Đặt vấn đề
Trong xã hội Việt Nam có khoảng 900.000 người khiếm thị (NKT), chiếm 1,2% dân số cả nước, trong đó có khoảng hơn 600.000 người thị lực hỏng hoàn toàn [2]. Họ là những người bị hạn chế về thị giác - cơ quan được đánh giá là tiếp nhận đến trên 80% thông tin về một đối tượng. Việc cảm thụ thế giới xung quanh hay việc đọc, tiếp nhận nội dung thông tin của họ nhờ vào một phần thị giác còn lại và phụ thuộc hoàn toàn vào các giác quan khác: xúc giác, vị giác, khứu giác, thính giác.
Trong Pháp lệnh Thư viện năm 2000, tại Khoản 05, Điều 06 quy định “người khiếm thị được tạo điều kiện sử dụng tài liệu thư viện bằng chữ nổi hoặc các vật mang tin đặc biệt” [6].
Ngày 06/4/2016, Quốc hội đã thông qua và ban hành “Luật Tiếp cận thông tin” số 104/2016/QH13, trong đó quy định rõ tại khoản 3, Điều 2: “Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin”. Tại Điều 3: Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, Khoản 1 và 6 nêu: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin” [4].
Vậy làm thế nào để NKT được hưởng quyền tiếp cận thông tin của mình? Các cơ quan thông tin, thư viện cần làm gì để đảm bảo thực thi tốt Pháp lệnh Thư viện, Luật Tiếp cận thông tin là bài toán đặt ra và cần lưu tâm giải quyết.
1. Nhu cầu, hành vi sử dụng thông tin của người khiếm thị Việt Nam
Để hiểu rõ hơn về nhu cầu tin, đặc điểm hành vi sử dụng thông tin của NKT nhằm làm cơ sở cho các cơ quan thông tin, thư viện đánh giá và triển khai hoạt động phục vụ thông tin cho họ, tác giả và các cộng tác viên đã tiến hành điều tra bằng bảng hỏi và nhận được 329 phiếu, trong đó miền Bắc 110 phiếu, miền Trung 70 phiếu và miền Nam 149 phiếu. Kết quả đã đưa ra bức tranh chung về nhu cầu tin, hành vi sử dụng thông tin của NKT như sau:
1.1. Nhu cầu về các loại hình thông tin
Nhu cầu tin về loại hình thông tin có ý nghĩa vô cùng quan trọng với tất cả các cơ quan, tổ chức, nhà xuất bản, đơn vị cung cấp thông tin, tài liệu. Cùng một thông tin nhưng hình thức chứa đựng, truyền tải thông tin khác nhau cũng đem lại các hiệu quả tiếp nhận thông tin khác nhau. Với câu hỏi “Anh chị thường lựa chọn hình thức đọc tài liệu nào?”. Với câu hỏi này, NKT đã lựa chọn một hoặc nhiều hình thức đọc tài liệu và cho kết quả sau (Bảng 1):
Bảng 1: Nhu cầu về sử dụng hình thức đọc tài liệu của người khiếm thị
Đặc điểm nhu cầu về hình thức thông tin của NKT cho thấy 3 miền Bắc, Trung, Nam và cả nước đều có đặc điểm tương đồng. Giác quan thính giác để tiếp nhận thông tin NKT dùng trong việc sử dụng dạng tài liệu là sách nói và đọc tài liệu trên máy tính. Hình thức này NKT sử dụng công nghệ máy tính và phần mềm chuyên dụng để khai thác thông tin. Điều này đã và đang tạo cơ hội cho NKT có cơ hội tiếp cận và được thoả mãn nhu cầu thông tin một cách chủ động như những người bình thường. Đồng thời cũng minh chứng cho các thư viện công cộng, thư viện các trường học, thư viện các trường đại học và tất cả mọi người là cho dù không có loại hình đặc thù là tài liệu in nổi vẫn có thể phục vụ tốt thông tin cho NKT.
