Hầu hết người trưởng thành đều từng trải qua tình trạng tim đập nhanh vào một thời điểm nào đó trong đời. Mặc dù nhịp tim bình thường có dao động nhưng nhịp tim liên tục đập quá nhanh hoặc quá chậm có thể là vấn đề gây lo ngại. Nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm là câu hỏi nhiều người đọc quan tâm. Có những trường hợp nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm là bình thường, nhưng có trường hợp là nguy hiểm, cần hỗ trợ y tế kịp thời.
Nhịp tim nguy hiểm là như thế nào?
Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ (America Heart Association - AHA), với hầu hết người trưởng thành, nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường là 60-100 nhịp mỗi phút. Nhịp tim dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút được xem là bình thường trong một số trường hợp: khi ngủ, nhịp tim có thể giảm xuống dưới 60 lần/phút; khi chạy bộ quá sức, vận động mạnh hoặc căng thẳng, nhịp tim đập nhanh trên 100 lần/phút.
Nhịp tim cao hoặc thấp bất thường được coi là đáng lo ngại khi xảy ra trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Tình trạng này có thể được xem là nguy hiểm khi đi kèm với các triệu chứng khác. (1)
1. Khi nhịp tim quá nhanh
Nếu bạn vừa hoàn thành một buổi tập luyện với cường độ cao hoặc gặp một tình huống gây bất ngờ, căng thẳng quá mức, nhịp tim có thể tạm thời vượt quá 100 nhịp mỗi phút. Tuy nhiên, nếu nhịp tim tăng cao kéo dài liên tục trên 100 nhịp mỗi phút, kèm các triệu chứng như chóng mặt, khó thở, đau ngực, có thể là nguy hiểm.
Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của nhịp tim nhanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể và nguyên nhân gây ra, vì vậy cần được bác sĩ đánh giá cụ thể cho từng trường hợp. Một số loại nhịp tim nhanh thường gặp là:
- Nhịp nhanh xoang (Sinus tachycardia - ST): Là nhịp tim nhanh do xung điện nhanh hơn bình thường được tạo ra từ nút xoang. Một nhóm nhỏ hiếm gặp của nhịp xoang nhanh là nhịp nhanh xoang không thích hợp, khi tim đập nhanh mà không có lý do rõ ràng.
- Nhịp nhanh trên thất (Supraventricular tachycardia - SVT): Là nhịp tim nhanh xuất phát từ các buồng trên thất. Có nhiều loại nhịp tim nhanh trên thất, đáng chú ý nhất là rung nhĩ, vì đây là chứng loạn nhịp tim kéo dài phổ biến và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Nhịp nhanh bộ nối (Junctional tachycardia - JT): Bắt nguồn từ bộ nối, khu vực nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất.
- Nhịp nhanh thất (Ventricular tachycardia - VT): Xảy ra khi nhịp tim bắt nguồn từ các buồng thất đập rất nhanh. Tình trạng này thường nghiêm trọng hơn nhịp tim nhanh trên thất.
2. Khi nhịp tim quá chậm
Bản thân nhịp tim thấp không phải là nguyên nhân gây lo ngại vì các vận động viên hoặc người tập luyện thể dục thường xuyên thường có nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp.
Tuy nhiên, nếu bạn có nhịp tim thấp dưới 60 lần/phút khi nghỉ ngơi, cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở thì đó là dấu hiệu nên đi kiểm tra tim mạch, đặc biệt nguy hiểm nếu nhịp tim giảm xuống dưới 40 lần/phút. Nhịp chậm kèm các triệu chứng bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo sự suy giảm trong hệ thống dẫn truyền tự nhiên của tim.
Một số loại nhịp chậm chính:
- Nhịp chậm xoang (Sinus bradycardia): Xảy ra khi nhịp tim dưới 60 lần/phút, có thể được xem là bình thường ở những người khỏe mạnh, thường xuyên vận động; không có khả năng dẫn đến biến chứng trừ khi nhịp tim thường xuyên dưới 40 lần/phút và/hoặc gây ra các triệu chứng khác.
