Viện Y tế Quốc gia Mỹ thống kê khoảng 60% - 80% khối u ở vú lành tính, tuy nhiên do ung thư vú phổ biến nhất ở phụ nữ trên 40 tuổi, do đó chị em đi khám ngay khi thấy khối u ở vú [1]. Vậy khối u ở vú nguyên nhân do đâu? Dấu hiệu nguy hiểm của khối u ở vú là gì? Chẩn đoán bệnh thế nào?
Khối u ở vú là gì?
Khối u ở vú là cục u cứng, dày, sưng trong hoặc xung quanh mô vú và vùng dưới cánh tay. Các khối u có thể khác nhau về kích thước, hình dạng và cảm giác như tròn, nhẵn và di chuyển được (nghĩ lành tính) hoặc cứng, lởm chởm và cố định, dính vào cấu trúc xung quanh, dính da, núm vú (nghĩ ác tính). Khối u xuất hiện ở một hoặc cả hai vú và có thể gây đau. Khối u ở vú có thể lành tính hoặc ác tính.
Các loại khối u ở vú
Không phải tất cả các khối u ở ngực đều ác tính, khoảng 80% khối u ở vú được sinh thiết lành tính.
1. Khối u vú lành tính
- Thay đổi xơ nang: tình trạng này lành tính ở khoảng 50% - 60% phụ nữ. Mô vú xơ, tuyến vú và ống dẫn sữa phản ứng với các hormone được tạo ra trong quá trình rụng trứng, gây hình thành cục xơ và nhiều u nang nhỏ. Thay đổi xơ nang là một phản ứng quá mức của mô vú với những thay đổi hormone buồng trứng. Tình trạng thay đổi xơ nang thường phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ từ 20 - 50 tuổi. Kích thước và độ mềm của khối u xơ thường tăng trước kỳ kinh nguyệt, giảm sau khi kỳ kinh kết thúc. Tình trạng này thường biến mất sau thời kỳ mãn kinh.
- U sợi tuyến: khối rắn của mô xơ và mô tuyến thường xuất hiện ở phụ nữ từ 18 - 35 tuổi và đặc biệt phụ nữ dưới 25 tuổi. U xơ thường không mềm, đau trước kỳ kinh nguyệt và di chuyển khi sờ nắn.
- U nhú: khối u nhỏ có chồi trong ống tuyến phát triển trong niêm mạc của ống dẫn sữa và gần núm vú. Dịch nâu gây tiết dịch màu vàng trong suốt hoặc có máu chảy ra từ núm vú.
2. Khối u vú ác tính
U vú ác tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ tiếp tục phát triển, xâm lấn và phá hủy các mô lân cận, di căn sang các hạch bạch huyết xung quanh. Các tế bào ung thư còn thông qua hệ thống bạch huyết và máu để đến các khu vực khác của cơ thể. Ở giai đoạn này, ung thư vú rất nguy hiểm và cơ hội chữa khỏi thấp hơn so với giai đoạn đầu.
Bất kỳ thay đổi nào về kích thước, hình dạng, kết cấu ở núm vú hoặc chỉ một bên vú cũng đều thuộc dấu hiệu bất thường.
- Ung thư vú giai đoạn đầu: khối u vú rất nhỏ, âm thầm phát triển vài năm trước khi đủ lớn để phát hiện. Vì vậy, chị em phụ nữ cần đi khám để tầm soát ung thư vú định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tỷ lệ sống sau 5 năm nếu được điều trị ở giai đoạn sớm khoảng 96%.
- Ung thư vú tiến triển: khối u lan rộng tại vú ra da, núm vú, cấu trúc xung quanh vú đến các hạch bạch huyết ở nách, cổ hoặc ngực. Lúc này, tỷ lệ sống sau 5 năm và điều trị khó khăn và tốn kém hơn nhiều.
Nguyên nhân khối u ở vú
Nguyên nhân khối u ở vú xuất hiện có thể bắt nguồn do:
- Nang vú: cấu trúc hình nang, mềm, chứa đầy chất lỏng, thường lành tính, rất hiếm liên quan đến nguyên nhân ung thư.
- Áp xe: cục u chứa đầy mủ phát triển dưới da do nhiễm trùng. Áp xe gây đau, sưng, mẩn đỏ ở vùng da lân cận, tiết dịch từ núm vú,… Áp xe thường hình thành trong thời gian cho con bú. Ngoài ra, bất kỳ ai không phân biệt giới tính đều có thể xuất hiện áp xe.
