Hầu hết mọi người đều từng gặp ác mộng khi ngủ. Trẻ em thường có nguy cơ mơ thấy ác mộng nhiều hơn. Vậy, các cơn ác mộng hay mơ thấy ác mộng khi ngủ có nguy hiểm không?
Vì sao bạn thường xuyên mơ thấy ác mộng? Tình trạng ngủ mơ thấy ác mộng có đáng lo ngại hay không? Biện pháp khắc phục tình trạng này để có giấc ngủ ngon hơn là gì?
Ác mộng là gì?
Ác mộng là tình trạng một người khi đang ngủ nằm mơ thấy những vấn đề tiêu cực, kinh dị, kỳ quái hoặc khó chịu, gây cảm giác sợ hãi, lo lắng. Việc mơ thấy ác mộng có thể khiến người đó đột ngột tỉnh giấc và khó ngủ lại do tâm lý sợ hãi, mệt mỏi, có cảm giác bồn chồn lo lắng.
Những cơn ác mộng thường xảy ra hơn trong giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Sau khi nằm mơ thấy ác mộng và tỉnh giấc, bạn có thể nhớ những chi tiết về cơn ác mộng hoặc không, chỉ nhớ về cảm xúc tiêu cực mà mình trải qua. (1)
Trẻ em thường gặp ác mộng nhiều hơn ở người lớn, đặc biệt là khi trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ác mộng vẫn tồn tại đến tận tuổi thiếu niên và trưởng thành. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ thường gặp ác mộng hơn nam giới.
Trong nhiều trường hợp, nằm ngủ mơ thấy ác mộng không được xem là rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu liên tục mơ thấy ác mộng thì có thể bạn đang bị rối loạn giấc ngủ và cần can thiệp điều trị.
Triệu chứng khi mơ thấy ác mộng
Một cơn ác mộng có thể liên quan đến những đặc điểm sau: (2)
- Giấc mơ có vẻ sống động, chân thực và gây nên cảm giác sợ hãi, khó chịu. Nội dung giấc mơ thường liên quan đến các mối đe dọa đến sự an toàn, sự sống còn hoặc các vấn đề khác khiến bạn sợ hãi và lo lắng.
- Giấc mơ có thể đánh thức bạn.
- Bạn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, tức giận, buồn bã hoặc ghê tởm vì giấc mơ của mình.
- Bạn cảm thấy đổ mồ hôi hoặc nhịp tim đập thình thịch khi ở trên giường.
- Bạn có thể suy nghĩ rõ ràng khi thức dậy và có thể nhớ lại chi tiết về giấc mơ của mình.
- Giấc mơ gây ra sự sợ hãi, lo lắng, đau khổ khiến bạn không thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ sau khi tỉnh giấc.
Nguyên nhân hay gặp ác mộng
Không thể nói được chính xác nguyên nhân gây ác mộng là gì. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nằm mơ thấy ác mộng gồm có: (3)
1. Căng thẳng, lo âu
Căng thẳng và sợ hãi, lo âu, áp lực,… có thể gây ra ác mộng. Những người thường xuyên bị căng thẳng và lo lắng có thể dễ mắc chứng rối loạn giấc ngủ và thường xuyên nằm mơ thấy ác mộng hơn.
2. Chấn thương và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
Những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần như rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) có nguy cơ nằm mơ thấy ác mộng cao hơn. Những cơn ác mộng thường có nội dung liên quan đến ký ức đau thương đã trải qua. Nếu không kịp thời cải thiện, tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn sẽ ngày càng trầm trọng hơn và gây ra chứng khó ngủ, mất ngủ.
3. Sức khỏe tâm thần
Những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần khác như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực,… cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Nếu bạn có sức khỏe tâm thần kém, bạn sẽ có nguy cơ ngủ không ngon giấc, nằm mơ thấy ác mộng, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm,… cao hơn.
4. Sử dụng chất kích thích
Sử dụng một số loại chất kích thích như rượu, bia, ma túy có thể tác động đến hệ thần kinh, khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng và có nhiều khả năng ngủ mơ thấy ác mộng.
