Sốt xuất huyết và cúm đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, nguy cơ cao nhập viện, thậm chí là tử vong. Vậy làm thế nào để phân biệt sốt xuất huyết và cảm cúm? Cần lưu ý những dấu hiệu và cách phòng ngừa nào?
BS Huỳnh Trần An Khương - Quản lý Y khoa vùng 2 Hồ Chí MInh, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Sốt xuất huyết và cúm là hai bệnh lý có triệu chứng khá giống nhau, bao gồm mệt mỏi, đau đầu, sốt cao, buồn nôn hoặc nôn. Tuy nhiên, nếu không phân biệt rõ ràng giữa hai bệnh này, có thể gây nhầm lẫn trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc, từ đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Việc nhận diện chính xác tình trạng bệnh lý ngay từ đầu sẽ giúp người bệnh lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, từ đó rút ngắn thời gian hồi phục và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm.”
Tìm hiểu về sốt xuất huyết và cảm cúm
1. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, khởi phát với các triệu chứng đau đầu liên tục, đau nhức hai hốc mắt, đau khớp, nhức cơ, chán ăn, buồn nôn, có ban xuất huyết dưới da… Bệnh lây truyền từ người sang người qua vết đốt của muỗi vằn cái Aedes aegypti mang virus. Virus Dengue có bốn tuýp huyết thanh khác nhau, bao gồm DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Có khoảng 80% người mắc sốt xuất huyết không có triệu chứng rõ ràng, nhưng họ vẫn có khả năng lây lan virus cho người khác qua muỗi vằn.
Sốt xuất huyết nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như như suy tim, suy thận, sốc do mất máu, xuất huyết não, thoát dịch, tràn dịch màng phổi, hôn mê…, thậm chí các biến chứng có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Nguy cơ tử vong ở những người mắc sốt xuất huyết nặng thường dao động từ 0,8 - 2,5%. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, tỷ lệ tử vong sẽ giảm xuống dưới 1%. Đặc biệt, những người bị huyết áp thấp nghiêm trọng có thể đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn, lên đến 26% (1).
Theo báo cáo mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2023 là thời điểm ghi nhận số lượng ca sốt xuất huyết cao nhất. Hơn 6,5 triệu ca mắc và hơn 7.300 ca tử vong do sốt xuất huyết, ảnh hưởng đến hơn 80 quốc gia trong khu vực. Sự tăng cao đột biến này chủ yếu liên quan đến sự thay đổi phân bố của vector truyền nhiễm (muỗi vằn cái Aedes Aegypti), hiện tượng nước biển nóng lên, biến đổi khí hậu đi kèm nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, lượng mưa nhiều hơn.

Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn có chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, các biện pháp như tiêm vắc xin sốt xuất huyết, phòng ngừa muỗi đốt vẫn là các phương pháp phòng sốt xuất huyết tối ưu nhất.
2. Cảm cúm
Trong y văn, không có khái niệm cảm cúm. Cảm cúm là từ ngữ dân gian truyền miệng để mô tả cho các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên như sổ mũi, nghẹt mũi, ớn lạnh, ho, sốt, nhức đầu, chóng mặt… Cần nhận thức rõ, cúm và cảm lạnh là 2 bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp khác nhau, trong đó:
Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, nhưng chủ yếu là do virus Rhinovirus. Bệnh có thể bộc phát vào tất cả các thời điểm trong năm, đặc biệt là thời tiết trở lạnh, với các triệu chứng như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa và đau họng.
Trong khi đó, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua đường hô hấp. Tác nhân gây bệnh là virus cúm Influenza virus. Virus cúm được phân loại thành 4 loại chính: A, B, C và D, mỗi loại có tác động khác nhau đến con người và động vật. Trong số này, cúm A và B là loại phổ biến nhất gây bệnh ở người, trong khi C và D ít đáng lo ngại hơn.
