Sáng nay, đang ngồi soạn một đề cương nghiên cứu để xin tiền, thì nhận được tin không vui. “Đời là vạn ngày sầu / biết tìm vui chốn nào … Ôi! Ước mơ nhiều cũng thế thôi.” Và, đó là cái cớ để tôi có đôi dòng chia sẻ về cái khái niệm ‘Lí Lịch Thất Bại’.
Ở đại học tôi công tác, họ có một đơn vị chuyên đi ‘săn’ giải thưởng cho các giảng viên và giáo sư mà họ xem là có tiềm năng. Tôi thì nghĩ mình không cần giải thưởng nữa, nhưng họ thì nghĩ khác. Khi người của đại học có giải thưởng, thì họ có dịp để … lăng xê. Lăng xê cho đại học là chánh. Do đó, năm nào họ cũng thúc tôi viết đơn xin giải thưởng. Đủ thứ giải thưởng. Thật ra, họ viết gần hết, tôi chỉ việc cung cấp thông tin và kí tên thôi.
Đầu năm nay, họ tìm ra cái giải thưởng của Thủ hiến Tiểu bang New South Wales, và giúp tôi soạn hồ sơ. Giải thưởng này chẳng có bao nhiêu tiền, nhưng nó có giá trị tinh thần và giá trị cho đại học. Vài năm trước, đại học có một nữ giáo sư được trao giải thưởng này. Hồ sơ cũng đơn giản, chỉ liệt kê 1 công trình nghiên cứu tiêu biểu, kèm theo những bài báo khoa học, grant tài trợ và các giải thưởng khác. Nhưng cách viết phải hết sức ‘chiến lược’ và phải có chứng cứ rành mạch để hợi đồng xét duyệt có thể kiểm chứng.
Sáu tháng sau, hôm nay kết quả đã tới, qua một email gởi cho sếp tôi (dịch):
“Thưa Giáo sư K:
Cám ơn giáo sư đã đề cử Giáo sư Xuất sắc Tuan Nguyen cho Giải thưởng Thủ hiến Năm 2024.
Năm nay, văn phòng chúng tôi nhận được rất nhiều hồ sơ cho Giải thưởng, và tôi rất tiếc là ứng viên giáo sư đề cử không được chọn để trao Giải thưởng năm nay.
Hội đồng Giải thưởng rất ấn tượng với những thành tựu của ứng viên, và xem ông ấy là một ‘Ứng viên chung kết’ (finalist).
Trân trọng.”
Họ không nói có bao nhiêu ứng viên vào vòng chung kết, nhưng tôi hiểu là 3 người, và trong số đó có 1 người được trao giải. Sếp tôi chắc nghĩ tôi sẽ buồn nên viết email an ủi:
“Mến gởi Tuấn:
Tôi nghĩ là anh sẽ buồn khi nhận tin này, nhưng thật là tuyệt vời khi họ chọn anh là finalist. Đó là một thành tựu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cử anh vào năm tới.”
Tôi trả lời:
“K mến:
Oh, tôi không buồn gì đâu. Ở đời, thỉnh thoảng chúng ta thắng, nhưng thỉnh thoảng chúng ta thua. Bình thường mà. Lần thua này là thêm một dòng cho cái ‘Lí Lịch Thất Bại’ của tôi.”
Sếp trả lời bằng một email với dòng chữ: “Haha.”
Trong email trả lời cho sếp, tôi có nhắc tới ‘Lí Lịch Thất Bại’, hay ‘CV of Failures’, và đó là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn ở đây.
Lí Lịch Thất Bại
Đa số chúng ta chỉ thích nói về những ‘thành công’ và ‘thành tựu’ của mình. Do đó, cái lí lịch khoa học chỉ có những thông tin màu hồng, những thông tin về bằng cấp, về chức vụ, về bài báo khoa học xịn sò, về hàng chục triệu đôla tài trợ đã xin được, về những giải thưởng danh giá, v.v. Không ai liệt kê những thất bại cả.
Đọc lên cứ như là một vĩ nhân vậy.