- Bướu sợi tuyến vú hay u xơ tuyến vú: cục u lành tính, có thể di chuyển trong mô vú. Một người có thể có một hoặc nhiều u xơ. U xơ tuyến vú có thể duy trì kích thước, phát triển hoặc co lại theo thời gian.
- U nhú: khối u nhỏ lành tính trong ống dẫn sữa. Tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ và hiếm khi xảy ra ở nam giới. Nếu u nhú phát triển khi đang cho con bú, có một lượng máu nhỏ trong sữa mẹ.
- Hoại tử mỡ: hoại tử xảy ra khi các tế bào mỡ bị viêm và chết do thiếu oxy. Điều này xảy ra chất nhờn của các tế bào mỡ không còn hoạt động sẽ thay thế các mô mỡ.
- U mỡ: khối u dưới da xuất hiện do sự phát triển quá mức của các tế bào mỡ. Khối u này lành tính, mềm và có thể di chuyển nhẹ dưới da khi ấn xuống. Khối u phát triển chậm, khoảng 2 - 3cm và có thể lên đến 10cm. [2]
- Ung thư vú: là dạng u vú ác tính do các tế bào hình thành trong mô tuyến vú và sau đó lan ra toàn bộ vú và di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Triệu chứng khối u ở vú
1. Khối u lành tính
Khối u ở ngực có thể chắc hoặc mềm trong mô vú hoặc gần vùng nách. Dấu hiệu vú có khối u sẽ cảm giác:
- Mấp mô.
- Bờ không đều.
- Đồng nhất hoặc lổn nhổn.
- Mềm mại.
- Chắc.
- Di chuyển được.
- Hình tròn hoặc hình dạng không đều.
Ngoài ra, người bệnh còn thấy khối u vú gây đau và mềm khi chạm vào. Cơn đau xuất hiện vào chu kỳ kinh nguyệt. Một khối u ở vú đi kèm với những thay đổi ở núm vú, chẳng hạn như núm vú thụt trong, tiết dịch trong suốt hoặc có máu. Khối u ở vú khi cho con bú là một triệu chứng của căng sữa hoặc tắc ống dẫn sữa. Người bệnh cần gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời nếu tình trạng này không biến mất trong vòng vài ngày, đặc biệt là sau sạch kinh.
2. Khối u ác tính
Các triệu chứng của khối u vú ác tính bao gồm:
- Khối u cứng: các mô tại khối u rất khác so với các mô vú xung quanh. Ban đầu, khối u di chuyển rồi dần dần ít di chuyển lại.
- Da có những thay đổi như lúm đồng tiền, phồng lên, nhăn nheo hoặc mẩn đỏ.
- Thay đổi về hình dạng hoặc kích thước của vú.
- Đau vú tại một chỗ cụ thể.
- Những thay đổi ở núm vú chẳng hạn như chảy máu, thụt núm vú vào trong hoặc núm vú bị đóng vảy. Một núm vú đột nhiên trông khác với núm vú còn lại.
Mô vú thay đổi sinh lý như thế nào?
Vú chứa các mô có kết cấu khác nhau, bao gồm mỡ, các tuyến và mô liên kết. Một số triệu chứng liên quan đến vú, chẳng hạn như đau hoặc nổi cục, thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Cục u trong thời gian này có thể do có thêm dịch hay nang trong vú. Mô vú cũng thay đổi trong thời kỳ mang thai, mãn kinh và trong khi dùng nội tiết tố.
Khối u ở vú có nguy hiểm không?
Có! Hiện nay tỷ lệ ung thư vú tăng cao dần, xuất hiện ở mọi độ tuổi, không liên quan tình trạng sinh đẻ và tiền sử gia đình mắc ung thư vú. Do đó, dù khối u ở vú lành tính hay ác tính thì bạn cũng nên gặp bác sĩ khám, xét nghiệm và chẩn đoán.
Dấu hiệu khối u ở vú cần gặp bác sĩ
Những lý do khiến bạn tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa bệnh tuyến vú bao gồm:
- Đau vú không hết sau kỳ kinh tiếp theo.