Khi NKT có thể sử dụng nhiều kênh thông tin sẽ làm giúp các trung tâm thông tin, thư viện tận dụng được nguồn thông tin sẵn có của mình cũng như tổ chức dịch vụ phục vụ thông tin cho NKT. Qua đó, cũng chỉ ra được đặc điểm nhu cầu tin về hình thức thông tin một cách cụ thể và rõ ràng hơn của NKT Việt Nam. Để cụ thể hơn các nhu cầu về hình thức thông tin của NKT, tác giả đã đưa ra câu hỏi “Anh chị thường tiếp cận thông tin thông qua các nguồn nào?" và đã thu được kết quả là: Hình thức tiếp cận thông tin sử dụng sách nói chiếm 68,4% số người trả lời; khai thác thông tin trên Internet 54,7%. Tuy nhiên, để có thể khai thác được thông tin NKT phải sử dụng máy tính, mạng Internet. Điều này đã chứng minh rằng những tài liệu số của các cơ quan thông tin, thư viện đã và đang được NKT khai thác và sử dụng.
1.2. Thời gian sử dụng thông tin tại thư viện của người khiếm thị
Có thể đánh giá được việc sử dụng thời gian của NKT vào khai thác thông tin, để từ đó có những kế hoạch tổ chức và phục vụ NKT hiệu quả. Kết quả trả lời của NKT đã cho thấy (Biểu đồ 1):
Biểu đồ 1: Thời gian sử dụng tài liệu của người khiếm thị tại các thư viện
Từ kết quả khảo sát, có thể thấy phần lớn NKT thường dành từ 1h-2h cho mỗi lần sử dụng tài liệu, chiếm 64,4%, dành 2h-3h cho việc sử dụng tài liệu, chiếm hơn 11%, NKT không sử dụng tài liệu tại thư viện chiếm 7,4%. Vậy nguyên nhân là gì? NKT đã cho biết nhiều lý do đồng thời khiến họ ít hoặc không tới thư viện (Bảng 2):
Bảng 2: Lý do người khiếm thị ít hoặc không đến thư viện
* Nhóm lý do phụ thuộc vào yếu tố khách quan của NKT: Có thể khẳng định đây là nguyên nhân chính NKT không đến hoặc ít đến thư viện do khó khăn trong việc di chuyển (43,8%), không có người mắt sáng đi kèm (25,2%). Bản thân NKT bị hạn chế về thị giác nên việc đi lại thực sự khó khăn, trong khi đó môi trường giao thông của Việt Nam hết sức phức tạp và chưa có tính thân thiện với NKT. Sự phụ thuộc vào người khác để thoả mãn nhu cầu đến thư viện sử dụng thông tin, tài liệu là điều không thể tránh khỏi với NKT ở Việt Nam.
* Nhóm nguyên nhân xuất phát từ phía cơ quan thông tin, thư viện được NKT đưa ra là: Tài liệu không đúng mong muốn (19,7%) và khoảng 10% NKT đánh giá Thư viện không có phương tiện (trang thiết bị, máy tính, phần mềm chuyên dụng) để phục vụ họ. Một tín hiệu đáng mừng là không có NKT nào cho rằng không hoặc ít đến thư viện là do chất lượng phục vụ kém. Bên cạnh đó, 25,8% NKT không đến thư viện do không biết thư viện có thể phục vụ NKT, điều này cho thấy công tác quảng bá, marketing của thư viện cũng chưa rộng rãi tới đối tượng NKT. Thực tế, NKT cho biết họ không đến thư viện vì không có tài liệu thích hợp với hiện trạng thị giác; không có trang thiết bị hỗ trợ; máy tính nối mạng nhưng chưa cài phần mềm chuyên dụng hỗ trợ họ sử dụng thông tin.
Từ những lý do trên, các cơ quan thông tin, thư viện nên chủ động và tích cực hơn trong quy trình phục vụ thông tin, tài liệu cho NKT. Nếu NKT có nhu cầu thông tin nhưng gặp khó khăn trong việc đi lại thì thư viện cần chủ động đưa thông tin đến chỗ của NKT để đáp ứng nhu cầu của họ. Vì vậy, xây dựng nguồn tài liệu số và cho phép truy cập không phụ thuộc vào không gian và thời gian của các cơ quan thông tin, thư viện sẽ khắc phục được những lý do mà NKT chưa thể đến thư viện để khai thác thông tin, đồng thời kích thích mạnh mẽ nhu cầu sử dụng thông tin của họ.
1.3. Phương thức tìm kiếm thông tin
Tìm hiểu và đánh giá phương thức tìm kiếm thông tin của NKT chính là xem thói quen tra cứu thông tin tài liệu của họ như thế nào. Nắm rõ được thói quen tra cứu các cơ quan thông tin, thư viện sẽ xây dựng được các sản phẩm và dịch vụ thông tin phù hợp và hiệu quả với họ (Bảng 3).