Nhưng trong thực tế thì chẳng vĩ nhân gì đâu, cũng thất bại ê chề lắm. Để đạt được những chức vụ cao cấp đó thì chắc chắn ứng viên đã bị thất bại nhiều lần trước đó. Để công bố được những bài báo trên các tập san xịn, thì trước đó đã bị từ chối ‘bầm dập’ biết bao nhiêu lần rồi. Cứ mỗi cái grant xin được thì cả chục cái đã bị từ chối trước đó mà có ai biết đâu. Để có một giải thưởng danh giá, thì trước đó đã bị từ chối nhiều lần rồi. Công chúng không nhìn thấy những thất bại đó.
Những thất bại đó có thể viết thành một bản lí lịch của thất bại.

Link: https://thathungrymind.quora.com/Puttings-Things-in-Perspective-with-a-CV-of-Failures
Khái niệm ‘CV of Failures‘ xuất phát từ một bài báo của Melanie Stefan công bố trên Nature [1]. Ý tưởng của ‘Lí Lịch Thất Bại’ là để truyền cảm hứng cho giới trẻ cố gắng phấn đấu, để họ không đầu hàng trước nghịch cảnh, để họ có sức mạnh cho việc đối phó với những thất bại trong đời.
Lấy cảm hứng từ bài báo của Stefan, Giáo sư tâm lí học Johannes Haushofer (Đại học Princeton) công bố cái lí lịch thất bại của ông. Trong đó, ông liệt kê những văn bằng ông bị rớt, hàng loạt bài báo lớn bị từ chối, nhiều đơn xin tài trợ bị bác bỏ, cùng những giải thưởng không đạt được. Ngay sau đó, cái lí lịch thất bại của Johannes Haushofer trở thành ‘sensational’ và được rất nhiều ngưởi ủng hộ.
Sau đó, nhiều người khác cũng chia sẻ lí lịch thất bại của họ. Họ cho rằng sau khi viết xong cái lí lịch thất bại, họ cảm thấy thoải mái hơn, họ cảm thấy những thất bại đó không phải là rào cản, mà là động cơ để làm tốt hơn trong tương lai. Chỉ có người thành công mới dám công bố cái lí lịch thất bại.
‘Thành công’ = ‘cố gắng’
Cái lí lịch thất bại nó giúp cho chúng ta tái định nghĩa thế nào là ‘thành công’. Thành công là gì? Đa số chúng ta hay nghĩ rằng thành công là đạt được kết quả mình mong muốn. Mình mong muốn có thể là nhiều tiền, là chức vụ, là cái ‘danh gì với núi sông’, v.v.
Nhưng có lẽ nên xem xét lại ý nghĩa đó.
Chữ success / thành công xuất hiện lần đầu vào giữa thế kỉ 16, và nó có nguồn gốc từ tiếng Latin ‘succedere’ có nghĩa là ‘đến gần sau’, ‘tiến bộ’, ‘theo sau’, ‘đến gần’. Theo đó, ý nghĩa gốc của nó chỉ đơn giản là ‘có cố gắng.‘
Xin nhắc lại: thành công là cố gắng. Chỉ đơn giản thế thôi.
Quay lại cái ý tưởng của lí lịch thất bại, câu hỏi đặt ra là nó có thật sự giúp chúng ta tốt hơn? Theo một nghiên cứu, câu trả lời là YES. Năm 2016, các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia đã làm một nghiên cứu trên 400 sinh viên, và họ chia thành 3 nhóm [2]:
- Nhóm 1 được cung cấp một bài mô tả dài 800 chữ về những thành tựu vĩ đại của những người lừng danh như Albert Einstein, Marie Curie và Michael Faraday.
- Nhóm 2 được nghe về những khó khăn cá nhân của các nhà khoa học, chẳng hạn như Marie Curie, người luôn đứng đầu trong lớp nhưng bị từ chối không được vào Đại học Warsaw và phải bí mật theo học tại “Đại học Di Động” (vì địa điểm học thay đổi liên tục) dành cho những phụ nữ không được khuyến khích theo đuổi đại học.
- Nhóm 3 được kể về những thất bại của những nhà khoa học lừng danh.
Sau 6 tuần, các sinh viên trong nhóm 2 và 3 (những người đã học về những thất bại) cảm thấy gắn kết với những câu chuyện phấn đấu và có kết quả vượt trội so với những người chỉ nghe về thành công (nhóm 1).
