Trước đây nông nghiệp Nhật Bản rất lạc hậu và không khác ở Việt Nam nhiều. Tuy nhiên, nhờ sự ứng dụng công nghệ hiện đại vào công cuộc cải cách nông nghiệp, ngành nông nghiệp Nhật Bản đã từng bước phát triển và thúc đẩy nền kinh tế của đất nước. Hiện nay Nhật Bản thu hút rất nhiều người lao động tại các nước khác đến làm việc. Nhật Bản có tổng dân số năm 2021 là 125,5 triệu người, đứng thứ 11 thế giới. Trong đó số dân sống ở vùng nông thôn chỉ có 10,2 triệu người, giảm 1,49 % so với năm 2020. Mặc dù ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 1,0 % tổng GDP năm 2020 của cả nước với khoảng 2 triệu lao động trong lĩnh vực nông lâm ngư, thủy sản (chiếm 1,6 % dân số) nhưng năm 2021 chính phủ Nhật Bản vẫn chi tới hơn 50 tỷ USD để hỗ trợ nền nông nghiệp phát triển. Trong khi đó, Việt Nam có đến 60,8 triệu dân sống ở vùng nông thôn (chiếm 61,7 % tổng dân số) với 14,3 triệu lao động trong lĩnh vực nông lâm ngư, thủy sản. Ngành nông nghiệp đóng góp 12,6 % cho GDP của cả nước năm 2021 nhưng sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam cho ngành nông nghiệp còn tương đối thấp, chỉ khoảng 500 triệu USD (ít hơn hơn 100 lần so với Nhật Bản).
Để phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững, Nhật Bản đề ra mục tiêu đến năm 2030 tăng 30 % công suất của các nhà máy sản xuất thực phẩm thông qua tự động hóa, đồng thời tìm nguồn cung ứng nguyên liệu nhập khẩu bền vững cho ngành sản xuất thực phẩm nước này. Nhật Bản đã đặt ra kế hoạch giảm lượng khí thải carbon xuống 0 vào năm 2050, và chuẩn bị tới 1 nghìn tỷ USD để đạt được mục tiêu này. Đồng thời tiếp tục giảm 50 % tổng lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp và phấn đấu tăng diện tích canh tác hữu cơ lên 1 triệu ha vào năm 2050. Các biện pháp khác được áp dụng tại Nhật Bản là tăng cường nông nghiệp kỹ thuật số nhằm tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng nước và phân bón. Tăng cường đào tạo và tạo cơ hội việc làm cho nông dân trẻ từ các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Nepal và Philippines từ sau năm 2015 đến nay. Nhật Bản có hệ thống nghiên cứu khoa học từ trung ương đến địa phương, hàng năm đưa những công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân và các công ty sản xuất nông nghiệp.
Việt Nam đã đề xuất mục tiêu tương tự nhưng chưa chuẩn bị các bước thủ tục chi tiết, công nghệ, tài chính để thực hiện các mục tiêu này và cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nước phát triển trong tiến trình trung hòa carbon. Hệ thống nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thiếu sự hỗ trợ đáng kể của nhà nước và các công nghệ cần thiết để chế biến sâu và nâng cao giá trị nông sản. Những hạn chế hiện nay của nông nghiệp Việt Nam được chỉ ra như:
- Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 44 tỷ USD nông, lâm, thủy sản nhưng phần lớn là nguyên liệu thô và chưa tạo dựng được thương hiệu. Chẳng hạn, giá gạo xuất khẩu trung bình chỉ ở mức 500 USD/tấn, thậm chí còn thấp hơn giá thị trường trong nước. Nhiều công ty xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam chủ yếu mua gạo từ các trung tâm xay xát nhỏ rồi xuất khẩu kiếm lời. Máy xay xát cơ bản chỉ sử dụng máy của Trung Quốc hoặc của một số doanh nghiệp Việt Nam mà phần lớn là công nghệ lạc hậu từ nhiều năm trước. Một số hãng máy nông nghiệp nổi tiếng của Nhật Bản trên thế giới chưa thành công ở Việt Nam (dù đã thành công rực rỡ ở Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc…). Một trong các nguyên nhân là Việt Nam chưa chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ để sản xuất nông sản có giá trị cao. Ví dụ, gạo làm sushi xuất khẩu sang châu Âu có thể mang về hơn 1.250 USD/tấn nhưng bị từ chối vì được chế biến bằng công nghệ xay xát lạc hậu.
