Đến miền Tây mà chưa thử đi chợ nổi, khám phá cuộc sống tấp nập trên sông nước của người dân nơi đây thì quả là thiếu sót. Trong số rất nhiều điểm đến, Cái Răng (Cần Thơ) là một trong những khu chợ nổi có tiếng, được nhiều du khách yêu thích. Nơi đây mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá vùng đất Tây đô.
1. Chợ nổi Cái Răng nằm ở đâu?
Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km đường bộ, nằm gần trên sông Cần Thơ, khá gần với cầu Cái Răng. Để đến được chợ nổi Cái Răng, phải mất 30 phút đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều. Bạn có thể thấy chợ nổi nằm trên quốc lộ 1A hoặc từ chợ An Bình dưới chân cầu Cái Răng thuộc địa phận quận Ninh Kiều.
2. Hướng dẫn cách đi tới chợ nổi Cái Răng để không bị chặt chém
Các bạn tới Bến Ninh Kiều thuê tàu với mức giá khoảng 70k/ người (tour 2 tiếng), nếu bạn muốn đi thêm vườn trái cây Cần Thơ và lò bánh pizza hủ tiếu thì sẽ phụ thêm 20k/ người (tour 4 tiếng).
Nếu các bạn đến chợ nổi Cái Răng theo nhóm nhỏ thì các bạn có thể xin đi ghép đoàn cho tiết kiệm. Còn nếu bạn đi du lịch Cần Thơ theo đoàn, theo công ty đoàn thể hoặc các lớp đi phượt cùng nhau hay đơn giản là bạn không muốn đi ghép đoàn thì có thể thuê riêng 1 tàu để tham quan chợ nổi Cái Răng nhưng giá sẽ đắt hơn gấp nhiều lần đấy.
Khi tới chợ nổi, tàu sẽ đưa bạn dạo quanh một vòng chợ Cái Răng để mua nông sản theo mùa tại vườn và thưởng thức những món ăn dân dã nơi đây, bên cạnh đó bạn sẽ được hòa mình với không khí nhộn nhịp của phiên chợ nổi và tìm hiểu cuộc sống của người dân miền sông nước.
Với các bạn trẻ thuê xe máy tự khám phá thành phố Cần Thơ thì bạn đi xe đến chợ An Bình cạnh chân cầu Cái Răng, gửi xe rồi đi sâu vào trong chợ tìm bến tàu, hoặc hỏi bảo vệ ngay bãi xe chợ An Bình là được.
Cò mồi ở gần chợ rất nhiều, khách đi lần đầu dễ mua nhầm vé giá cao mà phải ghép đoàn gây bất tiện. Bạn chỉ nên mua vé ở hai bến, bên trong chợ An Bình và ở bên kia cầu Cái Sơn. Nếu không biết đường thì có thể hỏi bảo vệ bãi xe chợ An Bình, họ sẽ chỉ dẫn tận tình.
Thông thường giá vé đi quanh chợ nổi trong 45 phút khoảng 150.000 đồng cho nhóm 1-4 người, 200.000 đồng cho nhóm 5-9 người. Cũng không cần phải mua vé sớm nếu bạn đi chợ nổi Cái Răng tự túc vì tàu dịch vụ khá đông, không sợ thiếu. Ngoài ra, nhiều công ty lữ hành hay khách sạn ở Cần Thơ thường bán tour cho du khách với giá khoảng 120.000 đồng/người, xuất phát lúc 5h và 7h sáng, bạn có thể liên hệ luôn với khách sạn mình nghỉ tại Cần Thơ để xem họ có bán tour đi chợ nổi Cái Răng không nhé.
Tàu đưa bạn từ bến Ninh Kiều, đi dọc sông Cần Thơ đến chợ nổi Cái Răng, dạo một vòng quanh chợ, ăn uống rồi về. Điểm cộng của việc đi theo tour là giá rẻ, có thể trả giá nếu đi nhóm đông, ngồi thuyền lớn. Bù lại bạn phải phụ thuộc giờ giấc của bên bán và lịch trình của người chung đoàn.
3. Nên đi chợ nổi Cái Răng vào mùa nào trong năm?
Không giống như khu vực Bắc Bộ Việt Nam, khí hậu ở miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng vô cùng dễ chịu, thoải mái. Khí hậu quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh cũng như mưa bão rất ít. Ở đây chủ yếu có 2 mùa là mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau và mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 tới tháng 11. Do đó, bạn có thể đến khám phá mảnh đất Tây đô này vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng được.
