Những năm gần đây, thương mại điện tử không còn là khái niệm xa lạ hay một lĩnh vực mới mẻ. Theo báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM , thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.
Vậy học thương mại điện tử ra làm gì? Cùng Đại học Hoa Sen khám phá những nghề nghiệp thú vị được tạo ra bởi sự phát triển vượt bậc của ngành thương mại điện tử.
Học thương mại điện tử ra làm gì? Ngành Thương mại điện tử và những cơ hội việc làm thú vị
1. Ngành thương mại điện tử là gì? Học gì?
Thương mại điện tử (E-Commerce) - viết tắt TMĐT là tất cả các quy trình, giao dịch bán hàng đều được thực hiện trên nền tảng trực tuyến hoặc thông qua các ứng dụng, các trang web. Bạn cũng có thể chuyển dữ liệu hoặc tiền bằng thương mại điện tử. Trong thương mại điện tử, nền tảng kỹ thuật số chính được sử dụng là Internet.
Thương mại điện tử giúp người dùng có thể mua sắm một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn.
Thương mại điện tử có thể bao gồm nhiều loại hoạt động, bao gồm mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến, trao đổi thông tin, marketing, thanh toán và quản lý chuỗi cung ứng.Người mua có thể thực hiện các giao dịch như mua sắm, thành toán, chọn hình thức giao hàng trên các trang web, các ứng dụng di động. Người bán có thể giới thiệu, cung cấp thông tin về sản phẩm, quảng cáo và tiếp nhận đơn đặt hàng từ người mua.
2. Ngành Thương mại điện tử và những cơ hội việc làm thú vị
Theo ước tính của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Mặc dù từ giữa năm 2022, kinh tế nước ta rơi vào khó khăn kéo dài, nhưng 3 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,1%. Điều này cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam đã và đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ.
Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng cho sự phát triển thương mại điện tử còn rất lớn, tạo ra cơ hội việc làm đa dạng từ kinh doanh, tài chính, dịch vụ khách hàng, marketing, thiết kế, vận hành, kho vận và giao hàng…
Biết thêm về những cơ hội việc làm thú vị trong ngành thương mại điện tử sẽ giúp bạn xác định xem đây có phải là ngành phù hợp với mình hay không. Dưới đây là những lựa chọn nghề nghiệp thú vị mà bạn có thể thử sức trong ngành thương mại điện tử:
2.1. Chuyên viên phân tích hoạt động kinh doanh trực tuyến
Đây được xem là một trong những vị trí quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chuyên viên phân tích hoạt động kinh doanh trực tuyến sẽ giữ nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá hiệu quả của những chiến lược, kế hoạch cụ thể, từ đó đề xuất các giải pháp cải tiến và tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh.
Để trở thành chuyên viên phân tích hoạt động kinh doanh, bạn phải có khả năng phân tích số liệu, sử dụng thành thạo các công cụ phân tích như Excel, SQL, Google Analytics,… Đồng thời, bạn cần có những kỹ năng mềm khác như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,…
Chuyên viên phân tích hoạt động kinh doanh trực tuyến là một trong những vị trí hot nhất trong ngành thương mại điện tử
2.2. Quản lý dự án thương mại điện tử
Quản lý dự án thương mại điện tử là người chịu trách nhiệm lên kế hoạch, quản lý và theo dõi tiến độ thực hiện của các dự án thương mại điện tử như website, ứng dụng mua sắm trực tuyến, hệ thống thanh toán,…
Để hoàn thành tốt trách nhiệm của một người quản lý dự án thương mại điện tử, bạn cần có nền tảng kiến thức vững chắc về quản trị, cũng như khả năng phối hợp nhóm để làm việc với các bộ phận khác trong công ty như thiết kế, marketing, lập trình,…
2.3. Chuyên viên quản lý sàn thương mại điện tử
Vị trí này liên quan đến việc xử lý các đơn đặt hàng, giải quyết các vấn đề về dịch vụ khách hàng, trả hàng và hoàn tiền, đồng thời liên lạc với nhóm vận chuyển và thực hiện đơn hàng. Bạn có thể làm việc ở văn phòng hoặc ở nhà kho, tùy thuộc vào vận hành của doanh nghiệp.
