Tại sao một số sinh viên học tập rất chăm chỉ lại không đạt được kết quả cao? Và tại sao có những sinh viên khác không dành nhiều thời gian và công sức vào việc học nhưng vẫn đạt được kết quả tốt, thậm chí là xuất sắc? Tôi sẽ chỉ cho bạn làm sao để học một cách thông minh mà không tốn quá nhiều thời gian quý báu của mình.
Trí thông minh chắc chắn đóng một vai trò quan trọng, nhưng cách học của bạn có thể quyết định sự thành bại ở trường. Lời khuyên của tôi là hãy học tập một cách thông minh, điều này có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian khi cố gắng “học chăm chỉ”.
Tuy nhiên, bài viết này không nhằm mục đích bào chữa rằng sinh viên không cần phải học gì cả, mà bạn sẽ phải đầu tư lượng thời gian thích hợp cho việc học chứ không còn cách nào khác. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách tận dụng tối đa thời gian bạn dành cho việc học, giúp bạn giảm bớt những phần không cần thiết mà chỉ tập trung vào những điều quan trọng.
Khi tôi bắt đầu học, tôi đã bị sốc khi thấy nhiều đứa bạn của mình ùa vào thư viện chỉ để mượn sách. Họ mượn những cuốn sách mà giáo sư của chúng tôi đã giới thiệu - đôi khi lên đến 4 cuốn cho mỗi môn học khác nhau, và thế là họ có một kho tài liệu học tập khổng lồ. Lúc đầu, tôi hơi hãi trước sự háo hức của họ, nhưng tôi vẫn quyết định tập trung vào điều quan trọng. Tôi chỉ mượn hai cuốn sách mà tôi thực sự cần, và cuối cùng tôi đạt kết quả cao hơn so với các bạn trong các kỳ kiểm tra. Vậy tôi học như thế nào?Tôi đã làm điều đó như thế nào? Tôi chọn học thông minh và chỉ chăm chỉ đúng lúc.
Bài viết này được chia thành ba phần. Phần A. Chuẩn bị. Phần B. Tư duy tập trung vào việc sắp xếp thông tin làm sao dễ nhớ. Phần C là phần chính của khái niệm “học tập thông minh”.
Bạn muốn học một cách thông minh phải không? Nếu vậy thì không nên học những nội dung không quan trọng và không có định hướng. Trước hết đừng đi sâu vào nội dung bài học, cách đó chỉ lãng phí thời gian hơn mà thôi. Thay vào đó, hãy tạo một kế hoạch học tập như sau:
xác định cụ thể khi nào bạn bắt đầu ôn tập chuẩn bị cho kì thi
lên kế hoạch hằng ngày về những nhiệm vụ bạn phải hoàn thành trong thời gian ôn thi
tạo một danh sách việc cần làm chi tiết , xem xét kỹ phần nào thực sự quan trọng
liệt kê những cuốn sách bạn cần đọc (tốt hơn hết là chỉ học những phần quan trọng cho bài kiểm tra)
làm đi làm lại nhiều bài tập để chuẩn bị tốt cho kì thi
Tùy thuộc vào độ khó của kỳ thi và thời gian học, bạn cũng có thể phân loại theo tuần hay tháng thành các giai đoạn khác nhau, bắt đầu từ việc ôn lại kiến thức cơ bản , sau đó làm nhiều bài tập và cuối cùng tổng hợp lại toàn bộ kiến thức, chuẩn bị đi thi.
2. Tóm tắt toàn bộ kiến thức
Tôi đã làm nhiều bài kiểm tra về khái quát nội dung của toàn bộ cuốn sách, hầu hết những cuốn sách này có độ dài từ 500-1200 trang. Thậm chí một cuốn sách chỉ có vài chương, tôi khuyên bạn đọc đến chương nào thì tóm tắt lại nội dung của chương đó. Nhờ đó, bạn sẽ nắm vững được những kiến thức cơ bản mà không phải đọc cả cuốn sách lại từ đầu. Nhưng bạn cũng nên luyện tập khả năng nhận biết nhanh các câu trọng tâm trong các văn bản dài bởi rất có thể bạn sẽ gặp trong đề thi. Bằng cách này bạn có thể lược bỏ nhiều nội dung không quan trọng trong quá trình học.
3. Phân loại những thông tin quan trọng và không quan trọng
Khi bạn nghe giảng hay đọc qua một cuốn giáo trình, hãy thử những cách sau: Tập trung suy nghĩ về những thông tin quan trọng (“ Kiến thức này liệu có ra thi không? ”) thay vì những vấn đề không quan trọng (“ Cô đang dạy lạc đề hay đưa ra những dữ liệu không liên quan? ”). Hãy ghi chép những điểm quan trọng mà giáo viên trình bày và bổ sung thêm kiến thức theo cách của bạn để nắm được sự liên kết giữa các nội dung. Bạn cũng có thể đánh dấu các câu hoặc đoạn quan trọng trong văn bản, tránh đọc những thông tin không cần thiết.
