Xạ hình xương là công cụ quan trọng để phát hiện ung thư đã di căn đến xương chưa, chẳng hạn như ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt,… Vậy chụp xạ hình xương là gì? Phương pháp, chỉ định, kết quả như thế nào? Bài viết dưới đây, thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp thắc về xạ hình xương và một số lưu ý cho người bệnh khi thực hiện phương pháp này.
Xạ hình xương là gì?
Xạ hình xương là xét nghiệm sử dụng hình ảnh hạt nhân để chẩn đoán và theo dõi một số loại bệnh về xương. Hình ảnh hạt nhân được tạo thành bởi lượng nhỏ chất đánh dấu phóng xạ, máy ảnh đặc biệt có thể phát hiện phóng xạ. Những công cụ này kết hợp với nhau để bác sĩ kiểm tra cấu trúc (như xương) bên trong cơ thể. [1]
Chất đánh dấu được hấp thụ nhiều hơn bởi các tế bào và mô đang thay đổi. Vì vậy, việc xạ hình xương có thể được sử dụng để tìm ra nguồn gốc gây đau xương khi bác sĩ chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng. Nguyên nhân gây đau có thể là nhiễm trùng xương hoặc chấn thương xương không hiển thị trên phim X-quang tiêu chuẩn.
Tại sao cần chụp xạ hình xương?
Bác sĩ cần chụp xạ hình xương để xác định nguyên nhân gây đau xương không thể giải thích được. Bởi, xét nghiệm này rất nhạy cảm với những khác biệt trong chuyển hóa xương mà chất đánh dấu phóng xạ làm nổi bật trong cơ thể. Ngoài ra, xạ hình toàn bộ bộ xương giúp chẩn đoán nhiều tình trạng ở xương, bao gồm:
- Gãy xương.
- Viêm khớp.
- Bệnh paget xương.
- Ung thư bắt đầu từ xương.
- Ung thư đã lan đến xương từ vị trí khác (di căn xương).
- Nhiễm trùng khớp, thay khớp hoặc ghép xương.
Xạ hình xương còn có tác dụng tầm soát sớm một số bệnh ung thư có tỷ lệ di căn xương cao như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vòm họng,… Xạ hình xương phát hiện sớm các tổn thương di căn xương không triệu chứng hoặc chưa thấy trên phương pháp xét nghiệm hình ảnh khác. Xạ hình xương còn giúp đánh giá đáp ứng sau điều trị ung thư với hóa chất, xạ trị, chống hủy xương,… đối với di căn xương.
Đối tượng chỉ định và chống chỉ định xạ hình xương
Đối tượng chỉ định và chống chỉ định xạ hình xương, cụ thể như sau:
- Chỉ định: đối tượng được chỉ định xạ hình xương, gồm:
- Phát hiện di căn xương (ung thư vú, tiền liệt tuyến, phổi, thận, tuyến giáp,…).
- Phân biệt giữa cốt tu viêm (viêm xương và tu xương) với viêm mô liên kết.
- Phát hiện và đánh giá hoại tử vô mạch của hệ xương.
- Đánh giá chấn thương, đau xương, bệnh xương do chuyển hoá.
- Phát hiện đánh giá bệnh khớp.
- Đánh giá sự tồn tại của xương ghép.
- Đánh giá đáp ứng điều trị.
- Xác định vị trí làm sinh thiết.
- Chống chỉ định: đối tượng chống chỉ định xạ hình xương, gồm:
- Không có chống chỉ định tuyệt đối.
- Người bệnh có thai, cho con bú cần theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Người bệnh mới chụp X-quang có cản quang trong vòng 24 giờ hoặc vừa làm xét nghiệm Y học hạt nhân khác.

Chụp xạ hình xương có nguy hiểm không? Có tác dụng phụ không?
Không, chụp xạ hình xương không nguy hiểm. Mặc dù xạ hình xương dựa vào chất đánh dấu phóng xạ để tạo ra hình ảnh, nhưng chất đánh dấu này tạo ra ít mức phơi nhiễm phóng xạ hơn so với chụp CT. Chất dẫn phóng xạ gần như không gây ảnh hưởng và sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể người bệnh trong vòng 24 giờ, không để lại bất cứ di chứng hay rủi ro gì.
Ngoài ra, người bệnh sau khi chụp xạ hình xương không cần phải cách ly với người xung quanh vì lượng phóng xạ trong cơ thể sẽ được đào thải ra rất nhanh.
Tuy nhiên, sau khi xạ hình xương, người bệnh có thể bị sưng hoặc đau tại vị trí kim đâm vào trong quá trình tiêm tĩnh mạch. Triệu chứng này sẽ thuyên giảm nhanh chóng và không để lại ảnh hưởng gì cho người bệnh.

