Một lần nọ, trong cuộc ra mắt sách của tôi ở Casa Italia, tôi được giới thiệu với ngài Đại sứ Palestine.
- Đây là một người bạn của tôi. - Bà Đại sứ Italia Cecilia Piccioni nói giản dị. - This is Saadi Salama, my friend.
- Nice to meet you. - Tôi nhã nhặn đáp lễ khi ngài đại sứ chìa tay ra.
Hôm ấy có khoảng 15 vị đại sứ tham dự, vì vậy sự kiện của tôi cần phải có phiên dịch tiếng Anh. Tuy nhiên khi người dẫn chương trình, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nói một câu thành ngữ hài hước thì cả khán phòng phá lên cười, trừ tất cả các vị khách nước ngoài (họ chỉ có thể mắc cười sau khi phiên dịch đã chuyển ngữ đầy đủ câu vừa rồi). Người ngoại quốc duy nhất bật cười ngay sau khi Phạm Xuân Nguyên tỉnh bơ phiếm luận như thường lệ là Saadi Salama.
Tôi hơi giật mình. Trời, vị khách này biết tiếng Việt, mà lại còn nghe hiểu được giọng của Phạm Xuân Nguyên để mà cười thì tôi chịu thua rồi. Bất kỳ ai trong giới cũng biết Phạm Xuân Nguyên người Hà Tĩnh. Phương ngữ của ông không phải lúc nào tôi nghe cũng hiểu hết, đặc biệt qua điện thoại thì lắm lúc không hiểu cũng "ừ". Nhưng anh Saadi nghe được.
Sau này khi đã quen thân, rồi thậm chí còn nhờ nhà phê bình làm người trợ giúp trong chương trình “Ai là triệu phú?”, Saadi bông đùa lại “Tôi nghĩ Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội thì phải là người Hà Nội chớ sao lại người Hà Tĩnh”. Lúc ấy tôi không biết mình vừa bắt tay với nhà ngoại giao nước ngoài nói tiếng Việt giỏi nhất thế giới.
Một ngày mùa thu nắng trải vàng đẹp đẽ của năm 1980, chàng trai Palestine 19 tuổi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, trên một chiếc phi cơ thương mại cũ kỹ do Liên Xô sản xuất. Anh mang hoài bão của những thanh niên Palestine quả cảm, muốn tìm một con đường để đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước.
Tháng 10 năm ấy, còn chờ tới tận 6 năm nữa mới tới kỳ Đổi mới và thêm 8 năm nữa để Việt Nam thay đổi diện mạo khi Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận năm 1994. Con đường từ sân bay về nhà trọ kéo dài hai tiếng và chàng trai trẻ cô đơn trước một đất nước xa lạ, nền văn hóa khác biệt và không khí thiếu thốn của một thời bao cấp.
Sau này, mỗi lần nói chuyện với các khách mời đến chơi nhà, hai chủ đề yêu thích nhất của Saadi là kể về thời bao cấp ở Hà Nội và giải thích rõ vấn đề chính trị giữa Israel và Paletine cho những người Việt Nam ngày nào cũng nghe thấy địa danh Bờ Tây sông Jordan, Dải Gaza và Đông Jerusalem trên tivi nhưng lại rất mơ hồ về cuộc đấu tranh của quân và dân Palestine. Saadi kể không biết chán về thời bao cấp, nỗi thiếu thốn thực phẩm, điện nước, vật chất eo hẹp, nhưng cũng là hồi ức đẹp đến vô ngần khi những khoảnh khắc đầu tiên gắn bó ấy đã khiến chàng trai Palestine mang trong mình một tâm hồn Việt.
“Lúc đó đến Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi người ăn mặc như nhau. Đó là thời bao cấp ở Việt Nam. Đàn ông ai cũng mặc quần kaki, áo sơ mi trắng, đi dép cao su và đội mũ cối. Phụ nữ mặc quần lụa đen, sơ mi trắng dài tay và đội nón. Nón vừa để che đầu vừa để quạt vào mùa hè. Giờ đây, không ít cô gái Việt Nam mặc áo hai dây và mini juyp rất ngắn. Ngày xưa tôi không thấy mấy người mặc quần bò nhưng giờ nam nữ Việt Nam coi quần bò là trang phục phổ thông.”
