Ngô ngọt là loài cây trồng có khả năng thích nghi rộng chịu hạn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng quanh năm và cho giá trị kinh tế khá cao phù hợp với điều kiện khí hậu và tập quán canh tác của bà con nông dân tỉnh Bắc Kạn. Bà con có thể tham khảo kỹ thuật trồng ngô ngọt sau đây để thu được năng suất cao.
A. Kỹ thuật trồng và bón phân
- 1. Đặc tính của cây ngô ngọt
Ngô ngọt là cây sinh trưởng và phát triển mạnh, thời gian sinh trưởng ngắn trung bình từ 75-85 ngày tùy giống và điều kiện chăm sóc, điều kiện sinh thái của từng địa phương.
Là cây chịu hạn, chịu úng kém hơn các giống ngô khác, chế độ bón phân, tưới nước đầy đủ và đúng thời kỳ, không được để trong ruộng bị úng nước.
- 2. Chuẩn bị đất trồng
Ngô ngọt là cây không kén đất, tuy nhiên để đạt được năng suất cao cần chọn đất giàu dinh dưỡng, không bị ngập úng, không bị khô hạn.
Đối với đất soi bãi và đất ruộng: Cày bừa đất kỹ làm sạch cỏ dại, lên luống theo kích thước: Mặt luống rộng 70-75cm, chiều cao luống 20-25cm, chiều rộng rãnh 35 - 40cm. Trên một luống đánh làm 2 rạch trồng hàng đôi so le trên luống, nếu trồng bằng cây con trong bầu cần chú ý hướng lá ra phía ngoài rãnh để các lá không chồng chéo lên nhau.
Đối với đất đồi: Đánh rạch hoặc bổ hốc trồng tùy theo điều kiện địa hình đất đai khu vực sản xuất.
- 3. Xử lý hạt giống và gieo trồng
Lượng giống cần cho 1.000m2 (1 bung) khoảng 0,7 -1kg. Hạt giống ngâm trong nước ấm khoảng 450C trong 4 giờ, sau đó vớt hạt đem ủ với cát ẩm trong vòng 24 -36 tiếng cho hạt nứt nanh mới đem trồng ra ruộng. (lưu ý: đất ẩm mới ngâm hạt đất khô trồng thẳng không được ngâm)
Khoảng cách gieo trồng cây cách cây 30-35cm, hàng cách chàng 65-70cm tương đương với mật độ từ 4.000 -4.500 cây/1.000m2.
- 4. Phân bón và chăm sóc
- Phân bón
Lượng phân bón tính cho 1.000m2: Phân chuồng hoai mục 1 tấn, đạm urê 40-45kg, phân lân supe 50-60kg, phân kali clorua 20kg vôi bột 50kg.
Hình ảnh Bà con nông dân xã Trần Phú làm đất trồng cây ngô ngọt vụ mùaCách bón:
- Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng hoai mục, phân lân supe và vôi bột.
- Bón thúc:
+ Lần 1: Khi cây ngô được 3-4 lá bón 8-10kg đạm + 5-7 kg Kali bón cách gốc 10-15cm.
+ Lần 2: Khi cây ngô được 6-8 lá bón tiếp 10-20 kg đạm + 6-8 kg Kali bón cách gốc 15cm kết hợp vun gốc và làm cỏ.
Hình ảnh cây ngô 6-8 lá chuẩn bị bón phân thúc lần 2+ Lần 3: Khi cây ngô được 12-14 lá bón toàn bộ lượng phân còn lại kết hợp với làm cỏ quanh gốc.
Hình ảnh cây ngô ngọt giai đoạn xoáy nõn chuẩn bị trỗ cờ- Chăm sóc:
Thường xuyên giữ đủ độ ẩm cho cây đặc biệt là thời kỳ cây 3-4 lá, giai đoạn trước trỗ cờ phun râu và khi bắp đang lớn bằng cách tưới trực tiếp hoặc đắp nước vào rãnh luống.
Thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại đặc biệt giai đoạn cây 6-7 lá cần phun phòng sâu keo mùa thu hại ngô. Giai đoạn trỗ cờ, phun râu và nuôi bắp cần phun phòng sâu đục bắp.
