Kinh nghiệm tự học tiếng Anh

Nói về học tiếng Anh tôi có lẽ là một trong những người có nhiều bài học, vì đơn giản là tôi từng bị sai về cách dùng chữ và phát âm. Không phải sai một lần, mà là sai nhiều lần. Và, chúng ta học từ sai lầm. Cho đến nay tôi nghĩ mình đã có một số kinh nghiệm để chia sẻ cùng các bạn nào đang đau khổ vì học tiếng Anh.

Tiếng Anh ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ loại ngôn ngữ phổ quát. Đi đâu cũng thấy người ta dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhau. Không chỉ trong khoa học, ngoại giao, mà còn trong văn chương nữa, tiếng Anh gần như là một ngôn ngữ thống trị, là phương tiện để chúng ta gần lại với nhau. Nó còn là một phương tiện mở mang kiến thức và tiếp thu thông tin. Trong điều kiện kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam, biết tiếng Anh rất có ích vì không sẽ giúp tránh bị nhồi sọ và tẩy não.

Học tiếng Anh còn giúp cho chúng ta mở rộng kiến thức và hiểu các khái niệm trừu tượng dễ hơn. Nếu các bạn đọc sách về tử vi, Kinh Dịch tiếng Việt, các bạn sẽ thấy rất khó hiểu vì những danh từ phức tạp và khó hiểu. Nhưng nếu các bạn đọc những sách đó bằng tiếng Anh, tôi bảo đảm rằng các bạn sẽ … sáng ra. Tương tợ, tôi đi đến nhận xét rằng các khái niệm Phật học và sách Phật giáo bằng tiếng Việt sẽ dễ hiểu hơn nếu các bạn đọc bằng tiếng Anh. Chẳng hạn như chữ ‘vô thường’ từng làm tôi đau đầu một thời gian (vì không hiểu), nhưng khi đọc được sách tiếng Anh họ dịch là ‘impermanence’ là tôi hiểu được ý nghĩa căn bản của nó. Ngay cả các khái niệm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, sách tiếng Anh dễ hiểu hơn sách tiếng Việt. Do đó, học tiếng Anh và nắm vững tiếng Anh là một chìa khoá tri thức cho cá nhân các bạn. Tin tôi đi!

Nhưng tiếng Anh lại là một rào cản đối với nhiều người Việt. Theo một bảng xếp hạng về EF English Proficiency của nhóm Education First (Thụy Sĩ), Việt Nam đứng hạng 41 trên thế giới. Với thứ hạng này xếp Việt Nam vào nhóm trung bình trên thế giới. Riêng ở Á châu, Việt Nam vẫn còn sau Singapore, Phi Luật Tân, Mã Lai, Ấn Độ, Hồng Kong và Hàn Quốc, nhưng trên Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản và Tàu. Do đó, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Thật ra, từ ngày qua Úc đến nay, tôi chẳng bao giờ có dịp học tiếng Anh một cách bài bản trong trường lớp. Những ngày đầu mới đến hostel dành cho người di cư, tôi cũng được cho đi học một lớp tiếng Anh, nhưng là loại dành cho người đi xin việc. Lúc nào cũng “How are you today”, “I am fine, thank you”, “Where were you from?”, “How long have you been here?”, v.v. Chỉ đâu một tuần là tôi bỏ học, chịu không nổi với cách dạy như thế. Tôi bắt đầu tự học. Nói đúng ra, tôi bắt đầu tự học từ lúc còn trong trại tạm cư bên Thái Lan. Kinh nghiệm của tôi gói gọn trong 5 điểm: từ điển & trầm mình trong tiếng Anh, học từng chữ một, mạnh dạn nói, học từ báo chí & truyền thông, và đọc sách văn học.

1. Có một cuốn từ điển Anh - Anh, và một cuốn sách hướng dẫn sử dụng tiếng Anh

Kinh nghiệm học tiếng Anh của tôi là phải trầm mình trong thế giới tiếng Anh. Trong một thời gian dài, tôi không hề tiếp xúc với tiếng Việt, không đọc báo tiếng Việt, không đọc sách tiếng Việt (thời đó cũng chẳng có mà đọc!), không nghe đài tiếng Việt (cho đến bây giờ tôi vẫn không nghe đài phát thanh tiếng Việt ở đây). Thay vào đó, thả mình trong thế giới tiếng Anh, với sách báo, radio, và tivi. Cần mở ngoặc thêm để nói là thời đó thì dễ, còn bây giờ thì chắc khó, do có internet làm sao lãng việc học.

Phải có một cuốn từ điển tốt để học tiếng Anh. Quên đi những từ điển Anh - Việt, hay tệ hơn nữa là Việt - Anh! Tìm một cuốn từ điển Anh - Anh. Một từ điển tốt có thể ví như kinh thánh! Thời còn ở trại tị nạn, tôi may mắn tiếp xúc cuốn từ điển LONGMAN, và tôi thích cuốn này ngay từ ngày đầu. Hình như cuốn này được soạn cho người nước ngoài (tức không dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ). Từ điển giải thích thật rõ ràng về ý nghĩa của chữ, cách dùng như thế nào, và cách phát âm. Thời đó, rất hiếm có một cuốn từ điển nào đầy đủ và thực tế như Longman. Sau này khi sang Úc và cho đến nay tôi vẫn dùng Longman làm từ điển.

Tôi nghiệm ra một điều là cách sử dụng tiếng Anh cho đúng còn quan trọng hơn cả văn phạm tiếng Anh. Cũng trong thời còn ở trong trại tị nạn Thái Lan tôi may mắn tiếp xúc với cuốn Practical English Usage của Michael Swan, đúng là cuốn sách gối đầu giường của tôi. Thoạt đầu tôi chỉ đọc để nhập tâm, nhưng sau này tôi thấy như vậy chưa khá, phải viết xuống. Viết xuống bằng tiếng Việt. Sau vài tháng tôi phát hiện quyển vở của mình đã trở thành một bản dịch của cuốn sách mình học! Bài học ở đây là cách học hay nhất là mình phải viết xuống những gì mình học (chứ đọc hay nhập tâm vẫn chưa đủ), và nếu cần dịch sang tiếng Việt.

2. Mỗi ngày học một chữ, và học từ gốc

Mỗi ngày, cố gắng học một chữ tiếng Anh. Nhưng phải học cẩn thận và học cho hết chữ đó. Tôi muốn nói đến ngoài việc học để biết nghĩa của chữ đó, còn phải học (a) nguồn gốc của chữ này đến từ đâu; (b) những biến thể tính từ, động từ, danh từ của chữ; và (c) cách sử dụng như thế nào. Chẳng hạn như học chữ produce (động từ và danh từ), cần phải học thêm những biến thể như production, product, productive, v.v. phải học cho thật kĩ và biết tận ngọn ngành của chữ.

Từ điển Longman rất có ích cho việc học này. Từ điển Longman có chỉ cách phát âm, những chữ có cùng nghĩa hay phản nghĩa, và xuất xứ của chữ. Học được xuất xứ của chữ nó mở rộng kiến thức cho chúng ta. Chẳng hạn như xuất xứ của chữ ‘produce’ là từ tiếng Latin, ‘ producere‘, và chữ này thì có nghĩa là ‘forward‘ và ‘to lead‘. Thật thú vị! Do đó, nói là học một chữ một ngày, nhưng thật ra là có khi học được 10 chữ. Cách học này rất tốt, vì nó giúp cho chúng ta có căn bản tốt và biết chữ từ gốc chứ không phải từ ngọn. Biết cái gì từ gốc vẫn hay hơn biết từ ngọn.

Ngữ vựng cực kì quan trọng. Theo tôi, có một kho tàng ngữ vựng tốt còn có giá trị hơn là am hiểu cú pháp và văn phạm. Thời gian chúng ta có thể tiếp thu ngữ vựng có hạn, còn thời gian chúng ta học văn phạm thì không giới hạn. Theo một nghiên cứu, số chữ cần thiết để học tiếng Anh được phân chia như sau:

Do đó, tranh thủ mọi cơ hội để học ngữ vựng.

3. Mạnh dạn nói

Học tiếng Anh là phải học nói. Mà, phát âm tiếng Anh không hề đơn giản. Một chữ có thể đọc hai cách khác nhau. Ví dụ như chữ ‘produce’ nếu là động từ thì phát âm khác với chữ ‘produce’ là danh từ!

