Đau bụng bên trái dưới xương sườn hay còn gọi là đau hạ sườn bên trái là tình trạng nhiều người gặp phải. Cảm giác đau này có thể chỉ kéo dài vài ngày rồi tự biến mất. Nhưng cũng có những trường hợp gây đau đớn nghiêm trọng và người bệnh cần được cấp cứu kịp thời. Vậy đây có thể là triệu chứng của bệnh gì?
Đau bụng bên trái dưới xương sườn là triệu chứng bệnh gì?
Đau hạ sườn bên trái có thể đau phía trước và cũng có thể lan ra phía sau. Cảm giác đau sẽ tăng lên khi người bệnh ho hay cử động. Đôi khi, cảm giác đau chỉ xuất hiện thoáng chốc hoặc diễn ra trong thời gian ngắn rồi khỏi hoàn toàn. Cũng có khi đau kéo dài âm ỉ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
Theo các bác sĩ, vùng dưới sườn là vị trí của nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể như bàng quang, đại tràng, niệu quản, buồng trứng,... Vì vậy, khi bạn bị đau bụng bên trái dưới xương sườn có thể là do bạn mắc bệnh liên quan đến những cơ quan kể trên. Tình trạng đau này có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh như:
Bệnh lý ở ruột
Một số bệnh lý ở ruột có thể gây ra cảm giác đau ở bụng trái dưới xương sườn như:
- Tắc ruột: Tắc ruột là tình trạng thức ăn khi đi qua ruột bị ùn ứ, vận chuyển chậm hoặc không thể đi tiếp được xuống phần ruột bên dưới. Tắc ruột gây đau bụng trái dưới xương sườn kèm triệu chứng chướng bụng, buồn nôn, đầy hơi, khó đại tiện.
- Táo bón lâu ngày và táo bón nặng cũng gây đau ở vị trí sát xương sườn.
- Rối loạn tiêu hóa cũng gây đau bụng kèm đi ngoài nhiều lần nhưng chưa đến mức ngộ độc.
- Người bị hội chứng ruột kích thích sẽ bị tăng nhu động ruột sau khi ăn cũng dễ bị đau bụng bên trái dưới xương sườn. Hội chứng này sẽ đi kèm với triệu chứng người mệt mỏi, đau sau khi ăn. Cơn đau tập trung phía dưới sườn bên trái.
- Viêm dạ dày hoặc đại tràng cũng gây cảm giác đau nhói, ban đầu xuất hiện ở bên trái sau đó lan sang các vị trí xung quanh. Nếu bị viêm dạ dày, đại tràng, người bệnh còn gặp thêm triệu chứng đầy bụng, buồn nôn, khó tiêu, ợ chua. Nhiều người bệnh sút cân nhanh chóng, chất thải khi đại tiện khi quá rắn khi nát, có thể lẫn dịch nhầy và máu.
Bệnh lý tim mạch
Các bệnh lý ở tim ngoài gây đau ở vùng ngực còn có thể gây đau lan đến bụng trái vị trí dưới xương sườn và trên rốn. Các bệnh lý tim mạch thường dẫn đến cảm giác đau này như:
- Bệnh nhồi máu cơ tim dễ gây đau ngực và bụng đột ngột. Cùng với cảm giác đau là cảm giác giống bị đè ép, khiến người bệnh bị khó thở nghiêm trọng.
- Cảm giác đau do thắt ngực gia tăng khi bạn làm việc gắng sức và giảm khi bạn nghỉ ngơi.
- Những người bị phình động mạch chủ thường bị đau bụng cạnh sườn phía bên trái. Cùng với đó là các triệu chứng như khó nuốt, khó thở, người bệnh da nhợt nhạt, tái xanh và người lạnh run.
Bệnh lý theo giới tính
Một số bệnh lý theo giới tính nam hoặc nữ cũng dẫn đến triệu chứng đau bụng bên trái dưới xương sườn như:
- Nam giới khi bị thoát vị bẹn, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm túi thừa, viêm loét ở trực tràng,...
- Nữ giới bị u nang buồng trứng, nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, có thai ngoài tử cung,... cũng gây đau ở vị trí trên.
Đau dây thần kinh liên sườn
Trong trường hợp đau bụng do đau dây thần kinh liên sườn, cơn đau sẽ bắt đầu từ một điểm rồi lan dọc theo hướng đi của xương sườn. Cảm giác đau nhói kèm giật sau đó lan sang các vùng khác của xương sườn. Căn bệnh này không gây nguy hiểm, nhưng bạn vẫn cần đi khám sớm. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống viêm hoặc thuốc giảm đau, khoảng 1 - 2 tuần triệu chứng đau sẽ giảm.
