Dù loại trà bơ “quốc hồn quốc túy” của người Tây Tạng mang ba tầng hương vị khác nhau khiến ai một lần thưởng thức cũng mê mẩn, nhưng có một sự thật bất ngờ là ở Tây Tạng không thể trồng được trà.
Tây Tạng là một vùng đất cao nguyên thanh bình và thiền tịnh, nơi người ta có thể sống chan hòa với thiên nhiên, ung dung bình thản giữa đất trời mà không cần phải chạy theo sự xô bồ hối hả giống như bất kỳ nơi nào khác. Chưa kể, Tây Tạng còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa vô cùng đặc sắc, được kết tinh từ sự giao thoa của nhiều nên văn hóa lớn lân cận như Ấn Độ, Trung Hoa. Trong số đó, có thể nói trà, hay đúng hơn là văn hóa uống trà chính là một phần cốt lõi trong nền văn hóa đa chủng này.
Nếu có dịp đến với Tây Tạng, chắc chắn các bạn sẽ ngỡ ngàng nhận ra, người dân ở một vùng đất vô cùng khắc nghiệt như thế này lại giữ cho mình sự thanh bình trong tâm hồn vào mỗi sáng bình minh, hoặc cả buổi trưa và chiều tối khi lúc nào cũng thong thả thưởng thức cốc trà nóng ấm trên tay. Với họ, trà ngoài là một loại thức uống từ thiên nhiên còn là quốc hồn, quốc túy của cao nguyên Tây Tạng.
Lý giải cho điều này, nhiều người đã cho rằng, thực chất người Tây Tạng trân quý trà đến như vậy là bởi vì vùng đất nơi họ sinh ra và lớn lên vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ lúc nào cũng thấp hơn ở những vùng đất khác, vì vậy ngoài trang bị cho mình nhiều loại áo quần giữ nhiệt, cũng như là thực phẩm giàu năng lượng, họ cũng cần phải có những loại thức uống đặc biệt để làm ấm người, bổ sung năng lượng thiết yếu, và trà chính là loại thức uống đặc biệt đó. Chính xác hơn thì chính loại trà bơ (Yak Butter Tea) được làm từ trà đen, bơ Yak, muối và sữa bò.
Với nhiều du khách ngoại quốc, thì loại trà có hương vị béo béo, thơm thơm lại mặn mặn kỳ lạ này cũng chính là món quà quý giá thể hiện sự hiếu khách của người Tây Tạng. Bởi dù là ai, đến từ bất kỳ đâu nhưng chỉ cần vô tình bước vào một ngôi nhà nào đó ở vùng đất này, khách du lịch đều được người Tây Tạng tặng cho một cốc trà bơ ấm lòng.
Nhưng ngụm trà bơ đầu tiên có thể làm những người không quen cảm thấy khó chịu vì trà và muối cùng với bơ không phải là một sự kết hợp tuyệt vời với nhiều người. Đến ngụm thứ 2 thì sự khó chịu sẽ giảm dần cho đến khi hương vị trà bơ thực sự thu phục lòng người ở ngụm thứ 5, thứ 6. Nhiều người thậm chí còn nói, họ thật sự bị nghiện trà bơ khi ở Tây Tạng, với họ chẳng có loại thức uống nào tuyệt vời hơn trà bơ trong những ngày Tây Tạng giá rét, vì vậy nếu đã đến Tây Tạng mà không thử một tách trà bơ truyền thống nơi đây thì quả là một sự thiếu sót lớn lao.
Phân tích cụ thể hơn, thì trà bơ của người Tây Tạng có những tầng hương, tầng vị khá lạ lùng, cứ đan xen lẫn nhau mà vẫn giữ được độ hài hòa cần thiết để chinh phục những người thưởng trà khó tính. Chẳng hạn như ban đầu, uống một ngụm trà bơ thì vị mặn của muối, vị đậm đà béo ngậy của bơ sẽ chiếm trọn vị giác, lúc này hương thơm của trà vẫn chưa bộc lộ rõ.
Sau đó, mùi hương của trà đen Pu-erh (một loại trà được chế biến từ lá các cây trà lâu năm, hoang dại hay từ các dãy núi) mới thực sự tấn công khứu giác, đầu lưỡi cũng sẽ có một chút chan chát, thanh thanh. Cuối cùng ngụm trà qua đi, người thưởng trà sẽ cảm giác được một chút ấm áp, ngọt ngọt nơi gốc lưỡi bởi loại sữa bò được vắt từ sáng tinh mơ ở Tây Tạng. Ngoài ra, để tận dụng dư vị ngọt ấm của sữa đó, người Tây Tạng khi uống trà bơ còn ăn kèm với “tsampa” - một thức ăn từ bột mạch nha.
Tinh tế trong văn hóa uống trà là thế, nhưng có một sự thật chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ, đó là ở Tây Tạng, người ta rất khó để trồng được trà vì thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy mà đại đa số trà ở đây đều được nhập về từ nơi khác thông qua “Tea Horse Road”. Đây là con đường vô cùng xa xôi và khắc nghiệt của những tay buôn mang trà ngon đến với Tây Tạng để đổi lấy ngựa tốt.
Theo đó, những tay buôn này sẽ cùng đoàn ngựa, hoặc đoàn la của mình, mang trà vượt qua một trong hai tuyết đường cam go để đến với Tây Tạng. Một tuyến bắt đầu từ Ya’an ở tỉnh Sichuang, tới Tây Tạng ngang qua Luding, Kangding, Batang rồi xuôi Nepan tới Ấn Độ (3.100 km). Tuyến kia bắt đầu từ Pu-er ở tỉnh Yunnan tới Tây Tạng bằng cách đi qua Dali, Lijang. Zhongdian, Deqin… và kéo dài qua Myanmar, Nepan và Ấn Độ (3.800 km).
Chính vì chiều dài cùng với tính chất gian nan của hai tuyến đường buôn trà đổi ngựa này của “Tea Horse Road” mà nó đã trở thành một trong những tuyến đường kinh doanh huyền thoại trên thế giới, ngang tầm với “con đường tơ lụa” nức tiếng. Thậm chí, xung quanh việc vận chuyển trà trên con đường này, trong giới thương buôn cũng tồn tại không ít những giai thoại huyễn hoặc thú vị.
Theo Afamily
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
iVIVU.com Tháng Hai 26, 2018
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/tra-bo-tay-tang-a64190.html