Quy trình chụp xạ hình xương
Quy trình chụp xạ hình xương sẽ phân làm 3 giai đoạn, bao gồm:
1. Trước khi xạ hình xương
- Người bệnh cần nói cho bác sĩ biết nếu đã dùng thuốc chứa bismuth, chẳng hạn như pepto-bismol hoặc nếu đã chụp X-quang bằng vật liệu tương phản bari khoảng 4 ngày trước. Bởi, barium và bismuth có thể ảnh hưởng đến kết quả xạ hình xương.
- Người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi và để đồ trang sức ở nhà. Người bệnh có thể được yêu cầu mặc áo choàng trong lúc làm xét nghiệm.
- Xạ hình xương thường không được thực hiện đối với người đang mang thai hoặc cho con bú vì lo em bé tiếp xúc với bức xạ. Do đó, người bệnh đang thuộc 1 trong 2 trường hợp này, hãy cho bác sĩ biết. Đặc biệt, người bệnh đang cho con bú nên dừng khoảng 1- 2 ngày sau khi chụp xạ hình xương và bỏ phần sữa tiết ra trong thời gian này. Bởi, chất dẫn phóng xạ có thể đi vào sữa mẹ.
2. Thực hiện xạ hình xương
Quy trình xạ hình xương bao gồm cả tiêm thuốc có chất đánh dấu phóng xạ và xạ hình thực tế. Cụ thể:
2.1 Giai đoạn tiêm thuốc
Lượng nhỏ chất phóng xạ gọi là chất đánh dấu phóng xạ sẽ được tiêm vào tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay. Khoảng thời gian giữa lần tiêm và lần quét xạ hình khác nhau, tùy thuộc vào lý do làm xạ hình.
Một số hình ảnh có thể được chụp ngay sau khi tiêm. Những hình ảnh chính sẽ được chụp từ 2-4 giờ sau để xương hấp thụ chất đánh dấu lưu thông.
Người bệnh có thể được yêu cầu uống vài ly nước trong khi chờ đợi. Đồng thời, người bệnh cần làm trống bàng quang trước khi chụp để loại bỏ chất racer không được hấp thụ khỏi cơ thể.
2.2 Quá trình quét xạ hình xương
Người bệnh nằm yên trên bàn, bác sĩ sẽ dùng thiết bị như cánh tay hỗ trợ có gắn camera theo dõi di chuyển qua lại trên cơ thể người bệnh. Quá trình quét có thể mất tới 1 giờ và không gây đau.
Bác sĩ có thể yêu cầu quét xạ hình xương trong 3 giai đoạn, bao gồm một loạt hình ảnh được chụp vào các thời điểm khác nhau, cụ thể: một số hình ảnh được chụp khi chất đánh dấu được tiêm, ngay sau khi tiêm và chụp lại từ 3-5 giờ sau khi tiêm.
Việc này giúp bác sĩ có thể quan sát rõ hơn một số xương trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, bác sĩ có thể yêu cầu chụp thêm hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT). Hình ảnh này giúp điều trị tình trạng đặc biệt sâu trong xương hoặc nơi khó nhìn thấy. Trong quá trình quét SPECT, camera sẽ chụp ảnh khi xoay quanh cơ thể người bệnh.
2.3 Sau khi xạ hình xương
Sau khi xạ hình xương thường không có tác dụng phụ và không cần chăm sóc theo dõi. Người bệnh cần uống nhiều nước khoảng 1- 2 ngày tiếp theo để loại bỏ chất đánh dấu phóng xạ khỏi cơ thể. Lượng phóng xạ trong chất đánh dấu thường được loại bỏ hoàn toàn khoảng 2 ngày sau khi chụp xạ hình xương.
Bác sĩ sẽ xem xét bản quét để tìm bằng chứng về sự chuyển hóa xương không điển hình. Những khu vực này xuất hiện dưới dạng “điểm nóng” tối hơn và “điểm lạnh” nhạt hơn - nơi chất đánh dấu đã hoặc chưa thu thập được.
Mặc dù xạ hình xương rất nhạy cảm với những khác biệt trong chuyển hóa xương nhưng ít hữu ích trong việc xác định nguyên nhân của sự khác biệt. Nếu chụp cắt lớp xương cho thấy điểm nóng, người bệnh có thể cần xét nghiệm thêm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Các xét nghiệm thêm thường được sử dụng là chụp CT vùng xương nghi ngờ di căn trên xạ hình xương. Trường hợp điển hình thấy hoại tử xương. Mặt khác vẫn có một số trường hợp chụp CT không phát hiện di căn nhưng xạ hình xương thấy rõ như di căn xương ức - xạ hình xương sẽ phát hiện huỷ thân xương ức và phần mềm lan rộng.
Xạ hình xương giúp bác sĩ chẩn đoán vấn đề về xương và tìm kiếm bệnh ung thư đã bắt đầu hoặc đã di căn đến xương. Đồng thời, xạ hình xương còn giúp bác sĩ kiểm tra việc điều trị ung thư xương hiệu quả như thế nào. Thông qua bài này, bệnh nhân hiểu rõ hơn về phương pháp chụp xạ hình phương và một số lưu ý quan trọng.