Cúm A là loại cúm theo mùa phổ biến nhất, chiếm 75% các ca cúm ở người, được chia thành nhiều phân nhóm dựa trên sự kết hợp của hai protein bề mặt quan trọng, Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N). Trong một số điều kiện nhất định, cúm A có thể lây lan rộng rãi, gây ra các đợt bùng phát và thậm chí là đại dịch toàn cầu, như đã thấy trong các ví dụ lịch sử như H5N1, H3N2 và H1N1.
Cúm B, mặc dù ít phổ biến hơn, vẫn chiếm khoảng 25% các ca cúm hàng năm. Không giống như cúm A, cúm B không được phân loại thành các phân nhóm mà được chia thành hai dòng chính: B/Yamagata và B/Victoria. Cúm B lây lan độc quyền giữa người với người, thường gây ra các đợt dịch theo mùa. Mặc dù ít có nguy cơ trở thành đại dịch, các trường hợp nghiêm trọng vẫn có thể gây ra hậu quả đáng kể cho sức khỏe.
Cúm C hiếm gặp và ít nghiêm trọng hơn so với cúm A và B, thường không có triệu chứng đáng chú ý. Loại này không dẫn đến bùng phát trên diện rộng và được coi là tương đối nhẹ về tác động của nó đối với con người. Cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và chưa được quan sát thấy gây bệnh ở người. Cấu trúc và đặc điểm của virus cúm D có phần giống với cúm C nhưng vẫn giới hạn ở động vật.
Cúm có các triệu chứng như sốt, sổ mũi, đau họng, khó thở, run rấy, gai lạnh và cơ thể mệt mỏi, nhức cơ, đau đầu,… dài ngày. Khác với các bệnh cảm thông thường, cúm khi không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm xoang, viêm phổi…
22 điểm phân biệt sốt xuất huyết và cảm cúm
Nhận biết và phân biệt được dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và cúm giúp xác định được đúng loại bệnh và có phương pháp chăm sóc và điều trị phù hợp. Từ đó giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và khả năng hồi phục cao và thời gian hồi phục được rút ngắn.
Việc thăm khám và phát hiện bệnh sớm giúp ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng. Có nhiều trường hợp người mắc bệnh có thể lây lan cho các thành viên khác trong gia đình. Để ngăn chặn sự lan rộng của bệnh, thăm khám và phát hiện sớm, cùng với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Sốt xuất huyết và cúm là hai bệnh lý khác nhau, mặc dù chúng có một số triệu chứng tương đồng. Để phân biệt bệnh sốt xuất huyết và cúm có thể dựa vào các tiêu chí sau:
Tiêu chí Sốt xuất huyết Cúm Nguyên nhân gây bệnh Virus Dengue gây ra bệnh thông qua sự truyền nhiễm từ muỗi cái Aedes bị nhiễm bệnh. Gây ra do virus cúm (Influenza virus) tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh. Con đường lây truyền Muỗi cái Aedes, khi hút máu từ người nhiễm bệnh sẽ truyền virus Dengue sang người khỏe mạnh thông qua tuyến nước bọt khi chúng đốt lần sau.- Lây qua dịch tiết đường hô hấp;
- Lây qua bề mặt tiếp xúc có chứa virus.
- Giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 4 - 7 ngày, có thể lên tới 14 ngày, thường không có dấu hiệu rõ rệt hoặc dấu hiệu nhẹ.
- Giai đoạn sốt kéo dài 3 ngày, trong thời gian này người bệnh mắc phải sốt cao nghiêm trọng và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng xuất huyết, phổ biến nhất là chảy máu ngoài da.
- Giai đoạn nghiêm trọng kéo dài từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bắt đầu mắc bệnh, lúc này người bệnh bắt đầu hạ sốt nhưng tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn, giai đoạn này quyết định đến khả năng phục hồi của bệnh nhân.
- Giai đoạn hồi phục: Sau khi qua giai đoạn nghiêm trọng, người bệnh bắt đầu phục hồi sức khỏe, cảm thấy muốn ăn uống, bài tiểu dần trở lại bình thường và các triệu chứng bệnh bắt đầu suy giảm và biến mất.
