Không ít bệnh nhân ung thư trước khi thực hiện hóa trị hoặc xạ trị đều có thắc mắc rằng bản thân sẽ phải đối mặt với các tác dụng phụ nào. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp những thông tin về các tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị.
Hoá trị là gì?
Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Những loại thuốc này là hóa chất hoặc chất gây độc cho tế bào nhằm ngăn cản sự tăng sinh, nhân lên nhanh chóng của tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Các loại thuốc hóa trị để điều trị ung thư sẽ được phân loại theo từng nhóm riêng biệt và được sử dụng phù hợp cho từng trường hợp bệnh nhân, từng giai đoạn cụ thể của bệnh.
Các loại thuốc hóa trị có thể được sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm truyền theo đường tĩnh mạch. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện vô thuốc tại bệnh viện hoặc tại nhà.
Phương pháp hóa trị được chỉ định nhằm tiêu diệt hoặc kiềm chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được áp dụng để điều trị ung thư ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, tùy thuộc vào phác đồ điều trị cho từng trường hợp.
Xạ trị là gì?
Xạ trị là sử dụng nguồn năng lượng cao, thường chùm tia phóng xạ ion hóa với tập hợp các tia beta, gamma, proton, photon… để chiếu vào khối u ác tính nhằm tiêu diệt các dấu vết của ung thư.
Chùm tia xạ này có khả năng phá hủy ADN của tế bào ung thư, khiến chúng mất khả năng phân chia hoặc bị tiêu diệt, nhờ đó khối u sẽ ngừng phát triển. Bác sĩ sẽ dựa vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, vị trí và kích thước của khối u cũng như thể trạng của người bệnh để xác định được liều lượng xạ trị phù hợp. Lượng tia phóng xạ sẽ được đưa chính xác tới vùng có khối u nhằm đảm bảo tiêu diệt được tế bào ung thư và bảo tồn được các mô cơ lành xung quanh.
Hai phương pháp hóa trị và xạ trị để chữa ung thư có thể được chỉ định cùng với nhau hoặc kết hợp với phẫu thuật nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị.
Tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị là gì?
Dưới đây là những tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị mà người bệnh có thể phải đối mặt, cụ thể như sau:
Tác dụng phụ của hóa trị
Tác dụng chính của các loại thuốc hóa trị là tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau khi thực hiện phương pháp này như:
Giảm các dòng tế bào ngoại biên
Các loại thuốc hóa chất trong hóa trị có thể gây chết đối với tế bào máu ngoại biên như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu… từ đó khiến người bệnh gặp phải:
- Tình trạng thiếu máu sau mỗi đợt hóa trị.
- Suy giảm sức đề kháng do tế bào bạch cầu giảm, khiến cơ thể dễ bị bệnh.
- Mắc nhiều bệnh lý có liên quan đến sự suy giảm tiểu cầu.
Buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn là một trong những tác dụng phụ thường gặp ở bệnh nhân sau hóa trị. Có một số loại thuốc được cho là làm tăng nguy cơ gây ra tác dụng không mong muốn này.
Cơ thể mệt mỏi
Bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược, chán ăn hay giảm khả năng vận động sau mỗi đợt hóa trị. Đặc biệt là đối với những người bệnh đã từng xạ trị hoặc phẫu thuật loại bỏ khối u.
Rụng tóc
Các loại thuốc hóa trị nhằm điều trị ung thư thường hoạt động theo cơ chế ngăn chặn những tế bào có khả năng sinh trưởng nhanh. Điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến các tế bào biểu bì, nang lông… từ đó gây ra tình trạng rụng tóc, rụng lông trên các bộ phận cơ thể.
Viêm niêm mạc miệng
Tình trạng viêm niêm mạc miệng cũng là một tác dụng phụ của hóa trị. Tác dụng phụ này thường phổ biến ở những bệnh nhân kết hợp giữa hóa trị và xạ trị. Mức độ viêm là khác nhau ở mỗi người bệnh và gây đau đớn cho bệnh nhân mỗi khi ăn uống.
