Vĩnh Hiền
Con mèo Hitler đến nhà tôi từ lúc nào không rõ, nhưng điều chắc chắn là hồi đó chúng tôi còn hít thở một cách vụng về, và chắc chắn là nó đã thuộc lớp mèo cựu trào, đầu óc hãy còn váng vất những cơm thừa canh cặn của đế quốc để lại. Câu chuyện về nó dường như là một đề tài tiểu thuyết khá hấp dẫn để thử ngòi bút, đó là ý kiến của thằng em kế tôi, vốn hắn có chút liên quan mật thiết với phần cuối cuộc đời của con mèo; và đó là việc mà độc giả sẽ biết sau.
Hồi đó, nhà tôi còn rộng thênh thang như một cái trại chăn nuôi, mặc dù đứng ngoài đường ngó vào tòa kiến trúc cổ lỗ cả trăm năm, người ta dễ lầm tưởng đó là một tòa đình, miếu, hay cái gì đại loại như thế. Thực vậy, ba mẹ tôi đã phải chăn nuôi cả một bầy con lúc nhúc, và bọn tôi, cái đám gia súc bạc bẽo vô tình, cứ lúc nhúc mãi một chỗ.
Đời sống như vậy quả nhiên là khó khăn, tuy rằng nhà bếp lúc nào cũng thơm mùi mỡ hành, và sau mỗi bữa ăn, bao giờ chị bếp cũng thu dọn một mớ xương cá cơm thừa đem tống khứ vào thùng nước mã. Mùi thơm của thức ăn có lẽ đã làm nhột mũi con mèo và dẫn dắt nó đến tá túc tại nhà tôi. Và khi nhận thấy ở cái trại đông người này có thừa lương thực để cung cấp cho cái bụng nhỏ xíu của một con mèo, và cái bếp cao ráo phủ đầy tro có vẻ là chỗ ngủ lý tưởng, con mèo Hitler bèn quyết định gia nhập vào đời sống cộng đồng của nhà tôi, chấm dứt, không biết là cuộc sống nào dó ở một căn nhà nào đó trong vùng, hay là cuộc sống lãng tử lang thang của một chú mèo hoang.
Ồ, nó là một chú mèo đực, lông trắng có đốm đen lác đác quanh mình, và ngay từ hồi nó còn ở trong bụng mẹ, một chùm lông đen cắc cớ làm sao lại rủ nhau mọc lên bên dưới cái mũi nhỏ cua nó, tạo thành một đốm “lông giống như râu”, và bọn tôi, chẳng nhớ ai là tác giả đích danh, đã thân tặng cho nó cái tên là “con mèo Hitler”.
Hitler lần hồi trở nên một vật quen thuộc trong nhà tôi cũng như cái ảng nước hay cái hồ nuôi cá, có khác chăng, nó là một đồ vật biết cử dộng, biết ăn ngủ ỉa đái, và “người” hơn hết là nó biết bày tỏ cảm tình và…ăn vụng. Bọn anh em nhà tôi coi nó là “con mèo nhà mình”, và nó thì biết cách thích nghi với đời sống mới, cũng như biết cách cư xử phải chăng với những người chủ mới của nó. Đối với bọn tôi, nó rụt rè khi bọn tôi tiến đến gần nó, hoặc đem thức ăn cho nó, nó xa cách lạnh nhạt khi bọn tôi ‘meo meo” nó hay vuốt ve nó; nó lạnh lùng âm thầm khi một đứa trong bọn tôi vui chân đá nó một phát, hoặc buồn buồn nắm đuôi nó mà kéo ngược lên. Sau những lần bị ngược đãi, nó chui xuống nằm dưới gầm phản, giương cặp mắt lạnh lùng vàng rực ngó theo, hay ngó chằm chằm vào thủ phạm, ra cái diều muốn nói: “tôi chẳng có ưa ông đâu, ông nội!”
Nhưng đối với mẹ tôi thì đặc biệt nó có mối hảo cảm kỳ lạ. Dường như nó CHỈ coi mẹ tôi như là chủ nó thôi, còn cái đám bọn tôi bất quá chỉ là những thứ con vật ưu đãi mà mẹ tôi đang nuôi nấng cũng như bà đang nuôi nấng nó.
Coi, nó chỉ kêu “meo meo’ mỗi khi thấy bóng dáng mẹ tôi, và bà đi đâu là nó quấn quít theo tới đó. Dường như nó muốn giành giật với bọn tôi sự ưu đãi của mẹ. Điều này không ít thì nhiều cũng làm bọn tôi cáu sườn, nhất là những khi mẹ đi chợ về, nó đã dám kêu “meo meo” lên mà đón hớt trước lũ anh em nhà tôi, và khi mẹ mua riêng cho nó một mớ lòng heo, nó ăn với điệu bộ một kẻ thừa hưởng gia tài.
Nói cho cùng, bọn tôi không ưa mà cũng chẳng ghét gì con mèo Hitler cho lắm, tuy rằng, có nhiều lúc ông anh tôi đã chạy lom khom quanh cái phản lớn để đá cho nó một phát vì tội dám quẹt đuôi vào chân ảnh khi ảnh đang mơ màng ngồi xem hình Playboy. Nhiều lúc nó còn cả gan khều khều mấy cái móng sắt vào chấn bọn tôi nữa chứ. Về khoản này thực tình tôi chẳng hiểu nó khều khều như vậy để làm gì. Thật rủi ro cho dứa nào trong lũ anh em nhà tôi đang nắn nót chép từng chữ tròn trịa đẹp đẽ vào cuốn vở học, và rồi bị một cái gì đó nhọn nhọn cào cào vào chân làm giật phắt cả người lên, và rồi trang giấy lem đầy những mực, và trái tim thì nện lên thình thịch như mới gặp ma. Nhưng điều làm bọn tôi khổ sở, và các chị giúp việc khổ sở nhất về con mèo Hitler, là những “cái cục đen đen nâu nâu” mà thỉnh thoảng nó ụa ra, dĩ nhiên, chứ còn ai nữa, khi thì dưới đất, ngang dường đi, khi thì trên phản, ngay chỗ ba anh em tôi nằm ngủ. Nó sản xuất những cái cục dị hình dị sắc này là vì bó buộc, chứ chẳng phải nó cố ý gây khó khăn cho bọn tôi đâu. (Nhưng riêng khoản nó ụa lên trên tấm phản nơi bọn tôi nằm ngủ thì quả là nó có ý gây khó khăn thật - dù rằng năm thì mười họa nó mới đáp lên phản). Thực vậy, ai mà vui cho nỗi khi lỡ đạp phải một trong những cái cục của nó, vì như một luật bất thành văn, đứa nào lỡ đạp phải, phải có bổn phận hốt tro mà rắc lên đó, đợi cho khô nước - vì những cái cục đó bao giờ cũng đi kèm với một chút nước - thì xúc cái cục đó lên mà đem đi đổ. Nghĩ lại thì chẳng qua nó bị hóc xương, hoặc ăn phải thứ gì khó tiêu, chuột chết sình, hay chim sẻ có sừng chẳng hạn nên nó mới sự bất khả kháng mà sản xuất ra cái đồ khó ngửi này.
Chị giúp việc thì dường như không có lý do gì mà không đập cho nó thẳng tay, nhưng bọn anh em nhà tôi thì còn úy kỵ mẹ, bởi bà luôn bênh vực con Hitler và la rầy mỗi khi bọn tôi đá nó một cách không thương xót. Thành ra, mỗi lần muốn đá nó một đá, bọn tôi phải cẩn thận ngó trước trông sau kỹ lưỡng, và Hỉtler nắm vững chỗ này lắm. Nó ưa chọn gấu quần mẹ tôi làm chỗ nương thân, mỗi khi nó nhận ra một mối nguy cơ đang đe dọa nó phát xuất từ ánh mắt lom lom đầy tức giận của một đứa nào đó trong lũ con vật được ưu đãi. Nhưng gì thì gì, ba anh em tôi, ba thằng con trai đầu trong số bảy thằng, ngủ thường xuyên nơi cái phản lớn, mới là đám nạn nhân chịu sự áp bức tàn tệ nhất của con mèo Hitler.
