Khởi nghiệp từ ớt cay nhất thế giới
Đó là anh Lê Tiến Dũng (SN 1992, hiện ngụ tại nhà số 339, đường 30/4, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng), sau thời gian bôn ba lập nghiệp ở nhiều địa phương, đến năm 2015 anh Dũng lấy vợ rồi từ Gia Lai xuống Lâm Đồng lập nghiệp.
Nông dân 9X Lê Tiến Dũng, bộc bạch: “Nhà em ở Gia Lai không có đất, vùng này cuộc sống của đại bộ phận người dân rất khó khăn, nông dân chủ yếu trồng cây mía. Năm 2015, em lấy vợ rồi vợ chồng em từ Gia Lai xuống Lâm Đồng lập nghiệp từ năm 2016. Thời gian đầu làm đủ nghề, ai thuê gì làm đấy. Năm 2019, em nghỉ ở nhà mổ heo thuê, sau đó xin vào lái taxi, những lúc rảnh em tham gia các hội nhóm liên quan đến cây trồng. Vào năm 2020, tình cờ được khách tặng bọc ớt Peru (Aji Charapita), có vị cay thơm rất hấp dẫn. Theo dõi trên các hội nhóm, thấy loại ớt này đang có giá, khi tìm hiểu sâu hơn em thấy có rất nhiều giống ớt trên thế giới, với vô số màu sắc, hương vị và độ cay khác nhau. Từ đó em sưu tầm các loại ớt trên hội nhóm, tận dụng ngõ ngách trước và sau nhà, trồng vào các chậu để ngắm”.
Đến tháng 12/2020, Dũng quyết định thuê 500m2 sau nhà với giá 20 triệu đồng cho 5 năm, đầu tư 75 triệu đồng làm nhà lưới che mưa để trồng ớt quanh năm, 15 triệu đồng mua hạt giống. Thời gian đầu mua nhiều loại hạt giống ớt ở Việt Nam nhưng đều bị lừa, trồng 5-6 tháng ra toàn ớt hiểm, ớt chuông.
“Lúc đó nhiều người trong khu vực cho rằng em bị… khùng, nên mới khởi nghiệp bằng mô hình trồng ớt. Thông qua các hội nhóm, em quen anh Toàn sống ở Lexington (Hoa Kỳ), được người này chia cho khoảng 20 loại ớt. Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ loại cây này, cộng với sưu tầm qua nhiều kênh, nguồn khác nhau, khi trong vườn đã có khoảng 100 giống ớt các loại, tháng 6/2021 em chính thức nghỉ chạy taxi, chuyên tâm vào trồng và bán ớt trên các sàn thương mại điện tử, các fanpage…”, thanh niên 9X kể lại.
Giá thấp nhất 500.000 đồng/kg
Trong 100 giống ớt, Dũng cho biết thích nhất hương vị riêng biệt và độ cay của các dòng ớt cay nhất thế giới, như: Carolina Reaper, Trinidad Moruga (ớt bọ cạp)… được kỷ lục Guinness ghi nhận. Lúc mới trồng chưa có kinh nghiệm, ớt thường bị nấm bệnh, bị bọ trĩ và nhện đỏ, côn trùng chích dẫn đến héo xanh, lở cổ rễ… Mặt khác, ớt không ưa nước, rất khó trồng vào mùa mưa vì thường bị nấm bệnh. Để giải quyết các loại nấm bệnh trên cây ớt, Dũng hỏi khắp nơi, gọi điện lên Tổng đài chương trình tư vấn giải đáp thắc mắc cho nông dân, tìm hiểu qua sách báo…, và thành công.
Về phương pháp trồng và chăm sóc ớt Carolina Reaper, được anh Dũng chia sẻ: “Hạt ớt có thể gieo trồng quanh năm, nhưng khó trồng vào mùa mua, chỉ thích hợp mùa nắng. Từ lúc ươm hạt đến khi thu hoạch trái chín hơn 5 tháng. Trồng hàng cách hàng 1m, cây cách cây tối thiểu 75cm, 1 sào trồng từ 1.200-1.500 cây. Nếu trồng trong nhà lưới thì 1 vụ từ 6-8 tháng cho thu hoạch; trồng ngoài trời phải luân canh cây trồng, mỗi năm 1 vụ, sản lượng trung bình 2 tấn/vụ/sào. Phân bón cho ớt tốt nhất là phân bò, trùn quế và phân gà. Nếu trồng để bị thụ phấn chéo hoặc chọn lọc giống không tốt, cây bố mẹ bị bệnh về lâu dài sẽ bị thoái hoá”.
