Tôm là hải sản có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Nhiều người rất thích ăn đầu tôm vì cho rằng vị trí đó có nhiều gạch tôm. Nhiều người khác lại vứt bỏ đầu vì cho rằng đó là bộ phận chứa chất thải, ăn vào sẽ không tốt cho sức khoẻ. Phần đen trên đầu tôm chứa gạch hay chứa phân từ trước đến nay vẫn là câu hỏi gây tranh cãi và để kết thúc điều đó, chúng ta cần vai trò "trọng tài" của chuyên gia.
Phần đen trên đầu tôm chứa gạch hay chứa phân?
Trả lời Báo Pháp luật TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, cho biết: Cấu tạo cơ thể tôm gồm 2 phần chính: Đầu và thân. Ðầu tôm là một khoang rỗng có vỏ cứng, chứa các bộ phận quan trọng như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ hô hấp.
Hệ tiêu hóa của tôm gồm 2 bộ phận: Dạ dày và ruột. Dạ dày của tôm nằm ngay trong khoang đầu, là nơi chứa thức ăn khi tôm kiếm mồi. Tôm là động vật ăn tạp, thức ăn của nó khá đa dạng, gồm côn trùng, tảo, ấu trùng của ký sinh trùng (giun sán), xác động vật và thực vật thối rữa.
Như vậy, dạ dày tôm chứa nhiều chất bẩn, trứng ký sinh trùng và vi sinh vật có hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, cần loại bỏ dạ dày khi ăn tôm.
Bộ phận thứ hai của hệ tiêu hóa là ruột - đường ống nhỏ chạy dọc ở phần phía trên lưng. Thức ăn sau khi được tiêu hóa ở dạ dày sẽ được đẩy chạy dọc theo ruột, chất thải đi ra ở lỗ mở của ruột. Khi làm tôm, bạn cần lấy đi phần ruột này để loại bỏ phân tôm.
Với câu hỏi phần đen trên đầu tôm chứa gạch hay chứa phân, hẳn bạn đã có câu trả lời. Đầu tôm không chứa phân, nhưng bạn không nên ăn toàn bộ phần này mà cần loại bỏ dạ dày của tôm, nơi chứa chất bẩn và mầm bệnh. Dạ dày của tôm màu đen nên rất dễ nhận dạng, có thể tách ra dễ dàng ở khâu làm sạch tôm trước khi chế biến.
Bạn cũng đừng vứt bỏ bầu tôm, vì nó chứa một bộ phận rất quý, đó là gạch tôm. Gạch tôm có giá trị dinh dưỡng cao và ăn rất ngon, có vị bùi, béo cùng mùi thơm đặc trưng. Gạch tôm nằm ngay sát vỏ đầu, bên cạnh dạ dày. Khi chưa chín, gạch tôm khá lỏng, có màu xám đen nhưng khi đã nấu chín, nó đông cứng lại và có màu nâu đỏ.
Nếu để loại bỏ dạ dày mà ngắt bỏ đầu tôm thì rất lãng phí. Lượng thịt ở đầu tôm tuy không nhiều bằng phần thân nhưng vẫn rất đáng kể, thường chiếm 25% - 30% khối lượng đầu tôm. Để loại bỏ dạ dày mà vẫn giữ nguyên được phần gạch và thịt này, bạn hãy khéo léo bóc một bên đầu tôm, lấy dạ dày ra rồi đặt lại như cũ để giữ nguyên con tôm có đủ phần đầu và phần thân, vừa đẹp vừa giữ được dinh dưỡng.
Tuy nhiên, cách làm trên chỉ có thể áp dụng đối với những con tôm to. Với tôm nhỏ thì bạn cứ để nguyên phần đầu liền với phần thân để nấu, khi ăn mới bóc bỏ dạ dày ở đầu và rút ruột ở phần lưng trên thân tôm, tránh ăn phải những chất bẩn có trong hệ tiêu hóa của nó.