Ngất là trạng thái bất tỉnh, hôn mê và mất nhận thức ở người trong một thời gian ngắn do huyết áp thấp hoặc do tim không hoạt động để bơm máu có đủ oxy lên não. Khi đó người bệnh sẽ rơi vào trạng thái choáng váng, không thể đứng vững và sau đó mất kiểm soát và ngã xuống. Người bị ngất xỉu đột ngột nếu được phát hiện kịp và chăm sóc trong điều kiện tốt hơn có thể dễ dàng hồi tỉnh, nếu phát hiện lâu hơn có thể sẽ hôn mê sâu hơn và khi tỉnh dậy có cảm giác mệt mỏi.
Ngất xỉu đột ngột là gì?
Ngất xỉu đột ngột là tình trạng mất ý thức trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó có thể hồi tỉnh sau ít phút. Trong thời gian ngất xỉu, nạn nhân có thể vẫn nhận biết các diễn biến xung quanh, tuy nhiên họ không đủ tỉnh táo để phản hồi lại.
Tình trạng ngất đột ngột xảy ra do lượng máu tưới não không đủ, khiến cơ thể mất khả năng kiểm soát. Ngất là một dấu hiệu nghiêm trọng. Ngất có thể gây ra các hậu quả không mong muốn như chấn thương nghiêm trọng vùng sọ não và các cơ quan khác khi người bệnh không kiểm soát được. Với bệnh nhân có ngất dù là lần đầu và chưa có các hậu quả ngất có thể có liên quan đến bệnh lý. Và đây là một dấu hiệu cảnh báo sức khỏe gặp nguy hiểm. (1)
Triệu chứng ngất xỉu đột ngột
Các triệu chứng ban đầu cảnh báo sắp ngất xỉu như:
- Nóng trong người
- Cảm giác lâng lâng, choáng váng
- Mờ mắt
- Giảm thính lực
- Mất sức đột ngột, sau đó mất ý thức
- Đổ mồ hôi lạnh
- Đi khập khiễng
- Đánh trống ngực
- Nếu nguyên nhân ngất liên quan đến dây thần kinh phế vị hoạt động quá mức, người bệnh có thể bị chuột rút hoặc buồn đại tiện trước khi mất ý thức. (2)
Khi ngất, người bệnh có các biểu hiện:
- Hôn mê, không có phản ứng khi người khác gọi, lay động
- Da dẻ tái nhợt
- Chân tay mất lực
- Thở bình thường hoặc thở khó khăn, ngưng thở từng cơn, thậm chí một số trường hợp ngưng thở
- Rối loạn mạch, khó bắt được mạch
- Ngưng tim
Tỉnh dậy sau ngất, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như:
- Ngừng đổ mồ hôi lạnh
- Da dẻ hồng hào trở lại
- Tim và mạch đập nhanh, ổn định
- Vệ sinh tự chủ
Bị ngất đột ngột nguyên nhân do đâu?
1. Ngất đơn thuần do đối giao cảm
Hệ thần kinh đối giao cảm là một phần của hệ thần kinh tự chủ, có chức năng kiểm soát huyết áp, thân nhiệt, nhịp tim, khối lượng cơ thể, hệ thống tiêu hóa, chuyển hóa năng lượng, bài tiết, cân bằng dịch và điện giải, tình dục và các quá trình khác. Hệ thần kinh đối giao cảm có tác dụng làm giảm nhịp tim, điều hòa nhịp tim ổn định… Tuy nhiên khi chúng hoạt động quá mức có thể làm giảm nhịp quá mức, ảnh hưởng lưu lượng máu lưu thông đến não gây ngất đột ngột.
2. Tự nhiên ngất do yếu tố tim mạch
Quá trình tim hoạt động tạo ra một lực giúp bơm máu qua hệ thống tuần hoàn. Nếu tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, huyết áp sẽ giảm khiến lượng máu đến não không đủ, gây ra hiện tượng ngất đột ngột. Người bệnh thường có thể có ngất do rối loạn nhịp gây ra. Tần số nhịp tim ở bệnh nhân gây ngất có thể nhanh >150 l/ph hoặc đôi khi nhịp rất chậm có những trường hợp < 50 l/ph.