Bảng 3: Phương thức tra cứu thông tin của người khiếm thị
Qua kết quả trả lời của NKT, mặc dù một NKT có khả năng sử dụng nhiều hình thức tra cứu tin khác nhau, thói quen tra cứu thông tin có thể chia thành 02 hình thức chính:
* Hình thức tra cứu thông tin trực tiếp: NKT tự thực hiện các thao tác tra cứu đó là: Tra cứu trên máy tính (52,9%); tra cứu trên mục lục chữ đen (13,1%) và tự tra cứu mục lục chữ nổi (38,6%). Một tín hiệu rất lạc quan và mang tính mới là NKT có thói quen tra cứu thông tin trên máy tính với số lượng đông đảo nhất gần 53%. Với máy tính nối mạng có cài đặt phần mềm hỗ trợ và loa, NKT dễ dàng khai thác tra cứu thông tin như những người bình thường. Đây là một yếu tố quan trọng giúp NKT có thể tiếp cận tra cứu hầu hết các tài liệu của cơ quan thông tin, thư viện. Đồng thời cũng là biện pháp để tháo gỡ sự lúng túng của các cơ quan thông tin, thư viện trong việc làm thế nào để phục vụ NKT trong khi đơn vị không có tài liệu dành riêng cho họ. Xu hướng hiện nay của các cơ quan thông tin, thư viện là đang từng bước xây dựng bộ máy tra cứu hiện đại, số hoá tài liệu, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số. Vì vậy, việc có thể phục vụ NKT theo phương pháp hiện đại sẽ đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận thông tin.
* Hình thức tra cứu gián tiếp: NKT nhờ người làm thư viện hoặc người quen, bạn bè tra cứu giúp. Số người phụ thuộc vào người khác tra cứu để tiếp cận thông tin được NKT sử dụng rất cao, trong đó cao nhất là NKT ở miền Trung (57,1%).
1.4. Thói quen sử dụng các sản phẩm thông tin
Tìm hiểu thói quen sử dụng thông tin của NKT sẽ dẫn nhận diện và đánh giá được các sản phẩm thông tin nào cần thiết với NKT, cần hoàn thiện các sản phẩm thông tin theo xu hướng nào để có tính lợi ích và thiết thực nhất. Tuỳ từng đơn vị thông tin phục vụ cho các mục đích khác nhau như: học tập, nghiên cứu, giải trí, lao động... trong những hoàn cảnh khác nhau có thể có những cách thức đầu tư sản phẩm thông tin cho NKT khác nhau đảm bảo tính cân đối, hài hoà và hợp lý với các yếu tố: nhân lực, vật lực, tin lực, tài lực, giữa những đối tượng người dùng tin khác nhau của đơn vị.
NKT sử dụng các sản phẩm thông tin điện tử hiện đại có sự khác biệt lớn: Họ thường xuyên sử dụng các sản phẩm: băng có thuyết minh mô tả hình ảnh (3,3%), băng truyện (6,1%). Đây là các sản phẩm không nhất thiết phải sử dụng máy tính mà chỉ cần có các trang thiết bị chuyên dụng. Việc phải có trang thiết bị chuyên dụng sử dụng các sản phẩm này đôi khi cũng là gánh nặng tài chính cho các đơn vị. Vì vậy, dạng tài liệu này thường ít được ưu tiên bổ sung. Những sản phẩm có tới 20% đến 30% NKT thường xuyên và ngày sử dụng một nhiều như: CD sách nói, cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục, CSDL dữ kiện, CSDL toàn văn, trang web. Đặc biệt, 38% NKT thỉnh thoảng sử dụng sách nói. NKT (được đào tạo sử dụng máy tính và các phần mềm chuyên dụng) có nhu cầu lớn sử dụng các sản phẩm máy tính và Internet để khai thác thông tin. Những sản phẩm này rất thích hợp với các đơn vị phục vụ đã và đang hiện đại hoá hoạt động thư viện, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số. Chúng cũng thuận lợi cho NKT không phải đi lại mà chỉ cần máy tính cài phần mềm hỗ trợ và mạng Internet có thể vào tra cứu, khai thác sử dụng thông tin.
