nhẹ không chỉ giúp giảm ngấy mà còn tăng hương vị thơm ngon của các món ăn ngày Tết.
6. Giò lụa
Giò lụa (hay giò chả) là món ăn ngày Tết miền Bắc đặc trưng, không thể thiếu trong các mâm cơm gia đình. Món ăn này được làm từ thịt lợn nạc giã nhuyễn hoặc xay nhuyễn, được nêm nếm với các gia vị truyền thống rồi gói trong các lá chuối và đem luộc chín. Thành phẩm cho ra là những miếng giò chả thơm mềm, vẫn giữ được vị ngọt của thịt và độ giòn dai rất bắt miệng. Nếu thiếu đi những khoanh giò lụa thơm ngon thì mâm cỗ Tết miền Bắc cũng trở nên kém hấp dẫn.
7. Giò thủ
Ngoài món giò chả quen thuộc, nhiều gia đình miền Bắc còn thêm món giò thủ (hay còn gọi là giò xào) vào mâm cơm Tết miền Bắc cổ truyền. Món ăn này được chế biến khá đơn giản từ các nguyên liệu như: tai lợn, má lợn, chân giò heo, nấm hương, mộc nhĩ,… Tất cả các nguyên liệu sẽ được xào chín trên bếp cho đến khi săn lại rồi nêm nếm gia vị, cho vào khuôn ép và bọc bằng lá chuối.
Giò thủ sau đó được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để các nguyên liệu được kết dính với nhau thành một khối. Khi bày cỗ, giò thủ thường được cắt thành khoanh, chia thành nhiều miếng nhỏ đẹp mắt và dễ gắp. Thưởng thức cùng món dưa hành và cơm nóng càng thêm đậm vị.
8. Xôi gấc
Ẩm thực miền Bắc nổi tiếng với nhiều món xôi đa dạng, được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác nhau như: xôi dừa, xôi lạc, xôi đậu đen, xôi đậu xanh, xôi vừng,… Đặc biệt, xôi gấc là món ngon ngày Tết miền Bắc không thể thiếu trong các mâm cỗ của mọi gia đình. Để món xôi gấc được ngon, người nấu phải lựa chọn nguyên liệu thật tỉ mỉ, chọn gấc sao cho đỏ và hạt nếp sao cho thơm, dẻo bùi. Khi xôi chín, hạt nếp màu đỏ óng ánh kết hợp cùng hương thơm đặc trưng của gấc càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn.
Ngoài hương vị thơm ngon đặc trưng, xôi gấc cũng thường được dùng để thờ cúng ông bà tổ tiên vào ngày Tết vì mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Theo quan niệm của người xưa, màu đỏ là màu của sự may mắn, hạnh phúc và đoàn viên. Khi thưởng thức xôi gấc vào ngày đầu năm mới ngụ ý là mọi sự may mắn, tốt lành và viên mãn sẽ đến trong cả năm.
9. Nem rán
Nem rán là món ăn đơn giản, dễ làm thế nhưng đã trở thành một phần quen thuộc trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Kết hợp với lớp bánh đa mỏng giòn bên ngoài là phần nhân nem rán đậm vị, hấp dẫn với nhiều nguyên liệu như: thịt lợn nạc, mộc nhĩ, nấm hương, giá sống, hành khô, trứng, gia vị, hạt tiêu,… Và yếu tố quan trọng góp phần tôn lên hương vị của món ăn chắc chắn sẽ là chén nước chấm chua chua ngọt ngọt, thơm nồng vị tỏi và chút cay nhẹ của ớt. Tất cả hòa quyện tạo nên món ăn đặc trưng ngày Tết khó có thể quên được.
10. Các món nộm miền Bắc
Ngoài những món ăn nhiều thịt mỡ hay chiên rán, các món nộm chua ngọt miền Bắc cũng rất được mọi người yêu thích. Không chỉ giúp giải ngấy cho những ngày tiệc tùng đầu năm, món ăn này cũng giúp bạn cân bằng dinh dưỡng một cách tuyệt vời. Do vậy mà trong các mâm cơm Tết miền Bắc, bạn thường hay bắt gặp những món nộm đa dạng như: nộm sứa, nộm chân gà, nộm hoa chuối, nộm khô bò,… Tùy theo sở thích của mỗi gia đình mà món ăn sẽ được chế biến theo nhiều cách khác nhau.
11. Chè kho
Chè kho là một trong các món ăn ngày Tết miền Bắc đặc trưng, luôn xuất hiện trên các mâm cỗ cúng giao thừa hoặc dùng đãi khách đến chơi ngày Tết. Theo quan niệm của người xưa, ăn một bát chè kho ngay những ngày đầu năm mới thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, sung túc và thành công.