Tôi nhớ vài kinh nghiệm với phi hành đoàn Vietnam Airlines về địa danh “Kingsford Smith Airport“. Pilot và chiêu đãi viên VNA có thói quen đọc sai tên của phi trường là “King-sờ-fo Sờ-mit”. Lúc tôi mới đến đây, tôi cũng đọc như thế. Nhưng cách phát âm đó sai. Xe “Ford” thì đọc nhanh là “Fo”, nhưng từ điển “Oxford” thì lại đọc là “Oz-fớd”. Tương tự chữ “Kingsford” đọc đúng phải là ” Kingz-fớd”.

Rất nhiều người Việt cho dù ở Úc mấy mươi năm đọc sai tên người Úc gốc Anh. Những cái tên dễ đọc lầm là Cohen, Murray, Imogen, Lachlan, Cian, Joaquin, Nigel, v.v. Chẳng hạn như tên “Murray”, người không có kinh nghiệm đọc là “Ma-rây”. Sai. Phải đọc là “Mơ-ri”.

Một trong những điểm yếu của người Việt là chúng ta phát âm không tốt, từ đó dẫn đến ngại nói chuyện, vì sợ người đối diện không hiểu. Cá nhân tôi cũng trải qua kinh nghiệm này khi còn làm trong nhà bếp. Những ngày đó, tôi rất yếu về tiếng Anh và nói nhiều khi chẳng ai hiểu, nên cứ mỗi lần có điện thoại reo là tôi rất … sợ. Sợ trả lời vì mình nói mà bên kia không hiểu thì rất phiền phức cho công việc. Nhưng anh bạn làm chung biết điểm yếu đó và muốn giúp tôi, nên cứ mỗi lần điện thoại reo, anh ta chỉ tôi phải nghe và trả lời điện thoại. Ấy thế mà vài lần tôi quen, quen với những câu chữ mình phải/nên nói khi bắt điện thoại, quen với phát âm, quen với chữ trong nghề (lúc nào cũng học ngữ vựng), và quen với cách nhấn giọng, v.v. Từ quen tôi trở thành tự tin hồi nào không hay! Do đó, bài học tiếng Anh có hiệu quả là phải mạnh dạn nói. Nói sai thì sửa. Nói người ta không hiểu thì nói lại. Nói chữ nào người ta không rõ thì mình đánh vần cho họ hiểu.

Tôi cũng phải mở ngoặc để chia sẻ một kinh nghiệm lí thú ở đây về chuyện phát âm. Có một số người ngoại quốc, vì lí do nào đó (có thể muốn trêu chọc hoặc muốn làm nhục) nên giả bộ họ không hiểu mình nói. Cách họ làm thường là “I beg your pardon” 2,3 lần, hoặc nghễnh tai làm như họ không nghe hay nghe mà không hiểu. Tôi có quá nhiều kinh nghiệm, nên chỉ cần nhìn qua là biết người không hiểu thật là là người muốn hạ nhục. Họ đặc biệt thích làm điều đó (hạ nhục / trêu chọc) với các nạn nhân người Á châu. Nếu chúng ta tự tin rằng chúng ta nói rõ mà họ làm điều đó, thì chúng ta có thể nói thẳng cho họ biết “đừng chơi trò với tao”. Tôi đã làm vài lần với vài người. Có một lần một anh người Úc, hắn cứ đưa cái tai gần tôi làm như anh ta không hiểu tôi nói gì; cách tôi phản ứng là tôi thản nhiên ghé vào tai hắn và nói thật lớn để mọi người chung quanh nghe: “Tôi nói cho hàng trăm, hàng ngàn người, và họ hiểu & ghi chép những gì tôi nói. Vậy thì anh đừng có giả bộ không hiểu nhé. Cái trò này xưa lắm!” Một lần khác trong hội nghị, tôi cũng bị một người giả bộ “I beg your pardon” 2 lần dù tôi đã giải thích khá rõ và ban chủ toạ cũng đồng ý, nhưng đến lần thứ hai thì tôi mất kiên nhẫn và có phản ứng: “cả hội trường này gần 1000 người, ai cũng hiểu tôi nói, những thuật ngữ tôi dùng ai trong ngành đều biết, vậy mà ông không hiểu và không biết, tôi nghĩ đó là vấn đề của ông chứ không phải vấn đề của tôi.” Đừng bao giờ tỏ ra “dưới cơ” khi đối đầu với những kẻ muốn gây chuyện như thế.