Có thể khẳng định, các sản phẩm thông tin được NKT thường xuyên sử dụng rất đa dạng và phong phú. Mức độ tiếp nhận thông tin phụ thuộc vào khả năng còn lại của thị lực, sự cảm nhận của xúc giác - đọc tài liệu chữ nổi, khả năng sử dụng máy tính, Internet cũng như các trang thiết bị hỗ trợ và nguồn tin tài liệu. Hiện nay, xu thế sử dụng các sản phẩm thông tin hiện đại của NKT ngày càng tăng khi số người được đào tạo tin học sử dụng máy tính và mạng ngày càng được triển khai rộng rãi tại các trường học và các trung tâm đào tạo của Hội Người mù Việt Nam. Việc này tạo cơ hội cho tất cả các cơ sở phục vụ thông tin đều có thể đáp ứng nhu cầu tin của NKT mà không bị sức ép lớn về việc bổ sung các sản phẩm thông tin đặc thù dành riêng cho NKT.
1.5. Thói quen sử dụng các dịch vụ thông tin
NKT sử dụng các dịch vụ thông tin ở mức thường xuyên còn khá khiêm tốn. Hầu như họ chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ (trên 50%). Số liệu này chứng tỏ các dịch vụ thông tin vẫn còn khá cách biệt với NKT. NKT chưa sử dụng chiếm tỷ lệ lớn chứng tỏ các đơn vị phục vụ thông tin chưa phát huy được hết tiềm năng phục vụ thông tin cho NKT của mình. Điều này đòi hỏi thư viện phải chủ động tiến hành các dịch vụ thông tin linh hoạt để phục vụ được NKT.
2. Trình độ của người khiếm thị
Trình độ của NKT cũng phản ánh được đặc điểm nội dung thông tin, hình thức thông tin, cách thức phục vụ thông tin của họ.
2.1. Trình độ học vấn
Có 316/329 NKT đã cung cấp trình độ học vấn của mình: NKT về cơ bản đều biết chữ (99,1%). Trình độ học vấn của họ cũng đạt được ở tất các các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và sau đại học. Trong đó số người có trình độ trung học cơ sở là đông nhất (45,6%). Hệ trung học phổ thông là mô hình giáo dục hoà nhập nhằm giúp NKT từng bước tự tin hoà nhập với cộng đồng cũng có tới 21,2% NKT đã đạt được trình độ này. Số lượng NKT tốt nghiệp đại học chiếm 9,5%, có trình độ sau đại học chiếm 1,6%.
2.2. Trình độ tin học
Ngoài trình độ học vấn thì trình độ tin học (khả năng sử dụng máy tính, khai thác Internet, thư điện tử) và khả năng sử dụng điện thoại di động là yếu tố vô cùng quan trọng. Hoạt động tìm kiếm, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông tin hiện đại của NKT được quyết định lớn bởi khả năng tin học và sử dụng Internet của họ.
Khả năng sử dụng máy tính, Internet, thư điện tử và điện thoại di động của NKT là rất cao, trong đó hơn 89% NKT sử dụng điện thoại di động, 76% số người sử dụng máy tính, hơn 54% NKT có thể khai thác Internet và gần 36% NKT liên lạc bằng thư điện tử.
Qua việc điều tra nhu cầu tin và trình độ của NKT Việt Nam đã chứng minh:
- Công nghệ thông tin và truyền thông đã là cầu nối NKT với các dịch vụ thông tin của các cơ quan thông tin, thư viện.
- NKT có thể khai thác thông tin bằng các phương tiện hiện đại. Khả năng này khắc phục được khó khăn lớn của NKT trong việc đi lại, đến thư viện sử dụng thông tin tài liệu, cập nhập thông tin một cách nhanh chóng, khai thác được nhiều tài liệu hơn... Đây cũng là điều kiện tốt để các cơ quan thông tin, thư viện không phải dành quá nhiều tài chính vào việc xây dựng, bổ sung các tài liệu dạng nổi để phục vụ riêng cho NKT.
- Các cơ quan thông tin, thư viện hoàn toàn có khả năng phục vụ tốt thông tin cho NKT. Để làm tốt điều này đòi hỏi tất cả các đơn vị cần thiết kế, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin, trang web sao cho tất cả mọi người, trong đó người khuyết tật nói chung và NKT nói riêng có thể dễ dàng khai thác được. Điều này vô cùng có ý nghĩa đối với nhiệm vụ xã hội hoá thông tin của các cơ quan thông tin, thư viện trong giai đoạn hiện nay.