- Hội chứng nút xoang (Sick sinus syndrome): Xảy ra khi nút xoang không hoạt động bình thường. Nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải của tim và tạo ra các xung điện giúp điều khiển nhịp đập của tim. Khi nút xoang gặp vấn đề, nó có thể gây ra nhiều loại rối loạn nhịp tim như: nhịp chậm, nhịp nhanh-nhịp chậm xen kẽ, ngưng xoang…
- Hội chứng nhịp nhanh-nhịp chậm (Tachycardia-bradycardya syndrome): Thường xảy ra ở người bệnh bị rung nhĩ bị rối loạn chức năng nút xoang. Nhịp tim có lúc đập quá nhanh nhưng có lúc lại quá chậm.
- Block tim (Heart block): Là một dạng rối loạn nhịp tim xảy ra do bất thường trong hệ thống dẫn truyền của tim. Một số loại block nhánh thường gặp là block nhánh trái, block nhánh phải, block hai bó, block ba bó, block phân nhánh, block nhánh phụ thuộc tần số.
- Nhịp chậm lạc chỗ (Ectopic bradycardia): Xảy ra khi một ổ khác ngoài nút xoang hoạt động như máy tạo nhịp tim tự nhiên cho tim. Tình trạng này có thể xảy ra ở tâm nhĩ, được gọi là nhịp chậm nhĩ; ở bộ nối gọi là nhịp chậm bộ nối; hoặc ở tâm thất được gọi là nhịp tự thất.
Nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm?
Khi nghỉ ngơi, trường hợp nhịp tim cảnh báo nguy hiểm nếu tim đập quá nhanh trên 100 nhịp/phút hoặc quá chậm dưới 60 nhịp/phút (đặc biệt nguy hiểm nếu dưới ngưỡng 40 lần/phút) và kèm theo triệu chứng bất thường.
1. Nhịp tim nhanh bao nhiêu là nguy hiểm?
Ở người bình thường, nếu nhịp tim trên 100 nhịp/phút kéo dài liên tục và kèm theo những triệu chứng bất thường như khó thở, đau ngực, chóng mặt được xem là nguy hiểm. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của nhịp tim nhanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, tình trạng sức khỏe tổng quát và nguyên nhân gây ra tình trạng nhịp nhanh. Do đó, để đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của nhịp tim nhanh, cần có sự thăm khám và chẩn đoán chi tiết từ các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
2. Nhịp tim chậm bao nhiêu là nguy hiểm?
Đối với nhịp tim chậm, cần đặc biệt lưu ý khi nhịp tim khi nghỉ ngơi giảm xuống dưới 60 lần/phút, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, choáng váng, ngất xỉu hoặc khó thở. Những dấu hiệu này có thể cho thấy sự suy giảm trong hệ thống dẫn truyền điện tự nhiên của tim và cần được kiểm tra y tế ngay lập tức. Tình trạng trở nên đặc biệt nguy hiểm nếu nhịp tim giảm xuống dưới ngưỡng 40 lần/phút, đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp hơn 35-40 lần/phút hoặc nhịp tim khi nghỉ ngơi cao hơn 100 lần/phút, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra, tìm nguyên nhân gây bất thường về nhịp tim và có hướng điều trị thích hợp. Đặc biệt, nếu nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, khó thở, đau ngực hoặc cảm giác ngất xỉu, cần ra hiệu cho người xung quanh nhanh chóng hỗ trợ đưa đến bệnh viện.