Cùng với việc đi du lịch chợ nổi thì du khách có thể kết hợp tham quan nhiều địa danh khác như nhà cổ Bình Thủy, vườn du lịch Mỹ Khánh…nơi đây đều được mệnh danh là cảnh đẹp miền Tây không đến phí cả một đời đó cả nhà. Đặc biệt, mọi người nên đến vào 15 tháng Chạp để tham dự lễ Thượng điền hoặc 15 tháng tư có lễ Hạ điền - đều là những lễ hội lớn nhất tại Cần Thơ.
Ngoài ra, vào tháng 3 Âm lịch còn có lễ Cholchonam Thomay (đón năm mới) của người Khmer, lễ cúng Ông Bà (Dolta) diễn ra vào tháng 8 Âm lịch…
4. Nên đi chợ nổi Cái Răng vào lúc nào để “săn” được nhiều món ngon nhất?
Chợ nổi Cái Răng thường họp từ mờ sáng tới khoảng 8 đến 9h thì tan. Thông thường mỗi ghe sẽ chuyên bày bán một loại mặt hàng, trước mỗi ghe hàng có một cây xào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà ghe bán để người mua dễ nhận biết.
Chợ thường đông nhất vào khoảng 7h sáng, vào những ngày Tết chợ rất ít hoạt động. Bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, làn gió mát rượi của sông nước hòa quyện cùng tiếng máy nổ, tiếng mái chèo và sóng vỗ mạn thuyền, tiếng mời chào mua bán rộn rã cả khúc sông.
Giống như nhiều chợ nổi khác ở miền Tây, chợ nổi Cái Răng họp từ tinh mơ, bắt đầu lúc 2-3h sáng, tấp nập ghe bầu của các thương lái lấy hàng phân phối đi khắp nơi. Từng cần xé dưa hấu, xoài, chôm chôm... chất đầy trên ghe.
Nếu có thể dậy sớm thì đây là thời điểm lý tưởng để bạn thoả trí tìm hiểu văn hóa sông nước. Tuy nhiên, lúc này trời còn tối nên khó có thể chụp ảnh đẹp trừ khi bạn là "tay máy" chuyên nghiệp, đồng thời nên đi cùng người địa phương để khỏi lạc.
5h - 6h sáng là giờ vàng dành cho du khách. Do đó, nếu bạn muốn không bị bỏ lỡ thời khắc đông vui, nhộn nhịp nhất thì nên xuất phát từ lúc 4 giờ 30 phút để có mặt tại chợ lúc 5 giờ. Mặt trời vừa ló dạng cũng là lúc các ghe buôn dần tản ra, nhường chỗ cho ghe đồ ăn, ghe bán trái cây miệt vườn và ghe chở khách du lịch.
Trên mỗi chiếc ghe dựng cây bẹo treo các mặt hàng mà chủ ghe buôn bán, khách dựa theo đó mà chọn lựa. Với các bạn “sâu ngủ nướng” thì Cuồng biết là dậy từ 5-6h sáng quả thật là một thử thách nhưng chẳng mấy khi có dịp đi du lịch chợ nổi Cái Răng một lần, dậy sớm một hôm để trải nghiệm văn hóa vùng sông nước miền Tây cũng đáng phải không nào?
Đến khoảng 9h sáng chợ mới tan, nhưng vớt vát thì 7h sáng là thời điểm chót để lên ghe đến chợ đối với những "sâu ngủ nướng", bởi thực tế khoảng 7h30 là chỉ còn lác đác vài chiếc ghe nhỏ bán cà phê, khung cảnh không còn nhộn nhịp, tấp nập nữa. Ghe hủ tiếu, bún riêu... ngon cũng hết hàng.
Nếu đói bụng thì bạn phải lên các quán bên bờ sông dùng bữa sáng, giá không rẻ (tầm 40.000 đồng/tô nhỏ), mà chất lượng bình thường. Mặt khác, thưởng thức đồ ăn, ly cà phê đá trên ghe, lênh đênh sông nước sẽ thú vị hơn ngồi ăn trong quán. Đi chợ nổi thì phải thử cảm giác một lần ngồi ăn trên ghe, thuyền, lênh đênh trên mặt sông chứ còn ngồi ăn quán thì khác gì ở nhà đúng không nào?
5. Khám phá những món ngon “quên lối về” tại chợ nổi Cái Răng
Ít ai biết rằng, ngôi chợ nổi mang tên Cái Răng, Cần Thơ chính là điểm tham quan vinh dự được Tạp chí du lịch Rough của Anh bình chọn là một trong những ngôi chợ ấn tượng bậc nhất thế giới. Mỗi chiếc thuyền hay tàu, ghe sẽ bán một món hàng, có thể là vật dụng quen thuộc hàng ngày, nhóm hàng thủ công, thực phẩm khô như gạo, ngũ cốc, bánh ngọt… hay những loại trái cây thơm ngon, mát lành vừa mới được hái từ miệt vườn.
Mặc dù chỉ là ngôi chợ buôn bán trên sông, bằng phương tiện tàu ghe nhưng Cái Răng cũng sầm uất không kém gì các chợ trên đất liền. Nếu có cơ hội được đến đây, du khách sẽ không thể nào quên được những đặc sản độc đáo mà chợ nổi mang lại.
Đó chính là không khí nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán người mua giữa lúc trời còn tờ mờ sáng, mặt trời chưa ló dạng. Là những trái cây miệt vườn miền Tây thơm ngon, vừa được thu hoạch xong. Là những món ăn mang đậm hương vị sông nước chẳng nơi nào có… Tất cả những đặc sản riêng ấy đã “biến” khu chợ này trở thành đặc sản nổi tiếng của miền đất Tây đô, hớp hồn hàng triệu du khách thập phương vào mỗi năm.
Đặc biệt, để người mua có thể dễ dàng nhận ra được mặt hàng mình đang bán thì người bán đã nghĩ ra một sáng kiến cực kỳ ấn tượng, độc đáo. Bởi vì bạn tưởng tượng khung cảnh chợ nổi Cái Răng có hàng trăm ghe thuyền neo đậu bán những loại nông sản khác nhau. Thế làm cách nào du khách có thể phân biệt thứ mình cần để mua giữa hàng trăm thuyền lớn? Những người miền sông nước đã nghĩ ra một cách quảng cáo sản phẩm rất hay. Đó là bán gì treo đó. Họ treo nông sản mình bán lên một cây sào, cột trên cao. Người mua chỉ cần nhìn từ xa là biết thuyền đó bán gì, tìm kiếm cũng trở nên dễ dàng hơn. Bạn chỉ cần hướng về phía ghe và gọi là ngay lập tức, người bán hàng sẽ chèo ghe tới liền.
Sau đây là những món ăn đặc sản ngon nuốt lưỡi tại chợ nổi Cái Răng mà Cuồng đã “chén” bằng hết để review cho các bạn nha:
5.1 Bún riêu
Bún riêu cũng là một trong những món ăn để lại nhiều ấn tượng với thực khách bởi vị mắm tôm đặc trưng. Tô bún riêu được chuyền tay bắt mắt với sắc đỏ của cà, màu xanh của hành lá, thịt, mùi hương mắm tôm thơm nức đặc trưng và chút ớt cay sẽ khiến bạn không khỏi xuýt xoa.
5.2 Hủ tiếu
Có rất nhiều món để du khách lựa chọn, trong đó hủ tiếu quen thuộc hơn cả. Chỉ với bánh hủ tiếu, vài miếng thịt heo, giá và hành lá là có được một bữa thơm ngon. Cảm giác đưa đũa gắp sợi hủ tiếu vào miệng trên chiếc thuyền chông chênh mỗi khi có một thuyền lớn khác đi qua sẽ làm bạn cảm thấy hào hứng và thích thú.
5.3 Bún thịt nướng
Không có chả giò hay những miếng bò lá lốt nướng thường thấy, hộp bún thịt nướng trên sông nước Cái Răng mộc mạc bao gồm bún tươi, vài miếng thịt và rau sống. Thịt heo được xắt thành miếng nhỏ, ướp các loại gia vị cho vừa miệng và nướng sơ trước. Khi bán cho thực khách, người chế biến sẽ nướng lại cho nóng rồi bỏ vào hộp. Miếng thịt mềm, dậy mùi thơm nức.
Do ở trên thuyền nên chỉ cần một sơ sẩy là sẽ làm đổ món ăn. Chính vì vậy, các công đoạn thực hiện đòi hỏi người làm phải thật cẩn thận và khéo léo. Ấy vậy, người dân nơi này vẫn buôn bán bình thường như không có một khó khăn nào. Tô bún cứ vậy mà chuyền tay nhau thoăn thoắt, nóng hổi và thơm ngon.
5.4 Cháo lòng
Một món ăn sáng khác bạn nên thử qua đó là cháo lòng. Tô cháo trên thuyền không đặc sắc như các hàng quán trên bờ. Chỉ là mấy miếng thịt và gan, huyết, thêm vài cọng giá và chút hành lá xắt nhuyễn nhưng ai ăn rồi cũng tấm tắc khen ngon.
5.5 Bánh mì
Bánh mì ấm nóng lấy xuống từ lò than thêm nhân thịt, dưa leo, trứng mang hương vị khó cưỡng. Món ăn này ngay lập tức chinh phục cả những thực khách khó tính nhất.