- Khối u ở vú tồn tại lâu hoặc phát triển to, nhiều hơn: nhận thấy sự thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc bề ngoài của vú.
- Khối u dưới nách, cánh tay: phát hiện một khối u mới ở vú hoặc chỗ dày lên có cảm giác khác với các mô xung quanh hoặc vú còn lại.
- Núm vú thay đổi hoặc tiết dịch
- Có một núm vú mới thụt vào trong.
- Nhận thấy tiết dịch núm vú.
- Da vú nhăn nheo hoặc có lúm đồng tiền: nhận thấy những thay đổi về da trên vú, chẳng hạn như ngứa, mẩn đỏ, đóng vảy, lõm xuống hoặc nhăn nheo.
Chẩn đoán khối u trong vú thế nào?
Nếu bác sĩ của bạn tìm thấy một khối u ở vú hoặc khu vực đáng lo ngại khác, có thể bạn sẽ cần xét nghiệm hình ảnh đánh giá thêm.
1. Các kiểm tra hình ảnh học tuyến vú
Để đánh giá thêm khối u ở vú, bác sĩ của bạn có thể đề nghị:
1.1 Tự khám vú
Bạn nên học cách tự làm quen với cảm nhận bộ ngực bình thường của bạn, bạn sẽ dễ dàng phát hiện khi có sự thay đổi bằng cách tự kiểm tra tuyến vú định kỳ hàng tháng sau khi sạch kinh.
1.2 Kiểm tra lâm sàng
Những gì mong đợi trong một cuộc kiểm tra khám vú lâm sàng, bác sĩ có thể sẽ:
- Hỏi về các triệu chứng và các yếu tố nguy cơ ung thư vú hoặc các tình trạng bệnh vú lành tính trước đó nếu có.
- Kiểm tra vú và các hạch bạch huyết ở nách, sờ xem có khối u hay bất kỳ sự khác biệt nào không.
- Kiểm tra da trên vú.
- Kiểm tra các vấn đề về núm vú, chẳng hạn như tụt vào trong hoặc tiết dịch.
1.3 Chụp X-quang vú
X-quang vú chuyên dụng này cho thấy những thay đổi ở vú. Nó chụp ảnh X-quang từ nhiều góc độ.
1.4 Siêu âm vú
Sóng âm tạo ra hình ảnh bên trong vú trên màn hình. Hình ảnh siêu âm rất hữu ích trong việc xác định khối u ở vú là dạng đặc hay chứa đầy chất lỏng gọi là nang vú, đánh giá thêm bản chất tổn thương
1.5 Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Máy MRI sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh bên trong vú. Chụp MRI vú thường được dành riêng khi cần chẩn đoán. Trước khi chụp MRI vú, thuốc cản từ có thể được tiêm qua đường truyền tĩnh mạch (IV) vào cánh tay để tăng cường sự xuất hiện của các mô hoặc mạch máu trên hình ảnh MRI. MRI Vú đặc biệt có lợi ích cho khảo sát trên bệnh nhân có túi ngực 2 bên. Đặc biệt tại BVĐK Tâm Anh có hệ thống MRI 3 Tesla.
2. Các xét nghiệm mới hơn để chụp ảnh vú đang được phát triển và nghiên cứu.
Sinh thiết sang thương trong vú: Điều này liên quan đến việc lấy một mẫu mô và kiểm tra dưới kính hiển vi (sinh thiết). Siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh có thể giúp định hướng kim và có thể sử dụng thuốc gây tê giảm đau tại chỗ chọc hút. Tùy chẩn đoán mà bác sĩ sẽ giải thích cho bạn cân nhắc chọn lựa phương pháp thích hợp với bạn nhất.
Các lựa chọn sinh thiết vú bao gồm:
- Sinh thiết chọc hút kim nhỏ (FNA): với một cây kim mỏng gắn vào ống tiêm, các tế bào và chất lỏng được lấy ra khỏi khu vực đáng nghi ngờ.
- Sinh thiết kim lõi: một cây kim lớn hơn có đầu đặc biệt được sử dụng để lấy được các lõi mẫu mô vú.
- Sinh thiết định vị kim 3 chiều: chụp nhũ ảnh tạo ra hình ảnh của khu vực được đề cập từ nhiều góc độ (hình ảnh 3D). Sau đó, bác sĩ chuyên khoa hình ảnh can thiệp tuyến vú sẽ lấy một mẫu mô vú bằng kim.
