Cá da trơn là gì?
Cá da trơn là một bộ thuộc nhóm cá xương, chúng có đặc điểm là không có vảy và da rất trơn. Chúng sinh sống rải rác từ Châu Âu đến Châu Á. Người ta thường phân biệt dựa vào hộp sọ và bong bóng của chúng.
Các loại cá da trơn
Cá tra
Cá tra là loài cá da trơn vô cùng phổ biến ở Việt Nam, chúng phân bố ở lưu vực sông Mê kông, có mặt ở cả 4 nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Đặc điểm nhận dạng của chúng là phần đầu khá to, bẹt ra theo chiều ngang. Phần miệng rộng, thân trên có màu xám còn thân dưới có màu đen.
Cá tra là loài vô cùng phổ biến ở Việt Nam là loài ăn tạp và có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh nên dễ nuôi. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn
Là loài ăn tạp và có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh nên dễ nuôi, chúng chủ yếu sống trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ, trong khoảng nhiệt độ từ 15 ºC - tối đa 39 ºC, hơn thế do có cơ quan hô hấp phụ và có thể hô hấp bằng bóng khí, da nên cá có thể chịu đựng được môi trường nước thiếu ôxy hòa tan.
Mùa đẻ trứng của cá tra thường rơi vào tháng 5 - 7 dương lịch. Cá tra khi đã đạt độ tuổi thuần thục (cá đực 2 năm tuổi, cá cái 3 năm tuổi) thì mới có khả năng sinh sản. Trọng lượng cá thuần thục lần đầu khoảng 2,5 - 3kg.
Hiện nay, giá cá tra đang trên đà tăng mạnh. Theo ghi nhận, tại các tỉnh An Giang và Tiền Giang giá cá tra thương phẩm size 0,8 kg/con giá gần 30.000 đồng/kg, size 1 - 1,2 kg/con giá hơn 31.000 đồng/kg, đem về cho người nuôi lãi khoảng 3.000 đồng/kg. Dự kiến đến cuối tháng 2/2023, giá cá sẽ ở mức 33.000 đồng/kg, sang tháng 4/2023 giá có thể lên đến 35.000 - 36.000 đồng/kg.
Cá basa
Cá ba sa là loại cá nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, được nuôi tập trung tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam thì cá basa thường được bắt gặp nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là loài cá nước ngọt, thích hợp ở nhiệt độ ấm (26 - 32ºC), chịu đựng được hàm lượng oxygen dao động từ 3 - 6 mg/l, pH từ 7 - 8.2.
Cá ba sa là loại cá nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, được nuôi tập trung tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Điện máy Xanh
Vẻ ngoài của cá tra và cá ba sa khá giống nhau, thoạt nhìn sẽ khó phân biệt. Cá basa có đầu trông nhỏ gọn hơn cá tra, đầu ngắn và không bè ra hai bên. Râu của cá ba sa nhắn hơn râu cá tra, râu hàm trên ngắn bằng khoảng 1/2 chiều dài đầu, râu hàm dưới thì lại ngắn hơn râu hàm trên. Cá basa có bụng to tròn màu trắng, trên lưng thường có màu xanh nâu nhạt, phần thân ngắn và hơi dẹp hai bên.
Là loài cá da trơn có tính ăn tạp thiên về động vật, thích ăn mồi có nguồn gốc động vật và dễ chuyển đổi thức ăn nên cá ba sa rất dễ nuôi. Ngoài ra, cá cũng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và cũng dễ dàng sử dụng các loại thức ăn khác nhau như hỗn hợp tấm, cám, rau và cá vụn (nấu chín) nên thích hợp cho nuôi dưỡng trong bè. Trên thị trường, mức giá cho 1kg cá ba sa tươi và đông lạnh dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Cá bông lau
Cá bông lau sống trong môi trường nước lợ, nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á, ở Việt Nam cá bông lau có nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Sóc Trăng, Bến Tre,...) Đây là loài di trú, có một thời gian sống ở các vùng nước ven biển và một thời gian di cư vào sông để sinh sản.
Cá bông lau dễ nuôi, sức đề kháng tốt, ít bệnh nên không tốn nhiều công chăm sóc,... Ảnh: ScotCat
Thân hình cá thuôn dài, da cá có màu trắng, lưng màu xanh lá cây ngả vàng, vây hơi vàng, đuôi và vây có rìa màu hồng trắng. Chúng sống trong môi trường tự nhiên, nếu thời gian sinh sống lâu năm có thể có cân nặng hơn 10kg. Mùa sinh sản của cá thường rơi vào khoảng tháng 5 - tháng 8, lúc khí hậu mát mẻ.
Cá bông lau dễ nuôi, sức đề kháng tốt, ít bệnh nên không tốn nhiều công chăm sóc, thức ăn cho cá bông lau chủ yếu từ nguồn cá vụn do đó cũng dễ tìm và chi phí thấp. Chưa kể, với nguồn giống tự nhiên khá nhiều, người nuôi chỉ cần ương dưỡng.
Thịt cá bông lau rất bổ dưỡng và được chế biến thành nhiều món ăn ngon nên giá thành khá cao. Thông thường, giá cá bông lau sẽ phụ thuộc vào kích cỡ và độ tươi ngon, mức giá kham khảo cho 1kg (đối với loại từ 1 - 3kg/con) cá bông lau khoảng 390.000 đồng/kg.
Cá dứa (tra bần)
Cá dứa phân bố rộng ở châu Á tập trung ở các nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia ....Cá dứa thích sống vùng nước sâu thường là trên dòng Mê Kông và vùng nước lợ - cửa sông giáp với biển. Hình dáng bên ngoài khá giống cá tra, nhưng cũng có điểm rất riêng, cá có gai vi lưng, đuôi cá màu vàng hoặc hồng đỏ, trên nắp mang có hình rẻ quạt và mờ dần khi cá lớn.
Cá dứa đóng góp rất lớn vào nền nông nghiệp của một số tỉnh Việt Nam. Ảnh: Tép Bạc
Cá dứa loài cá da trơn thuộc họ cá tra, có thể thích nghi được trong môi trường nước ngọt và lợ, cùng với tính ăn tạp dễ nuôi nên được xem là loài nuôi phù hợp của người dân Nam Bộ. Hơn hết điểm đặc biệt của loài này là không bị còi, mặc dù thiếu thức ăn trong một thời gian dài, trọng lượng cơ thể nhỏ nhưng khi cho ăn đầy đủ trở lại vẫn sinh trưởng bình thường.
Cá dứa đóng góp rất lớn vào nền nông nghiệp của một số tỉnh Việt Nam. Thông tin từ một số hộ nuôi, thịt cá dứa chắc, thơm ngọt, ít mỡ giá trị dinh dưỡng lại cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Tùy kích cỡ mà giá cá dứa trên thị trường dao động khoảng 400.000 - 450.000 đồng/kg, đối với cá dứa thiên nhiên sẽ dao động từ 600.000 - 700.000 đồng/kg.