Ung thư vòm họng là một bệnh lý ác tính. Bệnh không có dấu hiệu nhận biết rõ rệt, rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường, vì vậy người bệnh thường phát hiện bệnh ở những giai đoạn muộn và khó chữa trị.
Làm thế nào để phòng ngừa ung thư vòm họng? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết của ThS.BS.CKII Nguyễn Trương Khương - Giám đốc Chuyên môn, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.
Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng phát sinh từ các tế bào ở phần cao nhất của vùng hầu họng, ngay phía sau của mũi. Đây một trong những loại ung thư phổ biến và mang tính khu vực, chủ yếu ở các nước: Đông Nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam, Philippines. Ung thư vòm họng được xếp vào nhóm ung thư vùng đầu cổ.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vòm họng
Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư vòm họng, tuy nhiên có những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như sau:
- Sử dụng nhiều thuốc lá và rượu bia: Trong bia rượu và thuốc lá chứa nhiều chất kích thích độc hại, các thành phần này sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
- Sử dụng nhiều thực phẩm lên men như dưa muối, cá muối, thịt hun khói lên men chua…
- Nhiễm virus papilloma (HPV16 và HPV18).
- Nhiễm virus Epstein Barr (EBV).
- Yếu tố di truyền: Người trong gia đình có tiền sử bị ung thư vòm họng thì có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng hơn người bình thường.
Triệu chứng ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng không có nhiều triệu chứng đặc thù, dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác nên thường phát hiện trong giai đoạn muộn và khó chữa trị. Do đó, khi gặp các triệu chứng sau chúng ta nên nghĩ đến ung thư vòm họng và có kế hoạch thăm khám, tầm soát kịp thời:
- Các triệu chứng ở mũi: nghẹt mũi, chảy máu mũi, nói giọng mũi
- Các triệu chứng ở tai: ù tai, nghe kém, đau tai, viêm tai giữa
- Nổi hạch ở cổ, đau họng, nhức đầu
- Nhìn đôi hoặc nhìn mờ
- Đau hoặc tê mặt
- Sụt cân, chán ăn, đau xương, ho khan kéo dài
Cách phòng ngừa ung thư vòm họng
Tuy chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư vòm họng nhưng dựa trên nhóm các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao chúng ta có thể phòng tránh bệnh bằng các cách sau:
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác
- Hạn chế sử dụng thực phẩm lên men. Thay vào đó nên xây dựng chế độ ăn khoa học, dinh dưỡng: ăn nhiều trái cây, rau xanh…
- Xây dựng chế độ luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, chủ động thực hiện nội soi tai mũi họng. Đây là phương pháp hữu hiệu để tầm soát các bệnh lý ở những hốc sâu của vùng tai mũi họng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn