CON NGƯỜI TÁC ĐỘNG ĐẾN CÁC HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN NHƯ THẾ NÀO?

Hỏi: Hệ sinh thái tự nhiên có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người, tuy vậy, hiện nay hệ sinh thái tự nhiên đang ngày càng bị suy giảm bởi những hoạt động của con người. Vậy xin Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết con người tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên như thế nào?

tm-img-alt
Hệ sinh thái tự nhiên có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người

Trả lời:

Con người là một sinh vật của hệ sinh thái có số lượng lớn và khả năng hoạt động được nâng cao nhờ khoa học kỹ thuật. Tác động của con người đối với hệ sinh thái rất lớn, có thể phân ra các loại tác động chính sau đây:

• Tác động vào cơ chế tự ổn định, tự cân bằng của hệ sinh thái.

• Tác động vào các chu trình sinh địa hoá tự nhiên.

• Tác động vào các điều kiện môi trường của hệ sinh thái: Khí hậu, thuỷ điện...

• Tác động vào cân bằng sinh thái.

Tác động vào cơ chế tự ổn định, tự cân bằng của hệ sinh thái

Cơ chế của hệ sinh thái tự nhiên là tiến tới tỷ lệ P/R+_ 1; P/B+_ 0. Cơ chế này không có lợi cho con người, vì con người cần tạo ra năng lượng cần thiết cho mình bằng cách tạo ra hệ sinh thái có P/R > 1 và P/B > 0. Do vậy, con người thường tạo ra các hệ sinh thái nhân tạo (đồng cỏ chăn nuôi, đất trồng lương thực thực phẩm). Các hệ sinh thái này thường kém ổn định. Để duy trì các hệ sinh thái nhân tạo, con người phải bổ sung thêm năng lượng dưới dạng sức lao động, xăng dầu, phân bón.

Tác động vào các chu trình sinh địa hoá tự nhiên

Các loại nhiên liệu hoá thạch đang làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên của trái đất
Việc con người đốt các loại nhiên liệu hoá thạch đang làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên của trái đất

Con người sử dụng năng lượng hoá thạch, tạo thêm một lượng lớn khí CO2, SO2... Mỗi năm con người tạo thêm 550 tỷ tấn CO2 do đốt các loại nhiên liệu hoá thạch đang làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên của trái đất, dẫn tới việc thay đổi chất lượng và quan hệ của các thành phần môi trường tự nhiên. Đồng thời, các hoạt động của con người trên trái đất ngăn cản chu trình tuần hoàn nước, ví dụ đắp đập, xây nhà máy thuỷ điện, phá rừng đầu nguồn... Việc này có thể gây ra úng ngập hoặc khô hạn nhiều khu vực, thay đổi điều kiện sống bình thường của các sinh vật nước..

Tác động vào các điều kiện môi trường của hệ sinh thái

Rừng phòng hộ ven biển tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị
Rừng phòng hộ ven biển xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị "bức tử” bởi lượng rác khổng lồ

Con người tác động vào các điều kiện môi trường của hệ sinh thái tự nhiên bằng cách thay đổi hoặc cải tạo chúng như:

• Chuyển đất rừng thành đất nông nghiệp làm mất đi nhiều loại động, thực vật quý hiếm, tăng xói mòn đất, thay đổi khả năng điều hoà nước và biến đổi khí hậu...

• Cải tạo đầm lầy thành đất canh tác làm mất đi các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng đối với môi trường sống của nhiều loài sinh vật và con người.

• Chuyển đất rừng, đất nông nghiệp thành các khu công nghiệp, khu đô thị, tạo nên sự mất cân bằng sinh thái khu vực và ô nhiễm cục bộ.

• Gây ô nhiễm môi trường ở nhiều dạng hoạt động kinh tế xã hội khác nhau.

Tác động vào cân bằng sinh thái

tm-img-alt

Phục hồi rừng ngập mặn nhằm bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học

Con người tác động vào cân bằng sinh thái thông qua việc:

• Săn bắn quá mức, đánh bắt quá mức gây ra sự suy giảm một số loài và làm gia tăng mất cân bằng sinh thái.

• Săn bắt các loài động vật quý hiếm như hổ, tê giác, voi... có thể dẫn đến sự tuyệt chủng nhiều loại động vật quý hiếm.

• Chặt phá rừng tự nhiên lấy gỗ, làm mất nơi cư trú của động thực vật.

• Lai tạo các loài sinh vật mới làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên. Các loài lai tạo thường kém tính chống bụi, dễ bị suy thoái. Mặt khác, các loài lai tạo có thể tạo ra nhu cầu thức ăn hoặc tác động khác có hại đến các loài đã có hoặc đối với con người.

• Đưa vào các hệ sinh thái tự nhiên các hợp chất nhân tạo mà sinh vật không có khả năng phân huỷ như các loại chất tổng hợp, dầu mỡ, thuốc trừ sâu, kim loại độc hại ...

Thực tế, thiên nhiên hầu khắp mọi nơi trên toàn cầu đã bị biến đổi đáng kể bởi những tác động từ con người và tác động trở lại từ thiên nhiên. Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của Diễn đàn chính sách - khoa học liên chính phủ về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), 75% diện tích mặt đất đã bị biến đổi đáng kể, 66% diện tích đại dương đang chịu tác động tích lũy ngày càng tăng và hơn 85% diện tích đất ngập nước đã bị mất đi. Đó là những con số khiến con người phải suy nghĩ và hành động để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên.

Nguồn tham khảo: 200 câu hỏi/đáp về môi trương

CT QLMT Nguồn: MTĐT - moitruongvadothi.vn

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/su-tac-dung-cua-con-nguoi-vao-tu-nhien-a64407.html