Khoảng vài chục đêm một lần, sau một buổi tối vui vẻ hào hứng có, buồn rầu chán ngắt có, bọn tôi lại lục tục kéo nhau về rúc rích trên cái phản lớn, rồi giác ngủ đến, rồi ác mộng hay mộng đẹp trôi lướt qua, rồi phịt một cái, một chất nước gì đó khai hoăm hoắm túa chảy lên mặt, không đứa này thì cũng đứa khác, nhưng thường thường đứa nằm ngoài là ông anh tôi, được tia nước này chiếu cố nhiều nhất, phải, cái thứ nước đái của con mèo, nhất lại là con mèo Hitler NHÀ MÌNH mới là độc địa làm sao…Tôi không hiểu nổi vì tiện đường đi hay vì mục tiêu phục hận mà con mèo Hitler cho xì cái chất nước của nó vào ngay chỗ đầu nằm của ông anh tôi, vốn là kẻ năng nổ trong việc đá mèo. Và ông anh tôi ắt là kẻ căm thù con mèo Hitler NHÀ MÌNH nhất đám.
Tôi thường tự hỏi không biết hành động “đái đầu giường” của con mèo Hitler có phải là thói quen vô tình của nó, hay là đòn trả thù vặt của một con mèo tinh quái? Đâu có thiếu gì chỗ để nó xả chất nước khai rình ấy trong cái trại chăn nuôi to bự này chứ?
Nhà thì rộng thênh, nhưng nó, sau một đêm hào hứng vui vẻ có, buồn rầu chán ngắt có, lại vượt xuyên qua các mái nhà âm u, y như anh em tôi từ những con đường phố đầy người và ánh sáng, quay về nhà, leo qua những cột kèo hiên mái, rồi đùng một cái, y như một chàng linh nhảy dù hung hãn, phóc xuống ngang đầu giường anh em tôi, xoạc cẳng sau đưa chênh chếch lên, rồi đường hoàng phịt một cái, rồi đôi khi có “meo” lên một tiếng thị oai hay báo hiệu gì đó có trời mà biết, rồi ung dung nhảy xuống đất, nhàn nhã ra đi vào một hóc hẻm nào đó của xó bếp, tìm một giấc ngủ yên lành thoải mái, mặc kệ cho anh em bọn tôi ngồi bật dậy, vừa chửi thề vừa bịt mũi, lừ đừ leo xuống phản tìm nước rửa mặt, vừa hứa thầm trong bụng rằng sáng mai thế nào cũng cho con vật khốn kiếp ấy một đá đích đáng.
Nhưng thường thường, anh em tôi ngủ qua một đêm là quên béng đi lỗi lầm vừa phạm phải đêm qua của con mèo Hitler, cho đến khi nó “meo meo” đi lại dưới gầm bàn cọ vuốt vào chân bọn tôi xem thử vuốt có sắc hay không.
Nói cho đúng và ngay thật, bọn tôi, kể cả mấy đứa em nhỏ cả trai lẫn gái, đá con Hitler tổng cộng cũng khoảng 50 cái, và ông anh tôi chiếm khoảng 20, số bình quân của một năm trời. Thành tích đá mèo này giờ đây khiến tôi cho rằng đúng ảnh là người đã đặt biệt hiệu Hitler cho con mèo NHÀ MÌNH. Chẳng vậy mà ảnh đã đóng vai Churchill để tuyên chiến với nó. Nó, cái đồ Hitler độc tài gian xảo, bao giờ cũng cố ý đi đêm về muộn hơn anh em bọn tôi, và thừa khi bọn tôi ngủ mê mệt mà ra tay…đái lén! (ủa, có thể gọi là ra tay không nhỉ?)
Thời gian đầu con Hitler ở nhà chúng tôi, tôi cũng ít chú ý đến cách sống của nó, nhưng càng về sau, tôi nhận thấy nó ưa bỏ nhà đi hoang. Mèo đi hoang thì một là đi ăn vụng ở nhà hàng xóm, hai là phất phơ rững mỡ với những chị mèo cái trên các mái nhà vắng vẻ. Hồi mới đến nhập cư, con Hitler còn là một đấng mèo tơ, nó ít đi hoang mà chỉ lẩn quẩn chực ăn ở xó nhà. Một năm, hai năm sau, nó thường bỏ đi biệt tích cả ngày, thỉnh thoảng mới lò mặt mèo ra mà “meo meo” vài tiếng.
Rồi lại có một con mèo cái, không có căn cước lý lịch rõ ràng, tới ăn nhờ ở đậu nhà tôi, và lại trở thành con mèo NHÀ MÌNH thứ hai. Thực ra, tôi cũng khó mà nhớ nổi hai con mèo này con nào đến trước, có lẽ con Hitler thì phải hơn, vì con mèo cái thì rõ là chìm lỉm bên cạnh con Hitler, một nhân vật, không, miêu vật đặc biệt. Ký ức tôi chỉ lưu giữ những đường nét rõ ràng của con Hitler. Bộ râu lông và những trận nước đái, những cục nâu nâu đen đen của nó làm tôi dễ nhớ đến nó hơn, trong khi con mèo cái thì an phận một đấng đàn bà mèo, suốt ngày nín lặng, mờ nhạt, và cố không tạo ra sự chú ý đặc biệt về mình. Hai con vật chóng làm quen và trở thành bạn bè bồ bịch của nhau. Chúng thường tự động rủ nhau, vào những buổi trưa, trèo lên mái tole nằm sưởi nắng, mắt lim dim ngó nhau, mỗi con một góc. Tia nhìn của chúng dường như không biểu lộ gì hết, hoặc dường như đã biểu lộ hết mức suy nghĩ của loài mèo.
Chúng thân thiết nhau, điều đó đã hẳn, nhưng thương yêu gắn bó nhau thì không đến nỗi keo sơn bền chặt cho lắm.
Ở nhà hàng xóm có một con mèo khác, to mập khỏe mạnh, thường gây sự cắn xé với cả hai con mèo nhà tôi. Và bao giờ cũng như bao giờ, thảm bại luôn luôn ở về phía phe ta. Hai con mèo nhà mình không biết đoàn kết chống lại kẻ thù chung, (dường như đó là chỗ anh hùng ngu xuẩn của loài mèo mà loài người hiếm khi có được và không muốn có, chẳng vậy mà đã có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh và cách mạng chống kẻ thù chung đã xảy ra, và loài người, vì khôn hơn loài mèo, đã nắm lấy chân lý đoàn kết đấu tranh để tiến hành lịch sử) cho nên khi con kia bị kẻ thù chung cắn xé tàn tệ thì con này thản nhiên ngồi ở một góc xa xa quan sát, và ngược lại…
Rồi chị mèo cái, một ngày kia mang nặng, và đẻ đau.
Ắt là kiếp trước chị ta ăn ở thất đức lắm nên kiếp này chị ta thật bất phước. Mấy lứa con của con mèo cái NHÀ MÌNH không lứa nào sống sót quá tuần đầu tiên. Người ta nói “mèo tháng 5 ăn thịt con”, nhưng theo tôi nhớ thì con mèo cái nhà tôi không hề ăn thịt con nó, mà chính anh chàng Hitler NHÀ MÌNH đã đớp lai rai cả tá mèo con từ lứa tháng 6, lứa tháng 10 cho đến lứa tháng giêng. Cảnh tượng nó cắn nát đầu một chú mèo con bé xíu rồi tha đống thịt đỏ bầy nhầy ấy đi tìm một chỗ ẩn khuất để xực, thực là một cảnh tượng đáng làm cho anh em bọn tôi phải đá cho nó vài đá.
Cứ thế, thời gian trôi qua, vì thời cuộc, vì sinh kế, anh em bọn tôi dần dần tản mát đi, những lứa mèo con được sinh ra rồi chết yểu, một vài chú chuột hiếm hoi bị Hitler vật chết, giàn hoa giấy trước cổng nhà đã mấy lượt ra bông, những mớ lòng heo mẹ tôi mua cho Hitler lẫn con mèo cái cũng thưa dần theo túi tiền, và Hitler càng ngày càng ít có mặt ở nhà tôi. “Trại chăn nuôi” thiếu vắng vài bóng người quen thuộc, trong dó có tôi, và thời gian cứ trôi, lẹ như bước chân mèo…
(Và “cuộc cánh mạng giải phóng dân tộc” đã thành công với cái giá 30 năm xương máu đỏ lòm đến xót con mắt. Mọi người hân hoan hồ hởi đón chào cách mạng sự nghiệp và sự nghiệp cách mạng, trừ những phần tử thiểu số ù lì mà đầu óc còn bám víu vào cơm thừa canh cặn của đế quốc để lại, như con Hỉtler nhà mình chẳng hạn.)
