Mọi người đều biết sủi cảo và há cảo là những món ăn truyền thống vô cùng nổi tiếng của ẩm thực Trung Hoa. Tuy nhiên nhiều người vẫn thường thắc mắc 2 loại bánh này có gì khác nhau hay không? Cách làm sủi cảo và há cảo như thế nào? Cet.edu.vn sẽ giải đáp thắc của bạn ngay trong bài viết dưới đây, cũng như chia sẻ 5 cách làm há cảo và sủi cảo Trung Quốc ngon chuẩn vị để bạn trổ tài khéo tay tại nhà nhé!
Há cảo và sủi cảo khác nhau chỗ nào?
Há cảo và sủi cảo là những món ăn nổi tiếng trong ẩm thực Trung Hoa. (Ảnh: Internet)
Há cảo
Há cảo là món ăn có nguồn gốc từ Triều Châu, Trung Quốc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn sáng và trong món dimsum. Há cảo cấu tạo gồm hai phần là vỏ bánh và nhân thịt. Vỏ bánh được làm từ bột mì, bột há cảo, bột năng, nhân bánh thì có thể đa dạng gồm thịt, tôm, các loại rau, củ quả, gia vị… Với mỗi quốc gia lại có cách làm khác nhau để phù hợp với văn hóa và khẩu vị ở nơi đó.
Sủi cảo
Sủi cảo còn gọi là bánh chẻo là một loại bánh hấp của Trung Quốc rất phổ biến ở Đông Á. Đây là một trong những món ăn chính trong dịp Tết nguyên đán cũng như là món ăn quanh năm tại các tỉnh phía Bắc. Sủi cảo thường bao gồm thịt nghiền hoặc rau chất đầy và cuốn trong một mảnh bột mỏng, sau đó được ép chặt lại bằng cách nhấn mạnh các góc bánh vào nhau hoặc xếp thành nếp.
Cách làm sủi cảo ngon hấp dẫn
Sủi cảo hấp
Nguyên liệu sủi cảo hấp
- Thịt nạc xay
- Lá cải thảo non
- Muối, xì dầu
- Dầu vừng
- Hành lá
- Rau mùi
- Gừng
- Tiêu
- Trứng gà
- Vỏ bánh sủi cảo.
Cách làm sủi cảo hấp
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Lá cải thảo mua về tách phần lá non, rửa sạch với nước. Tiếp đó, thái nhỏ lá cải thảo thành từng sợi nhỏ rồi ngâm với nước muối loãng tầm 5-10 phút để đảm bảo vệ sinh.
- Sau 5-10 phút thì vớt lá cải thảo ra, dùng tay nhẹ nhàng vắt hết nước còn đọng lại trong lá cải thảo.
Bước 2: Tiến hành chế biến
- Lấy một tô to, cho vào đó lá cải thảo đã thái, thịt nạc xay, trứng gà, hành lá, rau mùi, gừng, tiêu, muối vào rồi trộn thật đều.
- Tiếp theo, lấy ra một vỏ bánh sủi cảo, cho vào đó một muỗng nhân đã chuẩn bị ở trên.
- Sau khi bỏ nhân vào bạn gập hai đầu bánh lại, thấm một ít nước và bóp để hai mí bánh dính chặt lại. Lưu ý là làm thật chặt kẻo khi nấu bánh bị bung ra mất ngon.
Bước 3: Hoàn thiện thành phẩm
- Cuối cùng là dúm một đường ở giữa bánh, vậy là bước chuẩn bị cho chiếc bánh sủi cảo đã hoàn thành rồi.
- Bạn xếp bánh vào chõ hấp hoặc cho vào chảo đổ thêm 3 muỗng canh nước rồi đun cho đến khi cạn nước.
Đối với bánh mới làm thì chỉ cần hấp từ 3-5 phút, còn với bánh vừa lấy ra từ tủ lạnh thì hấp lâu hơn từ 5-10 phút, chờ bánh nguội lại một chút là có thể thưởng thức ngay.
Sủi cảo nước
Nguyên liệu sủi cảo nước
- 200g tôm
- 200g thịt lợn nạc
- nấm hương, hành lá
- 50 vỏ sủi cảo
- Cải thảo 1 cây
- Cà rốt 1 củ, hạt nêm
- Dầu mè
- Xì dầu
- Hạt tiêu
- Dầu ăn.
Cách làm sủi cảo nước
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu ban đầu
- Thịt lợn mua về rửa sạch qua nước muối, để ráo, băm nhuyễn hoặc cho vào máy xay.
- Phần tôm có thể mua tôm sú, rửa sạch, bóc vỏ, loại bỏ luôn phần chỉ ở lưng, băm nhuyễn thịt rồi cho ra dĩa riêng.