5.6 Hủ tiếu khô Sa Đéc
Đây là một loại hủ tiếu đặc biệt của vùng Sa Đéc, một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cần Thơ. Nhìn đĩa hủ tiếu với những cọng hủ tiếu tươi to, trắng ngà, bên trên là tim, gan, thịt heo thái, thêm chút hẹ, xà lách tươi cắt nhuyễn và hành phi giúp tăng cường sự hấp dẫn cho món ăn. Điểm mà bất cứ ai cũng phải để tâm chú ý nhất là nước sốt màu vàng đậm rưới trên cùng bát hủ tiếu. Thực tế, đó là bí quyết làm nên vị khác lạ, ngon lành khi ăn.
Từng sợi hủ tiếu mềm dai dai, quyện với nước sốt đậm đà, beo béo ngầy ngậy với mùi hành phi, thịt ngọt và rau xanh phù hợp giúp tạo cho cảm giác thú vị.
5.7 Bánh đúc mặn
Thực ra, bánh đúc không phải là món ăn xa xỉ hay lạ lẫm gì, đơn giản là một món ăn xuất hiện ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, và có đến tận hai chục loại khác nhau. Mỗi loại bánh ở từng địa phương lại sở hữu những nét đặc trưng khác nhau, vừa đủ cho mỗi người ăn trải nghiệm và ấm lòng. Tuy nhiên bánh đúc mặn Cần Thơ lại mang một hương vị rất khác.
Một gánh bánh đúc thường chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ, hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm. Bột bánh thơm cộng với cái béo ngậy từ nước cốt dừa và vị mặn của tôm thịt khiến cho món ăn tưởng hơi dị này lại hấp dẫn, ngon lành đến kỳ lạ. Bạn đã ăn bánh đúc mặn rồi thì đôi lúc sẽ nghĩ lại tại sao món ăn đó chỉ đơn giản như vậy, dân dã như vậy mà lại tồn tại mãi trong tiềm thức của mình vậy.
5.8 Chuối nếp nướng
Khác với chuối nếp nướng Sài Gòn thon dài, ở Mỹ Tho trái to đến độ ăn 1 trái đã đủ no căng bụng, còn ở Cần Thơ trái chuối be bé vừa ăn mà lại không quá chín mùi. Trái chuối nếp nướng Cần Thơ ngon bởi lớp nếp ngoài màu vàng nâu giòn rụm, màu trắng mềm ở lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối. Có thể nói, món ăn này hoàn toàn không phải sơn hào hải vị, mà đơn giản đó là một thú ăn chơi nhưng ăn một lần là ghiền luôn món chuối nướng thơm mùi ruộng đồng dân dã này.
5.9 Bánh tầm bì
Bánh tầm bì Cần Thơ có một hương vị vô cùng đặc biệt: bánh luôn nóng hổi do được hấp trong một cái xững trên bếp than. Khi được tận mắt nhìn những sợi bì óng ánh tươm mỡ, thơm ngon bạn sẽ thấy phần nào dao động.
Món bánh này được tạo ra bởi hai nguyên liệu chính là bánh tầm và bì. Nếu như bánh tầm làm từ bột được pha chế có liều lượng, ép bằng khuôn rồi hấp; thì bì lại là thịt, da heo luộc mềm, lạng mỏng; sau đó đem thái thành sợi rồi trộn cùng với thính gạo, tỏi tươi băm nhuyễn, tỏi phi vàng, đường muối…
Khi thưởng thức, người ta thường bày bánh tầm bì ra đĩa với chút dưa leo, rau thơm, nước cốt dừa béo ngậy, bên trên có thêm muỗng mỡ hành và được ăn cùng với nước mắm ớt cay ngọt. Vị mềm của bánh hòa chung nước dừa, bì giòn giòn, thịt ngọt ngọt và vị thính thơm nhẹ của các loại rau đã tạo thành món ăn tuyệt vời.
5.10 Bánh cống
Bánh cống là thứ bánh dân dã mà bất kỳ ai đã ăn một lần sẽ không dễ quên. Người Cần Thơ xem bánh cống là thứ quà vặt nên chỉ để ăn vào buổi chiều hay tối. Lúc xưa, chiếc cống để đổ bánh được đẽo gọt từ thân cây tre, sau này người ta làm cống bằng nhôm để bánh to hơn, sử dụng lâu hỏng hơn và có hình dáng như cái phin cà phê có tay cầm hay cái cống múc nước nên được gọi là bánh cống.
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh và tôm. Bột pha chế qua nhiều công đoạn. Bột làm bánh được pha chế rất cầu kỳ từ bột gạo tẻ, gạo nếp, bột mì... Đậu xanh đãi vỏ cho sạch, nấu chín mà không nát. Thịt heo băm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Tất cả cho vào chiếc cống, nhúng ngập trong dầu đang sôi liu liu trong chảo cho đến khi vàng giòn.
