Ngành Kỹ thuật điện là ngành đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong cuộc sống hiện nay từ kinh doanh, sản xuất cho đến sinh hoạt hàng ngày của tất cả mọi người. Ngành này có nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo sự vận hành ổn định của nguồn điện, đồng thời phát triển hệ thống truyền tải điện an toàn, hợp lí và hiệu quả phục vụ hoạt động sản xuất công, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và dân sinh. Hãy cùng tìm hiểu ngành học này trong bài viết dưới đây.
Kỹ thuật điện là gì?
Kỹ thuật điện là ngành học nghiên cứu và giải quyết vấn đề ở các hệ thống điện vĩ mô như: truyền tải năng lượng và điều khiển motor, tập trung vào các lĩnh vực có liên quan đến điện, điện tử và điện từ với nhiều chuyên ngành nhỏ như: năng lượng, điện tử học, hệ thống điều khiển, xử lý tín hiệu…
Sinh viên ngành Kỹ thuật điện được trang bị kiến thức cơ bản về lý thuyết mạch điện - điện tử, thiết kế máy điện và khí cụ điện hiện đại, hệ thống cung cấp điện cho tòa nhà, nhà máy công nghiệp, quy hoạch và thiết kế hệ thống điện, phân tích và điều khiển hệ thống điện, vận hành và sử dụng các thiết bị điện hợp lý…
Sinh viên tham gia thực hành tại phòng thí nghiệm
Theo học ngành Kỹ thuật điện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên có thể lựa chọn chuyên ngành Hệ thống điện hoặc chuyên ngành Điện công nghiệp và được cấp bằng Kỹ sư (Hệ đào tạo 5 năm). Bên cạnh việc nâng cao kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm để trình bày, tổ chức thực hiện các đề án thực tế thuộc lĩnh vực điện, điện tử và tham gia rèn luyện thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp lớn, uy tín và có kỹ thuật tiên tiến như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Canon, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO), Tập đoàn Hòa Phát, Công ty ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Sở Điện lực các tỉnh, thành phố…
Sinh viên thực tập nghề tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn tạo môi trường học tập thuận lợi cho sinh viên bằng việc xây dựng hệ thống phòng học thông minh, phòng thí nghiệm hiện đại, thư viện điện tử với nhiều đầu sách phong phú, khu liên hợp thể thao tiên tiến, khu ký túc xá sạch sẽ, khang trang. Ngoài ra, Học viện có nhiều chương trình học bổng khuyến khích học tập, học bổng tài năng, học bổng vượt khó với tổng giá trị 30 tỷ đồng/1 năm.
Sinh viên đi thực tập nghề nghiệp tại cơ sở
Học viện còn tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng Tiếng Anh cho sinh viên để dễ dàng tiếp cận với các tài liệu, máy móc trong và ngoài nước,… đồng thời giúp sinh viên phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua việc tham gia vào các CLB học thuật, các hội thảo chuyên đề, hoạt động nghiên cứu khoa học…
Tòa nhà phục vụ đào tạo và thực hành khoa Cơ - Điện nằm trong dự án World Bank
Đặc biệt, năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá 54.2 triệu đô la Mỹ cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nhờ đó mà cơ sở vật chất của Học viện sẽ ngày càng khang trang, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho việc học tập, nghiên cứu, thực hành, thực tập của sinh viên ngành Kỹ thuật điện.
Học Kỹ thuật điện ra làm gì?
Với xu thế hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, các công ty, tập đoàn lớn có xu hướng chuyển dịch kinh tế, đầu tư phát triển mạnh vào Việt Nam như: Intel, Samsung, LG… Theo dự báo, trong vài năm tới Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm chế tạo sản phẩm điện tử lớn trong các nước ASEAN và đây là cơ hội lớn để sinh viên ngành Kỹ thuật điện tìm kiếm cơ hội việc làm trong các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn với thu nhập cao và chế độ đãi ngộ tốt.
Mức lương dành cho kỹ sư ngành Kỹ thuật điện có kinh nghiệm từ 1-2 năm dao động từ 10-13 triệu đồng/tháng. Đối với những quản lý cấp cao, chuyên viên phân tích giỏi ngoại ngữ, làm việc tại các công ty, doanh nghiệp nước ngoài mức lương trung bình lên đến 1.000USD/tháng.
Sinh viên ngành Kỹ thuật điện ra trường có thể làm việc tại các vị trí sau:
- Kỹ sư thiết kế bộ phận, chuyên thiết kế bộ điều khiển máy điện, thiết kế hệ thống năng lượng tái tạo, thiết kế mạng điện, thiết kế trạm biến áp, thiết kế nhà máy điện, thiết kế và lập trình giải thuật điều khiển thiết bị và hệ thống điện.
- Kỹ sư nghiên cứu, chuyên thiết kế, vận hành tại các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực thiết bị điện và hệ thống điện.
- Kỹ sư thiết kế tại các công ty tư vấn thiết kế điện, thiết bị điện, xây lắp máy, xây lắp điện, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời.
- Kỹ sư quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước phụ trách quy chuẩn an toàn điện thuộc Bộ Công thương, Bộ Xây dựng.
- Cán bộ tại các công ty tư vấn thiết kế điện, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời.
- Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên khắp cả nước.
- Làm chủ doanh nghiệp sửa chữa, bảo trì các loại thiết bị điện, các loại máy điện, máy bơm nước, lắp đặt hệ thống điện…
Nếu bạn yêu thích ngành Kỹ thuật điện và mong muốn học tập tại ngôi trường có bề dày truyền thống này thì hãy nhanh tay đăng ký vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam: