Phố Nguyễn Khuyến dài 532m, rộng 7m.
Đây nguyên là đất thôn Văn Mặc và Thanh Ngô thuộc tổng Hữu nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Văn Mặc đổi ra là Văn Tân (do hợp nhất với Đỉnh Tân) và thôn Thanh Ngô nhập với thôn Thục Miến, thành thôn Thanh Miến. Lúc này tổng Hữu Nghiêm cũng đã đổi ra là tổng An Hòa.
Nay số nhà 82 phố này là đình thôn Văn Tân cũ, nhưng ngôi chùa Ngọc Hồ ở số nhà 128 mới là một di tích cổ. Với truyền thuyết vua Lê Thánh Tông gặp tiên và đã được bà Đoàn Thị Điểm đưa vào truyện “Bích Câu kỳ ngộ”.
Như vậy thì ít ra là vào thời bà Điểm sống tức nửa đầu thế kỷ XVIII, đã có chùa Ngọc Hồ và vẫn còn cả lầu Vọng Tiên nữa.
Còn về nguồn gốc tên gọi Ngọc Hồ thì “Thăng Logn cổ tích khảo” kể rằng chùa này xưa làm trên một cái gò cao giống hình một cái hồ rượu (một loại bình đưng rượu). Đành rằng ở ngay cửa tam quan, có môt cái giếng nước rất trong mà trước đây khi chưa có nước máy, dân quanh vùng vẫn tới giếng chùa này quảy nước, nhưng không vì thế mà hiểu Ngọc hồ là “Hồ nước trong như ngọc” được. Cụ thể là ngày nay trên cổng chùa có ba chữ “Ngọc Hồ tự” với chữ hô có nghĩa là bình rượu.
Thời Pháp thuộc đây là phố Sinh Từ, vì trong ngõ Hàng Đũa (nay là phố Ngô Sĩ Liên) có đền Sinh Từ tức đền thờ sống tên Việt gian Nguyễn Hữu Độ là Kinh lược sứ Bắc Kỳ đầu tiên, làm tay sai cho Pháp.
Sau cách mạng, đổi tên là phố Bùi Huy Bích. Thời tạm chiếm, lấy lại tên cũ là Sinh Từ. Từ tháng 6/1964, ta đã thay bằng tên hiện nay.
Nay thuộc phường Văn Miếu, quận Đống Đa.
Phố Nguyễn Khuyến còn một địa điểm đáng nhớ. Đó là số nhà 123, trong thời tạm chiếm (1947-1954) đã là trụ sở bí mật của Quận ủy nội thành.
Nguyễn Khuyến (1835-1909), hiệu Quế Sơn người làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, nay thuộc tỉnh Nam Hà. Ông xuất thân nhà nho nghèo, năm 1864 đỗ giải nguyên, bảy năm sau (1871) đỗ Hội nguyên và Đình nguyên nên thường được gọi là Tam nguyên Yên Đổ.
Ông làm quan ở nhiều nơi, tới năm 1883, khi thực dân Pháp đã chiếm Bắc Kỳ, Nguyễn Hữu Độ - Kinh lược sứ Bắc Kỳ - đã cử ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, nhưng ông lấy cớ đau mắt, cáo quan về nhà không chịu cộng tác với Pháp.
Ông để lại nhiều thơ văn (Hán và Nôm), tập hợp lại trong “Quế Sơn thi văn tập”. Nguyễn Khuyến cùng với Tú Xương là hai nhà thơ nổi tiếng của dòng văn học hiện thực trào phúng trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Link nội dung: https://studyenglish.edu.vn/index.php/pho-sinh-tu-a64997.html