5. Sử dụng thuốc
Các loại thuốc, dược phẩm có thể có tác dụng phụ gây ức chế hệ thần kinh trung ương và làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Các loại thuốc này thường là thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc chẹn beta và thuốc dùng để điều trị bệnh Parkinson hoặc giúp cai thuốc lá,…
Nếu bạn gặp ác mộng thường xuyên sau khi dùng hoặc ngưng dùng một loại thuốc nào đó, nên thông báo với bác sĩ để được kiểm tra và thay đổi phương pháp dùng thuốc điều trị nếu cần thiết.
6. Thiếu ngủ
Những thay đổi trong lịch trình của bạn khiến thời gian ngủ và thức dậy không đều hoặc làm gián đoạn hoặc giảm thời gian ngủ có thể làm tăng nguy cơ gặp ác mộng.
Sau một thời gian ngủ không đủ giấc, bạn thường trải qua giai đoạn phục hồi REM. Lúc này, bạn dễ gặp những cơn ác mộng hay những giấc mơ đầy sống động.
Tìm hiểu thêm: Thiếu ngủ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng.
7. Chứng ngưng thở khi ngủ
Một số nghiên cứu cũng tìm thấy mối tương quan giữa tình trạng gặp ác mộng và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Nếu bạn mắc chứng rối loạn hô hấp khiến bạn có những đợt ngưng thở ngắn xảy ra liên tục trong khi ngủ, giấc ngủ của bạn sẽ bị gián đoạn và làm bạn tăng nguy cơ gặp ác mộng giữa đêm.
8. Do bệnh lý
Ác mộng có thể xảy ra nhiều hơn ở những người gặp các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như người bị bệnh tim hoặc ung thư.
9. Sách và phim ảnh gây sợ
Đối với một số người, đọc sách kinh dị hoặc xem phim kinh dị, đặc biệt là trước khi đi ngủ, có thể làm tăng cảm giác căng thẳng, ám ảnh. Sự ám ảnh này sẽ đi vào giấc ngủ và dẫn đến những cơn ác mộng.
10. Tiền sử gia đình
Mặc dù chưa có các bằng chứng khoa học đầy đủ nhưng một số giả thuyết đặt ra cho rằng việc nằm mơ thấy ác mộng cũng có tính di truyền. Khi các thành viên trong gia đình có tiền sử gặp ác mộng hoặc các vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ, bạn cũng có nhiều nguy cơ gặp ác mộng khi ngủ hơn.
Tác hại của tình trạng ngủ mơ thấy ác mộng
Thường xuyên ngủ nằm mơ thấy ác mộng có thể gây nên nhiều vấn đề, chẳng hạn như:
- Dễ bị buồn ngủ ban ngày quá mức do ngủ không đủ giấc, giấc ngủ không sâu. Điều này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung học hoặc làm việc, dễ gặp sai sót trong công việc hàng ngày như lái xe hay điều khiển máy móc, tăng nguy cơ gặp tai nạn,…
- Gặp các vấn đề về tâm trạng, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng do liên tục nghĩ tới các cơn ác mộng
- Rối loạn giấc ngủ do cố gắng chống lại việc đi ngủ vì sợ sẽ tiếp tục gặp ác mộng
- Có ý nghĩ tự sát
Tình trạng nằm mơ thấy ác mộng khi nào cần gặp bác sĩ?
Gần như ⅔ dân số thế giới đều từng trải qua một cơn ác mộng trong đời. Với nhiều người, việc gặp ác mộng là điều bình thường. Vậy khi nào thì nên đến bệnh viện thăm khám?
Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng mới gặp ác mộng thì tình trạng này không quá nghiêm trọng, không đáng lo ngại. Nhưng nếu bạn thường xuyên gặp ác mộng (ví dụ nhiều hơn 1 lần/tuần) và những cơn ác mộng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bạn, bạn cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh thăm khám để biết điều gì đang xảy ra với mình.