Sau cuộc chiến 55 ngày khốc liệt và khốc lệ, từ góc trời phiêu bạt Khánh Dương, trải qua bao nỗi nhọc nhằn đói khát, mấy lần bị thần chết đuổi chạy thục mạng, cuối cùng tôi cũng về được đến nhà. Con mèo Hitler vẫn ung dung bình thản sống trong trại chăn nuôi. Dường như tình thế thay đổi, trong lúc đầu, chưa có ảnh hưởng nặng nề gì đến nó. Bao năm nay nó đã đưa cặp mắt thờ ơ đưa kẻ đi, đón người về, và bây giờ dù cho nền nhà có bị lật ngược lên tận móng thì nó vẫn còn thiếu gì chỗ ngủ an toàn nơi xó bếp. Vả lại, nó đã tỏ ra ít có quan tâm đến khẩu phần lương thực đã bị hạn chế của nó ở nhà tôi. Bây giơ, tài ăn vụng của nó, qua bao năm lăn lộn ở chốn phạn trường, đã đủ mức độ chuyên nghiệp để cung cấp cho nó những món ăn ngon lành bổ dưỡng, hơn là chút cơm trắng chan nước cá kho và vài nhúm xương ở dưới gầm phản nhà tôi. Nó không phải là một con mèo no cơm rững mỡ, nhưng là một tay săn lành nghề tự tin ở tài săn thịt của mình. Cách mạng đã thổi một luồng hơi mới mẻ và nóng hổi đến mức không thể tin được vào cõi lòng sâu kín của mọi người, tuy nhiên, trong cặp mắt dửng dưng của con mèo Hitler, mọi đổi thay của xã hội dường như chẳng xâm nhập được vào nó. Nó vẫn nhảy ngang nhảy ngửa, hoặc rướn mình một cách uể oải, hoặc bước đi nghiêm trang đạo mạo như một vị lão túc, hoặc nằm dài ra một cách nhàn hạ. Nó đưa cặp mắt lười biếng ngó một cách thờ ơ sự rộn rịp của nhà tôi trong những ngày đầu của cuộc giải phóng hào nhoáng.
Những ngày ấy, trong mộng mị dị thường của những kẻ mê chưa tỉnh hoặc tỉnh nhưng ở trong mê, nhà tôi quả thật là rộn rịp. Mười mấy năm nay được xem là nhà từ đường phía bên ngoại (nếu quả thật hai chữ từ đường còn có ý nghĩa), ngôi nhà trông giống đình, miếu này - dễ thương bởi nét cổ kính của nó, đã được gia đình tôi cư ngụ, để phụng thừa hương hỏa. Hay thực ra, vì lẽ ba tôi, một công chức sống thanh liêm đến nỗi không đủ sức tậu được cho gia đình một ngôi nhà sau 40 năm trời làm việc mẫn cán. Do vậy, phụng thừa hương hỏa chỉ là một cái cớ để nói cho có vẻ đường hoàng, và bây giờ, sau chiến tranh, gia đình ông cậu tôi (em trai mẹ tôi), với tư cách giòng đích, sau cuộc tản cư từ các địa phương khác về, đã đề huề giường tủ dọn đến chiếm cứ phần trên của tòa nhà, kể luôn cả hai sân trước và sân sau.
Đương nhiên, gia đình tôi với nhân số giảm xuống một nửa bởi những người đã đi xa, tự động “di tản chiến thuật”, theo cách nói của các chuyên gia quân sự chế độ cộng hòa. Nhưng nếu dùng chữ “rút lui’ thì đúng hơn, vì gia đình tôi thực đã rút lui về phía sau cùng của tòa nhà. Đó là chỗ trước kia được ông ngoại tôi dùng làm nhà kho, rồi gia đình ông cậu quá cố của tôi (anh trai mẹ tôi) gồm bà mợ và ba cô con gái tân trang nó lại, lên một căn gác nửa gạch nửa gỗ, và vì sau đó tậu được một ngôi nhà mới đồ sộ hiện đại hơn, đã bỏ không nó cho gia đình tôi tạm thời “ghé mắt ngó dùm”.
Nhưng bây giờ, cuộc sống mới đến ào ào như bão, gia đình em của mẹ tôi thì cũng kéo về ào ào như tố, nên gia đình tôi phải lâm vào cái thế rút lui bắt buộc, vậy căn nhà kho đã có thêm tầng gác nhỏ ấy cũng phải bắt buộc trở thành “chỗ ghé lưng ngủ đỡ” của gia đình tôi. Và rồi, khoảnh sân gạch phía trước, vốn chứa nhốt bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ của bọn tôi, đã biến hóa theo bàn tay xây dựng của ông cậu tôi, để trở thành những cái hộp chim bồ câu chụp kín mít lên ngôi nhà.
Trại chăn nuôi bây giờ đã trở thành khu cư xá hỗn độn, và con mèo Hitler có vẻ bất mãn trước sự đổi thay chóng vánh này. Nhưng những thời kỳ xán lạn bao giờ lại không xen lẫn những giai đoạn u ám, và nếu u ám có kéo dài bao lâu đi nữa, thì cuối cùng cái ám tự khắc cũng u lại, và rồi ánh sáng lại sẽ đến.
Lần hồi, con mèo Hitler cũng nhận ra sự rút lui về nhà kho và sự sa sút trông thấy rõ của gia đình tôi.
Thế là, với sự trung thành của loài mèo, nó cũng tự động thu hẹp giang sơn nhảy nhót leo trèo của nó lại. Bây giờ, nó chỉ quanh quẩn từ khúc sân sau đến nhà kho, và căn gác mà gia đình chúng tôi đang ở là chỗ nó thường xuyên lui tới.
Theo nhịp chuyển động xuống của nền ẩm thực ở thời kỳ chuyển tiếp đầy dẫy khó khăn, miếng ăn vụng của bọn mèo đã trở nên khan hiếm như cà phê và thịt bò bít-tết; nhà nào cũng cửa đóng then gài như nhà nấy, và nồi niêu thì xẹp xuống chứ ít khi đầy vun lên, do đó con mèo Hitler dần dần cũng mất đi phong cách của một tay thợ săn chuyên nghiệp, để dần dần trở nên có bộ điệu của một tên trộm xấu ăn. Điều đáng buồn, cho nó cũng như cho bọn tôi, là nó không còn bén mảng đến chỗ những cái thau rửa chén bát của nhà tôi nữa, vì quả thực nhà tôi chẳng còn được miếng cơm thừa hay cá vụn để cung cấp cho cái bụng nhỏ xíu của nó như ngày trước. Thành thử, nó đã lân la làm quen với gia đình ông cậu tôi để kiếm chác chút đỉnh lương thực. Theo thời thế trồi lên sụp xuống thì gia đình ông cậu tôi đang trồi lên (khá khẩm thức ăn thừa cho một chú mèo) và gia đình tôi đang sụp xuống (nồi cơm khua lên với tiếng muỗng vét leng keng ở cuối mỗi bữa ăn, và rau muống chấm xì dầu thảng như có dư được vài cọng đã già quéo thì cũng chẳng thể là món ăn hạp khẩu cho một chú mèo thèm thịt sống.)
Tuy vậy con mèo Hitler không phải là thứ được cá thì quên nơm, bao giờ nó cũng coi CHỖ NÀO gia đình tôi ở là CHỖ NÓ ở. Nó có muối mặt đến xin ăn nhà ông cậu tôi cũng là do nó thông cảm với sự túng bấn của NHÀ MÌNH. Ắt rằng muốn chứng minh sự lạnh nhạt của nó đối với nhà ông cậu tôi, hoặc là để trấn an bao tử, nó đã bắt đầu mở ra nhiều cuộc tảo thanh vào nhà bếp của ông cậu, vốn lơ đễnh trong việc bảo toàn lương thực thực phẩm. Từ đó mà phát sinh mối hiềm thù sâu đậm giữa thằng con trưởng của ông cậu tôi và con mèo Hitler.
Thằng em cô cậu này của tôi vốn cộc tính, thành ra hắn dễ phát khùng lên mỗi lần con Hitler rình rình chộp được một khúc cá tươi hay một miếng thịt. Hắn bèn trả đũa bằng cách tạt nước sôi vào con mèo, nhưng thường thường tay hắn vụng quá nên bao nhiêu nước đều tạt hết xuống đất, mà đất thì như quý vị biết, hễ có bao nhiêu nước đổ xuống là hút hết bấy nhiêu chứ có trầy trụa gì cho cam? Và con mèo thì trườn đi một cách nhẹ nhàng chậm chạp như thể chọc tức kẻ thù địch. Thằng em cô cậu tôi mặt đỏ lựng lên như một trái táo chín, và nói thực tình, trong “nhà kho”, nhìn qua cửa sổ, tôi đã mỉm cười một cách thú vị.
