Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Tô Kim Sang - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hiện nay hóa trị là một trong những liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả. Phương pháp này có khả năng loại bỏ, ngăn chặn các tế bào ung thư trong cơ thể, giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, hóa trị có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể sau khi được điều trị.
1. Hóa trị là gì?
Những bệnh nhân mắc ung thư có thể tìm đến nhiều phương pháp điều trị bệnh khác nhau, bao gồm liệu pháp điều trị toàn thân (hoá trị, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc miễn dịch,...), xạ trị và phẫu thuật. Đối với hóa trị liệu, đây là một phương pháp giúp tiêu diệt các tế bào ung thư bằng việc sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kháng ung thư. Liệu pháp này có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác để đạt được hiệu quả cao nhất. Phương pháp hóa trị có khả năng giúp bệnh nhân điều trị khỏi hoặc giảm bớt ung thư, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Trong phương pháp hóa trị, các loại thuốc kháng ung thư được sử dụng có khả năng tiêu diệt tế bào ác tính đang tăng trưởng và phân chia nhanh trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, do điểm hạn chế của liệu pháp này là tác động đồng thời lên cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh trên toàn bộ cơ thể, vì vậy nó có thể đem lại nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh.
2. Các tác dụng chính của hóa trị trong điều trị ung thư
Dựa trên các loại và giai đoạn ung thư của từng bệnh nhân mà phương pháp hóa trị sẽ đem lại các tác dụng khác nhau. Cụ thể là:
- Điều trị tận gốc ung thư (hiếm khi xảy ra): Trong một số trường hợp nhất định, việc điều trị bằng hóa trị có thể tiêu diệt hoàn toàn các tế bào gây ung thư trong cơ thể. Đặc biệt, nó có khả năng ngăn chặn ung thư tái phát.
- Kiểm soát ung thư: Một tác dụng nổi bật khác của hóa trị là có khả năng ngăn ngừa ung thư lan sang các bộ phận khác trong cơ thể và làm kìm hãm sự phát triển, tăng trưởng của các khối u ác tính.
- Giảm nhẹ các triệu chứng: Đối với những trường hợp bị ung thư nặng mà hóa trị không thể chữa khỏi hoặc kiểm soát được sự lây lan của ung thư, phương pháp này sẽ có tác dụng thu nhỏ khối u gây đau đớn hoặc chèn ép lên các cơ quan lân cận trong cơ thể. Các khối u ác tính vẫn có thể tiếp tục phát triển trở lại sau khi điều trị bằng hóa trị.
3. Hóa trị được thực hiện như thế nào trong điều trị ung thư?
Thông thường, hóa trị trong điều trị ung thư có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là 2 dạng sau:
- Đường uống;
- Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.
Ngoài ra còn có một số cách thức khác để đưa hóa trị vào cơ thể bệnh nhân, bao gồm:
- Đưa hóa trị trực tiếp vào khối u: Kỹ thuật này sẽ được tiến hành dựa trên vị trí của khối u.
- Điều trị bằng kem bôi: Bôi trực tiếp dưới da để điều trị cho một số bệnh ung thư da.
4. Liệu pháp hóa trị ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Hóa trị là một liệu pháp điều trị toàn thân, nó có thể ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể của người bệnh. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là có thể tấn công và loại bỏ các tế bào ung thư, tuy nhiên nó lại đem đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn và có những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các loại thuốc kháng ung thư khi được đưa vào cơ thể, chúng sẽ hoạt động mạnh mẽ để tiêu diệt các tế bào gây bệnh, tuy nhiên chúng cũng có thể làm ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh khác trên toàn bộ cơ thể. Điều này dẫn tới xảy ra các phản ứng phụ từ mức độ nhẹ cho tới nghiêm trọng. Các tác dụng phụ sẽ xảy ra khác nhau đối với mỗi bệnh nhân (dựa trên thể trạng, độ tuổi và loại hóa chất sử dụng). Sau khi được điều trị ung thư bằng hóa trị, hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất nhanh chóng, chỉ một vài trường hợp vẫn tồn tại và không thể biến mất.
Dưới đây là một số ảnh hưởng chính của liệu pháp hóa trị ung thư đối với cơ thể người bệnh, bao gồm:
4.1. Ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn và miễn dịch
Sử dụng liệu pháp hóa trị để điều trị ung thư có thể gây ảnh hưởng lớn tới hệ tuần hoàn của cơ thể. Những loại thuốc được đưa vào cơ thể có thể gây hại cho các tế bào tủy xương, gây ra tình trạng thiếu máu do không đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy. Điều này dẫn tới các tình trạng như cơ thể mệt mỏi, yếu sức, da nhợt nhạt xanh xao, khó tập trung vào mọi việc hoặc khó khăn khi suy nghĩ về một vấn đề nào đó.
Bên cạnh đó, hóa trị cũng làm cho hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm. Khi điều trị bằng hóa trị, nó khiến cho các tế bào bạch cầu bị giảm đi. Các tế bào bạch cầu là một nhân tố vô cùng quan trong trong hệ miễn dịch, chúng có nhiệm vụ ngăn ngừa bệnh tật và chống lại sự nhiễm trùng. Khi số lượng bạch cầu bị giảm đi, hệ miễn dịch cũng bị suy yếu và khiến cơ thể dễ mắc bệnh, nhiễm trùng do vi khuẩn. Ngoài ra, hóa trị cũng có thể làm giảm số lượng tiểu cầu, khiến bạn dễ bị chảy máu hoặc bầm tím. Một vài triệu chứng có thể xảy ra như nôn có máu, máu lẫn trong phân, kinh nguyệt dài hơn bình thường hoặc chảy máu mũi.