Hình ảnh bắp ngô ngọt đến thời điểm thu hoạchB. Phòng trừ sâu bệnh hại
1. Sâu đục thân (Ostrinia nubilalis)
Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng, dùng giống cứng cây, bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K. Dùng thuốc: Diazinon(Vibasu 10GR) xử lý đất trước khi gieo hoặc rắc vào cạnh nách lá lúc ngô 7-8 lá.
- Thu gom thân ngô bị hại nặng tiêu hủy để diệt nhộng.
- Khi sâu tuổi nhỏ phun lên cây bằng thuốc: Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Virtako 40WG),Chlorpyrifos Ethyl (Mapy 48EC), Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 30EC), Cypermethrin + Quinalphos (Tungrell 25EC), Thiosultap - sodium (Binhdan 10GR).
2. Sâu xám (Agrotis ypsilon)
Biện pháp phòng trừ
- Cày bừa đất kỹ, dọn sạch tàn dư cây trồng trước khi gieo trồng để diệt trứng, sâu và nhộng.
- Xử lý hạt giống bằng Thiamethoxam + Difenoconazole + Fludioxonil (Cruiser Plus 312.5FS) trước khi gieo để phòng trừ sâu xám. Ở những vùng đất thường bị hại nặng trước khi gieo hạt cần xử lý đất bằng Diazinon (Vibasu 10BR) hoặc trộn với phân khi bón thúc lần 1 (7-10 ngày sau trồng ).
- Khi xuất hiện sâu xám gây hại dùng: Imidacloprid (Map - Jono 700WP, Gaucho 70WS) phun vào gốc cây hoặc xới nhẹ quanh gốc bắt sâu bằng tay.
3. Sâu keo mùa thu
Biện pháp phòng trừ
Phòng chống sâu keo mùa thu bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, gồm:
a) Biện pháp canh tác
- Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu.
- Làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt.
- Luân canh ngô - lúa nước ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất. Làm đất kỹ cũng góp phần diệt nhộng trong đất.
b) Biện pháp thủ công
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy.
- Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non
c) Biện pháp sinh học
- Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu.
- Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ.
- Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ, ...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.
d) Biện pháp bẫy, bả
- Bẫy bả, bẫy đèn: Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành.
- Bẫy cây trồng: Trên cánh đồng trồng ngô trồng một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt 0 trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.
e) Biện pháp hóa học
Sử dụng thuốc hóa học khi mật độ sâu từ 2 - 4 con/m2 trở lên, sâu tuổi từ 1 - 3 (giai đoạn ngô 3 - 6 lá) Sử dụng một trong các loại thuốc như: Lufen extra 100 EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP, Match 050EC... để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3, phun kép 2 lần cách nhau 5-7 ngày, phun ướt đều trên lá, thân, nõn ngô và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.
4. Rệp muội (Aphis maydis)
Biện pháp phòng trừ
Khi rệp mới phát sinh có thể ngắt bỏ các ngọn non có ổ rệp và diệt hết rệp, khi rệp phát triển nhiều thì dùng thuốc phòng trừ như:
- Abamectin + Azadirachtin (Goldmectin 36EC)
- Abamectin + Emamectin benzoate (Emalusa 20.5EC)
- Abamectin + Matrine (Tinero 36.1EC)
- Emamectin benzoate + Petroleum oil (Emamec 250EC).
5. Bệnh gỉ sắt (Puccinia sorghi Schw)
Biện pháp phòng trừ
- Sau thu hoạch dọn sạch tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy.
- Xử lý đất bằng cách ngâm hoặc phơi ải.
- Chăm sóc cây khỏe để tăng sức chống chịu bệnh của cây.
- Khi bệnh xuất hiện có thể phun lên cây bằng thuốc: Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC); Propineb (Antracol 70WP).
6. Bệnh khô vằn (Rhizoctonia solani Kuhn)
Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng, bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K.
- Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Carbendazim (Bavistin 50FL), Difenoconazole + Propiconazole(Tilt Super 300EC), Hexaconazole (Anvil 5SC), Propineb (Antracol 70WP), Validamycin (Valivithaco 3SC, Validan 3SL).
- Sau thu hoạch nên gom thân cây bị bệnh đem đốt tiêu hủy.
7. Bệnh bạch tạng (Sclerospora maydis Butller)
Biện pháp phòng trừ
- Diệt nguồn bệnh trên ruộng bằng cách đốt tiêu hủy tàn dư cây bệnh.
