TMO - Bữa cơm tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi “Tết đến, xuân về". Mâm cỗ cúng gia tiên cuối năm âm lịch với mỗi gia đình xưa nay vẫn là công việc vô cùng quan trọng và là nét đẹp truyền thống từ bao đời. Theo thông lệ, từ sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình lo làm cơm cúng để mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết, người đàn ông trụ cột trong gia đình sửa soạn nơi thờ tự, thăm mộ rồi trở về làm lễ cúng.
Những ngày cuối năm, người Việt tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắm đồ trang trí, nấu bánh chưng… và không quên chuẩn bị bữa cơm tất niên. Bữa cơm ấy mang ý nghĩa quan trọng trong truyền thống văn hóa của người Việt từ xưa đến nay. Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày cuối năm (âm lịch), con cháu gia đình lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ đầy, trước để kính mời ông bà, tổ tiên về thăm con cháu, sau là để đoàn tụ cả gia đình quây quần bên mâm cơm cuối năm.
Cúng tất niên là một nghi lễ truyền thống nhưng lễ vật cúng không quá cầu kỳ. Cỗ cúng tất niên ở nhiều vùng khác nhau nhưng nhất thiết trên mâm cỗ phải có đủ bánh chưng, dưa hành, giò lụa, nem rán, thịt đông… Trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu mâm ngũ quả, các đồ lễ. Tùy vào từng gia đình mà có thêm câu đối đỏ hay đôi mía còn đủ ngọn, tươi tốt, buộc khum vào nhau ở bên bàn thờ gọi là “gậy ông vải”. Bữa cơm tất niên là bữa cơm gắn kết mọi thành viên, thế hệ trong gia đình mà mọi người trong gia đình đều có mặt đầy đủ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Phan Huy
Theo quan niệm xưa, những gia đình nào càng đông đủ con cháu, các thế hệ cùng dùng bữa cơm này chứng tỏ gia đình nhiều phúc, lộc và may mắn. Đây cũng chính là dịp để các bố mẹ trong gia đình giới thiệu các con, các cháu; con cháu có dịp ra mắt với ông bà, tổ tiên. Từ đó, tổ tiên mới biết được công việc, nghề nghiệp, những khó khăn... trong một năm mà thế hệ đi sau gặp phải để phù hộ độ trì. Hơn nữa trong một năm sắp qua, các thành viên trong gia đình khó có thời gian gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau thì đây chính là dịp để cả nhà đoàn tụ. Mọi người ngồi quanh mâm cơm tất niên, nâng ly rượu chúc nhau năm mới và kể cho nhau nghe những chuyện đã qua cùng những mục tiêu sắp tới.
Trẻ nhỏ lâu ngày không gặp nhau cũng được một dịp vui chơi, tụ hội và “ biết người trên kẻ dưới” trong gia đình, họ hàng quanh mâm cơm tất niên. Không chỉ mang ý nghĩa gia đình sum họp, bữa cơm tất niên còn là nghi thức để tiễn biệt năm cũ, đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản bếp núc. Sau bữa cơm tất niên, gia đình sẽ sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón chào năm mới.
Từ xưa đến nay, ngay cả khi thời bao cấp, kinh tế khó khăn đến thời điểm cuộc sống đã đi vào ổn định, người Việt vẫn luôn giữ thói quen lo cho bữa cơm tất niên được tươm tất, đủ đầy. Có thể, việc mua sắm đồ nhanh gọn hơn, những nghi lễ không quá cầu kỳ nhưng vẫn luôn đầy đủ những đồ cần thiết. Bởi sự thành kính không phải ở mâm cao cỗ đầy mà chính ở cái tâm của mỗi người, gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Bữa cơm tất niên là dịp để con cháu tri ân tổ tiên đã phù hộ mình trong năm qua, làm ăn, học hành tấn tới, cầu được ước thấy. Bữa cơm tất niên luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng, nó trở thành sợi dây vô hình nối liền các thế hệ. Mặc dù, không phải là nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết nhưng từ lâu, bữa cơm tất niên đã trở thành một phong tục đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt, nhắc nhở những người con dù đi xa đến đâu cũng nhớ bước chân quay về.
Mâm cúng tất niên có những gì và vào ngày nào?
Thông thường, lễ cúng tất niên được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (tức là ngày 30 tháng Chạp, thường gọi là ngày 30 Tết, một số năm thiếu thì sẽ được tổ chức vào ngày 29 Tết). Tuy nhiên, một số gia đình tổ chức cúng tất niên sớm hơn, có thể là ngày 26, 27, 28 hoặc 29 tháng Chạp. Nhìn chung, thời gian tốt nhất để cúng tất niên vẫn là 2 ngày cuối cùng của năm cũ.
Để cúng tất niên, các gia đình cần chuẩn bị mâm cơm thật tươm tất để dâng lên gia tiên và những người đã khuất trong gia đình. Sau khi hạ lễ, mọi người sum vầy bên mâm cơm. Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới. Sau bữa cơm tất niên, mọi người chuẩn bị cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.
Trong mâm cúng Tất niên, hương và đèn là 2 vật không thể thiếu. Hương tượng trưng cho các vì sao, kết nối giữa âm với dương, còn đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời nên thường trên bàn thờ sẽ có đủ 2 cây đèn. Bên cạnh đó, một lễ không thể thiếu trong mâm cúng tất niên là mâm ngũ quả. Mâm này không được dùng hoa quả xanh hay hoa quả giả bằng nhựa, các loại quả đều phải là những quả ăn được và thông dụng, đẹp mắt, không bị sâu hoặc dập. Mâm ngũ quả cần được đặt 2 bên bàn thờ, không được đặt ở trước bát hương. Các món ăn trên mâm cúng sẽ được làm thịnh soạn hơn so với ngày thường, tùy thuộc vào phong tục tập quán, văn hóa của từng vùng và thói quen của mỗi gia đình sẽ có những món khác nhau. Nhìn chung, có vài món không thể thiếu là gà, xôi và bánh chưng (hoặc bánh tét).
Người miền Bắc, nhất là người Hà Nội, thường chuẩn bị mâm cơm cúng rất chu toàn và tỉ mỉ với nhiều món ăn truyền thống như gà luộc, canh măng, miến xào, nem, xôi, bánh chưng, dưa muối. Người miền Trung không quá cầu kỳ, tỉ mẩn như người Bắc, các món ăn trên mâm cúng tất niên khá đơn giản, thường có giò lụa, thịt gà, thịt heo, bánh chưng, bánh tét kèm với đĩa hành muối. Còn ở miền Nam, do thời tiết ngày Tết nóng hơn so với miền Trung và miền Bắc nên thực đơn cúng tất niên thường có canh khổ qua, chả giò, thịt kho trứng, bánh tét ăn kèm với củ kiệu. Mâm cúng Tất niên có thể là món mặn hoặc món chay. Trên bàn thờ chỉ sử dụng hoa tươi, trái cây tươi, một ít tiền vàng mã tượng trưng. Tùy hoàn cảnh gia đình, mâm cúng Tất niên có thể khác nhau nhưng quan trọng là lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.
Cũng phải nói thêm rằng, cúng tất niên là theo quan niệm của từng gia đình. Các gia đình có thể làm mâm cơm cúng tất niên vào bất kỳ thời điểm nào, miễn là vào những ngày cận Tết. Ngoài ra, tùy theo điều kiện và quan điểm, mâm cúng tất niên không nhất thiết phải có đầy đủ món này, thứ kia mang tính phô trương, hình thức dẫn đến lãng phí, tốn kém. Bởi lẽ, thành kính tổ tiên, ông bà, người thân đã khuất cái chính là ở tấm lòng thành (sống tốt, hướng thiện) chứ không phải ở mâm cao, cỗ đầy./.
PHAN HUÝNH