3. Tình hình tổ chức hoạt động phục vụ thông tin cho người khiếm thị tại Việt Nam
Tổ chức Hội Người mù Việt Nam được thành lập năm 1969 trong từng giai đoạn lịch sử, Hội đều tích cực tham mưu với cơ quan chức năng có những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống hội viên và NKT nói chung. Ngoài ra, Hội sản xuất sách nói và tài liệu nổi phục vụ cho NKT học tập và công tác.
Hệ thống các trường học chuyên biệt hoặc bán hoà nhập dành cho NKT, người khuyết tật đã đào tạo học sinh bị khiếm thị, trong đó Trường Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh có hoạt động rất mạnh trong công tác sản xuất các tài liệu phục vụ cho giảng dạy và học tập.
Năm 2000, Dự án tăng cường tiếp cận thông tin cho NKT của Quỹ FORCE đã được tiến hành triển khai ở Việt Nam [1]. Sau 10 năm dự án kết thúc, hơn 100 thư viện trong hệ thống các thư viện công cộng thuộc tỉnh và thành phố về cơ bản đã tiến hành duy trì phục vụ NKT trên cơ sở được đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo chuyên gia như: Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh...
Từ năm 2015, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai Dự án “Xe thư viện đa phương tiện lưu động” cho một số thư viện tỉnh để phục vụ NKT tại địa phương. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cũng đóng góp công sức trong việc tạo ra tài liệu phục vụ NKT như: Hội Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh.
Thư viện sách nói dành cho NKT đầu tiên ở Việt Nam thành lập ngày 25/11/2017 với hơn 1.800 tên sách, in sang và phân phối hoàn toàn miễn phí hơn 400.000 bản sách nói, hơn 1.200 tên sách trên môi trường trực tuyến cho gần 17 triệu lượt người truy cập do sáng kiến của chị Hướng Dương - người trong suốt 19 năm qua đã thầm lặng thu âm cung cấp tài liệu sách nói cho NKT.
Tóm lại, hoạt động phát triển nhu cầu tin cho NKT Việt Nam còn mang tính chuyên biệt. Cách nhìn nhận này đã làm cho nhiều NKT chỉ được phục vụ thông tin tại các địa chỉ trên mà ít người mạnh dạn tới các cơ quan thông tin, thư viện khác. Các cơ quan thông tin, thư viện trong quá trình hoạt động của mình “vô tình” cũng có nhận định tách biệt NKT ra khỏi đối tượng phục vụ thông tin. Thực tế, rất nhiều NKT cho biết họ khai thác thông tin số của các cơ quan thông tin, thư viện này rất thường xuyên. Tuy nhiên, một số tài liệu được số hoá ở dạng file ảnh nên họ không thể đọc được nội dung thông tin đó cho dù máy tính nối mạng và cài đặt phần mềm đọc tiếng Việt và ngoại ngữ.
4. Các giải pháp nhằm mở rộng công tác phục vụ thông tin người khiếm thị tại các cơ quan thông tin, thư viện
Tiếp tục tăng cường và phát huy mạnh những tổ chức cơ sở đang phục vụ NKT hiện nay tại Việt Nam. Từ năm 2017, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ 4 đã đưa nhân loại bước sang một giai đoạn phát triển mới khi “trí tuệ nhân tạo” - Vạn vật kết nối (IoT) đang từng bước được áp dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này đã tạo cho con người có điều kiện để phát triển bản thân. Nhờ đó NKT có điều kiện hơn trong việc tiếp cận thông tin và hoà nhập với xã hội. Vì vậy, các cơ quan thông tin, thư viện không nhất thiết phải có tài liệu nổi mới tiến hành phục vụ thông tin cho NKT. Các cơ quan này chỉ cần sẵn sàng phục vụ thông tin cho họ trong khả năng của mình:
- Để NKT có thể truy cập được nguồn tài liệu số hoá, các cơ quan thông tin, thư viện cần tuân thủ các tiêu chuẩn chung và nên thiết kế lại trang web theo chuẩn W3C [7] nhằm giúp NKT dễ dàng truy cập và khai thác thông tin..