Ngoài ra, những người có tiền sử bệnh tim hoặc đang sử dụng thuốc ảnh hưởng đến nhịp tim nên đặc biệt cảnh giác và cần liên hệ ngay với bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào trong nhịp tim. (2)
Các biểu hiện khi nhịp tim ở mức nguy báo động nguy hiểm
Nhịp tim là một chỉ số quan trọng về sức khỏe tổng thể của cơ thể. Nếu nhịp tim dưới 35-40 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để thăm khám sớm, đánh giá kỹ lưỡng và tìm nguyên nhân gây bất thường nhịp tim. Đặc biệt, nếu nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm kèm theo các triệu chứng khác dưới đây, người bệnh cần được cấp cứu ngay, bao gồm:
- Hụt hơi.
- Đau ngực.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Cảm giác choáng váng.
- Ngất xỉu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhịp tim nguy hiểm
Nhịp tim nguy hiểm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Tùy thuộc vào loại nhịp tim nguy hiểm là nhịp tim quá nhanh hoặc nhịp tim quá chậm sẽ có những nguyên nhân khác nhau.
1. Nguyên nhân gây nhịp tim nhanh
Mỗi loại và phân nhóm nhịp tim nhanh khác nhau đều bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau.
Nhịp nhanh xoang thường do:
- Quá căng thẳng, lo lắng.
- Nhiễm trùng.
- Sốt.
- Thiếu máu.
- Giảm thể tích máu.
- Thiếu oxy (mức oxy thấp).
- Bệnh tuyến giáp.
- Các loại bệnh tim khác.
- Lạm dụng các sản phẩm có chứa chất kích thích.
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Nhịp nhanh thất có thể do:
- Thiếu máu lưu thông qua động mạch vành.
- Tác dụng phụ của thuốc.
- Bệnh cơ tim.
- Bệnh tim thâm nhiễm.
- Bệnh tim bẩm sinh.
2. Nguyên nhân gây nhịp chậm
Có nhiều nguyên nhân khiến nhịp chậm từ nhẹ đến nặng. Ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân phổ biến nhưng thường ít được quan tâm nhất. Nếu được điều trị thích hợp, 90% các trường hợp bị chứng ngưng thở khi ngủ gây nhịp chậm có thể được khắc phục.
Một số dạng nhịp chậm là do các vấn đề về cấu trúc tim bao gồm: thoái hóa hệ thống dẫn truyền điện. Tổn thương hoặc rối loạn chức năng nút xoang, nút xoang không thể tạo ra nhịp tim thích hợp, có thể dẫn đến nhịp chậm.
Phương pháp chẩn đoán nhịp tim nguy hiểm
Để chẩn đoán nhịp tim nguy hiểm, trước tiên bác sĩ sẽ nghe và đo nhịp tim, đánh giá tình trạng tim mạch chung, hỏi bệnh sử và các triệu chứng liên quan của người bệnh. Tiếp theo, bác sĩ sẽ có chỉ định làm các phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán và đánh giá độ nặng của tình trạng rối loạn nhịp (nếu có). Qua việc thăm khám lâm sàng và có kết quả của các cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ sẽ tư vấn tình trạng bệnh và tư vấn cho bệnh nhân các hướng điều trị thích hợp.
Những kiểm tra cận lâm sàng thường được chỉ định để chẩn đoán nhịp tim bất thường bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG): Phương pháp này sử dụng các điện cực gắn trên cơ thể để ghi lại hoạt động điện của tim. ECG giúp đo thời gian của mỗi pha điện trong nhịp tim, từ đó phát hiện các bất thường.
- Holter ECG 24 giờ: Đây là thiết bị theo dõi điện tim di động, được đeo trong 1-2 ngày, giúp ghi lại hoạt động tim liên tục, tăng khả năng phát hiện loạn nhịp và đánh giá hiệu quả điều trị.
- Nghiệm pháp gắng sức: Trong quá trình kiểm tra, người bệnh thực hiện chạy trên máy chạy bộ và nhịp tim sẽ được theo dõi liên tục. Trường hợp người bệnh không thể chạy, bác sĩ sẽ cho truyền thuốc Dobutamine để làm tim đập nhanh hơn, tương tự như khi tập thể dục gắng sức.
