Nghĩ ăn gạo lứt muối mè sẽ tiêu diệt tế bào ung thư, chị O. hoảng hốt khi được phát hiện khối u di căn đến xương sau 2 năm.
Chị C.T.O. (51 tuổi, TP.HCM) đang đi trong nhà bỗng ngã khuỵu, đau đớn dù không có vật tác động. Gia đình đưa chị đến khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Bác sĩ CKI Phan Tuấn Trọng tiếp nhận người bệnh trong tình trạng da xanh xao, tái nhợt, sạm đen, chân trái đau nhức, không cử động được.
Qua khai thác bệnh sử, chị O. kể, năm 2021 chị thấy vú trái có nốt sần nhỏ cỡ hạt đậu xanh. Nhiều lần chị định đi khám xem lành hay ác tính nhưng bị cuốn vào vòng quay của công việc và gia đình nên trì hoãn. Đồng thời, chị sợ “đụng dao kéo” nếu phát hiện ra bệnh ung thư.
“Ung thư là chết, tôi muốn sống vui vẻ mà không điều trị tốn kém, đau đớn, vật vã” - chị O. kể lại. Chị bắt đầu ăn gạo lứt muối mè, chỉ uống 100ml nước mỗi ngày để bỏ đói tế bào ung thư.
Bác sĩ Trọng nghi ngờ người bệnh bị ung thư vú di căn xương, chỉ định siêu âm vú và chụp X-quang chân bị đau. Kết quả ghi nhận vú trái có khối u 6cm, gãy kín 1/3 trên xương đùi trái. Người bệnh được phẫu thuật, cắt đoạn xương khoảng 3cm và mô bướu gửi đến Trung tâm Xét nghiệm để giải phẫu bệnh. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy chị O. bị gãy chân do di căn từ khối u ở vú. Các bác sĩ tiếp tục lắp khoảng trống xương đùi bằng xi măng sinh học. Sau mổ, người bệnh vận động đùi và khớp háng trái bình thường.
Nhiều năm công tác trong lĩnh vực cấp cứu, bác sĩ Trọng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư được đưa đến cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, di căn đến phổi, gan, não, xương do tự điều trị bằng các biện pháp dân gian như ăn gạo lứt muối mè, uống nước lá cây… không tuân thủ theo bác sĩ y khoa chính thống.
Hơn 40 năm công tác trong lĩnh vực ung thư, PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường, Phó Giám đốc chuyên môn, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, đánh giá ung thư vú có 2 dạng: bản chất sinh học “dữ” và bản chất sinh học “hiền hòa”.
Với người bệnh ung thư vú có bản chất sinh học “dữ”, các tế bào ung thư ở giai đoạn muộn thường di căn đến não, gan, phổi… Trong khi với ung thư vú có bản chất sinh học “hiền hòa” thường di căn đến xương; nếu được điều trị từ các giai đoạn sớm sẽ có tiên lượng tốt.
“Do đó, tôi rất tiếc trường hợp của bệnh nhân O., đã tước đi cơ hội điều trị trong suốt 2 năm qua. Ung thư không phải dấu chấm hết! Nhiều trường hợp ung thư vú như chị O. nhờ phát hiện sớm đã được điều trị khỏi bệnh. Thậm chí, sau khi điều trị, người bệnh được bác sĩ tái tạo ngực rất đẹp, có cuộc sống như người bình thường. Trong khi, nhiều người bệnh bị ung thư vú có bản chất sinh học “dữ”, dù di căn lên não, gan, phổi… vẫn chiến đấu đến cùng”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Bác sĩ Cường khẳng định, chị O. ăn gạo lứt muối mè không thể bỏ đói tế bào ung thư, ngược lại còn khiến cơ thể suy kiệt, không còn sức khỏe. Bởi, tế bào ung thư phát triển không kiểm soát, chúng tìm cách tăng sinh mạch máu qua những mô xung quanh, tăng cường thu hút chất dinh dưỡng. Đồng thời, khối u tăng trưởng phụ thuộc vào độ ác tính của tế bào. Ăn uống kiêng khem không làm giảm sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Do đó, dù người bệnh ăn nhiều hay ít, tế bào ung thư vẫn liên tục phát triển. Nếu ăn thiếu chất dinh dưỡng, khối u vẫn lớn, còn cơ thể người bệnh lại suy kiệt.
Hơn nữa, mỗi ngày một người bình thường cần 1 - 2 lít nước cho nhu cầu trao đổi chất trong cơ thể. Việc uống quá ít nước, chỉ 100ml mỗi ngày khiến thận không thải được chất độc, cơ thể suy giảm miễn dịch. Trong khi đó, người bệnh ung thư cần uống đủ nước và ăn đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng.
Bác sĩ Cường khẳng định Việt Nam đã tiếp nhận sự tiến bộ y học hiện đại trên thế giới. Sự phối hợp giữa thiết bị chẩn đoán hình ảnh, tay nghề phẫu thuật cao, máy móc xạ trị, thuốc điều trị toàn thân (hóa trị) giúp bác sĩ tiên đoán chính xác hiệu quả điều trị.
Hiện nay, ung thư vú giai đoạn sớm hoàn toàn có thể kiểm soát được. Cụ thể, với ung thư vú tại chỗ - các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy trong ống hoặc tiểu thùy, chưa xâm lấn mô vú lân cận, việc điều trị chỉ cần cắt khối u hoặc cắt tuyến vú mà không cần dùng thêm hóa trị, xạ trị. Tỷ lệ sống sau 5 năm gần như 100%.
Với giai đoạn 1, bướu nhỏ dưới 2cm, chưa di căn hạch, điều trị thường chỉ cần phẫu thuật cắt rộng khối u và xạ trị hoặc cắt tuyến vú, sau đó tiếp tục điều trị nội tiết . Ở nhóm này, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 99%.
Với giai đoạn muộn hơn, khối u lớn, di căn đến hạch nách và di căn xa đến gan, phổi, não, xương… việc điều trị khó khăn, phải điều trị toàn thân với các hóa chất, các loại thuốc nhắm trúng đích, thuốc miễn dịch… vừa tốn kém vừa có nhiều tác dụng phụ, mất sức, suy giảm chất lượng cuộc sống. Dù vậy, ung thư vú ở giai đoạn 3, tỷ lệ sống 5 năm vẫn đạt 80%-86%, ở giai đoạn 4 thì tỷ lệ này tương ứng 25%-30%.
Bác sĩ Phạm Hùng Cường khuyên người dân nên khám tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời, kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi phát hiện trên ngực hay cơ thể có khối u, vết loét không lành, chảy máu bất thường… nên khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, điều trị phù hợp.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/an-gao-lut-muoi-me-a37437.html