1. Ung thư phổi nguy hiểm như thế nào và những điều cần biết:
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính của phổi. Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu và tại Việt Nam ghi nhận ung thư phổi là ung thư đứng thứ 2 sau ung thư gan về tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong.
85-90% các trường hợp ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá (thụ động hay chủ động).
Chẩn đoán xác định ung thư phổi dựa vào mô bệnh học thông qua sinh thiết khối u dưới hướng dẫn CT, nội soi phế quản, lấy dịch màng phổi…Điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức gồm: phẫu thuật, hoá chất, xạ trị, miễn dịch, đích…Đặc biệt bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến xa (lan tràn và di căn) cần xác định tình trạng sinh học phân tử của khối u để tiếp cận với phương pháp điều trị đích.
2. Điều trị đích là gì và một số thuốc trong điều trị:
Điều trị đích trong điều trị ung thư phổi là sử dụng các loại thuốc để nhắm vào các gen và protein chuyên biệt. Những gen và protein này được tìm thấy ở tế bào ung thư hoặc những tế bào có liên quan đến sự phát triển của khối u, ví dụ tế bào mạch máu.
2.1 Kháng thể đơn dòng:
-Bevacizumab: Là kháng thể đơn dòng gắn vào VEGF ngăn cản quá trình tân tạo mạch máu của khối u. Bevacizumab được sử dụng kết hợp với hoá chất so với giả dược làm tăng tỉ lệ đáp ứng là 37.8% so với 21.6%, tăng thời gian sống thêm toàn bộ là 13.6 tháng so với13.1 tháng.Bevacizumab có thể kết hợp với erlotinib hoặc kết hợp thuốc miễn dịch atezolizumab để tăng hiệu quả điều trị.
- Ramucirumab: là thuốc tái kết hợp của kháng thể đơn dòng gắn vào thụ thể VEGF. Ramucirumab được điều trị bước 1 ở nhóm bệnh nhân có đột biến EGFR giúp đạt được thời gian sống bệnh không tiến triển là 19.4 tháng khi kết hợp Ramucirumab với erlotinib so với 12.4 tháng ở nhóm dùng erlotinib.
- Cetuximab: Là kháng thể đơn dòng gắn EGFR, dùng kết hợp hoá chất giúp kéo dài thêm thời gian sống, nhưng tác dụng phụ hạ bạch cầu cao nên không khuyến cáo rộng rãi.
2.2 Thuốc đích trọng lượng phân tử nhỏ:
Theo các báo cáo thống kê, có khoảng 20% bệnh nhân ung thư phổi là do đột biến 1 trong 5 gen EGFR, ALK, ROS1, BRAF và KRAS. Và FDA đã phê duyệt các loại thuốc dùng cho mỗi đột biến tương ứng.
2.2.1 EGFR:
Thụ thể yếu tố phát triển biểu bì EGFR là thụ thể trên bề mặt tế bào, có chức năng tiếp nhận tín hiệu từ các yếu tố tăng trưởng bên ngoài tế bào, thông qua quá trình phosphoryl hoá vùng tyrosine kinase bên trong tế bào, từ đó kích thích tế bào sinh trưởng, phân chia, biệt hoá vô tổ chức của tế bào ung thư.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy UTP không tế bào nhỏ có tần suất xuất hiện đột biến EGFR khoảng 40-50%, chủ yếu ở nữ không hút thuốc và mô bệnh học là biểu mô tuyến . Trong đó 85% là đột biến thường gặp exon 19 và 21. - Thuốc đích thế hệ I là Gefitib và Erlotinib, cả 2 thuốc có hiệu quả tương đương nhau, giúp tăng tỉ lệ đáp ứng, cải thiện chất lượng cuộc sống , kéo dài thêm thời gian sống bệnh không tiến triển thêm 5-6 tháng so với hoá trị. - Thuốc đích thế hệ 2 là Afatinib, giúp kéo dài PFS lên 13.6 tháng so với hoá trị là 6.9 tháng, kéo dài OS thêm hơn 1 năm so với hoá trị (NC LUX-Lung 3 và 6). Afatinib khi dùng cho các đột biến hiếm G719X, L861Q, S768l mang lại lợi ích hơn các TKI khác
- Thuốc đích thế hệ 3 là Osimetnibcó tác dụng ưu việt hơn so với thế hệ 1, 2: thời gian sống bệnh không tiến triểnlên đến 19 tháng ( NC FLAUWA), tỉ lệ tác dụng phụ thấp làm nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khả năng thấm qua hàng rào máu tốt lên có hiệu quả cao với nhóm có di căn não. Đặc biệt TKI thế hệ 3 có thể ức chế đột biến T790M, là đột biến kháng thuốc xuất hiện sau khi sử dụng TKI thế hệ 1,2 từ 9-13 tháng.
2.2.2 Một số đột biến khác:
- ALK: tỉ lệ 3-7% tổng số bệnh nhân UTP không tế bào nhỏ, với thuốc điều trị thế hệ 1 là Crizonix, thế hệ 2 là Ceretinib, Alectinib và thế hệ 3 là Lorlatinib. NCCN khuyến cáo lựa chọn ưu tiên là thế hệ 2 và 3.
- ROS 1: Tỉ lệ 1-2% tổng số bệnh nhân UTP không tế bào nhỏ. Với thuốc điều trị là Crizotinib, Entrectinib và Ceritinib. NCCN khuyến cáo ưu tiên sử dụng crizonix và entrectinib cho bước 1.
- KRAS: tỉ lệ xuất hiện cao Bắc Mỹ, điều trị bước 1 là hoá chất bộ đôi có platium, và điều trị tiếp theo ở nhóm KRAS pG12C được FDA phê duyệt là Sotorasib.
- BRAF: tỉ lệ 1-2% bệnh nhân UTP biểu mô tuyến, thuốc được FDA phê duyệt sử dụng điều trị là Dabrafenib đơn trị hoặc kết hợp Dabrafenib kết hợp Trametinib.
2.2.3 Một số tác dụng phụ của thuốc đích trọng lượng phân tử nhỏ: Ban da, viêm kẽ đầu móng, tiêu chảy, men gan cao…đa số ở mức độ nhẹ và không cần can thiệp gì.