- Sinh thiết hỗ trợ chân không (VABB): một đầu dò kết nối với thiết bị hút chân không sẽ loại bỏ một mẫu nhỏ mô vú. Nếu hút 1 phần sang thương là chẩn đoán, còn hút hết sang thương là chẩn đoán và điều trị sang thương lành tính.
- Phẫu thuật cắt bỏ sinh thiết: một vết cắt nhỏ được thực hiện trên da và mô vú để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u. Sau khi sinh thiết, mẫu mô được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe giải thích kết quả.
Theo dõi sau khi đánh giá khối u vú:
- Nếu khối u ở vú không phải là ung thư, bác sĩ sẽ quyết định xem có cần theo dõi ngắn hạn bằng khám vú lâm sàng hoặc chụp lại hình ảnh vú hay không. Bạn có thể được yêu cầu quay lại sau 2 - 3 tháng để xem có thay đổi nào ở vú không. Bạn cần tham khảo và trao đổi với bác sĩ điều trị nếu thấy những thay đổi trong khối u hoặc vùng xung quanh.
- Nếu chẩn đoán còn chưa chắc chắn có thể dẫn đến tư vấn thêm với bác sĩ phẫu thuật hoặc chuyên gia bệnh tuyến vú khác. Ví dụ như khi khám vú lâm sàng và chụp X-quang tuyến vú cho thấy những vùng nghi ngờ nhưng sinh thiết lại lành tính.
- Một khối u vú xác định là ung thư cần điều trị. Phải chẩn đoán loại giải phẫu bệnh khối u và các yếu tố khác như sinh học bướu, mức độ rộng của bướu, mức độ ăn lan sang các co quan (di căn), các yếu tố thuộc bệnh nhân, nhu cầu thẩm mỹ, … sẽ ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị. Lúc này bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia điều trị bệnh tuyến vú.
Điều trị khối u vú
Tùy theo khối u ở vú lành tính hay ác tính, mức độ khối u, sức khỏe người bệnh… mà bác sĩ khoa Ngoại Vú sẽ có phương án, phác đồ điều trị riêng cho phù hợp.
Phòng ngừa và cẩn trọng khối u cục trong vú
- Cho con bú đúng cách. Khi thấy ống dẫn sữa bị đầy sau khi cho con bú, người bệnh cần ngâm ngực nước ấm vài phút, thấm khô bằng khăn sạch, xoa bóp ngực và vắt sữa bằng tay ra bình đựng. Xoa bóp ngực theo chuyển động tròn để tránh sữa dồn lại một chỗ.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Ăn uống chế độ lành mạnh.
- Hạn chế hút thuốc lá, rượu, bia,…
- Khám vú định kỳ.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gia đình người bệnh có tiền sử ung thư vú.
Khối u ở vú do một số nguyên nhân chứ không chỉ ung thư vú. Vì vậy, người bệnh không nên quá lo sợ nếu phát hiện có một khối u ở ngực. Tham khảo ý kiến bác sĩ Ngoại Vú để được thăm khám và điều trị.
Phát hiện một khối u ở vú hoặc thay đổi khác ở vú có thể khiến bạn lo lắng về bệnh ung thư vú. Bác sĩ có thể hiểu được nỗi lo lắng của bạn. Nhưng khối u trong vú là phổ biến, dù vậy hầu hết chúng không phải ung thư (lành tính), đặc biệt phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải được bác sĩ chuyên khoa về bệnh tuyến vú khám và đánh giá bất kỳ khối u nào ở vú, đặc biệt nếu khối u mới xuất hiện hoặc nếu một bên vú có cảm giác khác với bên còn lại.
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, liên tục cập nhật phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp chị em tầm soát ung thư vú, điều trị hiệu quả. Đặc biệt, chị em có thể chia sẻ những khó khăn với các thành viên trong Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú - Bệnh viện Tâm Anh.
Một khối u ở vú hoặc những thay đổi ở vú cần được khám đánh giá sớm để xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp nếu cần. Biết những gì sẽ xảy ra khi khám vú lâm sàng và điều gì sẽ xảy ra khi một khối u hoặc thay đổi ở vú cần được đánh giá thêm. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh, đặc biệt ở các chị em phụ nữ hiểu hơn về khối u vú và thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe bản thân.