Vài tháng sau tháng 4 kỳ diệu và kỳ quặc đồng thời của năm 1975, mẹ tôi lên ở trên một căn nhà nho nhỏ do một ni viện nhường lại, và, như là một cách thức duy trì mối liên lạc chủ tớ, thỉnh thoảng bà ghé về nhà dưới này do ba tôi làm chủ hộ, với một mớ lòng heo cho con mèo Hitler, và con mèo ranh mãnh này vẫn ăn với điệu bộ của một kẻ thừa hưởng gia tài, rồi để tỏ ra nó luôn luôn không phải là phường vong ân bội nghĩa, nó cứ xoắn lấy, cọ lấy, quấn quít lấy quanh hai gấu quần của mẹ tôi, và những tiếng “meo meo” phát ra của nó có một âm điệu rất là nũng nịu…
Vậy rồi đến chuyện cái thang gác và con mèo.
Ban đầu nó lên xuống căn gác nhỏ nhà tôi theo lối mái tole và lan can phía ngoài, thét rồi, vì lười hay vì muốn đi tắt cho nhanh chóng, nó bắt đầu tập đi xuống và đi lên theo lối thang gác. Tôi kể, và quý vị hãy vận dụng óc tưởng tượng. Đầu tiên, nó đặt hai chân trước lên một bậc thang…cộp cộp! rồi đến hai chân sau…cộp cộp! rồi lại đến hai chân trước…cộp cộp! Vậy là thành ra tiếng chân mèo đi trên cầu thang. Vào giấc trưa, hay lúc nửa đêm - lạ là nó thường đi cầu thang theo những giờ giấc trái khoáy ấy - mỗi khi nghe những âm thanh cồm cộp hai nhịp một kia là bọn tôi không cần mở mắt ra cũng biết đó là con mèo Hitler nhà mình đang đi trên thang gác…
Cộp cộp! Cộp cộp! Cộp cộp! Cộp cộp!
&
Dĩ nhiên, nghèo không phải là một cái tội - người ta đã quá mỏi miệng vì chuyện này - và đói khát thì cũng chẳng tội vạ gì. Nhưng những cảm xúc tình tự nảy sinh ra từ đói khát mới là những điều bộc lộ bản chất người trong những tình huống khác nhau. Từ sự đói khát mà có hai con đường: đi xuống hoặc đi lên; cáu kỉnh, tham lam hoặc thanh cao, hướng thượng. Có thể đây là sự vỏ đoán chủ quan của tôi chăng? Nhưng xin đơn cử hai trường hợp khá xác thực, vì vốn là hai trường hợp bản thân tôi đã lâm phải, mà, một vài người nào đó trong quý vị vốn có đầu óc khuôn phép chừng mực có thể cho rằng sự viện dẫn của tôi hàm hồ, không xác thực, và chẳng lấy gì làm hay ho cho lắm…
Nhưng xin cứ bỏ qua những lời bình nghị vòng vo để trở về mạch truyện.
Cái hồi đơn vị của tôi bị vây hãm nhiều ngày ở núi X., tuyệt đường tiếp tế, cạn lương thực, mỗi người chỉ còn dự trữ được một bi-đông nước và hai hay ba gói mì để ăn sống cầm hơi, vâng, đó là cái hồi tôi được hưởng một sự đói khát vì “bắt buộc phải chịu vậy”. thành ra đó cũng là thời kỳ mà tâm trí tôi nhẹ lâng lâng lên như cái thể xác đói meo dật dờ, và do cái lâng lâng ấy mà tâm hồn tôi bỗng “cảm thấy dễ cảm”, bỗng trở nên thanh cao, trước thiên nhiên, rừng sâu núi thẳm, và bom và đạn và hỏa tiễn và đại pháo và máu và những cái xác người; và tôi đã làm thơ tình, thơ tả cảnh, thơ phản chiến, và tự cảm thấy mình là một thi sĩ đích thực - ôi, cái lầm lẫn đáng chán ấy mải cho đến bây giờ tôi vẫn còn nuôi dưỡng - nhưng, có đến tám phần mười hồi đó tôi đã nhẹ lâng lâng chỉ vì đói, và làm thơ hay ngắm cảnh để cảm xúc lên ào ào chỉ là để khỏa lấp cơn đói vậy thôi! Vâng, vâng, có thể một vị nào đó sẽ gay gắt phản đối rằng tôi đã hết sức vô lễ khi vật chất hóa tinh thần nghệ thuật của con người nghệ sĩ sống vì mọi người (và chết thì chẳng vì ai), nhưng dù sao mặc lòng, hồi đó trong đói khát mà tôi đã hướng đến chỗ đi lên! Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì trên một chóp núi quạnh hiu mà bao quanh là lửa đạn và sự nhốn nháo lo sợ, thì chẳng có gì để mà phải cáu kỉnh hoặc tham lam. Đói khát kề bên hiểm nguy và sự chết thì dễ trở nên liều thuốc tâm hồn nếu như anh có bản lĩnh tinh thần để dung nạp va điều tiết nó thành thuốc.
Trường hợp thứ nhất tôi đã lâm phải kể trên là thuộc chiều hướng đi lên, còn bây giờ, trường hợp thứ hai, khổ thay, lại thuộc chiều hướng đi xuống.
Bây giờ, ở đây, trong một căn nhà chật chội không có chỗ…trốn khách thay vì tiếp khách, trong một thành phố yên tĩnh của một đất nước tạm gọi là thanh bình (bởi vì nhà nước ta vừa tuyên bố rằng “đất nước ta ở trong hoàn cảnh vừa có hòa bình vừa có chiến tranh’ làm bối rối bao nhiêu nhà siêu hình học) vâng, trong một không khí thường thường là buồn tẻ của những kẻ ăn không ngồi rồi, đói khát thiếu thốn dễ đưa anh em bọn tôi đến chỗ cáu kỉnh, tham lam và ác độc!
Trong nhà tôi đã thường xảy ra những cuộc cãi cọ vô ích, giận hờn vô lý và tham lam…hữu lý. Nhưng kìa, tôi không thể vạch áo cả lũ bọn tôi ra để quý vị xem lưng, có vạch chăng là vạch cái áo của riêng tôi, e cũng đủ mua một trận cười rồi. Vậy, cái tham lam hữu lý trong câu chuyện dưới đây là của tôi, kẻ đang hầu chuyện quý vị, và tôi không giấu diếm gì mà trình bày rằng trong cái tham lam hữu lý ấy cũng có một phần vô ích và vô lý tiếp theo. (Thì cũng như mọi và mỗi sự nghiệp cách mạng hoặc mọi và mỗi sự nghiệp cá nhân đều có sự hữu lý, vô ích và vô lý đồng thời, như cái kiềng ba chân bất di dịch của tuồng đời ảo hóa vậy mà!)
Trong một cuốn vở vẽ của tôi, tôi có ghi lại những hàng sau đây để đánh dấu và phân tích những cái hữu lý, vô lý và vô ích của mình:
“tôi ăn chè Trung thu
tôi câu con cá khô
tôi đánh con mẹo
tôi làm đổ ly cà phê.”
Hẳn là quý vị chẳng thấy những hàng trên đây có vẻ kỳ cục, chẳng có gì là hay ho hoặc xấu xa để mà kể cả. nhưng tôi xin thưa rằng sự thể nó tròn xuông tính thể như vậy mà không phải vuông tròn thể tính như vậy, và mẩu chuyện này hoàn toàn là sự thực - thực như con mèo Hitler chứ không có chút gì là hư cấu cả.