Các bác sĩ sẽ giúp bạn đánh giá xem tình trạng hiện tại của bạn có phải là rối loạn giấc ngủ hay không, bạn có đang mắc các bệnh tâm lý hay thần kinh hay không, đâu là biện pháp có thể giúp bạn cải thiện tình trạng thường xuyên nằm mơ thấy ác mộng,…
Cách chẩn đoán cơn ác mộng
Ác mộng chỉ được coi là một chứng rối loạn giấc ngủ nếu những giấc mơ mang tính chất tiêu cực gây ảnh hưởng sức khỏe, lo lắng, khủng hoảng hoặc không ngủ đủ giấc. Để chẩn đoán ác mộng, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và các triệu chứng của bạn. Cụ thể:
- Khám sức khỏe tổng thể: Bạn có thể được khám sức khỏe để xác định bất kỳ tình trạng nào có thể góp phần gây ra ác mộng.
- Bài kiểm tra sức khỏe tâm thần: Nếu những cơn ác mộng tái diễn của bạn cho thấy sự lo lắng tiềm ẩn, bạn sẽ được thực hiện bài kiểm tra để đánh giá trạng thái sức khỏe tinh thần của bạn hiện tại.
- Thảo luận về triệu chứng: Rối loạn giấc ngủ gây ác mộng thường được chẩn đoán dựa trên mô tả về trải nghiệm của bạn. Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử gia đình bạn có vấn đề về giấc ngủ hay không. Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn hoặc người ngủ cùng với bạn về hành vi ngủ của bạn như bạn có ngáy ngủ không để chẩn đoán về khả năng mắc các chứng rối loạn giấc ngủ khác.
- Đo đa ký giấc ngủ: Nếu nghi ngờ bạn bị hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc những vấn đề rối loạn giấc ngủ khác khiến bạn gặp ác mộng, bạn có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện đo đa ký giấc ngủ. Các cảm biến của máy đo đa ký giấc ngủ đặt trên cơ thể sẽ theo dõi sóng não, nồng độ oxy trong máu, nhịp tim và nhịp thở cũng như chuyển động của mắt và chân khi bạn ngủ… Kết quả đo đa ký giấc ngủ giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác hơn về tình trạng gặp ác mộng khi ngủ của bạn.
Cách điều trị tình trạng ngủ ác mộng
Làm thế nào để ngừng gặp ác mộng khi ngủ? Để phòng ngừa, cải thiện tình trạng ngủ hay nằm mơ thấy ác mộng, bác sĩ có thể tư vấn, chỉ định các biện pháp khác nhau. Ví dụ như:
- Điều trị bệnh lý gây ác mộng: Đối với những người gặp ác mộng do các tình trạng như ngưng thở khi ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ, hội chứng chân không yên, việc điều trị bệnh lý sẽ giúp giảm triệu chứng.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Nếu tình trạng nằm mơ thấy ác mộng là do sử dụng chất kích thích, dùng thuốc, thói quen ăn khuya,… thì bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn, yêu cầu bạn thay đổi các thói quen sinh hoạt chưa phù hợp. Đặc biệt, nên chú ý không xem hoặc đọc những nội dung gây ám ảnh tâm lý trước khi đi ngủ.