- Cải thảo tách từng lá, rửa sạch. Cà rốt gọt vỏ rồi rửa sạch. Nấm hương ngâm vào nước nóng, đến khi nấm nở ra hết. Hành lá nhặt bỏ gốc, rửa sạch. Thái mỏng rồi băm nhuyễn tất cả hoặc cắt thành hạt lựu nhỏ.
Bước 2: Ướp nguyên liệu
Cho 1 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng hạt tiêu, 1 muỗng dầu mè, 1 muỗng xì dầu vào tô lớn, cùng các nguyên liệu ở trên vào cùng rồi trộn đều cho nguyên liệu và gia vị hòa quyện.
Bước 3: Gói bánh sủi cảo
Cho vỏ bánh sủi cảo ra thớt, hoặc để trong lòng bàn tay, cho nhân vào chính giữa vỏ bánh, cho ít nước vào thành vỏ bánh, để khi gói bánh sẽ dính chặt với nhau hơn. Tiếp tục gói đến khi hết nhân bánh.
Bước 4: Luộc bánh sủi cảo
- Đun sôi một nồi nước, cho vào nước một ít dầu ăn. Cho sủi cảo vào luộc đến khi chín hết thì vớt ra ngoài.
- Có thể sử dụng nước dùng đó, nêm nếm thêm gia vị đến khi nước dùng vừa ăn. Bạn cho sủi cảo ra tô, cho thêm nước dùng vào, rắc thêm ít hạt tiêu, ít hành lá, hẹ.
Sủi cảo chiên
Sủi cảo chiên giòn. (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu sủi cảo chiên
- Thịt heo nạc
- Hành lá
- Bắp cải (hoặc rau xà lách)
- Hành tây
- Hẹ
- Nước tương
- Dầu mè
- Tiêu
- Tỏi băm
- Gừng
- Đường
- Rượu
- Bột làm bánh sủi cảo
Cách làm sủi cảo chiên
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên mài gừng để lấy nước, hành tây xắt hạt lựu, hành lá, bắp cải và hẹ cũng xắt nhỏ.
Bước 2: Làm nhân
Thịt heo nạc băm nhỏ rồi nhồi cho đều sau đó ướp cùng các gia vị: nước tương, đường, bột, dầu mè, nước cốt gừng, tỏi và một ít rượu vào và nhồi tiếp. Cho hành lá, hẹ, hành tây, bắp cải vào trộn đều và để khoảng 10 phút.
Bước 3: Làm vỏ bánh sủi cảo
Cho muối vào bột mì, trộn đều, vừa trộn, vừa thêm chút nước, không nên cho nhiều nước quá. Đến khi bột quánh, vo lại thành khối tròn, thêm bột làm bánh sủi cảo và để chừng 30 phút. Lấy một miếng vỏ bánh sủi cảo và cho nhân vào giữa vừa đủ rồi thoa nhẹ chút nước theo rìa bánh để vỏ bánh dễ dính vào nhau.
Gói lại rồi nhúng những nếp đều nhau ở một phần vỏ bánh cho đến khi hết. Sau đó xếp bánh ra khay có rắc sẵn bột áo để bánh khỏi dính vào nhau.
Bước 4: Hấp bánh
Cho một ít dầu ăn vào chảo chống dính rồi xếp bánh vào. Sau đó bạn đổ nước ngập khoảng 0,5 cm và đậy nắp lại. Chờ nước sôi khoảng 6 phút. Khi nước đã cạn rưới 1 muỗng dầu mè dọc theo 2 hàng bánh. Đậy nắp cho bánh rám vàng phía dưới là được. Bánh vàng cho ra đĩa vậy là đã hoàn thành rồi.
Pha giấm với nước tương thêm chút dầu mè khuấy đều để làm chén nước chấm dùng cùng món sủi cảo chiên.
Cách làm há cảo chuẩn vị
Há cảo hấp nhân tôm thịt
Nguyên liệu làm vỏ bánh
- 100g bột năng
- 100g bột gạo
- 1/2 muỗng muối trắng
Nguyên liệu làm nhân bánh
- 150g thịt heo
- 500g tôm
- 3 tai nấm mèo
- 1 củ lớn hành tím
- 10 cây hành lá
- 1 củ cà rốt
- Gia vị: mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu…
Cách làm há cảo hấp nhân tôm thịt
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt heo rửa sạch, để ráo nước rồi băm nhuyễn. Không nên xay kỹ quá, thịt nát quá sẽ ảnh hưởng đến vị ngon của há cảo.
- Tôm tươi rửa sạch, bóc vỏ, bỏ đầu, rút hết phần chỉ đen ở sống lưng, bóc vỏ, băm nhỏ thịt tôm.
- Nấm mèo ngâm với nước cho nở, cắt chân, rửa sạch rồi băm nhuyễn.