- Trong quá trình số hoá tài liệu thì các dữ liệu ở dạng ảnh sẽ trở nên không có ý nghĩa với NKT. Do vậy, việc số hoá tài liệu cần sử dụng công nghệ có thể nhận diện đến từng ký tự của chữ trên sách truyền thống. Tránh sử dụng kỹ thuật quét lại tài liệu thành dạng ảnh khiến cho NKT không thể tiếp cận được nội dung tài liệu. Áp dụng công nghệ này còn giúp cho tất cả mọi người dùng tin có thể tra cứu tới nội dung thông tin tài liệu một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chính xác.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang chủ trương xây dựng “Dự án Thư viện số cho các thư viện huyện phục vụ phát triển nông thôn”. Trong quá trình xây dựng nguồn tài liệu số nên áp dụng công nghệ nhận diện ký tự để giúp NKT khai thác được nội dung thông tin.
Bên cạnh đó, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ đã được triển khai tới 40 tỉnh, 400 điểm thư viện công cộng (cấp tỉnh, huyện), 1.000 điểm Bưu điện văn hoá xã và 500 thư viện xã tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để tăng cường công tác thông tin cho NKT nếu chúng ta cài thêm phần mềm đọc tiếng Việt và ngoại ngữ cho NKT ở địa phương để họ có thể tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin.
Với các cơ quan thông tin, thư viện không có tài liệu chữ nổi, sách nói, chưa có tài liệu số, chưa tự động hoá hoạt động của mình, nếu NKT có nhu cầu thông tin, người làm thư viện có thể thực hiện các dịch vụ thông tin hết sức cơ bản, mang tính giao tiếp đó là: đọc tài liệu cho NKT, trò chuyện, tư vấn thông tin, kể chuyện...
Kết luận
Đặc điểm nhu cầu tin của NKT cho thấy họ ngày càng có xu hướng sử dụng máy tính, điện thoại và Internet để có thể truy cập, khai thác, sử dụng thông tin linh hoạt gần giống như người bình thường. Các cơ quan thông tin, thư viện trong quá trình tự động hoá hoạt động, xây dựng các tài liệu số trong khả năng hiện tại đều có thể phục vụ tốt tài liệu số cho mọi đối tượng người dùng tin trong đó có NKT. Khoa học công nghệ và truyền thông ngày một phát triển và có tính mở với xu hướng như nguồn học liệu mở, truy cập mở, phần mềm mã nguồn mở tạo điều kiện cho việc tiến hành khai thác linh hoạt và hiệu quả hơn. Từ các điều kiện trên thì NKT và các cơ quan thông tin, thư viện có thể đến gần nhau hơn và việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin hoàn toàn được thực hiện một cách thuận lợi tại các cơ quan này. NKT có quyền được sử dụng thông tin bình đẳng. Điều này có ý nghĩa nhân văn cũng như đảm bảo được tính công bằng về quyền sử dụng thông tin cho NKT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tăng cường tiếp cận thông tin cho người khiếm thị: 10 năm hợp tác giữa Việt Nam và Quỹ FORCE 2000 - 2010. - H.: Vụ Thư viện, 2010.
2. Nguyễn Thị Bắc. Dịch vụ thư viện cho người khiếm thị: Cẩm nang thực hành tốt nhất: tài liệu dịch. - Tp. Hồ Chí Minh: Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
3. Vũ Thị Hương Giang, Nguyễn Thị Thu Trang. Hướng dẫn thiết kế website cho người khiếm thị. - H.: Nxb. Đại học Bách Khoa Hà Nội, 2015.
4. Luật Tiếp cận thông tin. - H.: Chính trị Quốc gia, 2016. - 43tr.
5. Nghị định của Chính phủ số 72/2002/NĐ-CP ngày 06/08/2002 Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thư viện.
6. Pháp lệnh thư viện - H.: Chính trị Quốc gia, 2001. - 25tr.
7. Trần Thị Thanh Vân. Tìm hiểu các sản phẩm thông tin dành cho người khiếm thị Việt Nam: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. - H.: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.
8. Courtney Deines-Jones. Improving library services to people with disabitilities. - England: Chandos Publishing, 2007.
9. Kavanagh, Tosemary and Skold, Beatrice Christensen. Libraries for the blind in the information age: Guide for development // IFLA professional report. - 2005. - No.86. http://www.ifla.org/ VII/S31?pub/profrep86.pdf.
10. Wilson T.D. On user studies and information needs // Journal of Documentation. - 2006. - Vol 62. - No 6.
______________________
ThS. Trần Thị Thanh Vân
Khoa Thông tin - Thư viện, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 4. - Tr. 23-29.
< Prev Next >