- Giai đoạn ủ bệnh (ngày 1 - 2): Bệnh nhân bỗng dưng xuất hiện sốt, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi.
- Giai đoạn phát triển đầy đủ (ngày 3 trở đi): Bệnh thường dễ lây lan ở thời điểm này và xuất hiện các triệu chứng ngạt mũi, ho và chảy nước mũi xuất hiện, trẻ nhỏ sẽ xuất hiện các triệu chứng ngạt, ăn không ngon, mệt mỏi…
Sốt xuất huyết và cúm đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng chúng có sự khác biệt rõ rệt về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách điều trị. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng tương tự, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác, từ đó nhận được phương pháp điều trị phù hợp.

Chi tiết về sự khác nhau giữa sốt xuất huyết và cảm cúm
1. Khác nhau về nguyên nhân gây bệnh
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh lây lan từ người sang người thông qua muỗi Aedes mang virus gây bệnh. Khi muỗi này đốt, virus chuyển vào máu và gây tổn hại nghiêm trọng trong cơ thể người. Dengue bao gồm 4 chủng huyết thanh là DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4, đều đã xuất hiện tại Việt Nam. Các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới có nguy cơ cao bị sốt xuất huyết, là môi trường lý tưởng cho sự phát triển và lây lan của muỗi.
Cúm
Bệnh cúm gây ra bởi virus cúm (Influenza virus), phân thành 4 chủng chính là cúm chủng A, B, C và D. Trong số này, cúm chủng A và B là nguy hiểm và phổ biến nhất. Virus cúm tấn công vào hệ hô hấp của người, bao gồm mũi, cổ họng và phổi. Bệnh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và thường gây ra các đợt dịch bệnh mùa đông.
2. Khác nhau về triệu chứng
Để phân biệt sốt xuất huyết và cảm cúm chính xác thì cần dựa vào triệu chứng của bệnh:
Sốt xuất huyết
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường không có biểu hiện rõ ràng.
- Giai đoạn sốt: Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân sẽ là sự tăng nhiệt độ cơ thể, thường là trên 38 độ C và có thể lên đến 40 độ C. Đồng thời, xuất hiện những dấu hiệu như phát ban, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, đại tiện ra máu. Các triệu chứng này thường đi kèm với buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, đau ở vùng hai hốc mắt, đau nhức cơ bắp và xương khớp.
- Giai đoạn nguy hiểm: Là giai đoạn người bệnh hạ sốt, các triệu chứng lâm sàng cải thiện, nhưng giảm tiểu cầu trong máu trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, sinh dục, não, sốc huyết áp…
- Giai đoạn hồi phục: Bệnh nhân bắt đầu hồi phục sau giai đoạn nguy hiểm, triệu chứng giảm dần, cơ thể hồi phục và các chỉ số xét nghiệm trở nên ổn định.
Cúm
- Biểu hiện lâm sàng: Cúm thường bắt đầu sau khoảng 2 ngày tiếp xúc với virus. Có thể dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, nhưng cúm có những dấu hiệu đặc trưng như sốt cao trên 38 độ C, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi toàn thân, buồn nôn và tiêu chảy (thường xảy ra nhiều ở trẻ em).
- Thời gian ủ bệnh: Khoảng 2 ngày. Sau 5 ngày, các triệu chứng sốt và các biểu hiện khác thường biến mất, nhưng tình trạng mệt mỏi có thể kéo dài. Bệnh thường hết sau một đến hai tuần.

3. Khác nhau về biến chứng và mức độ nguy hiểm
Sốt xuất huyết
- Suy giảm chức năng gan và thận;
- Suy tim, suy thận và suy đa tạng;
- Sốc do mất máu;
- Xuất huyết não;
- Tràn dịch màng phổi, viêm phổi, và phù phổi cấp;
- Hôn mê;
- Chảy máu tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy và nôn mửa;
- Nồng độ tiểu cầu trong máu giảm đột ngột;
- Viêm não và bại não;
- Biến chứng nghiêm trọng khác.
