Nguồn: Allies sign Treaty of London, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1915, sau khi nhận được hứa hẹn trao cho những phần lãnh thổ lớn, Italy đã ký Hiệp ước London, cam kết tham gia Thế chiến I về phía phe Hiệp ước.
Nguy cơ chiến tranh ngày một gần kề, vào tháng 07/1914, quân đội Italy dưới sự chỉ huy của Tổng Tư lệnh Luigi Cadorna đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Pháp, vì bấy giờ Italy đang là thành viên trong Liên minh Ba bên với Đức và Áo-Hung. Tuy nhiên, theo các điều khoản của thỏa thuận liên minh, Italy chỉ có nghĩa vụ bảo vệ các đồng minh của mình nếu một trong số họ bị tấn công trước. Thủ tướng Italy Antonio Salandra coi tối hậu thư của Áo-Hung đối với Serbia vào cuối tháng đó là một hành động xâm lược, nên đã tuyên bố rằng Italy không có nghĩa vụ liên minh, và chính thức trở nên trung lập.
Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, cả hai bên - Liên minh Trung tâm, và phe Hiệp ước, hay còn gọi là trục Anh-Pháp-Nga — đã cố gắng chiêu mộ các quốc gia trung lập, bao gồm Italy, Bulgaria, Romania, và Hy Lạp, tham chiến theo phe của mình. Hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Italy hiểu rõ mục tiêu của mình khi tham gia chiến tranh: giành được nhiều lãnh thổ nhất có thể và nâng cao vị thế từ một nước nhỏ thành một cường quốc.
Thực tế, vị trí địa lý của Italy - tất cả các mặt đều giáp biển và do đó chịu sức ép từ lực lượng hải quân mạnh của Anh - khiến nước này nghiêng về phe Hiệp ước. Hơn nữa, các tương tác trong quá khứ giữa Italy và Áo-Hung được thúc đẩy bởi sự thù địch hơn là liên minh, vì người Italy đã buộc phải đẩy người Áo ra khỏi bán đảo của họ để đạt được sự thống nhất vào năm 1860. Trong lúc cố gắng xây dựng liên minh với Italy trong Thế chiến I, Liên minh Trung tâm đã xảy ra xung đột, vì Đức hứa hẹn sẽ trao cho Italy vùng Trentino (bấy giờ do Áo chiếm đóng) để đổi lấy việc nước này tham gia vào cuộc chiến. Mặc dù Áo-Hung đồng ý nhượng lại Trentino vào tháng 03/1915, thất bại của quân đội Áo-Hung trước Nga đã mang lại cho người Italy nhiều đòn bẩy thương lượng hơn, làm bệ đỡ để họ đòi hỏi nhiều lãnh thổ hơn nữa.
Về phần mình, phe Hiệp ước đã đưa ra nhiều lợi ích đáng kể hơn về lãnh thổ - hầu hết trong số đó đang nằm trong tay Đế chế Áo-Hung - và theo các điều khoản này, Italy đã ký Hiệp ước London vào ngày 26/04/1915. Italy được hứa hẹn sẽ hoàn thành giấc mơ quốc gia của mình: kiểm soát lãnh thổ trên biên giới với Áo-Hung, trải dài từ Trentino, qua Nam Tyrol, đến Trieste. Theo thỏa thuận, phe Hiệp ước trao cho họ những vùng đó và nhiều hơn thế nữa, bao gồm các phần thuộc Dalmatia, và nhiều hòn đảo dọc theo bờ biển Adriatic của Áo-Hung; thành phố cảng Vlore của Albania (Valona trong tiếng Italy) và một chính quyền bảo hộ ở Albania; cùng với lãnh thổ từ Đế chế Ottoman.
Thực hiện phần việc của mình trong thỏa thuận, vào ngày 23/05, Italy tuyên chiến với Áo-Hung (nhưng không phải với Đức). Tuy nhiên, phe Hiệp ước có vẻ đã gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ của chính họ: một hiệp ước bí mật khác, ký ngày 20/03, đã hứa cho người Nga quyền kiểm soát Constantinople và Dardanelles. Cả hai thỏa thuận đều phụ thuộc vào một chiến thắng của phe Hiệp ước tại Bán đảo Gallipoli, mà ở thời điểm đó dường như không có gì bảo đảm. Một cuộc tấn công hải quân nhắm vào Dardanelles vào ngày 18/03 đã thất bại thảm hại, trong khi một cuộc xâm lược lớn trên bộ của Anh-Pháp, bắt đầu một ngày trước khi Hiệp ước London được ký kết, sẽ sớm bị cản trở bởi kháng cự gay gắt từ người Thổ Nhĩ Kỳ.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/nhung-nuoc-nao-tham-gia-phe-hiep-uoc-a37463.html