2.4. Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị hồ sơ và hoàn tất các thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, nhập khẩu hàng hóa hoặc bán hàng hóa ra nước ngoài thông qua sàn thương mại điện tử.
2.5. Chuyên gia tư vấn về Thương mại điện tử và bảo mật
Công việc của chuyên gia tư vấn về Thương mại điện tử và bảo mật Thương mại điện tử là tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng các dự án công nghệ thông tin liên quan đến TMĐT. Đồng thời có trách nhiệm bảo vệ hệ thống và mạng máy tính của doanh nghiệp khỏi bị truy cập, sử dụng dữ liệu hoặc tiết lộ trái phép.
Ngoài ra, còn rất nhiều vị trí công việc khác dành cho cử nhân ngành Thương mại điện tử như: nhân viên kho, quản lý vận hành, chuyên viên phân tích kinh doanh, kỹ thuật viên CNTT, …
2.6 Chuyên gia phát triển ứng dụng mobile (Mobile Developer)
Công việc của chuyên gia phát triển ứng dụng là quá trình tạo ra phần mềm cho các thiết bị di động. Cụ thể, bạn sẽ thực hiện phát triển ứng dụng trên các nền tảng Android, iOS, Windows. Nhiệm vụ chính của một Mobile Developer là phối hợp với các nhóm chức năng để xây dựng và phát triển các chức năng cũng như không ngừng cải thiện và tối ưu hóa ứng dụng di động để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
3. Mức lương ngành thương mại điện tử
Nhìn chung, mức lương của ngành thương mại điện tử được đánh giá tương đối cao và còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như kinh nghiệm, trình độ và vị trí công việc,…
Cụ thể, mức lương khởi điểm của ngành thương mại điện tử sẽ dao động từ 6- 8 triệu đối với những bạn sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Con số này sẽ tăng lên 10 - 20 triệu khi bạn đã có kinh nghiệm từ 2 -3 năm trong nghề hoặc thăng tiến lên vị trí leader. Cuối cùng, đối với những người có trình độ cao và kinh nghiệm từ 3-4 năm trở lên trong nghề, mức lương sẽ dao động từ 20- 30 triệu/ tháng.
4. Thương mại điện tử cần tố chất gì?
Dưới đây là một số tố chất và kỹ năng bạn có thể phát triển trên con đường sự nghiệp của mình để vượt trội trong lĩnh vực này:
- Tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm
- Khả năng phân tích và dự báo biến động thị trường
- Cẩn trọng, tỉ mỉ trong xử lý công việc
- Tư duy phản biện
- Khả năng nắm bắt tâm lý, nhu cầu khách hàng
- Kỹ năng giao tiếp tốt, khéo léo trong thương lượng, đàm phán
Rèn luyện những tố chất và kỹ năng cần thiết của ngành Thương mại điện tử giúp bạn làm việc hiệu quả và nâng cao cơ hội nghề nghiệp.
Thương mại điện tử là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay. Có rất nhiều vị trí công việc hấp dẫn trong ngành thương mại điện tử, bất kể bạn mới bắt đầu đi làm hay đã có kinh nghiệm. Hy vọng rằng, sau khi tham khảo qua danh sách các vị trí công việc của ngành Thương mại điện tử được đề cập ở trên, bạn sẽ tự tin trong quyết định chọn ngành học của mình..
Thí sinh đăng ký thông tin xét tuyển trực tuyến, in phiếu đăng ký xét tuyển tại đường dẫn http://xettuyen.hoasen.edu.vn
Tham khảo thêm thông tin về ngành Thương mại điện tử của Đại học Hoa Sen tại đây.
Ưu đãi các chính sách học phí https://www.hoasen.edu.vn/tuyensinh/dac-quyen-hoa-sen-boarding-pass/