Gần hai năm sau cuộc đổi đời lịch sử, gia đình tôi không có người nào có được một công việc đường hoàng, nghĩa là có dính dấp đến nhà nước để có thể mua gạo với giá rẻ, mà tệ hại hơn nữa là cũng chẳng có lấy một công việc KHÔNG ĐƯỜNG HOÀNG để mà làm ra tiền. Gia tài sự sản hầu như chỉ trông cậy vào tài khẩu thuyết của mẹ tôi và lòng từ tâm của…những vị chủ nợ. Đồ đạc vật dụng trong nhà - những gì có thể coi là còn đáng giá đồng tiền cắc bạc - đều lần lượt âm thầm ra đi. Đám con trai nhà tôi, lúc ấy có năm trự - chỉ để làm việc nhà, và về sau này bà chị tôi mới có cơ hội nhảy vào một quán cà phê để vét tiền hoa hồng của những ông khách sộp, và…nhưng quý vị đâu có ngồi đây để nghe tôi tả oán cảnh nhà đủ điều? Lòng thương xót xét ra là một thứ xa xỉ khi người ta đang muốn đọc một cuốn truyện vui. Nhưng mà…
Vậy thì…đại khái năm ấy nhà tôi cũng đã nỗ lực để ăn dược một cái Tết Trung Thu nghèo với một nồi chè đậu và bữa cơm rau như thường lệ. Nồi chè đậu là cả một cái gì hấp dẫn đối với những cái miệng thiếu ngọt đã hai năm, thành thử nó đã bị tấn công chớp nhoáng và để lại trong miệng bọn tôi một dư vị chưa đủ cân lượng. Bữa cơm chiều nay sẽ diễn ra với một đĩa rau mập và một tô xì dầu đồ sộ. Bọn tôi vốn có thiện tâm ăn chay xen lẫn với những bữa ăn mặn. Thiện tâm ấy là chịu ăn khổ hạnh. Nhưng mặc dù nghèo cháy túi đi nữa, thỉnh thoảng tôi cũng chạy cho ra một thức uống khá xa xỉ là cà phê (chen lấn mua vé ở cửa hàng quốc doanh gần nhà) để làm tăng hiệu năng làm việc. Công việc của tôi ở đây không đem lại đồng xu cắc bạc nào để đóng góp thêm vào cho túi tiền thường xuyên rỗng rang của mẹ tôi, nhưng đoạn đời tôi lúc đó mà thiếu vắng nó thì ắt là buồn tẻ lắm - và buồn tẻ cả cho bầy em tôi vì chúng là độc giả thường trực và hăm hở nhất. Vâng, chẳng giấu gì quý vị, hồi đó tôi đang vẽ một bộ truyện bằng tranh tầm phào - nhưng bọn em tôi thì thuộc lòng hết tên họ diện mạo của các nhân vật trong truyện - và, nếu quý vị chưa xem tác phẩm của tôi thì tôi cũng không nên kể ra làm gì, bởi thật tình tôi cũng là người biết giữ gìn sĩ diện.
Sao thì sao, ngày Tết Trung Thu năm ấy, tôi cũng có được một ly cà phê trước mặt, với cây viết trên tay, và lọ mực xạ và cuốn vở vẽ và gói thuốc rê, tóm lại là đầy đủ lệ bộ tứ bảo văn phòng để vắt trong óc ra những hình và những chữ. Dĩ nhiên, tôi ngồi vừa nhấm nháp cà phê, hút thuốc rê, vừa vung tay sáng tác rất là ung dung khinh khoái. Trung bình tôi uống một ly cà phê trong khoảng ít nhất là một tiếng đồng hồ, nghĩa là vừa đủ thời gian hăng hái để vẽ được hai trang giấy, (nếu quý vị không tin thì tôi sẽ sẵn sàng đem 4, 5 đứa em trai em gái tôi ra làm chứng).
Buổi chiều mát mẻ, ai nấy đều ăn lưng lưng bụng và ngủ rất kỹ (dậy thì chẳng biết làm gì?), và tôi ngồi một mình vẽ mà không bị những tiếng động xâm phạm đến giòng tư tưởng, và ly cà phê chỉ vừa nhấp được hai ngụm nhỏ - dung lượng khoảng ba muỗng, và thuốc thì đã mồi sang điếu thứ hai - để khỏi mất công đến bàn thờ mồi lửa vì hồi đó hộp quẹt cũng là thứ xa xỉ, bao giờ tôi cũng quấn sẵn khoảng chục điếu, và trang giấy đã vừa vẽ xong một lão tăng râu xồm, mặt mày dữ tợn đang múa cây trùy sắt, có danh tính là Si Tăng Mộc Phàn, và ngoài cửa hông dẫn ra bếp, con mèo Hitler bỗng “meo” lên một tiếng rồi nhảy vào nhà, chui xuống ngay dưới cái bàn tôi đang ngồi.
Ngay lập tức, tôi nhận ra tiếng “meo” của con mèo Đức Quốc Xã này có một cái gì khác thường trong đó. Thường thường tiếng “meo” của một con mèo thì tròn trịa và đầy đủ theo diện tích phát âm của nó. Quý vị thử hả miệng mà “meo” lên một tiếng cho lớn thử xem, quý vị sẽ thấy âm thanh của tiếng “meo” phát ra một cách mềm mại uyển chuyển như một điệu múa dân tộc, và tiếng “meo” tròn như là chữ e và chữ o vậy. Nhưng đây, tôi thấy tiếng “meo” của con mèo Hitler dường như đang bị CÁI THỨ GÌ ĐÓ chận ngang cửa miệng nó, tợ như là ta đang phát âm từ trong cuống họng, hay ta vừa ngậm một cái bánh phồng tôm vừa nói chuyện vậy; và vì thế mà tôi nghe thấy con mèo Hitler không kêu “meo” mà kêu “keo”, và tôi bèn ngó xuống gầm bàn, và tôi thấy con Hitler ngồi ngay dưới chân tôi, giương cặp mắt vàng rực của nó ngó lên tôi ra cái điều muốn nói: “ngó cái gì mà ngó kìa!?”, và tôi thấy CÁI THỨ GÌ ĐÓ nơi hai hàm răng ngậm chặt của con Hitler, là một cái gì trăng trắng, vàng vàng, dài dài, dẹp dẹp. Một khúc bánh mì? Một miếng cơm cháy? Một con bồ câu? Tôi đâu có thì giờ mà suy nghĩ lan man như vậy nữa? Tôi hành động. Trước tiên bằng đầu và mắt. Chẳng là tôi bị cận thị nặng, và mặc dù có đeo gương, tôi vẫn phải cúi đầu lọt qua khỏi cạnh bàn để ngó cho rõ ràng tường tận. Và tôi thấy THỨ GÌ ĐÓ là một con cá khô bự bằng nửa bàn tay. Ôi chao! Chiều nay ăn cơm với rau muống luộc mà đệm một con cá khô, kho hay nướng, thì phải biết!
Và, hai tay bám lấy mặt bàn, tôi quét chân đá con mèo Hitler một đá…trật lất, bởi vì nó đã êm ả chui qua cái ghế dựa tôi đang ngồi, toan chuồn ra ngõ cửa lớn. Tôi đứng phắt dậy, lấy mông đẩy cái ghế ra sau, và la lên: “Hừ, suỵt, hừ!”, và tôi đá cái ghế ngã xuống đánh rầm một cái, và con mèo Hitler kinh hãi ‘meo” lên một tiếng thật tròn trịa bởi vì miếng cá khô đã rớt ra khỏi miệng nó, và tay tôi vô tình hất ngã luôn ly cà phê, va chất nước đắng xa xỉ đổ ra đầy bàn, và tôi cúi xuống chộp ngay con cá khô, và con mèo Hitler, còn đầy sợ hãi, chuồn ra khỏi cửa, và tôi bèn ngồi xuống ghế, thừ người ra hồi lâu với con cá khô còn dấu răng mèo và ly cà phê đổ hết tám phần mười, và thằng em út của tôi chạy vào cười sặc lên, va chiều hôm ấy, tôi đã kho con cá khô cho cả nhà ăn đệm với rau muống, và con cá khô quả là ngon tuyệt!
Quý vị có thấy là tôi đã tham lam một cách hữu lý hay không? Thật là bất công khi mọi người trong nhà phải ăn cơm với rau muống luộc chấm xì dầu trong khi con mèo NHÀ MÌNH lại một mình một cỗ…cá khô! Nhưng cũng thật là vô lý, vì đối với bọn tôi, kể cả ba tôi, tám miệng ăn, con cá khô thật ra chẳng thấm tháp gì vì mỗi người chỉ vừa tém một miếng bằng trái ớt sừng, nhưng đối với con mèo Hitler, thì con cá khô quả là một bữa ăn no nê, khoái khẩu. Và cũng thật là vô ích và vô lý vì tôi đã đánh đổi một ly cà phê 200 đồng để chiếm đoạt lấy một con cá khô chưa tới 100 đồng! Thế nhưng sự việc tròn vuông như vậy mà lại không vuông tròn như vậy. Tôi đã tham lam ác độc với một con mèo NHÀ MÌNH thì tôi phải chịu quả báo nhãn tiền. Cái đó tôi không kêu ca oán trách gì được. Nghĩ cho cùng thì Thượng đế - ôi, nếu quả có con người huyền bí một cách đáng sợ ấy - thật chí công vô tư, ngài chẳng bao giờ dành hết mọi ưu đãi cho một con người mà ngược đãi một con mèo.