Bệnh lý tuyến tụy
Bệnh nhân mắc bệnh viêm tuyến tụy cũng dễ bị đau bụng ở phía bên trái, vị trí dưới xương sườn. Vùng bụng trái người bệnh sẽ đau kèm sưng. Cảm giác đau xuyên ra sau lưng. Đi cùng đó là một loạt các triệu chứng khác như tim đập nhanh, sốt cao, buồn nôn,... Viêm tụy cần được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm cho tính mạng.
Bệnh lý về thận
Nếu mắc bệnh sỏi thận hoặc nhiễm trùng thận, triệu chứng đau bụng như trên cũng khá điển hình. Bị sỏi thận bên trái sẽ gây đau bụng hạ sườn bên trái. Không chỉ có vậy, người bệnh còn có cảm giác đau lưng, đau bụng, đau mỗi lần đi tiểu. Quan sát trong nước tiểu có thể có máu. Sỏi thận kéo dài dễ dẫn đến hư thận, thận ứ nước, suy thận, mất chức năng thận. Thậm chí có người còn phải cắt bỏ thận vì không khám chữa kịp thời.
Nhiễm trùng thận cũng gây đau bụng bên trái dưới xương sườn. Ngoài đau bụng, bệnh này còn kèm theo sốt, đi tiểu nhiều, đau ở vùng háng và lưng. Người bệnh cũng có thể buồn nôn hoặc nôn. Người bị nhiễm trùng thận cần được khám và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.
Tổn thương xương sườn
Khi bị gãy hoặc tổn thương xương sườn bên dưới phía gần bụng, người bệnh cũng có thể bị đau bụng. Trong trường hợp này, ngoài đau bụng bệnh nhân còn gặp triệu chứng đau ngực khi hít vào. Xương sườn gãy có thể liền lại sau 3 - 6 tuần. Nhưng nếu xương gãy vào đâm vào các cơ quan xung quanh mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên.
Tổn thương lá lách
Lá lách nằm ở vị trí bụng trái, trên rốn, sau dạ dưới và dưới xương sườn cuối cùng. Lá lách có nhiệm vụ lọc máu, tăng cường miễn dịch cơ thể, dự trữ tiểu cầu,... Bệnh lý ở lá lách ít gặp nhưng nó hoàn toàn có thể là căn nguyên của các cơn đau bụng trên rốn và dưới xương sườn bên trái.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị ung thư hạch, bệnh bạch cầu, nhiễm trùng viêm tuyến bạch cầu dẫn đến phì đại lá lách cũng gây đau bụng như trên. Các cơn đau sẽ gia tăng nặng dần, xảy ra theo từng cơn. Đi kèm phí đại lá lách là nhiễm trùng lá lách. Khi đó, bệnh nhân gặp thêm các triệu chứng như sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau họng,...
Đặc biệt, trong trường hợp lá lách vỡ do vùng bụng bị tác động mạnh sau tai nạn sẽ xuất hiện những cơn đau bụng kịch phát. Tình trạng này cực nguy hiểm và cần được cấp cứu kịp thời.
Bệnh lý về máu
Bệnh lý về máu có liên quan đến lá lách như bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm cũng là nguyên nhân gây đau bụng bên trái dưới xương sườn. Đây là một bệnh rối loạn máu, làm ảnh hưởng đến việc sản sinh ra huyết sắc tố. Thiếu máu hồng cầu hình liềm là bệnh có thể di truyền từ cha mẹ sang con.
Bệnh lý ở phổi
Các bệnh viêm phổi, viêm màng phổi cũng có thể ảnh hưởng đến phần trên của ổ bụng. Điều này đây ra cảm giác đau bụng kèm các triệu chứng như sốt, ho, đau bụng khi thở, khó thở,…
Khi bị đau bụng, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tránh hoạt động mạnh. Việc xoa bụng và dùng túi chườm nóng cũng có tác dụng xoa dịu, làm giảm cảm giác đau đớn khó chịu. Tuy nhiên, khi dùng túi chườm nóng bạn nên mua loại túi chườm y tế được chứng nhận về độ an toàn khi sử dụng. Đau bụng bên trái dưới xương sườn có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm nên bệnh nhân cần được thăm khám sớm giúp điều trị kịp thời.