Cây phượng hay còn gọi phượng vĩ, phượng hồng có tên khoa học là Delonix regia. Cây phượng có nguồn gốc từ những khu rừng bạt ngàn ở quốc gia Madagascar (Đông Phi).
Tại Việt Nam, phượng là cây phổ biến và được trồng để trang trí, che bóng mát, cũng có thể làm cảnh. Cây phượng là loài cây thân gỗ, vỏ cây xám trắng với cao trung bình 10 - 20 mét. Tán cây tỏa rất rộng gồm nhiều cành nhánh mọc xen kẽ và dày đặc.
Ở nước ta cây phượng được trồng khắp các tỉnh thành, chủ yếu hoa phượng đỏ. Riêng cây phượng tím có nguồn gốc Nam Mỹ được trồng nhiều nhất tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)
Hoa phượng mọc thành cụm lớn, nang hoa xếp thưa và xòe rộng như cánh bướm. Hoa lớn màu đỏ tươi hay đỏ cam và có cuống dài. Trên cánh hoa xuất hiện những vạch đốm màu trắng, bao phấn cong nằm trong phần nhị.
Quả cây phượng có dáng giống bồ kết nhưng kích thước rất lớn. Quả dài 20 - 60cm, rộng 4 - 6cm, dáng dẹt, vỏ gỗ và có hạt đen cứng và dài.
Cây phượng là loại cây không kén đất trồng, do vậy, không cần mất quá nhiều thời gian để chăm sóc. Phượng được trồng nhiều ở trường học, đường phố, khuôn viên công cộng. Nhiều người vì yêu thích loài hoa này nên chọn trồng trước nhà.
Nhiều người quan niệm, cây phượng thường báo hiệu cho mùa hè, mùa học trò tạm xa mái trường nên trồng trước nhà không phù hợp. Cũng có nhiều người cho rằng cây phượng như biểu tượng của sự kiên cường, của tình bạn gắn bó, gợi nhắc về kỷ niệm, chia ly và trưởng thành, thành đạt trong cuộc đời.
Vì vậy, nếu yêu thích hoa phượng bạn vẫn có thể trồng nó trước nhà và lưu ý vị trí trồng bên trái cửa nhà. Tuy nhiên, trồng loài cây này phụ thuộc vào khoảng đất rộng trước nhà và phải thường xuyên cắt tỉa.
Bởi phượng là loại cây có cành và tán lá rộng nên cần khoảng đất trước nhà rộng, tránh trồng sát các công trình nhà cửa, bởi khi cây lớn, sẽ làm xấu đi thiết kế nhà cửa, thậm chí làm hư hỏng một số thiết bị công trình xung quanh.
*Thông tin mang tính tham khảo