Hơn thế nữa, một số loại hóa chất trong điều trị ung thư cũng có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng tới tim, chẳng hạn như gây ra bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực.
4.2. Ảnh hưởng tới hệ thần kinh và cơ
Trong cơ thể con người, hệ thần kinh trung ương là cơ quan quan trọng nhất, giúp nhận thức, tư duy, kiểm soát cảm xúc và các hành động. Những bệnh nhân sau khi trải qua điều trị ung thư bằng hóa trị có thể mắc phải các vấn đề về trí nhớ, ví dụ như suy giảm nhận thức, khó khăn trong việc suy nghĩ, không thể tập trung, dễ bị căng thẳng và lo lắng.
Ngoài ra, một số hóa chất trong điều trị cũng có thể làm ảnh hưởng xấu tới các cơ, gây ra các triệu chứng run, tê, liệt, đau nhức, yếu hoặc ngứa ở tay, chân.
4.3. Ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa
Hóa trị có thể gây ra các ảnh hưởng sau tới hệ tiêu hóa:
- Đau họng, khô miệng gây khó nhai và nuốt, khiến người bệnh dễ bị chảy máu hoặc nhiễm trùng;
- Lưỡi xuất hiện một lớp màu trắng hoặc vàng, miệng có vị kim loại;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Tiêu chảy, táo bón, đầy hoặc căng tức bụng;
- Ăn không có cảm giác ngon miệng, chán ăn, thấy no mặc dù không ăn nhiều.
4.4. Ảnh hưởng đến tóc và lông
Trong những tuần đầu của lần hóa trị đầu tiên, các hóa chất khi được đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến tóc và nang lông, gây ra tình trạng rụng tóc và lông. Tuy nhiên tình trạng này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn và có thể tự mọc lại sau khi kết thúc hóa trị khoảng 1-2 tháng. Trong những trường hợp hiếm gặp, chẳng hạn như sau nhiều năm hóa trị mạnh, nang lông của bạn có thể ngừng hoạt động, ngăn không cho tóc mọc lại, dẫn tới nguy cơ cao bị hói đầu vĩnh viễn.
4.5. Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản
Các hóa chất được sử dụng để điều trị ung thư có thể khiến hormone của cả nam giới và nữ giới bị thay đổi.
Đối với nữ giới có thể gây ra các tình trạng như khô âm đạo, kinh nguyệt không đều, đau khi quan hệ tình dục và nhiễm trùng âm đạo. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư cũng không nên mang thai khi đang điều trị, vì hóa trị có thể làm hỏng trứng hoặc buồng trứng, dẫn tới khó có con hay sinh con bị dị tật.
Ở nam giới, hóa trị làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh trùng, có thể gây vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Một số ảnh hưởng khác của hóa trị đối với sức khỏe người bệnh:
- Gây khô da, ngứa hoặc phát ban;
- Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, dễ bị bỏng nắng;
- Thay đổi màu sắc của móng tay và chân: Chuyển màu nâu hoặc vàng;
- Móng tay hoặc chân dễ bị gãy, chậm phát triển;
- Loãng xương do giảm nồng độ can-xi, gây ra nguy cơ cao bị rạn xương hoặc gãy xương;
- Dễ bị sụt cân hoặc tăng cân (ví dụ một số loại thuốc điều trị ung thư vú có thể khiến bạn giảm cơ và tăng mỡ);
- Thường xuyên bị sự mệt mỏi tấn công, cảm thấy uể oải ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ;
- Thay đổi tính khí.
5. Biện pháp giúp hạn chế các tác dụng phụ do hóa trị ung thư
Để hạn chế được những tác dụng phụ không mong muốn của liệu pháp hóa trị gây ra, bệnh nhân ung thư cần lưu ý những điều sau:
- Luôn giữ một tâm lý thoải mái để “chiến thắng” lại bệnh tật. Bởi sự nhụt chí và lo lắng quá độ chỉ khiến cho cơ thể bị kiệt sức, làm tình trạng sức khỏe chuyển biến theo chiều hướng tệ hơn trước;
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bạn cần phải bổ sung đầy đủ năng lượng trong suốt quá trình điều trị bệnh. Bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu năng lượng như ngũ cốc, trái cây và rau quả; hạn chế các loại thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa và muối. Ngoài ra, nên tích cực uống nhiều nước, các loại nước ép trái cây trong suốt quá trình hóa trị để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước;
- Thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng. Bạn nên tham khảo các bài tập thể dục nhẹ nhàng, có cường độ vừa phải dành cho bệnh nhân ung thư. Điều này không những giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể mà còn hạn chế căng thẳng, lo âu khi điều trị ung thư.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
>> Xem thêm: Thành phần và công dụng của thực phẩm chức năng Fucoidan - Bài viết của Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Hòa - Dược sĩ Nhà thuốc - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, cancer.net, nhs.uk, webmd.com