‘Đời Đá Vàng’
Từ nghiên cứu trên và từ khái niệm ‘Lí Lịch Thất Bại’, tôi thấy có 3 bài học cho giới trẻ:
Bài học 1 là đừng có mất thì giờ đọc những cuốn sách của những người thành công đang được bày bán nhan nhản trong các tiệm sách. Những câu chuyện trong những sách loại đó chỉ cung cấp một chiều thôi, chứ không nói tới những thất bại nhiều lần trước khi họ giàu có như họ mô tả.
Cũng đừng mất thì giờ nghe những diễn giả nói về những ‘thành công’ của họ, vì các bạn chưa nghe qua những thất bại cay đắng của họ. Có khi họ nói đến những thất bại nhưng chỉ để nói họ vĩ đại như thế nào thôi, chứ không phải thất bại thật. Nhưng như thấy trên, các bạn học từ thất bại, ít ai học từ cái vinh quang của họ.
Bài học 2 là các bạn phải khiêm tốn. Xu hướng ngày nay là các bạn trẻ có vẻ tự đại quá, họ thấy mình tài ba và vĩ đại quá. Đọc báo Việt Nam hàng ngày sẽ thấy: nào là tiến sĩ tuổi đôi mươi; khám phá liệu pháp trị ung thư; nghiên cứu làm cả thế giới nể phục, v.v. Đừng để mình bị ru ngủ và ‘tự sướng’ với những ngoa ngôn: ‘rừng vàng biển bạc’, chiến công hiển hách, ‘đỉnh cao trí tuệ’, ‘hàng đầu thế giới’.
Người Nhựt họ tâm niệm rằng nước Nhựt không có tài nguyên thiên nhiên, họ bị thua trận, họ bị làm nhục, để phấn đấu vươn lên. Và, họ đã trở thành một trong những quốc gia giàu có và hùng mạnh nhứt nhì thế giới.
Bài học 3 là để đạt được một cái gì đó chúng ta phải qua thất bại đau đớn, đắng cay, thậm chí nhục, thì cái ‘thành đạt’ mới có ý nghĩa. Thua trong Thế Vận Hội 2024 là đắng, nhưng lại là … may mắn. Có thua mới có động cơ biến cái đắng thành cái ngọt trong tương lai.
Nhạc sĩ Vũ Thành An tóm tắt một cách tuyệt vời qua ca khúc ‘Đời Đá Vàng’:
Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình sâu
Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về
Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng.
Cái trình tự nỗi buồn và niềm vui y chang như câu Vũ Thành An viết: ‘Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về‘. Phải qua những ngày tháng tuyết lầy lội của mùa đông mới thấy ngày hè nắng ấm như thế nào. Phải có nhiều lần đắng cay với thất bại mới biết cái ngọt ngào của thành công. Cuối tuần này, tôi sẽ nghe ca khúc đó để tự thấm đẫm mình và nhắc nhở rằng đời người có nhiều buồn hơn vui (‘Đời là vạn ngày buồn’), nhưng nỗi nỗi buồn là tiền cội (precursor) của mỗi niềm vui.

Source: https://nhacxua.vn/hoan-canh-sang-tac-va-y-nghia-cua-bai-hat-doi-da-vang-vu-thanh-an-qua-dam-de-mua-tuyet-moi-vui-ngay-nang-ve
_____
[1] Đây là một lí lịch thất bại: https://crlte.engin.umich.edu/wp-content/uploads/sites/5/2020/05/Johannes_Haushofer_CV_of_Failures.pdf
“Trong phần mở đầu của lí lịch, tác giả viết: “Phần lớn những gì tôi cố gắng đều thất bại, nhưng những thất bại này thường vô hình, trong khi những thành công thì rõ ràng. Tôi thấy rằng điều này đôi khi khiến người khác có ấn tượng rằng hầu hết mọi thứ đều suôn sẻ đối với tôi. Do đó, họ có xu hướng quy kết những thất bại của mình cho chính bản thân họ, thay vì nhìn nhận rằng thực tế của thế giới là ngẫu nhiên, các ứng dụng là những trò may rủi, và các hội đồng lựa chọn và uỷ ban thẩm định cũng có những ngày không tốt. Bản Lí lịch Thất bại này là một nỗ lực để cân bằng hồ sơ và cung cấp một góc nhìn đúng đắn hơn.”
[2] https://doi.org/10.1037/edu0000092.