- Hành tím bóc vỏ, đập dập, băm nhuyễn. Hành lá nhặt gốc, rửa sạch, thái thật nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, xắt hạt lựu nhỏ hoặc băm nhỏ.
Bước 2: Trộn bột làm vỏ bánh
Bột năng và bột gạo trộn chung vào một tô lớn. Lấy khoảng 200ml nước sôi có muối vào một tô khác, khuấy đều đến khi muối tan, nước nguội bớt thì đổ từ từ vào tô bột. Dùng đũa khuấy đều nước với bột rồi dùng tay nhào bột thành một khối mịn, dẻo và không dính tay. Ủ bột trong vòng 5 phút.
Bước 3: Trộn nhân bánh
Cho tất cả nguyên liệu bao gồm thịt heo, tôm, cà rốt, nấm mèo, hành tím, hành lá vào một cái tô, thêm gia vị rồi trộn đều tất cả. Nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn.
Bước 4: Làm vỏ há cảo
Sau khi ủ, bột mềm và mịn hơn, bạn dùng tay vê bột thành những đoạn dài, tròn rồi cắt bột thành những miếng dày. Tiếp đó, dùng cây cán bột hoặc chai thủy tinh sạch cán cho miếng bột thật mỏng, hình tròn, độ dài vừa phải, vỏ bánh mỏng quá hoặc dày quá cũng không nên. Khi cán bột, bạn đậy kín những phần bột chưa làm bằng màng bọc ni lông vì nếu để lâu trong không khí bột sẽ bị khô.
Bước 5: Cho nhân vào vỏ há cảo
Lấy lượng nhân vừa đủ cho vào giữa miếng bột, dùng tay nhúng chút nước bôi quanh mép của miếng bột rồi gấp đôi lại, bóp nhẹ để hai mép của miếng bột dính nhau. Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp nhẹ từng mép bánh và xếp chồng lên nhau (như hình) cho đẹp. Làm lần lượt cho đến khi hết nguyên liệu.
Bước 6: Hấp há cảo
- Phết một lớp dầu ăn mỏng lên xửng hấp bánh để chống dính, sau đó lần lượt xếp bánh vào. Đun nước sôi, cho bánh vào hấp trong vòng 10 - 15 phút (tùy kích thước bánh to nhỏ) đến khi vỏ bánh trong là được. Lấy bánh ra ngoài và thưởng thức.
- Làm nước chấm: Băm ½ củ tỏi nhỏ và ½ trái ớt, cho vào chén cùng 2 muỗng nước mắm ngon rồi khuấy đều. Cho thêm 3 muỗng nước sôi để nguội và ½ muỗng đường vào khuấy cho đến khi tan đường. Cuối cùng, vắt thêm chút nước cốt chanh, khuấy đều. Có thể thay đổi các gia vị cho phù hợp với khẩu vị của gia đình.
Cùng theo dõi video hướng dẫn dưới đây để dễ hiểu hơn cách làm há cảo hấp nhé:
Há cảo chiên giòn rụm
Ngoài món há cảo hấp, bạn có thể biến tấu một chút để có món há cảo chiên ăn đổi vị. Sau khi cho nhân vào vỏ há cảo và tạo hình đẹp mắt, thay vì luộc, bạn cho cho há cảo vào chiên ngập dầu cho đến khi chuyển sang màu vàng thì vớt ra. Món há cảo chiên có lớp vỏ căng phồng, giòn rụm, nhân bên trong không bị khô mà thơm mềm, đậm đà, ăn cùng các loại rau sống để chống ngán, chấm với nước mắm pha, nước tương hay tương ớt đều được.
Các loại nước chấm há cảo ngon
Nước chấm Mayonnaise không thể thiếu trong các món ăn chiên hay hấp (Ảnh: Internet)
Các loại nước chấm há cảo rất đa dạng, tuy nhiên không khó để bạn dễ dàng chế biến tại nhà 3 loại nước xốt ăn kèm điển hình và phổ biến nhất sau đây:
- Xốt cà chua: được kết hợp giữa cà chua chín, hành tím và các loại gia vị cần thiết như muối, đường, nước mắm, tiêu, bột ngọt, dầu ăn…
- Xốt mayonnaise gồm: lòng đỏ trứng gà, giấm trắng, đường, muối, nước cốt chanh và dầu ăn.
- Nước tương hoặc tương ớt
Với 5 cách làm sủi cảo và há cảo Trung Quốc ngon chi tiết như trên, từ nay bạn đã thêm tự tin vào bếp trổ tài làm món ngon để chăm sóc gia đình. Sủi cảo và há cảo là hai món ăn vặt rất được yêu thích, bạn thậm chí có thể sử dụng những công thức này để học nấu ăn mở quán kinh doanh khá thành công đấy!