Như nhiều người Việt Nam khác đã trải qua cái thời khốn khó mà đẫm tình người ấy giờ hay thích hồi cố, Saadi cũng vậy, trong câu chuyện anh nói rất tự nhiên khiến những người xung quanh cười lăn “Lúc đấy là vào tầm chương trình Bông hoa nhỏ…” - “Ôi anh ấy còn nhớ cả Bông hoa nhỏ nữa.” Không để ý đến bình luận, Saadi vẫn tiếp tục kể chuyện và lặp lại cái giọng bất hủ một thời của phát thành viên “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
4 năm làm sinh viên khoa Tiếng Việt trường Đại học Tổng hợp hoàn toàn không phải một giấc mơ. Ngoài việc phải sống trong sự thiếu thốn của thời bao cấp (1980 - 1984), nỗi cô đơn trên xứ người, Saadi còn phải đối mặt với “phong ba bão táp” tiếng Việt. Tôi cũng từng tiếp xúc với nhiều người nước ngoài nói tiếng Việt như người Việt, nhưng đều nghe họ kể về nỗi “chán đời” của những ngày đầu tiên học tiếng. Ai cũng ngán ngẩm mà muốn bỏ cuộc.
Saadi cũng thế, năm lần bảy lượt định đầu hàng rồi lại nghĩ “Đấy không phải là phong cách của người Palestine”, rằng sự tiêu cực sẽ hình thành nên những thói quen xấu và thất bại. Cuối cùng anh tiếp tục theo học 4 năm và sau khi tốt nghiệp đã trở về nước với vốn liếng tiếng Việt kha khá, để rồi chỉ 5 năm sau đã quay trở lại Việt Nam trên cương vị Phó đại sứ ở tuổi 28. Sau nhiệm kỳ 3 năm, Saadi đảm nhận chức vụ ngoại giao ở một số quốc gia châu Phi và châu Á, trước khi quay lại Việt Nam vào năm 2009 và làm Đại sứ Palestine tại Việt Nam cho đến bây giờ.
Ngài đại sứ nặng lòng với Việt Nam đến nỗi phải thốt lên rằng: “Sau gần 30 năm, tôi nhìn thấy sự thay đổi rõ ràng trên đất nước mà tôi coi như quê hương thứ hai. Tôi vẫn cảm thấy như mình là chàng sinh viên của 30 năm về trước, điều khác chỉ là giờ đây khi ra đường, các cô gái gọi tôi bằng “chú” chứ không còn gọi bằng “anh” nữa. Tôi hơi buồn (cười hóm hỉnh) và một chút tiếc nuối nữa khi vài nét văn hoá cũ của Hà Nội giờ đã khác.”
Tôi coi Saadi là người ngoại quốc nói tiếng Việt giỏi nhất thế giới không phải chỉ vì anh nghe được tuốt cả các thổ âm Bắc, Trung, Nam hay biết đủ kiểu thành ngữ, tục ngữ, tiếng lóng của dân Việt khiến ai nấy nghe đều cười nắc nẻ, hay vì anh gây sốt truyền hình khi tham gia chương trình “Ai là triệu phú?” hồi đầu năm 2017 và giành được giải thưởng 40 triệu, mà vì Saadi biết nhiều, hiểu nhiều về lịch sử, nghệ thuật và văn hóa Việt, kiến thức am tường còn hơn cả người Việt Nam, còn về xã hội và chính trị thì đương nhiên rồi.
Anh nói anh luôn cảm thấy mình là người Việt và tôi cũng… thấy thế. Chứng kiến những người mới tiếp xúc với Saadi cứ tủm tỉm rồi cười bò ra mỗi lần nghe anh nói chuyện, vì họ chưa bao giờ thấy một ông Tây lại nói tiếng Việt chảo chớp và đanh đá thế, tôi nhớ lại những lần đầu tiên trò chuyện với anh cũng với một vẻ kinh ngạc, thích thú và mắc cười tương tự.
Saadi yêu Tết Việt. Năm nay anh sẽ đón cái Tết thứ 16 ở Việt Nam. Anh bảo “Ngày xưa, Tết Việt Nam thiêng liêng lạ lùng, sau khi nghe tiếng pháo nổ, cả đất nước tưng bừng đón một mùa xuân đẹp đẽ. Cho dù việc cấm pháo là chính đáng để đảm bảo an toàn, nhưng tôi vẫn có chút bâng khuâng khi nhớ tới tiếng pháo báo hiệu năm mới. Tôi không bao giờ quên được điều ấy. Trước đây, người dân từ ngày 23 tháng Chạp đã lo tiễn ông Táo về trời, từ nhiều nhà khói bốc lên vì luộc bánh chưng. Giờ đây, người Việt ai cũng đặt bánh chưng. Tôi không nhìn thấy khói bánh chưng nữa. Ngày xưa chỉ có Tết mới ăn bánh chưng. Bây giờ, lúc nào thích ăn bánh chưng thì chỉ cần “alo” là có ngay. Không có khói bánh chưng nữa cũng làm tôi thấy nhớ.”
(*) Cuộc chiến 6 ngày (1967) còn được gọi là Chiến tranh Arab - Israel hay Chiến tranh tháng 6, là cuộc chiến giữa Israel với các nước Arab như Ai Cập, Jorrdan, Syria