Truyện cổ dân gian ở một nước châu Âu có kể lại câu chuyện như sau: Một hôm, khi họp văn võ bá quan, Diêm vương (Vua của xứ âm phủ) lo lắng đặt vấn đề: “Nhân lực của ta hiện nay rất thiếu. Ai có sáng kiến gì để tuyển mộ những người vẫn còn khỏe mạnh, không mắc bệnh về gan, ruột, tim, phổi... mà vẫn phải chết, để bổ sung cho nguồn lao động của ta”.
Triều đình âm phủ thảo luận rất sôi nổi và hào hứng, đưa ra đề cử nhiều vị Thần có tài phá hoại con người. Rốt cuộc Thần Lười biếng, còn gọi là Thần Lười hay Thần Nhác được cử lên Hạ giới để thực hiện việc tuyển người cho Diêm vương.
Quả nhiên sau một thời gian xâm nhập vào các gia đình, từ thôn quê đến thành thị, từ nhà giầu đến nhà nghèo, Thần Lười còn xâm nhập vào các công ty, các nhà máy, các nông trại và cuối cùng ngài đã thu được kết quả không thể ngờ tới.
Bài viết này thông qua các Danh ngôn thế giới để thử tìm hiểu xem tại sao Thần Lười lại lợi hại đến thế.
Theo Từ điển tiếng Việt: “Lười là ở trạng thái không thích, ngại làm việc, ít chịu cố gắng. Thí dụ: Lười học chỉ thích chơi. Lười suy nghĩ”. “Lười biếng (còn gọi là lười nhác, bệnh lười biếng) là lười nói khái quát”.
Tất cả các sách giáo khoa, sách dạy làm người trên thế giới đều trích dẫn lời nói bất hủ của đại văn hào Victor Hugo lên trang nhất, xếp hàng đầu của mọi trích dẫn về sự lười biếng, đó là: “Lười biếng là bà mẹ. Bà ấy có một đứa con trai là trộm cắp và một đứa con gái là sự đói rách”. Câu này được Victor Hugo viết trong tác phẩm vĩ đại của nhân loại, đó là bộ sách “Những người khốn khổ”. Tại sao gọi là bộ sách? Vì nó dầy hàng ngàn trang với những công trình nghiên cứu rất công phu trong gần 30 năm trời. Về sau, để thuận lợi cho người đọc, người ta phải bỏ bớt những đoạn nghiên cứu quá sâu về hệ thống cống ngầm ở Paris, về hệ thống hành chính thời kỳ đó ...
Ai đọc danh ngôn ngắn ngủi này của Victor Hugo cũng giật mình vì cái tác hại, cái khốn khổ của sự lười biếng mà ông đã nêu ra một cách quá dễ hiểu, dễ thấy, dễ cảm nhận.
Những con người lười biếng, trộm cắp, đói rách chắc chắn dẫn đến cái hủy hoại, cái chết, khỏi phải lý luận lòng vòng.
Tại sao bọn lười phải chết đói, chết khát? Vì như một ngạn ngữ cổ của người Đức đã phát hiện ra cái cơ chế sinh bệnh mà bọn lười mắc phải, đó là: “Ngày mai, ngày mai, nhất định không phải là ngày hôm nay. Tất cả bọn lười đều nói như thế”.
Thế thì rõ rồi, đợi ngày mai mới bắt đầu làm thì hôm nay chết đói là cái chắc!
Một ngạn ngữ cổ của người Anh cũng viết: “Tay lười biếng thì bụng ắt phải trống rỗng”.
Việt Nam ta có câu ca dao mà ai ai cũng phải thuộc lòng: “Tay làm hàm nhai/ Tay quai miệng trễ”.
Sách luận ngữ phương Đông cổ cũng viết: “Cây gỗ mục không thể dùng để trạm trổ được” (Hủ mộc bất khả điêu dã). Gỗ mục không dùng để trạm trổ được, cũng không đun được vì đun củi mục thì chỉ có khói chứ không có lửa, đành phải vứt đi. Uổng phí biết bao!
Còn nhà triết học Chesterfield (năm 1694 - 1773) phát hiện ra căn bệnh của kẻ lười biếng khi ông viết: “Lười biếng chỉ là sự trốn tránh của những tâm hồn yếu đuối”. Vì sao những kẻ lười biếng trốn học lúc bé, trốn lao động lúc lớn ? Vì sự học, sự lao động luôn đem lại cho bọn lười sự buồn bã, sự chán nản.Khi đi học, càng bỏ bài, càng trốn học thì càng không nắm được bài. Những bài học tiếp theo sẽ không hiểu được gì, cứ đuối dần, đuối dần làm cho khoảng cách của học sinh lười với các bạn cùng lớp cứ xa dần, xa dần mãi. Có nhiều trường hợp chính bạn cùng lớp phải giảng lại bài cho bạn học kém ngồi ngay cạnh mình.
Trong xã hội sẽ có những tình huống xẩy ra đối với những học sinh học kém như sau:
- Nếu may mắn các em đủ tiêu chuẩn vào được các trường dạy nghề (Trung cấp hay Sơ cấp) thì khi ra trường sẽ có việc làm ổn định.