4. Học từ báo chí và truyền thông

Báo chí và truyền thông là phương tiện rất có ích để học phát âm. Thời 1980s, dĩ nhiên là chưa có internet, nên mỗi ngày tôi phải mua tờ nhật báo Sydney Morning Herald về, và đọc những bản tin chính. Đó là một tờ báo cực kì nổi tiếng và hay. Chắc chắn không bằng tờ New York Times, nhưng phong phú thì chẳng kém gì Los Angeles Times. Thông thường, mỗi bản tin thời sự, họ có dùng một vài chữ “mới” (mới với tôi), hay những chữ mang tính địa phương. Dĩ nhiên, tôi chưa đủ trình độ để hiểu hết nội dung bản tin, nhưng mò mẩm bằng từ điển thì cũng nắm được những bản tin chính.

Chẳng hạn như có lần báo chí nói đến thái độ của đương kim thủ tướng lúc đó (Paul Keating) là recalcitrant. Tôi chẳng hiểu chữ này có nghĩa gì đến khi truy trong từ điển Longman. Nhưng mỗi ngày “khám phá” được một chữ mới như thế làm cho mình có lí do để vui sống và học tập.

Điều quan trọng là biết phát âm những chữ mới, và tôi phải đợi đến buổi chiều, bậc tivi để nghe người đọc tin, và học cách phát âm từ họ. Ở Úc (và nơi khác chắc cũng vậy), các bản tin chính in trên mặt báo thường được các đài truyền hình phát lại trong bản tin buổi tối của họ. Mặc dù họ không dùng những chữ giống như trên mặt báo, nhưng cách họ phát âm tên của nhân vật, những danh từ quan trọng trong câu chuyện, hay những chữ mà tôi rõ nghĩa nhưng không rõ cách phát âm, tôi đều học qua bản tin này. Có lần tôi không biết đọc chữ allowance ra sao, thì may quá, buổi chiều có tranh cãi về vụ này nên tôi mới biết cách phát âm. Học từ báo chí và tivi phải nói là rất có ích.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là đọc tin, mà học cách viết trong các bài chính luận. Những tay bỉnh bút viết chính luận thường là bậc thầy về tiếng Anh. Họ rất giỏi về viết và từ ngữ. Không chữ nào họ dùng trong bài viết là thừa. Có những người kì cựu như Alan Ramsey thì mỗi bài viết là mỗi bài học tuyệt vời cho tôi. Tôi học cách cấu trúc câu văn, dùng chữ cho tốt, và tinh tế. Sau này, khi hướng dẫn các bạn thế hệ sau về cách viết bài báo khoa học tôi vẫn lấy ví dụ của Alan Ramsey ra làm ví dụ.

Sau này, tôi còn học thêm một người khác về kĩ năng tiếng Anh: người đó là Samuel P. Huntington. Ông là một giáo sư chính trị học nổi tiếng của Mĩ. Nhưng ngoài chuyên môn đó, ông là một người viết văn tuyệt vời. Các bạn nếu có dịp nên tìm đọc những bài luận văn của ông ấy, và sẽ thấy từ cấu trúc ý tưởng, đến triển khai bằng tiếng Anh, tất cả đều xảy ra một cách logic. Quan trọng hơn là ông dùng chữ chính xác, những câu văn trong đoạn văn ăn khớp với nhau một cách nhịp nhàng, không chê vào đâu được. Tôi thấy mỗi bài luận văn của ông là mỗi bài học mới về viết bằng tiếng Anh.

5. Đọc sách văn học

Sau này, tôi phát hiện rằng để trao dồi tiếng Anh cho tốt, cần phải đọc sách văn học. Nhấn mạnh là sách văn học, chứ không phải tiểu thuyết vớ vẩn mà các nhà sách ở Việt Nam bày bán đầy kệ sách. Ngày xưa, tôi thích đọc truyện của Ernest Hemingway (Giải Nobel Văn Học 1954), và hai cuốn sách làm tôi mê mẩn là “The Old Man and the Sea” (Ông già và biển cả) và “For Whom the Bell Tolls” (Chuông gọi hồn ai). Hai cuốn này tương đối mỏng, nhưng những chữ ông dùng và cách cấu trúc câu văn phải nói là tuyệt vời, đáng để học.