Nhìn đĩa bánh vàng ươm cùng rổ rau tươi xanh cũng quá đủ để thu hút bạn thưởng thức. Cắn miếng bánh bạn sẽ cảm nhận được mùi đậu xanh, thịt, tôm chiên trộn lẫn vào nhau thơm đến nức mũi. Sau đó đến cảm giác cay cay khi chấm vào bát nước mắm dằm ớt, tép chanh, và vài cọng dưa chua đu đủ… tất cả tạo nên một món ăn phong phú về màu sắc và độc đáo về mùi vị.
5.11 Lẩu mắm
Lẩu mắm là món ăn dân dã, đặc sắc của miền Tây, bởi nhiều yếu tố ẩm thực mang tính đặc trưng của miền sông nước, cộng với nguyên liệu chế biến từ cá đồng, cá sông và các loại rau sẵn có trong vườn nhà. Những ai sành ăn thì đều khen lẩu mắm Cần Thơ là nhất nhì hiện nay. Tuy nhiên mắm muốn ngon phải có xuất xứ từ Châu Đốc - thiên đường các loại mắm độc đáo.
Mắm nấu lẩu phải có ít nhất là ba loại mắm: mắm sặc để có mùi thơm; mắm trèn để tăng vị ngọt đậm và màu sắc đặc trưng; mắm linh để tạo vị béo đặc biệt của cá đồng. Lẩu mắm ngon là lẩu không quá mặn, nồi lẩu phải có màu nâu đặc trưng, nước sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn, kết hợp với sả. Sau khi nấu cho ra hết hương vị của mắm, lọc lại thật kỹ; cho thêm nước dừa tươi và nước hầm xương vào hỗn hợp mắm, nấu nhỏ lửa để mắm và hương vị nước dừa dịu lại, dậy mùi thơm. Nước lèo lẩu mắm đúng độ thì phải có hương vị thơm ngon, đậm đà.
Ngoài mắm ngon, nồi lẩu không thể thiếu cà tím, thịt ba rọi, cá hú, cá lóc, mực, tôm, chả cá… Đặc biệt là rau xanh sẽ giúp làm tăng thêm vị ngon cho nồi lẩu. Rau ăn lẩu cũng đa dạng, từ quen thuộc đến dân dã với đủ hương vị chua, đắng, ngọt, chát như bắp chuối, rau muống, rau nhút, rau đắng, bông súng, kèo nèo, bông bí, cải xanh, đậu rồng, bông so đũa…
Đặc biệt, thưởng thức lẩu mắm có thể dùng kèm nước mắm ngon hoặc nước mắm me kết hợp với ớt tươi tăng phần thú vị cho món ăn. Hãy thưởng thức lẩu mắm một lần để biết thêm về một phần hồn của ẩm thực miền Tây chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi món ăn này đấy.
5.12 Lẩu bần phù sa
Nguyên liệu cực kì dân dã là trái bần, người dân Cần Thơ đã sáng tạo ra món lẩu bần thanh dịu, dễ ăn. Lẩu bần không phải chỉ hấp dẫn bởi cái tên “trái bần” đồng quê dân dã mà còn là bởi chính hương vị đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu mát. Khi thưởng thức lẩu bần, người ăn sẽ dễ dàng cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ của hương bần như gợi nhớ thương về “hương đồng gió nội”.
Lẩu bần được nấu chung với các loại cá tùy theo mùa. Thậm chí, ngày nay nhiều thực khách “sang chảnh” hơn còn thích nếm thử món lẩu bần nấu với ba ba. Bạn cũng có thể dùng kèm lẩu bần với bún tươi, các loại rau đồng nội của miền Tây sông nước như bông súng, so đũa, điên điển, bắp chuối thái…
5.13 Gỏi xoài khô cá sặc
Gỏi xoài khô cá sặc Cần Thơ là món ăn khá nổi tiếng trong ẩm thực Cần Thơ tuy giản dị nhưng làm cho biết bao thực khách “mê mẩn”. Món gỏi xoài khô cá sặc Cần Thơ được chế biến rất đơn giản, không hề mất nhiều công sức nhưng món ăn này lại có hương vị cực kỳ đậm đà.
Mùi thơm của khô cá sặc lẫn mùi thơm của rau răm, vị chua của xoài đã thấm nước mắm đường, cùng vị ngọt thanh của cà rốt cũng như hơi cay nồng của hành tím đã làm nên tinh túy cho món ăn đậm chất miền quê sông nước Cần Thơ nhưng rất hấp dẫn thực khách.