Độc tính thần kinh ngoại biên và tim
Người bệnh có cảm giác bị tê, bị châm chích hoặc mất cảm giác ở các đầu chi, thậm chí là lan ra các phần còn lại của các chi nếu không được điều trị đúng cách.
Ngoài ra, một số loại thuốc hóa trị có thể gây hại cho trái tim, đặc biệt là những người bệnh có tiền sử mắc bệnh lý tim mạch.
Tác dụng phụ của xạ trị
Một số tác dụng phụ của xạ trị mà bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình điều trị:
Mệt mỏi
Sau một khoảng thời gian xạ trị, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, bởi các tia phóng xạ cũng tác động đến các tế bào khỏe mạnh ngoài việc tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu trình điều trị càng kéo dài thì bệnh nhân sẽ càng mệt mỏi, suy sụp về tinh thần là điều không thể tránh khỏi.
Rụng tóc
Cũng như hóa trị, bệnh nhân sau khi xạ trị sẽ gặp phải tình trạng rụng tóc và móng do các tế bào sừng bị ảnh hưởng bởi tia xạ. Tình trạng này thường xảy ra 2 - 3 tuần sau khi bệnh nhân tiến hành đợt xạ trị đầu tiên.
Đối với da
Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng về da như ngứa, khô, phát ban, phồng rộp, nứt nẻ da… sau khi xạ trị được 3 - 4 tuần. Các vấn đề về da sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu thời gian xạ trị kéo dài.
Tổn thương niêm mạc miệng và họng
Xạ trị có thể gây tổn thương cho niêm mạc vùng miệng - họng, tuyến nước bọt, nhú vị giác. Tình trạng này có thể hồi phục sau khi ngừng xạ trị 4 - 8 tuần.
Đối với hệ tiêu hóa
Người bệnh sẽ gặp phải một số vấn đề về hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… sau khi tiến hành xạ trị.
Tác dụng phụ đối với phổi
Bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ xuất hiện ở phổi sau khi xạ trị vùng ngực như ho, thở ngắn, thậm chí có nguy cơ bị xơ hóa phổi.
Tác dụng phụ ở não
Tia phóng xạ có thể làm thay đổi chức năng của não bộ, khiến người bệnh bị suy giảm khả năng nhận thức, mất trí nhớ hoặc giảm ham muốn tình dục.
Bệnh nhân xạ trị vùng não cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác như buồn nôn, chức năng thị giác suy giảm, giảm thăng bằng.
Tác dụng phụ ở cơ quan sinh dục
Đối với nữ giới, khi xạ trị ở cả 2 buồng trứng có thể khiến người bệnh bị mãn kinh sớm và mất khả năng sinh sản vĩnh viễn. Nếu xạ trị tại vùng chậu sẽ khiến âm đạo của người bệnh trở nên nhạy cảm hơn, viêm nhiễm kéo dài hoặc chảy máu âm đạo khi quan hệ.
Ở nam giới, tinh hoàn của người bệnh có thể vĩnh viễn mất đi khả năng sản xuất tinh trùng khi tiếp xúc với phóng xạ. Ngoài ra, dây thần kinh và động mạch của dương vật có thể bị tổn thương do tia xạ, dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương.
Để làm giảm tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị, người bệnh có thể tham khảo viên uống CumarGold Kare. Đây là sản phẩm giúp bổ sung các chất chống oxy hóa từ resveratrol và phức hệ Nano FGC, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung bướu và các bệnh do chất oxy hóa gây ra. Đặc biệt, sản phẩm giúp tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng, đồng thời giảm độc tính và các tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị.
Tóm lại, hoá trị và xạ trị là hai phương pháp được áp dụng trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Ngoài khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, hai phương pháp này còn gây ra một số tác dụng phụ trên cơ thể người bệnh. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc biết được những tác dụng phụ của hoá trị và xạ trị.
Xem thêm:
- Chế độ ăn uống giải độc sau hóa trị và mẹo giảm buồn nôn sau hóa trị
- Xạ trị và hóa trị khác nhau như thế nào
- Điều trị bệnh ung thư bằng hóa trị và xạ trị cái nào nặng hơn