Quan niệm sai lầm khi cúng rằm tháng 7
Tháng 7 Âm lịch được nhiều người gọi là tháng "cô hồn". Nhiều người coi đây là tháng không may mắn, không thuận lợi thường không triển khai các việc trọng đại như cưới hỏi, xây nhà, mua xe…
Lý giải về tên gọi tháng "cô hồn", nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho hay, có thể coi đây là một cách nói "tiếng lóng" về tháng 7 Âm lịch. Cách gọi này không thể hiện được tính nhân văn và ý nghĩa cao đẹp của các hoạt động văn hóa - tâm linh trong tháng.
Không riêng ở Việt Nam, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nepal… đều tổ chức lễ hội truyền thống trong tháng 7.
Tinh thần chung của các hoạt động này là thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của con người đối với thần Phật, tổ tiên và chúng sinh; trong đó các oan vong, cô hồn là đối tượng cần được quan tâm chia sẻ, giúp đỡ.
Rằm tháng 7 là một trong các ngày lễ lớn trong năm. Phật giáo tổ chức Vu Lan bồn, còn gọi là Hoan hỷ hội (hội vui vẻ).
Đạo giáo cho rằng rằm tháng 7 là ngày Địa quan và các vị thánh xét duyệt, phân biệt thiện ác, định rõ sổ bạ kiếp số của quỷ và con người, xá tội cho các vong hồn. Chúng quỷ đói bị giam cầm lúc này được giải thoát, hết thảy đều no đủ, xa lìa nỗi khổ, được đầu thai làm người...
Vì thế vào ngày rằm tháng 7, các gia đình cúng lễ, đốt vàng mã, quần áo mã cho anh linh gia tiên, gia tộc mình.
Hiếu nghĩa là đạo lý to lớn, bao trùm trong vũ trụ. Vì vậy, nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải cho rằng, gọi tháng 7 là "Tháng báo hiếu hoặc Tết báo hiếu" sẽ phù hợp hơn với tinh thần nhân văn và tính chất của các lễ hội trong tháng.
Vì quan niệm tháng 7 là tháng "cô hồn" nên nhiều người cho rằng, ngày rằm tháng 7 có rất nhiều "vong hồn lang thang". Các gia đình nên cúng trước ngày rằm để đảm bảo người thân đã mất và các vong linh được đón nhận .
Theo ông Hải, quan điểm này không phù hợp với thực tiễn và đạo học.
Tháng 7 Âm lịch có lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan của Phật giáo bắt nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát kiếp ngạ quỷ, vì vậy còn gọi là lễ "Vu Lan báo hiếu". Phật giáo Nhật Bản tổ chức Vu Lan với nghi thức "bông hồng cài áo".
Trong lễ Vu Lan của người Việt còn có nghi thức "thí thực". Dân gian gọi là lễ cúng cô hồn. Nhà chùa nấu cháo trắng, múc ra các lá đa, bày thêm gạo, muối và một số lễ vật khác, thắp đèn, nến, tụng kinh, niệm chú để các vong hồn, ngạ quỷ được ăn uống no đủ, siêu thoát.
Tháng 7 có Tết Trung nguyên (rằm tháng 7), tạ ơn Địa quan xá tội vong nhân, các gia đình cúng lễ, đốt vàng mã, quần áo mã cho anh linh gia tiên, gia tộc mình.
Theo quan niệm dân gian, các oan vong, cô hồn không ai cúng tế thì đến nương nhờ cửa Phật; các vong linh thì theo con cháu ai về nhà nấy. Không có vong hồn nào "lang thang" cả, vì vậy cúng lúc nào linh ứng lúc đó, không nhất thiết phải trước hay sau, sớm hay muộn, cũng chẳng ai tranh giành của ai.
Thế giới nào cũng có luật lệ, chuẩn mực. Quan điểm "các oan vong, cô hồn tranh giành lẫn nhau" chỉ là sự suy diễn chủ quan của một số người.
Ngày giờ cúng rằm tháng 7, văn khấn cúng rằm tháng 7
Liên quan đến câu hỏi "năm 2024, cúng rằm tháng 7 vào ngày nào, giờ nào là đẹp nhất?", ông Hải cho rằng, làm việc nghĩa, việc tốt vốn không phải chọn ngày giờ.
Tuy nhiên, nếu thận trọng, có thể cúng lễ vào các ngày giờ sau: Ngày 14/7 Âm lịch từ 15 - 17h; ngày 15/7 Âm lịch từ 9 - 11h hoặc 19 - 21h; ngày 18/7 Âm lịch từ 9 - 11h hoặc 15 - 19h; ngày 21/7 Âm lịch từ 9 - 11h.
Vào dịp rằm tháng 7 các gia đình thường tổ chức cúng lễ tổ tiên, các chùa tổ chức lễ Vu Lan.
Theo chuyên gia Phạm Đình Hải, lễ cúng tổ tiên có thể cúng bất kỳ ngày nào trong tháng 7, nhưng tốt nhất là vào ngày rằm.
Các gia đình nên dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sạch sẽ, trang nghiêm, ấm cúng; chuẩn bị mâm cúng gồm cơm canh, rượu nước, hương đèn (nến), hoa quả, vàng mã, gạo muối, quần áo mã. Tùy điều kiện từng gia đình có thể chuẩn bị mâm cúng chay hoặc mâm cúng mặn.
Trước khi hành lễ, người chủ lễ phải tắm rửa sạch sẽ, quần áo chỉnh tề; không uống rượu bia, không nóng giận, không nói tục, tập trung tinh thần để làm lễ thật trang nghiêm, không nên vừa cúng vừa nói chuyện riêng, giữ không gian yên tĩnh.
Thực hiện các bước dâng hương, cung kính, thành tâm khấn vái như các lễ cúng khác.
Có thể khấn Nôm, nêu rõ ngày giờ, tên tuổi, địa chỉ gia đình và mục đích cúng lễ. Điều quan trọng nhất là phải thực sự cung kính, nghiêm trang. Người chủ lễ và các con cháu tưởng nhớ, hình dung lại hình ảnh đẹp đẽ của tổ tiên, cha mẹ lúc còn sống.
Tất cả tình cảm, tâm sự hướng về tổ tiên, cầu mong anh linh tiên tổ được bình an, siêu độ; đồng thời tâm niệm về những điều sai quấy của bản thân trong cuộc sống, thầm hứa với tổ tiên rằng mình sẽ khắc phục, sửa đổi.
Không nên quá cầu vọng, kêu xin, mặc cả cho mình hoặc gia đình điều này điều nọ bởi không lễ vật nào lớn hơn tình cảm và lòng sám hối của người cúng lễ.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/cung-ram-thang-7-ngay-nao-a57437.html