Sau khi nếm thử một loạt các món ăn để “chấm điểm” và hỏi xin kinh nghiệm của nhiều cô bác bán hàng cũng như rất nhiều thực khách, Cuồng kết luận là về chợ nổi Cái Rằng thì bạn không thể bỏ qua những món ăn đặc sắc nhất là bún, hủ tiếu. Dù ở trên thuyền, nồi nước dùng luôn được giữ nóng là lý do du khách lựa chọn thưởng thức bún, hủ tiếu, bánh canh sóng sánh, lúc nào cũng bốc khói nghi ngút khi đến chợ. Bún, hủ tiếu, bánh canh trên thuyền đầy đủ không kém đất liền với rau sống, giá non, thịt cắt miếng mỏng, gan heo, thịt băm.
Ngồi chòng chành trên ghe, húp xì xụp tô bún ấm nóng trong cái se lạnh của sáng sớm là trải nghiệm khó quên đối với du khách. Mỗi món ăn ở đây có giá dao động từ 30.000-35.000 đồng. Nhiều người đã ghé đến chợ khuyên rằng du khách không nên bỏ qua bát cháo lòng thơm phức, đậm đà. Trên thuyền, người bán hàng phải làm mọi thứ thật khéo léo và cẩn thận. Họ như nghệ sĩ giữ thăng bằng, thoăn thoắt múc cháo ra tô, thêm thịt, huyết và rắc hành lá trên cùng rồi nhanh chóng chuyền đến tay thực khách. Chỉ cần gọi hướng về chiếc ghe có món mình thích, cô bán hàng sẽ chèo đến sát thuyền khách, mắc dây vào thành và nhanh chóng bày biện món ăn.
Vừa ăn vừa nói chuyện với các cô chú bán hàng, Cuồng cũng tìm hiểu được kha khá thứ hay ho về khu chợ nổi đặc trưng này của sông nước miền Tây đấy. Khi Cuồng hỏi các cô chú buôn bán trên chợ nổi Cái Răng rằng tại sao có những chiếc xuồng, chiếc tàu treo nhưng không bán hay treo cái này mà bán cái kia thì nhận được câu trả lời: “Trên sông nước, thuyền bè lúc nào cũng bị bấp bênh theo dòng chảy của con sông. Cho nên, những vật treo lên cây bẹo như: bưởi, xoài, chôm chôm, nhãn… là những mặt hàng được treo để rao bán. Còn như những đồ ăn thức uống như: cơm, hủ tiếu, bún… thì không treo được, vì nếu treo lên thì nó sẽ đổ. Đó là lí do tại sao nói treo cái này mà bán cái kia. Còn có những thứ treo lên mà người ta không bán, đó chính là quần áo. Điều này dễ hiểu hơn, vì quần áo được treo lên sau khi giặc giũ, bán quần áo rồi thì lấy gì mà mặc”.
Cuồng còn lân la tìm hiểu được một điều rất thú vị là trên nhiều chiếc tàu, chiếc ghe, chiếc xuồng có những cây bẹo toàn treo lá dừa thì đố bạn biết là bán cái gì. Chẳng lẽ là bán lá dừa? Đó chính là bán ghe, tàu, hay thuyền. Đến đây có thể bạn sẽ thắc mắc là tại sao treo lá dừa lại có nghĩa là bán ghe bán tàu? Bởi vì, theo văn hóa truyền thống của người miền Tây thì thế này. Lá dừa là một vật liệu lợp mái làm nhà, mà nhà là nơi an cư của con người. Chính vì vậy, khi treo lá dừa lên cây bẹo, đồng nghĩa là rao bán tổ ấm của mình đang sinh sống
Khi Cuồng đang nhâm nhi ly cà phê trên một chiếc ghe thì nghe thấy tiếng chào hàng gần đó của một chú bán hàng người địa phương. “Uống một ly đi con ơi. Rượu đế miền Tây nguyên chất gạo, không có cồn. Uống đi rồi chú kiếm nhà nghỉ cho, không tốn tiền đâu. Chú lo hết" - chú Chín - người đàn ông thân hình lòi cả 6 chiếc xương sườn nhưng mặt rất phúc hậu sảng khoái mời rôm rả.
Theo chia sẻ của chú Chín, hiện mỗi ngày chợ nổi Cái Răng có khoảng từ 300-350 ghe thuyền hoạt động buôn bán mỗi ngày. Trong đó khoảng 200 ghe thuyền là di chuyển thường xuyên, các ghe nhỏ từ các vườn trái cây đổ về để buôn bán hàng ngày. Còn lại khoảng hơn 100 ghe thuyền lớn là neo đậu cố định vài ngày, có khi cả tháng, khi nào bán hết hàng hóa thì mới di chuyển để đi lấy thêm hàng.