Chiều hôm đó tôi thấy con Hitler ngồi trên mái nhà lườm lườm ngó xuống tôi ra chiều khinh bỉ. Và chiều hôm sau, tôi thấy nó mon men tới bên cái rổ cá tươi mà cô vợ của thằng con trưởng của ông cậu em trai của mẹ tôi đi chợ về để dưới đất. Như mọi khi thì tôi đã lên tiếng báo động dùm, nhưng lúc ấy tôi đã kềm giữ cái miệng mình lại để không hừ hừ suỵt suỵt một tiếng nào. Và con mèo Hitler bèn từ tốn ngoạm lấy một khúc cá thu tươi rói ngon lành và chậm rãi đi vài bước rồi nhảy phóc lên mái nhà và biến mất.
Và quý vị, ắt quý vị nghĩ là tôi đã có một hành động chuộc lỗi chăng?
Hẳn quý vị còn nhớ đến vị nữ miêu, nhân tình chính thức của con mèo Hitler? Đó là một con mèo tam thể lông trắng viền nâu, xám, có bộ mã rất là yêu kiều diễm lệ với loài mèo. Chính cái ả thất đức hữu sinh vô dưỡng này đã làm tôi khốn khổ không ít.
Vài tháng sau cuộc “câu cá khô’ của tôi, ả mèo ấy sinh thêm một lứa con không biết là lứa thứ mấy. Bốn con mèo con, một đen, hai vằn nâu xám như mẹ, và một trắng đốm đen, chắc chắn là giống hệt ông cha Hirler của nó, trừ bộ lông râu cứt mũi là không thấy hiện hữu ở chú tiểu miêu này. Lần này chính tôi phải đứng ra trực diện đối phó với cuộc dưỡng dục của ả mèo cái này.
Biết rằng con Hitler sẵn sàng đớp ngấu mấy đứa con của con mèo cái, tôi, vô công rồi nghề, quyết định áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn có thể có để bảo vệ mấy đấng mèo con. Vì rằng hễ con vợ mà bỏ ổ đi kiếm ăn thì chàng Hitler sẽ lập tức mon men đến thăm viếng sức khỏe mấy đứa con chưa kịp mở mắt nhìn đời của nó. Vì rằng muốn bảo vệ một cách hữu hiệu thì tôi phải làm cách nào để cái “ổ mèo” (nghe thật chướng tai) phải ở đâu đó quanh tầm mắt tôi.
Nhưng, chẳng rõ con mèo mẹ đã đẻ con ra ở cái hóc hẻm nào mà vài ngày sau đó, nó bèn tha, lần lượt từng đứa con một, lên căn gác lửng của NHÀ TRÊN, nghĩa là căn nhà mà ông cậu tôi và mấy đứa con ổng đang ở. Căn gác lửng này được dùng để chứa hàng hóa lỉnh kỉnh, và nó rất bề bộn, chật chội, vô trật tự, hơn nữa, nó thiếu ánh sáng và kín gió. Hai yếu tố này khiến con mèo mẹ ưa thích và quyết định chọn căn gác lửng NHÀ TRÊN làm chỗ đặt ổ của nó.
Vậy rồi, hôm nọ, thằng em cô cậu của tôi bỗng phát giác ra trên gác lửng của hắn có tiếng “meo meo” inh ỏi. Bắc thang trèo lên xem, hắn khám phá ra cái ổ mèo. Rõ ràng là một vụ xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Hắn bèn lần lượt xách từng con mèo con một đem bỏ xuống ngay trước cửa nhà tôi và la lên: “Ông H. ơi! Con mèo NHÀ ÔNG làm ổ trên gác NHÀ TÔI nè!”
Vậy là tôi phải di chuyển đám mèo con lên trên căn gác nhà tôi. Con mèo mẹ đã đi đâu mất tiêu. Khi nó trở về thì tôi đã xách đám con sơ sinh của nó bỏ vào một cái rương phế thải, không nắp, để ở ngoài hàng hiên của căn gác. Nó men theo tiếng kêu của lũ mèo con mà rượt lên. Nó khám từng đứa con một cách kỹ lưỡng bằng cách dùng răng cắn vào sau gáy, nhấc lên rồi thả xuống, rồi lấy lưỡi liếm quanh mặt con nó cẩn thận, rồi an phận chui vào nằm trong rương và bắt đầu cho con nó bú. Tôi cũng an lòng trở xuống.
Nhưng con mèo lại không chịu an phận ở cái ổ mới do tôi ĐẶT RA. Mà nó cũng chẳng an lòng. Cái gì của mèo làm ra mới là của mèo, dường như đó là quy luật sẵn có của loài mèo mà tôi đã không nắm được. Khi tôi ngồi vẽ dưới nhà thì con mèo mẹ bắt đầu tha con nó, từng đứa một, băng qua các mái nhà, để chui vào căn gác lửng nhà trên theo lối một cánh cửa sổ đã hư nát trổ một bên hông. Và tiếng “meo meo” léo nhéo của đám mèo con lại nổi lên, và thằng em cô cậu của tôi lại nhăn nhó và la rống lên với…tôi. Và tôi lại phải bắc thang leo lên căn gác nhà hắn để đem toàn bộ mèo con xuống chuyển về nhà mình, bỏ trở lại vào trong cái rương phế thải. Nhưng lần này, nghĩ rằng con mèo mẹ ưa chỗ kín đáo để lập ổ, tôi xây quanh cái rương một bức tường chắn gió, bằng nắp rương, bìa cứng, chiếu rách, đủ thứ lỉnh kỉnh bỏ đi mà tôi vớ được có thể tạo thành một vành đai che gió quanh cái ổ mèo. Và con mèo mẹ lại trở về và an phận nằm vào trong rương với lũ con của nó. Và tôi lại an lòng trở xuống.
Rồi thảm kịch xảy ra. Khi tôi trở lên trông chừng cái ổ mèo, không nhớ là lần thứ mấy thì con mèo mẹ đã đi kiếm ăn, và một trong bốn con mèo con, lông vằn nâu xám, đã bị CON GÌ ĐÓ cắn nát đầu ra, CON GÌ ĐÓ chắc chắn là con mèo Hitler NHÀ MÌNH. Vậy là tôi phải chuyển đám mèo con còn lại xuống ngay dưới bếp, đặt vào một cái thúng rách vẫn dùng để đựng than. Hơi ẩm của lưa bếp có lẽ dã làm vho đám mẹ con mèo dễ chịu hơn. Và nhà bếp thì trong tầm mắt của tôi, hẳn là con Hitler không thể giở cái trò…sát miêu dã man của nó ra được nữa.
Rồi khi tôi ngủ trưa, tiếng “meo meo” lại nổi lên ở căn gác của nhà trên. Và thằng em cô cậu lại nhăn nhó, và tôi lại bắc thang leo lên nắm đầu lũ mèo con xuống. Cứ thế, việc ấy cứ xảy ra vài ba lần trong vài ba ngày nữa. Một cuộc tranh đấu thầm lặng và kiên trì giữa người và mèo. Càng ngày chỗ làm ổ của mèo càng trở nên thối hoắm không sao chịu được. Tiếng meo meo và mùi hôi của ổ mèo chẳng trách thằng em cô cậu mặt mày nhăn như cái bị rách, còn tôi mặt mũi cũng chẳng bằng phẳng gì cho cam. Lần cuối thì tôi đâm ra mất kiên nhẫn. Tôi bèn ký lệnh tập trung cho lũ mèo cực kỳ phản động này. Tôi nhốt đám mèo con vào trong một cái lồng bằng sắt đan lưới. Con mèo mẹ lủi thủi đi tới, nằm bên cái lồng mèo mà kêu “meo meo” lên một cách buồn bã. Sau một lúc, tôi bắt đám mèo con ra khỏi lồng để con mẹ cho bú. Đoạn tôi bỏ vào lồng trở lại. Rồi, sau một lúc nữa, nhận thấy tình cảm mẫu tử bị phân cách bởi…một bức màn lưới sắt quả là đáng tội nghiệp, tôi lại dem đám mèo con bỏ vào trong cái thúng rách dưới bếp, và đe dọa con mèo mẹ cứng đầu: “Liệu hồn mày! Mày còn tha con mày đi đâu một lần nữa là tao quăng tuốt vào thùng rác hết đó nghen!”