Món chè kho được làm từ bột đậu xanh, ngâm nước qua đêm rồi đãi thật sạch và phơi khô. Tiếp đến lại đem bột đi rang với lửa vừa rồi xay cho mịn. Bột đậu xanh rang thơm sau đó được nấu cùng với nước đường cho đến khi hỗn hợp hòa quyện và bông tơi. Mặc dù có cách nấu khá đơn giản, thế nhưng chè kho lại mang hương vị đặc biệt thơm bùi của đỗ xanh, ăn vừa mát vừa mềm mịn khá thú vị.
12. Gà luộc
Gà luộc lá chanh là món ăn truyền thống không thể thiếu trên các mâm cúng Tết miền Bắc. Ở miền Bắc, người ta thường hay chọn gà trống thiến để dâng tạ lên ông bà tổ tiên vào ngày đầu năm mới. Giống gà này không chỉ có kích thước lớn hơn gà thông thường 3 - 4 lần mà đồng thời thịt cũng chắc và ngọt hơn. Người dân miền Bắc tin rằng, việc khởi đầu năm mới bằng một con gà trống vàng ươm, thơm ngon sẽ mang đến nhiều điều may mắn, vạn sự hanh thông.
Gà luộc với phần da vàng ươm, óng ánh, chặt thành các miếng thật đều tay rồi xếp lên đĩa thật đẹp mắt. Sau đó rắc thêm vài sợi lá chanh thái chỉ thật mỏng, kèm theo đó là chén muối tiêu chanh chấm kèm. Tất cả tạo nên hương vị thật dân dã, quen thuộc mà cũng không kém phần đặc trưng cho Tết.
13. Canh bóng thả
Cái tên tiếp theo trong danh sách các món ngày Tết miền Bắc không thể thiếu đó chính là món canh bóng thả. Đây là một trong bốn bát tượng trưng cho “tứ trụ” trên mâm cỗ Tết, bao gồm: bóng - vây - măng - miến. Món ăn với tên gọi độc đáo này không chỉ được thưởng thức vào đầu năm mới mà còn là biểu tượng cho sự thanh tao trong ẩm thực cổ truyền miền Bắc.
Canh bóng thả có hương vị thanh đạm, rất bổ dưỡng cho sức khỏe đồng thời cũng phù hợp với tiết trời lạnh giá cuối đông. Bát canh đẹp mắt với đủ màu sắc của bóng bì, cà rốt, su hào, giò lụa, trứng thái chỉ, tôm nõn, thịt thăn,… Bên trên còn được rắc thêm ít rau mùi thơm phức, chắc chắn sẽ khiến bạn không thể chối từ!
14. Miến xào thập cẩm
Để đổi vị cho mâm cơm ngày Tết miền Bắc, nhiều gia đình còn bổ sung vào thực đơn món miến xào thập cẩm. Sợi miến dẻo dai được xào cùng nhiều loại nguyên liệu đa dạng như cà rốt, mộc nhĩ, ớt chuông và các loại rau củ khác. Để món miến xào được ngon, sợi miến được xào mềm nhưng phải tơi, không quá khô cứng hay bị nát. Các nguyên liệu khác cũng vừa chín tơi, đặc biệt rau củ phải giữ được độ tươi ngon, giòn ngọt.
Khi thưởng thức, bạn có thể thêm vào chút hạt tiêu và ngò rí cho thơm. Không chỉ là món ăn tốt cho sức khỏe, món miến xào thập cẩm với nhiều màu sắc chắc chắn sẽ giúp mang lại không khí rộn ràng và may mắn cho năm mới.
15. Măng khô hầm chân giò
Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến món măng khô hầm chân giò - một trong các món Tết miền Bắc thường xuất hiện trên các mâm cơm gia đình. Món ăn này tuy được chế biến đơn giản nhưng lại gợi sự ấm áp trong những ngày Tết sum vầy, đoàn viên.
Để chế biến món ăn, măng khô sẽ được ngâm trước qua đêm, sau đó được chần qua nước sôi nhiều lần cho sạch. Tiếp đến, măng khô được hầm chung với chân giò, thịt gà, mộc nhĩ và nấm hương đến khi chín mềm. Khi thưởng thức sẽ dùng kèm với miến dong, thêm ít hành lá và tiêu cho thơm nồng. Nước dùng ngọt thanh hòa quyện với vị ngọt bùi của măng khô và thịt lợn chắc chắn sẽ khiến bạn không thể chối từ.
16. Hành cuốn tôm thịt
Hành cuốn tôm thịt là cái tên tiếp theo trong danh sách các món ăn Tết miền Bắc thơm ngon, độc đáo. Tuy không được chế biến từ những nguyên liệu quá đắt đỏ, thế nhưng hương vị của món ăn lại rất tinh tế, thanh đạm. Nguyên liệu chính để làm nên món ăn này bao gồm: thịt lợn, tôm, trứng, đậu rán, bún, hành lá, rau thơm, xà lách,… Các nguyên liệu sau khi sơ chế sẽ được cuốn lại với nhau thành những cuốn nhỏ vừa ăn, cố định bằng hành lá chần bên ngoài.