- Nếu nhà có thế lực, có tiền họ sẽ cho con đi du học nước ngoài sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Dĩ nhiên ngay cả những kiến thức văn hóa bằng tiếng Việt những học sinh kém này còn không hiểu hết thì những kiến thức bằng tiếng nước ngoài họ hiểu làm sao được. Vì vậy những người này sẽ không tiếp thu được bài vở, nên họ chán học và bỏ học, chơi bời lêu lổng, tiêu sài tiền của bố mẹ mấy năm mà không lấy được tấm bằng tốt nghiệp nào. Do không có tấm bằng nào nên khi về nước những em này đành làm nhì nhằng các việc chẳng đâu vào đâu, nếu nhà có tiền thì lại tiếp tục ăn bám bố mẹ. Có em do học căng thẳng quá cùng với cảm giác cô đơn bị bỏ rơi, bị kỳ thị ở xứ người mà phát điên, thật tội nghiệp!
- Nếu nhà không có điều kiện lại học kém, những em này phải bỏ học đi làm để kiếm sống, gặp việc gì làm việc nấy nên cuộc sống rất bấp bênh.
- Một số em bỏ học đi bụi đời, theo bạn xấu sẽ dễ sinh ra trộm cắp, tù tội. Có em phải tự tử để trốn việc đời, thật tội nghiệp!
Qua những ý phân tích trên cho thấy: Con người ta, từ lúc bé đến khi trưởng thành không bao giờ được phép buồn chán, không bao giờ được ngưng học hỏi, ngưng đọc sách, ngưng làm việc. Vì sự buồn chán sẽ hủy diệt con người.
Đại thi hào Jean de La Bruyère (năm 1645 - 1696) đã viết: “Sự buồn chán xâm nhập vào con người qua con đường lười biếng”.
Tạm nêu ra công thức: Lười biếng à Buồn chán à Hỏng đời
Từ công thức này cần có các biện pháp để phòng bệnh, ngăn ngừa bệnh (Y học dự phòng) ở các lứa tuổi:
Tuổi còn đi học (Phổ thông, Đại học, Dạy nghề): Bắt buộc phải chăm chỉ. Chỗ nào không hiểu phải hỏi đi hỏi lại cho đến khi hiểu được mới thôi. Có thế thì mỗi năm mới lên một lớp, không phải thi lại, học lại mới không chán học. Phải cố đạt được cái bằng Tốt nghiệp Phổ thông trung học, Tốt nghiệp trường nghề, Tốt nghiệp Đại học để dễ xin được việc làm.
Như thế lứa tuổi này được áp dụng từ năm lớp 1 đến khi Tốt nghiệp PTTH, trường nghề hay Đại học.
Tuổi đi làm: Phải cố gắng chăm chỉ từ ngày đầu đi làm. Cố nhịn và bỏ ngoài tai mọi dè bỉu, chê bai, kiên trì cố gắng vươn lên. Cứ thế, cứ thế mỗi ngày có một niềm vui nho nhỏ mới. Không bao giờ được chán nản. Không bao giờ được bỏ việc. Nhớ câu ngạn ngữ cổ của người Pháp: “Hòn đá cứ lăn mãi thì rêu còn bám vào làm sao được”.
Tuổi trung niên, tuổi già: Tuyệt đối không được nằm dài cả ngày trên giường. Phải tập thể dục hàng ngày. Phải đi bộ hàng ngày. Phải tìm việc mà làm. Tuyệt đối không lười biếng. Tuyệt đối không chán nản. Hãy nhớ lại công thức đã nêu trên mà tỉnh ngộ.
Báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: Cùng bị tai biến mạch máu não, cùng bị đột quỵ, cùng bị liệt nửa người, nhưng những ai chăm chỉ tập luyện, cắn răng chịu đau khi tập luyện hàng ngày thì sẽ nhanh chóng hồi phục, thậm chí còn sống thọ trước sự kinh ngạc của bạn bè. Trái lại, những người quen thói lười biếng, ỉ lại, ít tự vận động, ít tự tập luyện sẽ “ra đi” rất sớm.
Tạm sơ kết: Buồn nản là nguyên nhân dẫn đến hủy hoại con người. Mà chính sự lười biếng đã sinh ra buồn nản, cho nên phải triệt tận gốc sự lười biếng.
Tác giả L.Bridier có thêm cách nhìn về tác hại của sư lười biếng. Theo Bridier, con người ta tồn tại được là nhờ có trí khôn phản biện (tư duy phản biện - Critical thinking). Nếu ta mắc phải chứng lười biếng, tật lười nhác từ lúc còn nhỏ, từ lúc còn là thanh thiếu niên thì đặc biệt nguy hiểm và khó chữa chạy. Vì sao? L.Bridier đã viết: “Sự lười biếng làm thoái hóa trí khôn của con người”, mà sự thoái hóa trí khôn sẽ dẫn đến trì độn, đến ngu dại, đến tự kỷ và sau cùng sẽ dẫn đến sự hủy hoại nhân cách của con người (Dépersonalité). Thế là xong một kiếp người!
Sơ kết lại, ta đã thấy rõ tác hại của bệnh lười biếng. Muốn chống lại nó ta phải tập luyện từ nhỏ và tập luyện suốt đời sự chăm chỉ, tính cần cù chịu khó, nhất là phải chịu cực, chịu khổ để phấn đấu mỗi ngày một tốt đẹp hơn, có giá trị hơn, có ý nghĩa hơn.