Nhưng tôi chưa thực hiện được lời đe dọa của mình thì ông cậu tôi đã quẳng đám mèo con vào thùng rác. Con mèo mẹ đã tha con nó đi lần nữa, và vì cửa sổ của căn gác lửng nhà trên đã được thằng em cô cậu tôi bịt chặt lại bằng giấy bìa cứng, nên con mèo đã đưa đám con nó đi ẩn trốn vào một xó góc nào đó dưới gầm tủ của ông cậu tôi.
Và tôi lại phải đem đám mèo con nhốt vào trại tập trung bằng cái thúng rách. Lần này tôi vừa ngồi vẽ vừa canh gác cẩn thận. Một lần, hai lần…ba, bốn lần gì đó, con mèo quỷ quyệt ấy vừa mon men đến gần, cắn đầu một đứa con tha đi thì tôi đã hộc tốc vọt theo tống cho nó một đạp, giành lại chú mèo con bỏ vào thúng. Tình trạng cứ tiếp diễn như vậy cho đến lúc bực mình quá, tôi lại di chuyển đám mèo con qua cái lồng chim, rồi vì tiếng kêu thảm thiết của cả mèo mẹ lẫn mèo con, tôi lại chuyển chúng qua cái thúng rách…Rồi…cái lồng chim và cái thúng rách cứ thay phiên nhau mà tiếp nhận đám mèo con của nợ ấy. Vào thời gian đó, con mèo Hitler thỉnh thoảng trở về nhà, ngồi ở một góc xa xa mà ngó tới cảnh tượng mèo mẹ cho con bú.
Hai, ba ngày sau, mẹ tôi xuống. Khi nghe bọn tôi nói qua về tình trạng thiết lập căn cứ bất hợp pháp của mẹ con mèo, cũng như trò cắn nát đầu mấy chú mèo con một cách rùng rợn dã man của con mèo Hitler, bà liền có giải pháp hay ho là đem đám mèo cả mẹ lẫn con lên một ngôi chùa, ở đó các vị tu sĩ sẵn lòng nuôi thêm mấy miệng mèo mà không…bỏ thùng rác hoặc nhốt lồng chim như ở nhà tôi.
Bỏ bốn mẹ con mèo vào một cái thùng thiếc, mẹ tôi đem chúng lên chùa, một cách lặng lẽ kín đáo, bà thả chúng ở một chỗ trống vắng nào đó quanh tự viện.
Về sau, tôi nghe nói rằng một con mèo cái khác, đã định cư ở chùa từ lâu rồi, đang có hai, ba đứa con, vốn dữ tợn hơn con mèo cái nhà tôi, đã đuổi con mèo cái nhà tôi đi để chiếm đoạt ngang nhiên ba con mèo con kia, sáp nhập vào đàn con của nó. Số phận, tương lai của ba con mèo con NHÀ TÔI, bây giờ đã bảo đảm để có thể trở thành những con mèo NHÀ CHÙA…ăn chay nằm đất. Còn con mèo mẹ, bị giật khỏi vòng tay nó ba đứa con bụ bẫm vừa biết mở mắt, hẳn là vừa tức giận vừa buồn bã, đã lang thang đâu đó quanh những đồi núi lân cận sơn tự. Từ ấy, tôi không còn nghe nói đến nó nữa. Nhà tôi, cuối cùng, chỉ còn lại…vẫn anh chàng Hitler.
Thế rồi, thời gian trôi qua lặng lẽ và mau lẹ như một cái vẫy đuôi của một con mèo, vẫy một cái đã qua một năm.
Và như người ta thường nói: “việc gì sẽ đến phải đến”, còn tôi lại ưa nói: “việc gì phải đến đã đến”, cuối cùng rồi con mèo Hitler cũng đi hết cuộc đời của nó. Đời sống vẫn cứ trôi chảy và vẫn cuốn phăng đi những cái cũ để tiếp đón cái mới. Con mèo Hitler của nhà tôi, với tuổi già cằn cỗi, đã sa chân vào vòng quay cuối cùng của luật đào thải.
Có lẽ vi nó đã quá già để mà có thể tiếp tục một cuộc sống đang lâm vào cơn quẫn bách bởi tình trạng “nồi nhà ai nấy úp”, hay có lẽ vì thương tích trầm kha mà nó đang mắc phải, khiến cho nó không còn sức chịu đựng được bao lăm nữa hình phạt của cuộc đời. nhưng dù cho nó chết hay nó sống thì dòng đời vẫn tiếp tục chảy đi, ào ạt một cách vô tình. Chẳng ai quan tâm, đoái hoài đến cái chết của một con mèo giữa thời buổi khó khăn phức tạp, lẫn lộn vàng thau này. Và ví dụ, như tôi đây, hay là ai đó trong quý vị, có lỡ mà chết đi, thì đó cũng chẳng là một vấn đề quan trọng cho lắm giữa sự sinh tồn vĩnh cửu và vĩ đại của cõi trần, hà huống là cái chết của một con mèo?
Nhưng chúng ta đây đâu có thì giờ để mà bàn cãi bông lơn về sự lớn và cái nhỏ? Không khéo, một trong quý vị lại cho là tôi đã lợi dụng chuyện con mèo để xuyên tạc đại sự nghiệp…Thật tình, con người ngây thơ chất phát của tôi chỉ luôn bị ám ảnh bởi những cái vụn vặt ngoài rìa sự lớn, thành ra cái thói tật viết lách quàng xiên ẩu tả của tôi dễ làm cho người ta có ý nghĩ sai lầm về chiều hướng tư tưởng của tôi (tả? hữu? tả hữu bình bình?), và thói thường sai chỉ một ly là đi xa cả vạn dặm. Dám chừng lúc này tôi đã đi xa quý vị cả một đại lục mà không hay.
Nhưng thôi, chúng ta hãy trở lại chuyện con mèo, không thì quý vị sẽ chẳng còn thấy tôi đâu nữa, và câu chuyện về con mèo lại không có đoạn kết, và mẹ tôi lại không có món gì làm quà sinh nhật, và con mèo Hitler lại chết một cách lặng lẽ vô danh.
Rắn chết để da, người ta chết để tiếng, con mèo Hitler chết thì may ra còn có tôi viết lại chuyện đời của nó. Vậy là nó chết cũng chẳng buồn tủi gì cho cam.
Thật tình tôi không tìm ra đích danh thủ phạm đã ám hại con mèo Hitler là ai, nhưng theo phán đoán chắc nịch của mẹ tôi, có sự đồng ý tán thành của ba tôi và thằng em út, thì thủ phạm chính là thằng con trưởng của ông cậu tôi.
Trong lúc thịt cá mắc mỏ, và ngoài chợ dang sắp sửa hình thành những khu vực phân phối thực phẩm tươi theo kế hoạch, tội ăn vụng của con mèo Hitler, cũng như đồng loại của nó, trở thành cái tội khó tha thứ nhất. Và vì vậy mà đã có những cuộc rình rập để tạt nước sôi một cách trúng đích vào những con mèo đạo chích.
Vậy rồi, một hôm con mèo Hitler xuất hiện với một cái đầu lở lói xuống đến vai và cổ. Lông nó bị phỏng tuột đi, trơ ra một lớp da đỏ hỏn và sần sùi như bị phung hủi. Mặt nó biến dạng, nhăn nhúm một cách khó coi, những vết phồng quanh mũi làm cho miệng nó quắm lại, cặp tai rách nát và cặp mắt xụ hẳn xuống, thị giác lờ đờ như một cụ lão. Dường như nó không còn thấy rõ nữa. Đã mấy lần nó nhảy hụt chân và té ạch đụi xuống đất. Đĩa xương cá để ngay trước mắt mà nó vẫn quờ quạng hồi lâu mới có thể thò miệng trúng đích. Vết thương quả thật nặng nề hết mức. Nó gắng sức chịu đựng như vậy đâu khoảng mười mấy ngày. Cứ theo nhận xét của mẹ tôi thì lần này không phải nó bị tạt nước sôi, mà là…dầu hay mỡ sôi gì đó. Vết bỏng của dầu hay mỡ sôi gây ra khiến cho da và tế bào chết…chiên luôn, vô phương gây lại được da non, và lông cũng vô phương mọc trở lại. Tôi tưởng tượng dám có lẽ dầu mỡ gì đó đã thấm vào luôn đến óc con mèo, và vì vậy, trông nó như trơn tru cả hồn lẫn xác.
