Ngôn ngữ văn chương... không có tính văn chương!

Giữa chợ, người bán và người mua chỉ cần trao đổi thông tin ngắn gọn như “giá mớ rau là bao nhiêu?”, thuận mua-vừa bán, không ai mua rau mà lại đọc mấy câu vần vè về giá cả.

Sự khác biệt của ngôn ngữ văn chương đến từ nhiều yếu tố: Sắc thái thẩm mỹ của từ ngữ, tính hàm súc, giàu nhạc tính, khả năng gợi hình ảnh, các thủ pháp nghệ thuật (ẩn dụ, so sánh, phiếm chỉ)... Trong văn chương Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm là kiệt tác ngôn từ mà mỗi khi nhắc đến đều lay động tâm can người đọc: Đoạn tả cảnh chia ly trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du với lời thơ xao xuyến: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường; đoạn văn trở thành mẫu mực trong “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới; những bài viết chính luận của Chế Lan Viên lôi cuốn, đanh thép, có sức mạnh như một binh đoàn...

Lợi ích của ngôn ngữ văn chương là rất lớn, ai giàu có ngôn ngữ văn chương thì chắc chắn có khả năng cảm thụ cái đẹp, tâm hồn luôn hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ. Vì thế, ngôn ngữ văn chương là yếu tố quan trọng trong tác phẩm văn học, bồi đắp giá trị tốt đẹp, hình thành nhân cách con người.

Ngôn ngữ văn chương biến đổi theo thời gian, thể hiện tư duy con người, hiện thực sinh động của thời đại. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu công phu về đặc trưng ngôn ngữ văn chương đương đại, song có thể nhìn thấy một số xu hướng mừng có mà lo ngại cũng có.

Ảnh minh họa: Internet.

Một số nhà văn trẻ, song cách sử dụng ngôn ngữ sáng tạo, viết một truyện ngắn mà “đẽo gọt” từ ngữ không khác nào làm thơ ca hoặc ngôn ngữ mờ đục tạo ra chất thơ, sự kỳ ảo đậm đặc. Đáng tiếc là những nhà văn dụng công, chú ý cách tân ngôn ngữ không nhiều. Đa phần nhà văn trẻ hiện nay đang cố gắng thể hiện nội dung, thể hiện quan điểm "cái tôi" nhiều hơn là chú trọng cách tân ngôn ngữ. Điều này xuất phát từ quan điểm sai lầm cho rằng ngôn ngữ chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Nhà văn trẻ mà ngôn ngữ cũ kỹ, sáo rỗng, cố gắng tỉa tót mà không ngờ lại trở thành ngôn ngữ “sến súa”, rất vô hồn.

Một số nhà văn, thậm chí có nhà văn tên tuổi sử dụng quá nhiều ngôn ngữ vỉa hè, dung tục vào trong tác phẩm. Dùng từ dung tục để truyền tải một thông điệp có ý nghĩa nhân văn, ở một số trường hợp cá biệt có thể chấp nhận được. Chẳng hạn, một nhân vật bị thế lực xấu chà đạp thì chửi thề một câu lại có tác dụng tố cáo. Song, từ ngữ dung tục, thô thiển, thiếu tinh tế lại được dùng tràn lan, vô tội vạ thì sẽ trở nên phản cảm, gây sự khó chịu cho người đọc. Khi được hỏi, không ít cây bút biện minh rằng: Sử dụng từ ngữ như thế mới có “chất đời”, mới hiện thực sinh động! Bản chất vấn đề là những cây bút này bất lực, thiếu tài năng sáng tạo ở những vấn đề phức tạp, mấu chốt như cấu trúc văn bản, nghệ thuật trần thuật, tính tư tưởng. Vì khả năng, bút lực teo tóp nên họ sẽ chọn con đường ngắn nhất là dùng ngôn ngữ gây sốc kèm với cốt truyện giật gân để thu hút bạn đọc.

Điều đáng lo ngại là nhiều đơn vị xuất bản, nhiều biên tập viên văn học hiện nay thường chỉ chú ý đến các yếu tố chính trị, lịch sử, tôn giáo trong tác phẩm văn chương xem “có vấn đề” gì không mà ít chú ý đến chất lượng ngôn ngữ văn chương, cho rằng đó là vấn đề không quan trọng. Nhưng thử hỏi, khi độc giả, nhất là người trẻ đọc tác phẩm văn chương mà ngôn ngữ... chẳng có chất văn chương nào thì những điều tốt đẹp văn chương mang lại sẽ còn được bao nhiêu?

Ngôn ngữ văn chương là sự chắt lọc những tinh túy của ngôn ngữ đời sống xã hội. Xem nhẹ, xa rời yếu tố thẩm mỹ, văn hóa; không chú ý giữ gìn sự tinh tế, trong sáng, chuẩn mực và sự phong phú, sâu sắc của tiếng Việt là nhà văn đang tự hạ thấp vai trò, giá trị của văn chương.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/ngon-ngu-van-chuong-a37149.html