Khi vụ ớt Carolina Reaper đầu tiên cho thu hoạch, Dũng bán giá trung bình 500.000 đồng/kg ớt tươi, có thời điểm giá lên tới 1 triệu đồng/kg, khách mua chủ yếu ở TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… (chiếm 65% thị phần), số khách còn lại rải rác ở các vùng. Trước thành quả ban đầu, Dũng quyết định nhân giống bán hạt, cây và quả tươi, đồng thời liên kết với hai hộ dân tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) trồng thêm 2.500m2 ớt cay nhất thế giới.
Ngoài việc bán ớt tươi, chàng trai 9X còn lên mạng internet tự tìm hiểu cách chế biến gia vị từ ớt, như: sản xuất tương ớt nguyên chất, chế biến muối ớt xanh sa tế, dầu ớt, bột ớt khô…, để bảo quản những lúc hết hàng, trái vụ, và cũng thành công.
“Tổng doanh thu em thu được trên diện tích 500m2 ớt vào năm 2022, đạt 412 triệu đồng, trừ chi phí các loại còn lời 226 triệu. Riêng 8 tháng đầu năm 2023 đạt 395 triệu, trừ chi phí còn lời 232 triệu, mục tiêu doanh thu cuối năm 2023 đạt trên 500 triệu đồng. Hiện tại, em đang chọn lọc sử dụng lại hạt giống của cây mẹ và liên kết với Trường Cao đẳng Kinh tế Bảo Lộc, dự kiến cuối năm 2023 sẽ cho ra những lứa cây giống nuôi cấy mô với chất lượng đồng đều lên đến 99%. Kế hoạch giai đoạn 2026-2028, em sẽ xuất khẩu ớt khô qua thị trường Trung Quốc, điều chế chất capsaicin ứng dụng trong y học (chất capsaicin được sử dụng làm thuốc giảm đau, chữa đau lưng, viêm khớp, thoái hóa khớp, đau do zona thần kinh…) vì các dòng ớt siêu cay có nồng độ chất capsaicin rất cao”, Dũng hào hứng nói.
Vinh dự được kết nạp Đảng
Với mô hình nông nghiệp độc và lạ, tạo được liên kết nông hộ, sản phẩm từ ớt của nông dân 9X Lê Tiến Dũng đạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Đoàn TNCS tỉnh Lâm Đồng tổ chức năm 2023; giải Khuyến khích hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2023 do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức. Vinh dự được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng bình chọn và tôn vinh là 1 trong 93 Gương sáng đời thường giai đoạn 2018-2023; dự án khởi nghiệp của Dũng là 1 trong 9 dự án được Trung ương Hội LHTN Việt Nam chọn vào vòng thi chung kết sẽ tổ chức thi vào tháng 12/2023. Đặc biệt nhất, mới đây anh Lê Tiến Dũng vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài việc đưa ra thị trường sản phẩm mới lạ, trong đời thường nông dân Lê Tiến Dũng còn tham gia hiến máu nhân đạo nhiều lần. Nhận đỡ đầu 1 bé tiền ăn học từ đầu năm 2023 đến nay, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, giúp đỡ nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn và tình nguyện hiến tặng mô, tạng sau khi chết.
Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đạ Tẻh cho biết, mô hình trồng ớt cay nhất thế giới của anh Lê Tiến Dũng là một hướng đi mới, rất riêng. Đến thời điểm này hiệu quả khá cao, thứ nhất vì diện tích trồng không cần nhiều, đánh vào phân khúc hàng hóa cao cấp; thứ hai trong tổ chức sản xuất, mô hình này hoàn toàn hữu cơ, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông nghiệp xanh, sạch; thứ ba dù là nông dân nhưng tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử không đi theo truyền thống, mà theo phân khúc thị trường đặc biệt, kết hợp internet quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội.
“Bản thân tôi đã ăn thử quả ớt cay nhất thế giới, nó có vị thơm đặc biệt, độ cay kỳ lạ là dịu xuống dần sau khi ăn. Tuy nhiên, mô hình này hiện tại chưa dám phát triển đại trà vì thị trường chỉ dành cho người có nhiều tiền. Hiện nay chúng tôi đã hỗ trợ anh Dũng một số nội dung về thương mại, dụng cụ chế biến ớt cho đa dạng sản phẩm (tương ớt, ớt khô, bột ớt…)”, ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh chia sẻ.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/ot-cay-nhat-the-gioi-a64114.html