Khi Cuồng vừa ăn xong tô bún giá rẻ bất ngờ, một hàng quán "di dộng" khác lại ghé vào, với giọng nói lanh lảnh của cô chủ ghe: "Uống cà phê, nước đậu nành nóng đi em ơi, để chế làm cho, có 10 ngàn một ly hà, cà phê của chế nguyên chất đó nhe" rồi cười vui vẻ. Những câu rao hàng của người dân miền Tây chân chất thật thà, không có gì hoa mỹ, càng không phải là những câu “quảng cáo một tấc đến giời” cứ thế đi vào lòng du khách, để khi về rồi vẫn nhớ mãi con người miền Tây nồng hậu hiếu khách.
À, suýt quên, một điều cực đặc biệt tại chợ nổi Cái Răng là đâu đâu cũng vang lên những câu hò của các bà, các mẹ, các chị, khiến Cuồng có cảm giác như được trở về một miền quê bình dị. “Hò ơi, Cần Thơ gạo trắng nước trong - Ai đi đến đó lòng không muốn về", ăn bát hủ tiếu bình dân, tai lắng nghe nhịp ghe chèo nước ì oạp, nghe câu hò quê hương mến thương, tiếng kẻ mua người bán cười nói rộn rã, dõi mắt xa xa ngắm nhìn toàn cảnh hàng trăm chiếc ghe ken nhau đậu kín mặt nước, bạn sẽ có những cảm nhận không thể quên về hơi thở cuộc sống của khu chợ nổi đặc trưng của sông nước miền Tây - chợ Cái Răng.
Bạn biết không, chợ nổi Cái Răng nổi tiếng tới mức hai đài truyền hình KBS và EBS Hàn Quốc đều lập kế hoạch chọn chợ nổi Cái Răng để tìm hiểu về đời sống, nhịp sinh hoạt cũng như các món đặc sản tại đây. Đặc biệt, ít ai ngờ khung cảnh bình dị, dân dã, đời thường của chợ nổi Cái Răng khi được ghi hình lên sóng lại đầy nghệ thuật và đẹp như một bức tranh sống động thế này.
Đặc biệt, người dân ở đây cực kỳ hiếu khách bởi họ sẵn sàng cho các khách tham quan nếm thử ngay đặc sản nhà mình trồng ra. Và trải nghiệm đầu tiên của anh chàng Hàn Quốc quay trong chương trình đó chính là miếng xoài vàng ươm, ngọt lịm được chính bàn tay người bán cắt cho.
Chỉ cần nhìn cái màu vàng tươi của thịt xoài và phần vỏ nám bên ngoài thì đối với dân sành ăn cũng đủ biết đây là quả xoài cực ngọt nhé. Và không chỉ có xoài mà anh chàng này còn được dịp thưởng thức quả dứa ngay trên thuyền khi vừa được người bán gọt xong. Và quy trình pha cà phê cũng ngon không kém cạnh gì so với các quán cà phê pha phin chuyên nghiệp. Mặc dù hương vị cà phê Việt Nam đậm hơn nhiều so với cà phê Hàn Quốc nhưng vẫn được công nhận là rất ngon đấy.
Một điều mà Cuồng thấy khá thú vị là ăn ở chợ nổi Cái Răng thì bạn không có ghế, không có bàn đâu mà đôi khi chỉ đơn giản là một thanh gỗ dài bắc ngang qua 2 mép thuyền, ghe là đã có ngay chiếc bàn lý tưởng để thưởng thức món ăn. Tất nhiên, cảm giác thưởng thức món ăn ngay trên thuyền vẫn đang lênh đênh sông nước thế này chắc chắn sẽ khác hẳn so với việc bạn yên vị ngồi ăn trên bờ nhé. Rõ ràng đây là một hoạt động rất thú vị mà bất cứ ai đi tham quan chợ nổi Cái Răng nói riêng hoặc các chợ nổi khác nói chung đều muốn tham gia.
Nói chung thì Cuồng là một con vịt cạn, không biết bơi, nên ngồi trên thuyền sóng đánh đôi khi thấy chòng chành hơi sợ tí, chỉ sợ bê bát hủ tiếu không vững bị đổ thì mất ăn, nhưng nói chung cảm giác bê bát hủ tiếu nóng hổi, nghi ngút khói ngồi ăn giữa sông nước lênh đênh, gió thổi lồng lộng cũng có cái thú của nó.