Một số trường hợp ngất xỉu do cơ tim suy yếu, hoạt động của tim không tạo ra áp lực đủ mạnh để đẩy lượng máu đến não. Do đó ở người ngất xỉu có ghi nhận bệnh sử bệnh tim, tim bẩm sinh… có thể là dấu hiệu liên quan đến các bệnh lý và cần tầm soát bệnh.
3. Thiếu máu não
Thiếu máu não là một tình trạng rất nguy hiểm, não bộ cần oxy để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Chỉ cần thiếu oxy 10 giây não bộ sẽ bị rối loạn chức năng, nếu thiếu oxy đến 4 phút thì các tế bào thần kinh sẽ bị hoại tử không thể phục hồi. Ngất do thiếu máu não cần được phát hiện kịp thời và đưa đến cấp cứu sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề như đột quỵ, liệt, tai biến, mất trí nhớ,… (3)
4. Mất nước
Cơ thể mất nước có thể làm huyết áp giảm, kích thích dây thần kinh phế vị hoạt động quá mức khiến người bệnh cảm thấy chóng mặt, choáng váng và té xỉu. Nhiều nguyên nhân khiến cơ thể mất nước như say nắng, nôn, tiêu chảy, hoạt động lao động, vận động quá mức… Vì vậy, khi có các triệu chứng như khô miệng, chóng mặt, xây xẩm, đánh trống ngực… cần bổ sung nước ngay. Ngoài ra ngay cả khi không có dấu hiệu khát nước, bạn cũng cần bổ sung nước để cơ thể duy trì hoạt động ổn định.
5. Bị sốc
Người bệnh có thể ngất đột ngột nếu gặp tình trạng sốc giảm thể tích hoặc sốc phản vệ.
- Sốc giảm thể tích: Tình trạng cơ thể mất hơn 20% máu hoặc chất dịch. Khi cơ thể thiếu máu và chất dịch, tim không đủ máu đến các cơ quan, bộ phận nên xảy ra hiện tượng tụt huyết áp, ngất xỉu. Hiện tượng này còn được biết đến là sốc mất máu.
- Sốc phản vệ: Tình trạng cơ thể phản ứng với các tác nhân gây dị ứng như thuốc, thực phẩm, nhiễm độc do côn trùng cắn, đốt… Phản ứng sốc phản vệ có thể diễn ra sau vài giây đến vài phút kể từ thời điểm cơ thể tiếp xúc với chất dị ứng. Sốc phản vệ khiến huyết áp giảm đột ngột, đường thở bị tắc, gây ngất xỉu.
- Ngoài ra người bệnh cũng có thể sốc phản vệ và ngất do nhiễm trùng nặng.
6. Sau khi uống thức uống có cồn
Sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn như rượu bia có thể khiến người sử dụng đi tiểu nhiều hơn, gây mất nước dẫn đến ngất đột ngột. Ngoài ra rượu bia còn có tác dụng an thần mạnh, giãn mạch máu, huyết áp giảm khiến não không hoạt động tốt, dẫn đến tình trạng ngất xỉu đột ngột.
7. Do thuốc điều trị
Một số loại thuốc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như ngất xỉu do tình trạng mất nước, tụt huyết áp. Một số loại thuốc có thể xuất hiện tác dụng phụ gây ngất xỉu như:
- Thuốc giãn mạch có thể khiến cơ thể hạ huyết áp.
- Thuốc có chứa chất kích thích: tăng nhiệt độ cơ thể, mất nước
- Thuốc nhóm opioid: giảm huyết áp, nhịp thở
- Thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm giảm huyết áp chưa kiểm soát được.
Vì vậy, để tránh nguy cơ ngất do sử dụng thuốc điều trị bệnh lý, bạn cần tuân theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
8. Ngất xỉu đột ngột do nguyên nhân tâm lý
Một số vấn đề, tình huống tâm lý có thể khiến người bệnh ngất xỉu như nhìn thấy máu, lo lắng, hoảng sợ, căng thẳng hoặc kích động quá mức ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh phế vị và hệ thần kinh đối giao cảm. Người bệnh có thể giảm huyết áp khiến nhịp tim chậm, dẫn đến xỉu. Trường hợp này thường gặp ở các trường hợp người có dây thần kinh phế vị mẫn cảm.
Bị ngất xỉu đột ngột có nguy hiểm không?
