Tết của người Mông nơi cực Bắc Tổ quốc

Cảnh sắc Hà Giang ngày Xuân về

Khác với nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, Tết và mùa xuân ở vùng núi cực Bắc Hà Giang dài hơn bởi thời tiết và phong tục của cộng đồng các dân tộc nơi đây…

Người Mông ở Hà Giang ăn Tết vào tháng Chạp, sớm hơn đồng bào cả nước một tháng. Cứ tầm 25, 26 tháng Chạp hằng năm, người Mông bắt đầu dừng lại công việc, nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết. Họ thịt lợn, dê, tổ chức tiệc tùng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, thời gian ăn Tết sẽ kéo dài khoảng một tuần. Dòng họ này gối vào dòng họ kia, rả rích một tháng thì hết.

Hà Giang những ngày này thực sự đẹp rực rỡ. Là vẻ đẹp hòa quyện của sắc hoa đua nở ngày Xuân và sắc màu của váy áo thổ cẩm của những người đồng bào Mông, những chàng trai cô gái người tộc xuống đường đón Tết, du xuân.

Sau khi hoàn tất công việc đồng áng, họ nghỉ ngơi sau một năm lao động hăng say, vất vả để chuẩn bị sắm sửa, đón ngày Tết về. Người Mông sống chủ bằng các hoạt động nông nghiệp, những công cụ dụng cụ sản xuất đối với họ vô cùng có ý nghĩa. Vì vậy, sau khi dừng các công việc, họ phong lại tất cả các công cụ sản xuất. Mỗi thứ lại được họ "phong" bằng những hình thức khác nhau, ví dụ các lò rèn phải làm lễ đóng lò, chiếc cối xay ngô thì phải được tháo ra, dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh ngô và rượu.

Bên nồi thắng cố nghi ngút khói

Món ăn ưa thích của người Mông trong ngày Tết chính là thắng cố nấu bằng xương thịt trâu, ngựa. Ngày thường thì phải ra chợ mới có thắng cố. Tết đến, chảo thắng cố luôn sôi sùng sục trong bếp lửa người Mông.

Thắng cố nhắm với rượu ngô, thắng cố ăn cùng mèn mén. Chảo thắng cố không mấy xa lạ với những ai đã từng lên cao nguyên đá, nhưng mèn mén và bánh ngô thì không dễ gì thấy được vì đó không phải là món bày bán thường xuyên ở chợ. Mèn mén làm bằng bột ngô đồ chín, sậm sật khi nhai trong miệng, nhưng nếu quen rồi sẽ cảm thấy vị bùi béo, thơm ngon.

Tết cũng là cơ hội để món bánh bột ngô bốc mùi thơm phức trên bếp than người Mông. Chúng tròn và to như chiếc đĩa khi nướng trên than củi, bánh ngô chắc nịch, bẻ ra ăn có vị chua chua ngọt ngọt.

Không chỉ ăn uống, người Mông còn thích đi chơi trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình. Mang theo khèn, kèn pí lè, đàn môi, họ đi chơi khắp các bản.

Hội Gầu Tào là nghi thức đón Tết cộng đồng của người Mông. Lễ hội có ý nghĩa cầu phúc cho dân bản một năm mới mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển. Sau lễ cúng là các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống như đánh yến, hát đối, đẩy gậy…. Tiếng khèn, tiếng hát giao duyên tạo nên không khí rộn ràng, náo nhiệt khắp bản làng trong những ngày đón Tết.

Ngày đầu tiên của năm mới, khi bóng mặt trời lấp ló, họ cũng háo hức xúng xính những bộ váy áo đẹp nhất đã chuẩn bị từ trước để xuống đường chơi xuân.

Chẳng những có các lễ hội truyền thống, cả năm vất vả, Tết chính là quãng thời gian họ nghỉ ngơi, tổ chức trò chơi, tổ chức giao lưu âm nhạc. Những điệu hát, điệu khèn ngày Tết, những trò chơi dân gian ấy như là một thứ không thể thiếu trong ngày Tết ở Hà Giang. Cùng nhau hòa vào âm thanh ngày xuân rộn ràng, họ như quên hết bao vất vả của năm cũ, chỉ còn đó niềm vui, niềm hạnh phúc nơi rẻo cao.

Cuối năm, đi trên con đường thăm thẳm của cao nguyên đá, rất dễ bắt gặp những nhóm người Mông đi chơi Tết, tiếng khèn xập xòe theo mỗi bước đi, họ len lỏi trên những vách núi để đến từng xóm bản giao lưu, tìm bạn.

Ngày nay đời sống của người Mông ở Hà Giang dần được nâng lên cùng với sự thay đổi về nhận thức, nhiều hủ tục lạc hậu đã được bài trừ. Và Tết sớm của người Mông vẫn luôn là nét đẹp văn hoá riêng, đặc sắc trên miền cực Bắc của Tổ quốc./.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/tet-nguoi-mong-a38943.html