Ăn uống trên thuyền lại làm Cuồng nhớ lại việc ăn tại những quán nhỏ trong những ngõ, những ngách bé con con của Hà Nội. Nhiều quán nhỏ tới mức chả có bàn ghế cho khách, chỉ có chiếc ghế nhựa rồi cho khách tự bưng bát bún, bát phở nóng hổi, vừa thổi vừa ăn. Quả là việc ăn uống trên đường phố Việt Nam mình có cái thú vui dân dã của nó, chẳng cần hàng quán sáng choang, bàn ghế bóng lộn, chỉ cần một góc nhỏ là cô bán hàng có thể ngả gánh bầy hàng, thực khách ngồi quanh xì xụp rồi. Có khi Cuồng thấy như vậy còn thân thương, dễ gần hơn ngồi ăn nhà hàng, khách sạn ý chứ.
Một điều nữa mà Cuồng nhớ mãi về chợ nổi Cái Răng là bạn cũng có thể tìm thấy nhiều quầy cà phê "lưu động" phục vụ thực đơn đa dạng từ sữa đậu nành, cà phê đen, cà phê sữa, nước dừa... Nếu ở Hà Nội có trà chanh, trà đá vỉa hè, có cà phê sữa đá tại quán cóc thì dân ghiền cà phê cũng có thể tìm thấy những ghe bán cà phê lưu động tại chợ nổi Cái Răng với thực đơn cũng rất ra gì và này nọ đủ cả cà phê phin, cà đê đá, cà phê sữa đấy. Những món ăn mang hương vị đậm đà, dân dã lưu giữ trong nhịp sống dung dị của người dân trên sông nước luôn hấp dẫn du khách.
6. Các đặc sản chợ nổi Cái Răng có thể mua về làm quà
Khi đến chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ không chỉ được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên sông nước mênh mông khoáng đạt vô cùng tuyệt vời mà còn có cơ hội mua sắm rất nhiều nông sản hấp dẫn, tươi ngon.
Tùy thuộc vào thời điểm bạn đi du lịch, mùa nào thức ấy, sẽ có trái cây tương ứng để bạn tha hồ lựa chọn, thưởng thức tại chỗ hoặc mua đem về làm quà cho những người thân yêu trong gia đình mình.
Bạn có thể mua chôm chôm, măng cụt, cam, sầu riêng, dâu Phong Điền… thơm ngon với mức giá “siêu rẻ” nếu biết trả giá hoặc mặc cả. Ngoài ra, du khách đừng bỏ lỡ việc mua thêm một số sản phẩm như khô rắn, khô nhái, bánh tét lá cẩm… - đặc sản nổi tiếng của Cần Thơ.
7. Kinh nghiệm đi chợ nổi Cái Răng để không bị mua hớ
Lời khuyên của Cuồng là tuyệt đối không nên mua trái cây trên các ghe chạy xung quanh hay thường chào hàng ngang qua con tàu bạn đi, bởi mức giá đắt và chất lượng không đảm bảo.
Những ghe tàu bán ở cuối chợ thường móc nối với lái tàu để lấy tiền khách du lịch. Một tô hủ tiếu có giá từ 20.000-25.000 đã được đôn thành 40.000đ/tô. Bạn nên hỏi giá và thỏa thuận giá trước khi ăn.
Thường khi đến một điểm mua sắm, tài công sẽ được nhận một ít tiền boa. Và bạn càng mua nhiều thì tài công càng được tiền. Bạn nên xem xét nói thẳng với tài công là sẽ không đến những điểm mua sắm. Thông thường những điểm ấy chỉ bán đồ khô, bánh các loại và giá khá mắc.
Tài công một số chỗ thiếu uy tín thường chỉ chở bạn một vòng rồi về hoặc hay đi lòng vòng các địa điểm mua sắm rồi nói hết thời gian. Bạn nên thuê tàu ở những điểm du lịch chợ nổi chất lượng, đừng trả giá với người dân ở bến Ninh Kiều.
Khi đi cùng tài công, bạn nên thỏa thuận trước và tìm hiểu về quyền lợi của bạn. Trong 2,3,4 tiếng thuê tàu, bạn có quyền kêu tài công đưa đi 2,3 vòng chợ nổi Cái Răng để chụp hình thêm. Bạn cũng có quyền linh động thay đổi địa điểm đi trước. Nhớ boa cho tài công nếu họ đi tàu có tâm bạn nhé!
Video chợ nổi Cái Răng
Hy vọng là qua bài review chi tiết của Cuồng, bạn đã dắt lưng kha khá kinh nghiệm đi chợ nổi Cái Răng để “săn” được nhiều món ngon và mua trái cây địa phương về làm quà mà lại không bị mua hớ. Ngoài ra, bạn có thể đặt tour du lịch miền Tây trọn gói với các công ty du lịch để được hỗ trợ đi tham quan chợ nổi Cái Răng thuận tiện, tiết kiệm, không lo bị cò mồi chặt chém mà còn được tham quan nhiều địa điểm du lịch Cần Thơ nổi tiếng khác nữa nha!