Người bị ngất đột ngột nguy hiểm đến sức khỏe. Đây là triệu chứng cảnh báo các rủi ro, bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải có mức độ nghiêm trọng cao. Một số nguy cơ có thể xảy đến như:
- Chấn thương do người ngất không làm chủ được ý thức, các chức năng vận động.
- Không thể liên hệ kêu gọi hỗ trợ y tế.
- Ngất do các bệnh lý nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, thậm chí đe dọa tính mạng.
>> Xem thêm: Thông thường để xác định tình trạng ngất xỉu có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngất của bệnh nhân từ đó bác sĩ sẽ có hướng xử lý phù hợp.
Cần làm gì khi gặp phải tình trạng ngất đột ngột?
1. Sơ cứu người bị ngất
Khi gặp tình huống một người bị ngất đột ngột, mọi người thường tập trung quanh người ngất để quan sát, sơ cứu ngất xỉu. Tuy nhiên trong trường hợp này, nên tản mọi người để người ngất có không gian để thở dễ dàng hơn. Vì vậy khi bắt gặp trường hợp người ngất xỉu đột ngột, không nên tập trung nhiều người xung quanh, đồng thời thực hiện các biện pháp sơ cứu sau:
- Đặt người bệnh nằm ngửa, điều chỉnh phần chân cao hơn đầu.
- Kiểm tra người bệnh có còn thở không, nếu ngưng thở có thể thực hiện hô hấp nhân tạo trong thời gian chuyển người bệnh đến cơ sở y tế.
- Kiểm tra các thương tích trên cơ thể người bệnh, nếu có vết thương gây chảy máu hoặc sưng tấy, cần làm giảm vết sưng tấy và cầm máu cho người bệnh.
- Nới lỏng quần áo như cởi bỏ thắt lưng, mở nút cổ áo,… để người ngất dễ dàng hô hấp.
- Chỉnh đầu người bệnh nghiêng sang một bên nhằm giảm khả năng nuốt lưỡi hoặc hít phải chất nôn vào phổi.
- Nhanh chóng gọi cấp cứu, hỗ trợ y tế nếu người bệnh không có dấu hiệu hồi tỉnh.
2. Khi bản thân cảm thấy bị choáng váng, muốn ngất xỉu
Trong trường hợp bản thân cảm thấy có các triệu chứng choáng váng, xây xẩm có thể ngất xỉu, bạn nên tìm cách tránh nguy cơ ngất hoặc giảm đến tối thiểu các chấn thương có thể xảy đến:
- Tìm chỗ ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi cho đến khi cơ thể hồi phục, tỉnh táo.
- Ngồi tư thế cúi mặt, đầu đặt giữa hai đầu gối.
- Ra dấu hiệu bản thân không ổn để nhờ sự hỗ trợ của người xung quanh.
- Sau khi nghỉ ngơi, tuyệt đối không được đứng dậy quá nhanh đề phòng ngất xỉu lần nữa.
Cách đề phòng nguy cơ bị ngất xỉu đột ngột
Một số biện pháp có thể ngăn ngừa tình trạng ngất xỉu đột ngột. Hãy lắng nghe và để ý cơ thể trước các triệu chứng ngất xỉu có thể xảy đến như: đỏ mặt, nóng trong người, buồn nôn, choáng váng, đổ mồ hôi lạnh… Trong trường hợp này, hãy nghỉ ngơi và giữ tâm lý thoải mái, ổn định. Nếu sau khi nằm hoặc ngồi nghỉ, tình trạng vẫn không cải thiện, bạn có thể liên hệ hỗ trợ y tế, đặc biệt khi có các dấu hiệu đau ngực, khó thở, thở gấp…
Nên duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế nguy cơ ngất đột ngột, gồm:
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
- Cung cấp đủ nước, nhất là vào mùa nắng nóng.
- Hạn chế đổi tư thế đột ngột.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Giữ tâm lý ổn định, bình tĩnh.
Để đăng ký khám tại BVĐK Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ qua thông tin:
Ngất xỉu đột ngột là tình trạng mất kiểm soát cơ thể diễn ra trong thời gian ngắn. Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng ngất đột ngột, bạn có thể thăm khám và tầm soát tại các địa chỉ bệnh viện có trình độ chuyên môn cao để được chẩn đoán kịp thời.