B. Tư duy
Hồi còn đi học, hầu như tôi luôn phải mất rất nhiều thời gian để hiểu và nhớ những nội dung đã học. Sai lầm lớn của tôi là dành quá nhiều thời gian để học, những không phải lúc nào tôi cũng tập trung tối đa. Tôi bị phân tâm bởi các thiết bị điện tử, những cuộc trò chuyện với bạn bè, hay bất kì trò tiêu khiển nào. Còn bây giờ mỗi khi học tôi luôn tập trung 110%, vì thế mà giảm được những thứ khiến tôi xao nhãng đến mức tối thiểu và cố gắng hết sức để tránh sự trì hoãn. Tôi chỉ cần học trong khoảng 1-2h, nhưng tôi muốn tận dụng thời gian đó càng nhiều càng tốt, vì vậy mà bây giờ tôi có nhiều thời gian thư giãn hơn.
2. Tính liên tục
Mấy ngày gần thi nếu bạn cứ học ngày học đêm sẽ không chỉ khiến bạn kiệt sức mà còn buộc bạn phải gấp rút xem qua kiến thức thay vì học kĩ lưỡng. Thay vì chọn thức đêm, hãy dành khoảng 30 phút sau khi học trên trường để xem lại bài học, tóm tắt nội dung chính và làm bài tập. Những việc cơ bản này sẽ giúp bạn dành nhiều thời gian hơn cho việc học trong giai đoạn ôn thi, chứ không phải làm những việc không đem lại kết quả như chép nội dung trong sách ra, hay cố gắng hiểu các phép toán (số học) v.v.
C. Phần chính của " học tập thông minh "
1. Đừng cố học thuộc lòng, hãy học hiểu!
Một trong những sai lầm lớn mà tôi mắc phải khi còn học theo kiểu chăm chỉ là học thuộc lòng, việc này thực sự tốn rất nhiều thời gian. Học thuộc lòng là tốt và tuyệt vời nếu một kỳ thi yêu cầu bạn tái hiện lại những gì bạn đã học từng từ một. Nhưng khi hệ thống giáo dục phát triển hơn, thì việc ghi nhớ và nhắc lại y chang không còn quan trọng nữa mà sẽ đánh giá mức độ hiểu biết và khả năng rút ra vấn đề của bạn.
Trong hầu hết các trường hợp, học thuộc lòng cũng có nghĩa là học chăm chỉ, không phải học thông minh - Tập trung chú ý vào việc hiểu và lĩnh hội những kiến thức được dạy.
Nhưng làm thế nào để hiểu các vấn đề phức tạp?
Tạo sự liên kết giữa các nội dung
Thông tin sẽ trở thành kiến thức nếu chúng được liên kết với nhau. thông qua các kết nối. Nếu bạn không thể thuật lại một vấn đề phức tạp, bạn sẽ rất khó hiểu nó. Tuy nhiên, khi bạn phát hiện ra những điểm tương đồng và liên kết kiến thức mới với những khái niệm mà bạn đã lĩnh hội, bạn sẽ dễ hiểu hơn. Cố gắng xác định mối liên hệ giữa các chủ đề và khái niệm khác nhau.
Hãy tưởng tượng càng sinh động càng tốt. Thay vì nghiên cứu tài liệu về những con số, câu từ thì hãy liên tưởng bằng hình ảnh, gọi là tư duy trực quan. Bằng cách đó, bạn sẽ hình dung ra bộ phim trong tâm trí mình, điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ các sự kiện nhanh hơn và lâu hơn. Về cơ bản, những gì bạn làm là liên kết cảm xúc (dưới dạng hình ảnh) với thông tin phi cảm xúc. Chẳng hạn như rất khó để ghi nhớ các số “483215”, nhưng nếu bạn liên kết mỗi số với một bức tranh và tạo ra một câu chuyện hài hước từ nó, bạn sẽ nhớ dãy số được lâu hơn. trong thời gian dài hơn (đây là mẹo trí nhớ mà các nghệ sĩ sử dụng để ghi nhớ các tổ hợp số vô hạn).