Đúng vào ngày mẹ tôi đi Sài Gòn thì con mèo Hitler chậm chạp bước vào nhà, rồi, có lẽ với chủ ý đã định sẵn, nó nằm bẹp trong nhà tôi suốt ngày hôm đó. Trông nó có vẻ đã hoàn toàn kiệt lực, và như đoán trước được cái chết sắp đến với nó, nó đã chọn nhà tôi làm nơi từ giã cõi đời, như sinh thời nó đã chọn nhà tôi làm nơi cư ngụ.
Lê bước một cách khó nhọc, quờ quạng, nó trèo lên những bậc thang gác nhà tôi…Cộp cộp! Cộp cộp! Cộp cộp! Nó chậm chạp đi một vòng thăm viếng cuối cùng căn gác nhỏ. Ở lại trên đó hồi lâu, nó lại quờ quạng, khó nhọc leo xuống thang gác…Cộp cộp! Cộp cộp! Cộp cộp! Cộp cộp! Nằm chỗ này một đỗi, nó lại gượng dậy, lê tới nằm chỗ khác. Tiếng “meo” mà thỉnh thoảng nó phát ra có một âm điệu vô cùng ảo não. Chúng tựa như những lời vĩnh biệt cuối cùng trước khi nhắm mắt. Vang động, ký thác trong tiếng meo đó là cả cuộc đời của một con mèo, hạnh phúc lẫn gian nan.
Vào lúc sẩm tối, cuối cùng rồi nó cũng chọn được một chỗ tử sàng. Đó là một xó góc ở bên dưới cầu thang, trên cái chiếu rách cạnh lu gạo của nhà tôi.
Vào những tháng sau này, nhà tôi hân hạnh có một vị quý khách thường xuyên thăm viếng. Đó là một bà già có chứng bệnh run tay và một nụ cười khả ái đến nỗi bọn tôi đều phải phát khùng lên môi khi bắt gặp. Vốn bà có chút liên hệ về tiền bạc với gia đình tôi (đại khái có thể gọi bà là chủ nợ) và cũng có chút liên hệ khác về tình cảm (đại khái có thể gọi bà là dì). Bà là vợ của con trai của một ông bạn của ông ngoại tôi, và dĩ nhiên, bà là chỗ quen biết lâu năm của mẹ tôi, và cũng đã từng là vú nuôi của đứa em gái tôi. Nhưng câu chuyện về vị lão bà này có thể kể ra đến 49 trang giấy, và nếu có dịp nào khác, tôi sẽ hầu chuyện quý vị về bà ấy.
Ở đây, đại khái rằng, như thường lệ, sau vài ngày vắng bóng không hiểu đi đâu, bà lại đến…thăm nhà tôi, và như thường lệ, bà ở lại một, hai hôm để tỏ tình hữu nghị trước khi ra đi với một món tiền trả nợ góp trong túi, để rồi, như thường lệ, trở lại…và…hẳn quý vị phải phát khùng lên trước sự diễn tả vòng vo “như thường lệ” của tôi, huống gì chính bọn tôi đây phải ở NGAY trong cái như thường lệ của vị lão bà (giờ đây bà đã ra người thiên cổ…cầu cho bà siêu sanh tịnh độ, và xin chớ nguyền rủa tôi khi tôi đem bà vào trong câu chuyện kể về con mèo.) Nói vậy để quý vị có thể tưởng tượng ra sự không ưa của bọn tôi đối với bà già khả ái ấy. Và sự hiện diện của bà già khả ái ngày hôm đó làm khuấy động đầu óc tôi đến nỗi tôi đã phải giảm phần chú ý đến con mèo Hitler và cơn hấp hối của nó.
Tối hôm ấy, tôi đã ngồi vẽ, với một bà già dễ nể ngồi làu bàu một mình điều gì không rõ trên cái phản duy nhất trong nhà, và với con mèo Hitler đang nằm bất động như chết trong một góc cầu thang. Rồi thằng em kế của tôi nói cho tôi biết nguyên văn bà già khả ái đã nói khi bả thấy con mèo “meo meo” lên một cách não nuột: “Đánh cho nó hai đùi chết ngắt bây giờ!” Rồi tôi ngó bà và thấy bả ngó lom lom vào con mèo một cách giận dữ vì nó đang nằm trên chiếc chiếu mà lát nữa đây bả sẽ nằm. Rồi tôi đến rờ ngực con mèo và nhận thấy hơi thở của nó thoi thóp gần như sắp ngưng hẳn. Khi tôi lay lay nó, nó chẳng động đậy lấy một tí nào. Tôi “meo” lên, nó chẳng “meo” lại. Nó chẳng bao giờ còn biết “meo” nữa. Rồi tôi nói với thằng em kế tôi: “Con mèo chết rồi.’ Rồi hắn kiếm đâu ra một thùng giấy nhỏ. Hắn “bồng” con mèo lên, đem ra ngoài bếp. Hắn, bằng cách nào đó không hiểu, đặt thi thể con mèo nằm gọn lỏn trong cái thùng giấy. Hắn lấy tro than ở trên hai cái bếp lò, phủ một lớp lên trên xác con mèo. Đoạn hắn hốt một mớ rác giấy vụn lèn chặt cái thùng giấy. Nhìn vào ai cũng thấy đó là một cái thùng giấy đựng đầy rác. Và thế là cuối cùng, con mèo Hitler đã được an táng trong một cái thùng giấy chứa hai lớp tro và rác, và thằng em tôi đã đặt cái thùng vào trong thùng rác lớn của nhà tôi. Và phải đợi qua tối hôm sau mới có xe rác chạy ngang qua nhà tôi. Và cái thùng giấy tẩn liệm thi hài con mèo rồi cũng đã được mấy anh phu hốt rác quẳng lên xe. Và chuyến xe rác đêm ấy đã đưa linh cửu con mèo Hitler nhà tôi đến một vựa rác khổng lồ nào đó ở ngoại ô thành phố.
Sau cùng thì con mèo Hitler đã rời khỏi nhà tôi vĩnh viễn. Dù sao, nó cũng đã có vinh hạnh xuất hiện trên trang giấy, và sống qua hai chế độ. Dù sao, nó cũng đã nếm đủ những mùi vị ngọt bùi cay đắng của cuộc đời. Dù sao, nó cũng đã ăn hết hai trăm mấy chục khúc cá, hai trăm mấy chục miếng thịt và lòng heo, vài chục con chuột, mấy trăm con gián và mấy chục con thằn lắn. Dù sao, nó vẫn dược nhắc nhở đến bởi câu chuyện mà tôi đang viết hầu quý vị đây. Và nếu quả có địa nguc dưới cõi mịt mùng bí mật kia, thì khi xuống đó, hẳn nó sẽ cung khai lý lịch với quý vị công an nhân dân của cõi địa ngục như sau:
“Tôi tên là Lê Văn Mẹo, bí danh Mèo Hitler, 12 hay 13 tuổi gì đó, con của mèo gì đó và mèo gì đó. Nghề nghiệp: Mèo. Chức vụ: Mèo Cha. Trình độ chuyên môn: Chuyên viên ăn vụng bậc 2. Quá trình sinh tử: Sinh tại nước Việt Nam Cộng Hòa và chết tại nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”
Gần mười ngày sau, mẹ tôi về, bà tỏ ra xúc động khi nghe nói con mèo Hitler đã chết. Bà lại càng băn khoăn khi nghe tôi nói con mèo Hitler đã hấp hối trong cái ngày bà đi Sài Gòn. Và bà đã nói với tôi là bà sẽ mua cúng cho con mèo Hitler một đĩa lòng heo. Và bây giờ con em gái tôi (đang dạy văn hóa bổ túc cho những người bổ túc văn hóa) mỗi khi đi lên gác và nhớ đến Hitler quá cố, nó đặt hai tay lên trước…Cộp cộp! rồi đến hai chân…Cộp cộp! Vậy là có tiếng chân của con mèo Hitler đi trên thang gác…
Cộp cộp! Cộp cộp! Cộp cộp! Cộp cộp!
Tôi viết câu chuyện con mèo để tặng mẹ tôi một cách trễ tràng - nhân kỷ niệm sinh nhật bà vào Tết Trung Thu năm 1977 này, hai ngày sau cái chết của con mèo Hitler, và cũng để nhắc bà nhớ đến một đĩa lòng heo cúng cho Hitler quá vãng.
Và bởi vì con mèo Hitler tuy rằng đã xương tàn thịt rã dưới một đống rác khổng lồ nào đó, nhưng tiếng chân của nó vẫn còn ở lại với gia đình tôi.
Cộp cộp! Cộp cộp! Cộp cộp! Cộp cộp!
09/ 10/ 1977
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/meo-hit-le-a40686.html