Cúm
- Viêm phổi: Cúm có thể gây ra viêm phổi nặng, đặc biệt là ở những người già hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.
- Suy hô hấp: Các trường hợp nặng của bệnh cúm có thể dẫn đến suy hô hấp do viêm phổi nặng.
- Viêm tai giữa, viêm xoang và viêm đường tiết niệu: Các viêm nhiễm phụ do cúm có thể lan rộng và gây ra các vấn đề khác trong cơ thể.
- Hội chứng Reye: Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của cúm, thường gặp ở trẻ em từ 2 - 16 tuổi. Biểu hiện bao gồm sưng phù ở gan và não, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Nguy hiểm đối với thai nhi: Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ cao cho thai nhi, gồm dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai lưu.
Mỗi biến chứng này đều mang đến mức độ nguy hiểm khác nhau và có thể cần đặc biệt quan tâm và can thiệp y tế kịp thời.
4. Khác nhau về biện pháp điều trị và phòng ngừa
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu, các biện pháp xử trí bệnh sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giảm các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, phòng ngừa bệnh trở nên vô cùng quan trọng. Đề xuất các biện pháp phòng tránh tích cực, như kiểm soát sự phát triển của muỗi, tiêu diệt các vùng sinh sản của muỗi và diệt ấu trùng; sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân như mạng chống muỗi, quần áo bảo vệ và xịt muỗi. Cụ thể:
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống: diệt lăng quăng hoặc loại bỏ các nơi tích nước, duy trì sạch sẽ ao hồ và làm sạch khu vực xung quanh.
- Sử dụng các thiết bị như lưới chống muỗi, màn, lắp lưới cửa sổ, sử dụng quạt điều hòa để giảm thiểu sự tiếp xúc của muỗi với con người.
- Mặc quần áo dài màu sắc sẫm và sử dụng thuốc xịt chống muỗi.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ của bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
- Đặc biệt, để phòng bệnh, người dân nên chủ động tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết. Hiện nay, Việt Nam đã có vắc xin phòng sốt xuất huyết Qdenga (Nhật Bản) do Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đưa về Việt Nam, triển khai tiêm lần đầu tiên cho trẻ em và người lớn trên toàn quốc.
Vắc xin Sốt xuất huyết Qdenga (Takeda, Nhật Bản) cung cấp khả năng bảo vệ chống lại cả 4 nhóm huyết thanh của virus Dengue, bao gồm DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn với hiệu lực bảo vệ hơn 80% nguy cơ mắc bệnh và trên 90% nguy cơ nhập viện, mắc bệnh nặng và biến chứng nguy hiểm do bệnh sốt xuất huyết gây ra.
Cúm
Để điều trị cúm, mục tiêu là giảm và loại bỏ các triệu chứng. Những trường hợp nhẹ có thể tự điều trị tại nhà với nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thức ăn dễ tiêu, uống đủ nước và vệ sinh họng, mũi thường xuyên. Sử dụng Paracetamol để giảm sốt và các triệu chứng khác, nhưng cần cân nhắc đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và người dị ứng thuốc.

Để đề phòng cúm một cách hiệu quả, bên cạnh tiêm phòng vắc xin hàng năm, người dân cũng nên hạn chế tiếp xúc gần với những người bị cúm, thường xuyên vệ sinh tay và tránh chạm vào mắt, mũi, miệng. Đồng thời, duy trì một chế độ sống và dinh dưỡng lành mạnh, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước và dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại virus cúm một cách hiệu quả.
Phân biệt sốt xuất huyết và cảm cúm là vô cùng quan trọng để có phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả. Nếu có dấu hiệu sốt cao, đau nhức cơ thể, phát ban, hay xuất huyết, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Việc nhận diện đúng bệnh sẽ giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm và đảm bảo sức khỏe được bảo vệ tốt nhất. Đặc biệt, để phòng bệnh, người dân cần tiêm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết và cúm đầy đủ theo khuyến cáo.