- Luân canh với cây rau, lúa.
- Khi mới bị bệnh có thể dùng các loại thuốc sau: Dimethomorph (Phytocide 50WP); Metalaxyl-M (Apron XL 350ES).
8. Bệnh cháy lá (Helminthosporium turcicum, Helminthosporium maydis)
Biện pháp phòng trừ
Chủ yếu bằng biện pháp thâm canh đúng kỹ thuật để cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt hạn chế được sự gây hại của nấm bệnh.
Đất trồng cần có hệ thống tưới tiêu tốt, không để mưa làm ngập úng. Đất trồng phải khô thoáng, tránh đọng nước.
Khi thu hoạch để giống cần chọn những ngô ở cây không bị bệnh.
Thu hoạch xong thu gom cây bệnh tiêu hủy diệt nguồn bệnh.
Có thể dùng thuốc Boocđô 1% phun phòng bệnh khi cây được 3-4 lá.
Khi bệnh xuất hiện có thể phun thuốc: Carbendazim (Vicarben 50WP), Mancozeb (Dizeb - M45 80WP, Tungmanzeb 800WP), Propineb (Antracol 70WP), Cytokinin (Geno 2005 2SL).
9. Bệnh phấn đen (Ustilago maydisCodra)
Biện pháp phòng trừ
Vệ sinh đồng ruộng, ngâm ruộng để diệt nguồn bệnh. Luân canh với lúa tối thiểu 2 năm. Khi chăm sóc tránh gây vết thương cho cây. Khi phát hiện cây bị bệnh cần nhổ đem tiêu hủy.
10. Một số bệnh sinh lý
10.1. Thiếu đạm (N)
Thiếu đạm, các lá phía dưới vàng đi ở chóp lá và lan dần dọc theo gân lá chính. Thiếu đạm sẽ làm chết cây con, trái nhỏ và hạt lép. Nếu phát hiện sớm có thể bón N để khắc phục.
10.2. Thiếu lân (P)
Thường xảy ra trong thời kỳ cây con, lá có màu đỏ tím, làm cây sinh trưởng kém, trái nhỏ, méo mó và hạt lép, ngô chín mụôn.
Đầu vụ nếu trong điều kiện nhiệt độ thấp, đất khô quá hay ẩm ướt quá dẫn đến hiện tượng thiếu lân, ngay cả khi lân trong đất đủ để cung cấp cho cây. Vì vậy cần có biện pháp cải thiện lý tính đất, tạo cho đất tơi xốp thông thoáng, đủ ẩm để bộ rễ phát triển bình thường.
10.3. Thiếu Kali (K)
Khi thiếu kali đầu tiên thấy dọc theo mép các lá dưới có màu vàng hoặc nâu và lan dần vào gân lá và lên các lá trên. Khi cắt dọc thân cây sẽ thấy các đốt phía trên bên trong có màu nâu đậm.
Thiếu kali ít ảnh hưởng đến kích thước, như thiếu N hoặc P, nhưng các hạt ở đầu mút không phát triển. Nước là một yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ka li. Do đó khi bị khô hạn sẽ không cung cấp đủ kali cho cây.
10.4. Thiếu các chất dinh dưỡng khác
Ngoài N, P và K sự thiếu các chất dinh dưỡng khác xảy ra ít hơn nhưng là những yếu tố rất quan trọng làm hạn chế năng suất.
- Thiếu lưu huỳnh (S): Các lá trên có màu xanh nhạt và cây chậm phát triển, thường xảy ra trên đất cát hoặc đất nghèo chất hữu cơ, có thể sử dụng các loại phân có chứa lưu huỳnh để bón cho cây.
- Thiếu đồng (Cu): Các lá trên sẽ khô đi và xoăn lại
- Thiếu kẽm (Zn): Xuất hiện các sọc màu vàng và song song với gân ( các lá non) lóng ngắn và kém phát triển.
- Thiếu Bo: Thân cây cằn cỗi, hạt bị lép.
- Thiếu vôi: Đất chua sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự hấp thu dinh dưỡng của cây trồng và có thể gây ra hiện tượng thiếu dinh dưỡng cho cây mặc dù đã được bón phân đầy đủ. Do đó cần phải thử nghiệm đất thường xuyên để xác định độ pH để có chế độ bón vôi cải tạo đất hợp lý.