- Việt Nam hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Nông dân vẫn chưa biết cách bán sản phẩm trực tiếp ra thị trường mà chủ yếu qua thương lái trung gian.
- Khâu chế biến và bảo quản thực phẩm còn yếu.
- Thiếu nghiên cứu và nhà khoa học để cung cấp công nghệ và giống mới cho nông dân. Việt Nam có thể đưa ra thị trường hàng trăm loại gạo mỗi năm nhưng hầu hết đều không có nguồn gốc rõ ràng. Mặc dù chính phủ có nhiều luật và chính sách liên quan đến bản quyền hoặc bằng sáng chế nhưng việc thực thi vẫn chưa triệt để. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ngần ngại đầu tư vào ngành giống cây trồng tại Việt Nam vì bản quyền chưa được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy, nhiều giống hoa, dưa… có nguồn gốc từ Nhật Bản được đưa vào Việt Nam thực chất là giống cũ, chất lượng không cao. Đầu tư sản xuất giống tại Việt Nam từ các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang gặp nhiều khó khăn.
- Tốc độ đổi mới công nghệ và kinh doanh ở Việt Nam chậm khiến Việt Nam dần mất đi lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản cũng như trên thị trường nội địa. Việc Trung Quốc tự trồng thanh long ruột đỏ đã khiến sản lượng xuất khẩu của Việt Nam giảm khoảng 50 % trong năm 2022. Một số giống sầu riêng từ Philippines xuất sang Trung Quốc có giá cao gấp 4 lần sầu riêng Việt Nam.
- Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam mặc dù tăng nhanh, với hơn 74.540 ha vào năm 2021 so với 43.007 ha năm 2014 và là một trong 10 quốc gia có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất châu Á, tuy nhiên diện tích này mới chiếm chưa đến 1 % tổng diện tích đất nông nghiệp.
Nhật Bản hiện đứng thứ ba trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 8 năm 2023, Nhật Bản đang đầu tư vào 5.168 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 71 tỷ USD. Kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản là hết sức ý nghĩa đối với việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam, 2023). Việt Nam có thể học hỏi Nhật Bản để xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững cho tương lai. Một số đề xuất đưa ra cho Việt Nam như:
- Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trong đó có bảo hiểm nông nghiệp.
- Tăng cường chế biến, bảo quản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, điển hình như công nghệ xay xát gạo áp dụng chất lượng Satake (chiếm 70 % tỷ lệ xay xát gạo ở châu Á và 99 % ở Bắc Mỹ).
- Mở rộng thêm thị trường xuất khẩu có giá trị nông sản cao hơn để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam chưa tìm hiểu sâu về thị trường nông sản và nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật Bản. Chẳng hạn, nỗ lực quảng cáo xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Nhật Bản là không thực tế vì Nhật Bản sản xuất trên 10 triệu tấn gạo mỗi năm, dư thừa và người Nhật cũng không quen sử dụng gạo hạt dài của Việt Nam. Hay Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, trong khi người Nhật về cơ bản không quen ăn nhiều vải như người Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận rất thấp do phải trải qua nhiều công đoạn chế biến. Những nghiên cứu cơ bản như điều chỉnh thời vụ thu hoạch vải để chín sớm hơn hoặc muộn hơn 1 tháng so với vụ chính ít được quan tâm. Vì vậy Việt Nam cần tăng cường hơn nữa nghiên cứu thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản, bán thứ người Nhật cần chứ không phải thứ Việt Nam cần xuất khẩu.
- Tiếp tục tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trong 5 năm gần đây, tính đến năm 2022, Nhật Bản có 32.000 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trong nước (tăng trên 30%), với mục tiêu Nhật Bản tăng khả năng tự cung tự cấp. Vì vậy Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Nhật Bản hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp, nếu không sẽ khó giành được lợi thế ở thị trường Nhật Bản.
(Theo GS.TS. Trần Đăng Xuân, ĐH Hiroshima, Nhật Bản)
Phan Thị Thủy
Nhóm NCM Nông nghiệp sinh thái
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/nong-nghiep-cua-nhat-ban-a64846.html