Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý có mối quan hệ thế nào?

1. Vi phạm pháp luật là gì? Dấu diệu của vi phạm pháp luật

Có thể hiểu, vi phạm pháp luật là hành vi làm trái luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện và xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ như: Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; lấn chiếm đất đai của người khác; sử dụng, tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy…

Việc xác định dấu hiệu của một hành vi vi phạm pháp luật có vai trò rất quan trọng bởi nếu không xác định rõ có thể nhầm lẫn với vi phạm đạo đức và các loại vi phạm khác. Theo đó, có thể xác định hành vi vi phạm pháp luật thông qua các dấu hiệu sau:

- Là hành vi trái pháp luật và gây nguy hiểm cho xã hội:

Đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt vi phạm pháp luật với vi phạm đạo đức, tập quán,… Đồng thời, các hành vi được xem là vi phạm pháp luật phải gây nguy hiểm cho xã hội và xâm phạm tới các quan hệ được pháp luật bảo vệ.

- Là hành vi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện:

Theo đó, nếu hành vi có tính chất trái pháp luật nhưng do chủ thể không có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện thì không bị coi là vi phạm pháp luật. Trong đó, năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng mà pháp luật quy định cho chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chủ thể là cá nhân sẽ có năng lực này khi đạt đến một độ tuổi nhất định và trí tuệ phát triển bình thường.

- Là hành vi có lỗi của chủ thể:

Để xác định vi phạm pháp luật cần xem xét tới yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi. Lỗi là yếu tố chủ quan thể hiện thái độ của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật. Nếu một hành vi trái pháp luật được thực hiện do những điều kiện hoàn cảnh khách quan, chủ thể thực hiện hành vi không cố ý và cũng không vô ý thực hiện hoặc không nhận thức được hành vi của mình có thể để lại hậu quả gì thì chủ thể đó không bị xem là có lỗi và hành vi đó không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.

- Xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ:

Các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ gồm:

+ Quan hệ nhân thân: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, chu cấp của cha mẹ với con cái; quan hệ hôn nhân gia đình,…

+ Quan hệ tài sản: Khi thực hiện các giao dịch mua bán, vay mượn,…

Hiện nay, vi phạm pháp luật được chia thành các loại:

- Vi phạm hành chính;

- Vi phạm dân sự;

- Vi phạm hình sự;

- Vi phạm kỷ luật.

Với mỗi loại vi phạm pháp luật khác nhau thì trách nhiệm pháp lý cũng được xác định khác nhau.

Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý
Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Trách nhiệm pháp lý là gì? Xác định trách nhiệm pháp lý ra sao?

Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi mà chủ thể pháp luật phải gánh chịu vì hành vi vi phạm pháp luật của mình (hoặc của người mà mình bảo lãnh hoặc giám hộ). Theo đó, không giống các loại hình trách nhiệm khác, trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với sự cưỡng chế nhà nước, các hình thức cưỡng chế này được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản luật.

Tương ứng với mỗi loại vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý cũng được xác định khác nhau, cụ thể:

- Trách nhiệm pháp lý hình sự: Là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất do Toà án áp dụng đối với người có hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Đây chính là việc áp dụng các chế tài hình sự như cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất, cải tạo không giam giữ, phạt tù,...

- Trách nhiệm pháp lý hành chính: Là loại trách nhiệm pháp lý do các cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng đối với những chủ thể vi phạm pháp luật hành chính. Đây chính là việc áp dụng chế tài hành chính, như hình thức cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu giấy phép…

- Trách nhiệm pháp lý dân sự: Là loại trách nhiệm pháp luật do Toà án hoặc các chủ thể khác áp dụng đối với những chủ thể vi phạm pháp luật dân sự. Đây chính là việc áp dụng chế tài dân sự, chủ yếu là bồi thường thiệt hại trong hoặc ngoài hợp đồng.

- Trách nhiệm pháp lý kỷ luật: là loại trách nhiệm pháp lý do thủ trưởng cơ quan, tổ chức của nhà nước áp dụng đối với cán bộ, công chức,... của cơ quan, tổ chức của mình khi họ vi phạm pháp luật như cách chức buộc thôi việc, hạ bậc lương,...

3. Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý có mối quan hệ thế nào?

Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cụ thể:

- Vi phạm pháp luật là tiền đề, cơ sở của việc truy cứu trách nhiệm pháp lí đối với các cá nhân, tổ chức. Ngược lại, trách nhiệm pháp lí là hậu quả của việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật chỉ phát sinh khi có sự việc vi phạm pháp luật.

- Trách nhiệm pháp lí được điều chỉnh trong phạm vi quan hệ pháp luật nhất định và được thực hiện bởi

hai chủ thể: Nhà nước và cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, để khẳng định một cá nhân, tổ chức có lỗi trong việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm pháp lí thì cần phải tuân thủ một trình tự đặc biệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền do luật định.

Trên đây là giải đáp về Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý. Nếu còn vướng mắc về các vấn đề liên quan, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/trach-nhiem-phap-ly-duoc-ap-dung-doi-voi-nguoi-vi-pham-phap-luat-nham-a64651.html