Món ăn này được dùng kèm với nước mắm chua ngọt. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị thơm ngọt của thịt và tôm, kết hợp với đó là vị tươi ngon của hành, xà lách, rau thơm. Vào ngày Tết, người dân miền Bắc rất hay làm món hành cuốn tôm thịt để thưởng thức hoặc dùng chiêu đãi người thân, bạn bè.
17. Thịt bò kho
Nếu miền Nam có món thịt kho tàu đặc trưng cho Tết thì miền Bắc lại có món thịt bò kho đậm đà, đưa cơm. Đây là món ngon ngày Tết miền Bắc luôn hiện diện trên các mâm cỗ mỗi dịp đầu năm mới. Với hương thơm đặc trưng và hương vị đậm đà nồng ấm, thịt bò kho được xem là dấu ấn trong nền ẩm thực trù phú của miền Bắc Bộ.
Thông thường, món ăn này sẽ được chuẩn bị từ sớm để kịp cúng gia tiên vào trưa 30 Tết và ăn dần trong ngày đầu năm mới. Loại thịt được dùng để chế biến bò kho thường là nạm bò, được ướp với chút gia vị mắm muối và nước cốt tỏi. Bên trong thường cuộn thêm lớp thịt ba chỉ rồi buộc lại bằng lạt chắc chắn. Thịt sau đó được chiên sơ cho dậy mùi rồi mới cho vào nồi nước sôi đã nêm sẵn gia vị. Thịt được nấu đến khi chín mềm, để nguội là có thể bảo quản cho những ngày Tết.
18. Chả ngô chiên xù
Thêm một món ngon ngày Tết miền Bắc được rất nhiều người yêu thích đó chính là chả ngô chiên xù. Món ăn này có thể dùng trong bữa cơm hằng ngày hoặc dùng làm món khai tiệc giao thừa dịp Tết. Để chế biến món chả ngô, bạn chỉ cần tách các hạt ngô rồi giã nhuyễn và trộn cùng bột giòn, trứng gà. Hỗn hợp chả ngô sau đó được rán đều cho vàng giòn là có thể thưởng thức.
Sự hòa quyện giữa hương vị ngọt ngào của ngô với lớp vỏ bột chiên giòn rùm rụm làm cho món ăn thật sự hấp dẫn. Khi thưởng thức, bạn có thể chấm chả ngô với tương ớt hoặc tương xí muội chua cay để càng gia tăng hương vị đậm đà.
19. Chả gà lá lốt
Nếu bạn đã quá quen thuộc với món chả thịt lá lốt, hãy thử biến tấu lạ miệng hơn với món chả gà lá lốt thơm ngon. Đây cũng là món ăn ngày Tết miền Bắc rất được mọi người yêu thích, đặc biệt là trẻ nhỏ. Cách làm tương tự như chả thịt lá lốt, chỉ khác là thay phần nhân thịt lợn thành thịt gà xay. Hương vị thơm mềm của thịt gà khi kết hợp cùng mùi thơm đặc trưng của lá lốt sẽ tạo nên món ăn vô cùng hấp dẫn cho ngày Tết sắp tới.
20. Món chạo
Một trong các món ngon ngày Tết miền Bắc lạ miệng, đưa cơm phải kể đến món chạo chân giò. Món ăn này là sự kết hợp giữa thịt chân giò cùng các loại lá gia vị như lá sả, lá ổi, lá bòng,… Thêm vào đó còn có hương vị thơm bùi của riềng, sả và chút cay nhẹ của ớt, tiêu. Món chạo thường được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt, cuốn với lá sung, tía tô và rau thơm là chuẩn vị.
Món ngon ngày Tết miền Bắc là sự kết tinh của tinh hoa ẩm thực và niềm tự hào của người dân nơi đây. Mâm cỗ Tết được chuẩn bị tỉ mỉ, cầu kỳ, thể hiện mong ước đủ đầy, sum vầy và may mắn cho năm mới. Mỗi món ăn không chỉ thơm ngon mà còn mang ý nghĩa riêng, góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của ngày Tết cổ truyền.
Để ngày Tết thêm trọn vẹn và ý nghĩa, đừng quên gửi tặng những giỏ quà Tết, hay hộp quà Tết tinh tế, kết hợp từ rượu vang và các đặc sản quý giá. Mỗi món quà không chỉ là lời chúc phúc an lành mà còn là cách tri ân chân thành trong dịp năm mới.
?✨ Khám phá thêm các set quà Tết cao cấp sang trọng!