Cảm xúc
Kết nối cảm xúc với môn học sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tiếp thu và hiểu ra vấn đề. Hãy tạo nên hứng thú khi học tập! Thực tế là việc ghi nhớ những thứ để lại trong ta cảm xúc sâu đậm sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ngoài ra, nếu bạn thực sự quan tâm đến một chủ đề nào đó, việc học sẽ cực kì thú vị. Một khi bạn tò mò về chủ đề của mình và có hứng thú với nó, bạn đã thực hiện một bước quan trọng để hướng tới một cách học tập thông minh hơn.
Đơn giản hóa vấn đề
Ở trường, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp khác nhau. Vì vậy hãy xem xét giữa vấn đề phức tạp với một vấn đề đơn giản hơn, điều này giúp bạn dễ dàng nắm bắt khái quát được những gì bạn sẽ học.
Đơn giản hóa bằng cách tìm ra cấu trúc, dàn bài.
Khi học, hãy chú ý đến các câu, cụm từ liên tục lặp đi lặp lại để nắm được cấu trúc của vấn đề. Khi bạn đã có một cái nhìn tổng quan về vấn đề đó, việc thu thập thông tin dựa theo cấu trúc chủ đề sẽ dễ dàng hơn.
Sử dụng các từ viết tắt
Nếu bạn gặp phải một từ khó, một tên riêng hay một công thức, viết tắt là một cách hữu hiệu giúp bạn ghi nhớ lâu hơn. Lấy ví dụ cái tên khá đơn giản “Hệ thống sử dụng chẩn đoán và cải thiện sức khỏe, viết tắt là là “EHUDS”, nghe giống như “e-hud's” hoặc “e-hat's”, bạn liên tưởng từ này đến mũ điện tử, bạn sẽ nghĩ ra ngay từ viết tắt “EHUDS”, từ đó bạn có thể viết lại tên đầy đủ của nó.
2. Hình dung một viễn cảnh trong đầu.
Cấu tạo của một chiếc ô tô có thể coi là một ví dụ về quá trình học tập. Ví dụ, giáo sư của bạn cung cấp “bí quyết” trong các bài giảng của mình, chi tiết về cách thức hoạt động của một động cơ. Sách giáo khoa và các tài liệu học tập khác cung cấp cho bạn khung, lốp và bu lông. Tuy nhiên, tùy mỗi sinh viên sử dụng bí quyết riêng để tạo mối liên kết giữa các tài liệu được giao. Nhiệm vụ của sinh viên là lắp những bộ phận của chiếc xe lại với nhau lưu giữ lại toàn bộ những gì đã học. Nếu sinh viên cố gắng ghi nhớ vị trí của từng bộ phận trên ô tô, họ sẽ không thể lắp lại ô tô từ hàng nghìn bộ phận riêng lẻ. Thậm chí cố gắng nhớ tên của từng bộ phận cũng chẳng có ích gì. Chỉ bằng cách nhớ những bí quyết đã cho và những bộ phận cần có tạo nên chiếc ô tô, tức là họ đã chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới.
3. Hoàn thiện cách học riêng của bạn
Về cơ bản, có bốn phương pháp học: loại hình học cơ bản: Nhìn, Nghe, Cảm nhận, Vận động
a. Nhìn: Người học bằng hình ảnh sẽ học hiệu quả nhất khi tài liệu học tập được mô tả một cách trực quan, ví dụ như dưới dạng biểu đồ, bản đồ tư duy...
b. Nghe: Người học bằng thính giác học hiệu quả nhất bằng cách nghe thông tin, ví dụ như nghe giảng hay ghi âm lại thông tin của người nói.
c. Cảm nhận: Người học bằng cách cảm nhận học hiệu quả nhất thông qua liên kết cảm giác, cảm xúc và hình ảnh sống động với thông tin.
d. Vận động: Người học theo phương pháp vận động học hiệu quả nhất khi họ thực hành, tức là học qua những gì họ làm.
Để học tập một cách thông minh nhất, bạn cần phải tìm ra phương pháp học tập mà bạn thích. Khi bạn biết điều gì phù hợp nhất với mình, hãy sắp xếp việc học của mình để tận dụng tối đa thời gian. Những ai giỏi toán học nên ghi chú vào bảng tính, đồ thị và biểu đồ; những ai học bằng phương pháp vận động tưởng tượng tài liệu học tập càng sinh động càng tốt; những ai học bằng phương pháp học ngôn ngữ thảo luận, trao đổi tài liệu với những người khác hoặc ghi âm giọng nói khi đọc to chủ đề, v.v.
-
Tác giả: Steve Mueller
Link bài gốc: How To Study Smart Not Hard
Dịch giả: Trịnh Thị Dung - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch Gỉa: Trịnh Thị Dung - Nguồn: ToMo - Learn Something New”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: “Theo ToMo” hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày!
(***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/cach-hoc-thong-minh-a63662.html