Mới đây tôi đọc cuốn “The Refugee” của Nguyễn Thanh Việt, và học được vài điều từ cuốn tiểu thuyết. Đọc sách tiếng Anh của các tác giả gốc Việt giúp cho chúng ta học thêm những danh từ liên quan đến văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn như để mô tả cái bàn thờ cho người phương Tây, có khi chúng ta lúng túng không biết dùng chữ gì cho đúng, nhưng các tác phẩm liên quan đến hay của tác giả gốc Việt thì chúng ta học được từ cũ mà ý nghĩa mới rất thích hợp. Đọc sách văn học, chúng ta học cái ‘wisdom’ của tác giả mà không phải ai cũng có. Chẳng hạn như đọc sách của Nguyễn Thanh Việt tôi rất tâm đắc với ý niệm rằng tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức (“All wars are fought twice: the first time on the battlefields, the second time in memory“). Hay như câu “Tàn sát là vũ khí của kẻ mạnh. Chết là vũ khí của kẻ yếu. Không phải kẻ yếu không có khả năng tàn sát; cái sức mạnh lớn nhất của kẻ yếu là ở sự sẵn sàng chết nhiều hơn kẻ mạnh.”

Đọc sách văn học còn là dịp để thấy sự khác biệt giữa văn chương khoa học và văn chương văn học. Văn chương khoa học có khi rất cứng nhắc, khô khan, nhưng văn chương tiểu thuyết thì bóng bẩy và hình tượng. Học tiếng Anh từ những từ ngữ bóng bẩy và hình tượng là cách làm giàu ngữ vựng tiếng Anh rất tốt. Chẳng hạn như để mô tả Little Sài Gòn, người làm khoa học sẽ dùng những câu chữ đơn giản (khoa học là phải đơn giản mà), nhưng với nhà văn thì họ sẽ mô tả đó là những công trình kí ức chiến lược hay là hiện thân của giấc mơ Mĩ ở người Việt di cư. Chúng ta học từ những cânhanh sẽ làm giàu ngữ vựng rất nhanh như thế.

***

Những kinh nghiệm trên, dĩ nhiên, chỉ áp dụng cho những người mới học tiếng Anh. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là học phải có cuốn sổ ghi chép. Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ đọc và nhập tâm là đủ. Đừng bao giờ nghĩ như thế! Tôi nghiệm ra là học là phải có sờ, phải viết xuống, phải có “hành động” thì mới có hiệu quả. Sờ con chữ có nghĩa là lấy bút màu tô đậm những chỗ mình thích. Viết xuống để mình nhớ, để có cảm nhận trực tiếp. Nếu chỉ đọc một qui định văn phạm thì chưa đủ, mà phải viết xuống thì mới dễ nhớ. Viết có hiệu quả rất tuyệt vời trong cảm nhận mà có khi chúng ta không để ý.

Nguyên tắc học hành là phải có thành quả. Mỗi ngày phải học được một cái gì mới, hoặc là một chữ mới, hoặc là một câu văn hay, hoặc là một luật văn phạm, v.v. nhưng phải có một cái mới. Học mà không có cái mới thì rất dễ chán. Do đó, phải tự đặt mục tiêu có thành quả mỗi ngày như tôi vừa nói.

Trên đây là vài kinh nghiệm cá nhân về tự học tiếng Anh của tôi. Mỗi người có vài kinh nghiệm, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân. Nếu tập hợp nhiều kinh nghiệm và phân loại tôi nghĩ sẽ giúp ích rất nhiều người. Nói ví von một chút, tiếng Anh là một chìa khoá quan trọng để mở cánh cửa tri thức. Do đó, trang bị cho mình một số kĩ năng quan trọng về tiếng Anh là một lợi thế vô cùng quan trọng khi tiếp xúc với người nước ngoài. Hi vọng những kinh nghiệm này có thể giúp ích các bạn đôi ba điều trong việc tự học tiếng Anh.

Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/kinh-nghiem-hoc-tieng-anh-a64673.html