- Nghiệm pháp bàn nghiêng: Giúp chẩn đoán những thay đổi về nhịp tim khi người bệnh chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng.
- Chụp CT hoặc chụp MRI: Có thể giúp tìm ra các bất thường về cấu trúc trong tim.
- Thăm dò điện sinh lý tim: Là một phương pháp thông tim đặc biệt nhằm phân tích các hiện tượng điện sinh lý tim, giúp chẩn đoán xác định các loại rối loạn nhịp tim và cơ chế gây ra các rối loạn nhịp tim. (3)
Cách điều trị nhịp tim ở mức nguy hiểm
Các trường hợp nhịp tim nguy hiểm cần được điều trị phụ thuộc vào tình trạng người bệnh mắc phải là nhịp tim nhanh hay nhịp chậm, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các phương pháp điều trị thường được chỉ định bao gồm:
1. Dùng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc chống loạn nhịp hoặc thuốc ức chế canxi để kiểm soát nhịp tim. Những loại thuốc này giúp làm chậm nhịp tim nhanh hoặc điều chỉnh nhịp tim không đều. Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng.
2. Thủ thuật/phẫu thuật
- Sốc điện chuyển nhịp: Thường được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi thuốc không hiệu quả, phục hồi nhịp tim bình thường cho người có loại nhịp tim bất thường.
- Máy tạo nhịp tim: Đối với trường hợp nhịp chậm nguy hiểm, bác sĩ có thể khuyến nghị cấy ghép máy tạo nhịp tim, giúp duy trì nhịp tim ở mức an toàn.
- Máy khử rung tim cấy được (ICD): Thiết bị này thường được gắn cho những bệnh nhân phát triển nhịp tim nhanh hoặc không đều ở các buồng thất (nhịp nhanh thất hoặc rung thất). ICD có thể được cấy ghép để phát hiện và điều trị ngay lập tức các nhịp tim bất thường.
- Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân gây bất thường nhịp tim là do các vấn đề cấu trúc của tim, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật tim tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể.
3. Điều chỉnh lối sống khoa học bao gồm
Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn, kiểm soát stress, tránh các chất kích thích như caffeine hay nicotine.
Biện pháp phòng ngừa nhịp tim rơi vào tình trạng nguy hiểm
Để phòng ngừa nhịp tim rơi vào tình trạng nguy hiểm, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh: Nên ưu tiên những thực phẩm giàu chất xơ, protein nạc và chất béo lành mạnh. Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh và thực phẩm có nhiều muối, đường để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Tập thể dục đều đặn: Duy trì hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập vừa phải như đi bộ nhanh, bơi lội, hoặc đạp xe sẽ giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và điều hòa nhịp tim.
- Duy trì cân nặng hợp lý, thực hiện giảm cân khoa học nếu bị thừa cân, béo phì.
- Giảm căng thẳng, stress: Thực hành các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền, hít thở sâu để giảm căng thẳng.
- Hạn chế uống rượu và bỏ thuốc lá.
- Tuân thủ điều trị nếu đang mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và can thiệp kịp thời.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có Trung tâm Tim mạch chuyên điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu và lồng ngực, trong đó có điều trị rối loạn nhịp tim. Trung tâm có hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch sẽ trực tiếp thăm khám, hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân giúp điều trị hiệu quả tình trạng rối loạn nhịp tim, ngăn ngừa biến chứng gây tổn thương tim.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Như vậy, nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm đã được giải đáp. Nếu nhịp tim dưới 60 hoặc trên 100 lần/phút khi nghỉ ngơi có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm, người bệnh cần được thăm khám sớm. Vì vậy, khi có bất thường về nhịp tim, kèm theo các triệu chứng khác, người bệnh nên đến gặp bác sĩ sớm để được đánh giá và điều trị kịp thời.