- Vệ sinh giấc ngủ: Vệ sinh giấc ngủ bao gồm cả các thói quen ban ngày và ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Cải thiện vệ sinh giấc ngủ có thể thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn và có thể giảm ác mộng. Những thói quen tốt nên áp dụng có thể kể đến như:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày
- Sắp xếp không gian phòng ngủ thoải mái, sạch sẽ, thông thoáng
- Không dùng phòng ngủ để làm việc, vui chơi
- Tập thể dục, vận động trước giờ đi ngủ ít nhất 2-3 tiếng
- Tránh ngồi yên một chỗ cả ngày mà không vận động
- Tránh ăn nhiều trước khi đi ngủ
- Không uống rượu bia hay đồ uống có cồn, sử dụng nicotine và caffeine vào buổi tối
- Không uống nhiều nước và cố gắng đi vệ sinh trước khi đi ngủ để giảm nhu cầu phải thức dậy đi tiểu
- Tắt hoặc cất các thiết bị điện tử khi chuẩn bị đi ngủ
- Thực hiện các biện pháp thư giãn trước khi ngủ
- Tìm cách giảm căng thẳng: Nếu ác mộng xuất phát từ việc sang chấn tâm lý, áp lực,… thì bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp giúp bạn thư giãn để không còn nằm mơ thấy ác mộng nữa. Bạn có thể dành thời gian cho các hoạt động chăm sóc bản thân như tập thể dục, nghỉ ngơi, yoga, thiền, nghe nhạc, đi dạo, gặp gỡ bạn bè, mua sắm,…
- Thuốc giảm ác mộng: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị việc ngủ mơ ác mộng thường xuyên. Các loại thuốc có thể giúp bạn ngủ sâu hơn hoặc cảm thấy thư giãn hơn, ngủ ngon hơn mà không cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc vẫn còn gây nên nhiều tranh cãi. Nếu bạn muốn dùng bất cứ loại thuốc gì, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Hiện tượng gặp ác mộng khi ngủ phải làm sao?
Nếu bạn đang ngủ nhưng đột nhiên tỉnh giấc vì gặp ác mộng, điều này có thể khiến bạn cảm thấy hoang mang, mệt mỏi, lo sợ,… Lúc này bạn dễ bị mất ngủ, khó ngủ trở lại hay chỉ ngủ chập chờn không sâu giấc,…
Khi vừa nằm mơ thấy ác mộng, bạn nên cố gắng để hít thở sâu, giữ nhịp thở đều. Bạn có thể hít vào trong 10 giây rồi thở ra, lặp lại cho đến khi nào cảm thấy nhịp thở được ổn định, không còn thở nhanh và choáng váng.
Động tác thở sâu tuy đơn giản nhưng lại có thể giúp bạn cảm thấy bình tĩnh lại, yên tâm hơn và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Nếu vẫn còn sợ hãi, bạn có thể viết lại cơn ác mộng vừa trải qua. Việc ghi lại những cảm xúc, nỗi sợ của mình cũng là một cách để bạn trở nên bình tĩnh hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thảo luận với người thân, bạn bè về giấc mơ tiêu cực mà bạn vừa trải qua. Người thân, bạn bè sẽ phần nào giúp bạn xác nhận rằng đây chỉ là một giấc mơ không có thật, giúp bạn cảm thấy yên tâm hơn.
Cách phòng ngừa, cải thiện tình trạng ngủ hay gặp ác mộng
Để phòng ngừa tình trạng ngủ hay gặp ác mộng, tốt nhất bạn không nên xem phim hoặc đọc truyện kinh dị hay những ấn phẩm, nội dung có tính chất kích thích tâm lý, gây sợ hãi trước khi đi ngủ. Tránh thảo luận với mọi người về những nội dung liên quan.
Nên tránh đi ngủ khi đang có những cảm xúc căng thẳng, tiêu cực. Thay vào đó, bạn có thể nghe nhạc, ngâm chân với nước ấm, dùng tinh dầu thư giãn,… để cảm thấy dễ ngủ hơn. Loại trừ những cảm xúc lo lắng, áp lực sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn và hạn chế được tình trạng gặp ác mộng khi ngủ.
Người hay gặp các cơn ác mộng nên đi khám ở chuyên khoa thần kinh để được bác sĩ chẩn đoán cụ thể. Hiện nay, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 là đơn vị uy tín chuyên thăm khám, tầm soát các bệnh lý thần kinh trong đó có tình trạng hay gặp ác mộng.
Khoa quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, ứng dụng nhiều thiết bị máy móc hiện đại, hỗ trợ tốt nhất cho việc thăm khám và điều trị như máy đo đa ký giấc ngủ, máy chụp CT 768, 1975 lát cắt, máy chụp MRI 1,5 - 3 Tesla,…
Tóm lại, ác mộng không quá nguy hiểm, không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng thường xuyên gặp ác mộng có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng sức khỏe. Mỗi người không nên chủ quan nếu hay nằm mơ thấy ác mộng, cần sớm thăm khám và điều trị, nếu có.